Khánh Sơn: Khôi phục vùng nguyên liệu mây

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Những năm trước đây diện tích cây mây tự nhiên ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa là rất lớn.


Chúng chủ yếu mọc ở vùng rừng núi và ven đồi. Mây là cây có giá trị kinh tế cao vì chúng được dùng làm nguyên liệu để sản xuất mây tre đan xuất khẩu và cả làm nguyên liệu giấy. Vì vậy trong một thời gian ngắn mà diện tích mây tự nhiên ở đây đã gần như cạn kiệt do tình trạng khai thác ồ ạt không tổ chức. Đứng trước thực trạng đó, để phục hồi lại vùng nguyên liệu mây, UBND huyện Khánh Sơn đã đưa ra giải pháp đưa cây mây nếp vào trồng. Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng NN&PTNT Khánh Sơn cho biết: Trước đây tỉnh Khánh Hòa đã thành công trong việc trồng thử nghiệm cây mây nếp, số cây đã trồng sinh trưởng và phát triển tốt.


may.jpg



Đây là giống mây lai K83 (mây ruột gà) rất lành tính và dễ trồng, có đặc điểm từ gốc đến ngọn suôn đều, ruột trắng nên được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ… ưa chuộng. Hiện trên thế giới chỉ có 6 nước trong khu vực Đông Nam Á thích hợp với việc trồng loại mây này. Với hàng trăm ha cây keo là một lợi thế để Khánh Sơn trồng xen lẫn cây mây nếp. Đầu năm 2008, huyện Khánh Sơn đã đưa 200.000 cây mây nếp vào trồng xen trong những rừng keo với mật độ khoảng 1.600 cây keo/50 ngàn cây mây/ha… Và địa phương đang tiếp tục triển khai trồng cây mây nếp trong những khu rừng, nơi đồi dốc dưới 12o và những nơi diện tích manh mún, khó canh tác nông nghiệp.


Trong thời gian đầu, cây mây nếp sẽ không cần chăm sóc nhưng cây vẫn đẻ nhánh nhiều. Từ khi trồng đến 30 tháng, mây nếp sẽ cho thu hoạch đợt 1, 10 tháng tiếp theo cho thu hoạch đợt 2 sẽ thu hồi được vốn và thời gian sinh lời là hơn 20 năm. Chi phí đầu tư trồng mây nếp từ 12 - 15 triệu đồng/ha, mỗi héc-ta mây nếp cho thu hoạch 50 - 70 triệu đồng/năm. Để khuyến khích người dân tham gia trồng và từ bỏ thói quen khai thác mây tự nhiên, huyện đã có chính sách hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng từ ngân sách huyện cho 1 sào mây nếp nên đã khuyến khích được rất nhiều hộ tham gia trồng. Phòng NN&PTNT huyện còn chủ động mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như những ích lợi mà cây mây nếp sẽ đem đến cho người dân. Sau gần 2 năm thực hiện đến nay tổng diện tích mây nếp trên địa bàn huyện là gần 20 ha và trong những năm tới còn tăng hơn nữa do có nhiều hộ nông dân đã chủ động xin đăng ký với huyện để trồng mây nếp.


Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi đến nhà ông Nha, một trong những đồng bào đầu tiên tham gia trồng xen mây trong hơn 1 ha keo của gia đình, ông cho biết: Loại mây này có nhiều ưu điểm hơn so với cây mây tự nhiên. Chúng có độ dai, dẻo, đặc biệt sợi có màu trắng ngà và bền hơn so với mây tự nhiên. Cây mây nếp có thể vừa trồng làm hàng rào vừa cho thu hoạch mà không ảnh hưởng đến không gian sinh trưởng của các loại cây trồng khác, vừa ngăn cản không cho trâu bò vào phá cây.


Cây mây nếp đã và đang bắt đầu được trồng trên đất Khánh Sơn, không những góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn mang lại hiệu quả cao cho người dân ở đây. Với những triển vọng về thị trường, tin rằng mục tiêu giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương sẽ đạt hiệu quả cao; góp phần khôi phục lại vùng nguyên liệu đã cạn kiệt ở Khánh Sơn.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top