Kinh nghiệm trồng lúa cao sản trên vuông tôm quản canh cải tiến đạt năng suất cao

  • Thread starter chosach
  • Ngày gửi
- Các xã Tiểu vùng II và Tiểu vùng III của huyện Thạnh Phú. Trước đây do thu nhập khá cao bằng nghề nuôi trồng thủy sản, nên hầu hết cuộc sống sinh hoạt của bà con nông dân ở các xã này phụ thuộc vào công việc nuôi tôm. Thời vụ nuôi vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, 1-2 vụ/năm, từ việc nuôi quản canh - quản canh cải tiến đến nuôi công nghiệp.

- Vào mùa mưa, nông dân thường khai thác nguồn tôm thiên nhiên, một số ít bà con có trồng lúa chủ yếu cấy giống mùa địa phương, để tăng thêm nguồn thu nhập, nhưng năng suất không cao. Trong những năm gần đây, thấy được tiềm năng từ việc trồng lúa cao sản (chủ yếu giống lúa trung vụ) trên vuông nuôi tôm quản canh, quản canh cải tiến vào mùa mưa, khi nước đã ngọt hoàn toàn. Tuy nhiên bà con nông dân chưa có kinh nghiệm gieo trồng các giống lúa cao sản này nên thường gặp một số vấn đề khó khăn trong canh tác, năng suất thường không ổn định. Nông dân thường thấy cây lúa có hiện tượng vàng chót lá, lúa chậm phát triển, một số diện tích lúa chết dần khi cây lúa vào giai đoạn đẻ nhánh (từ 20 ngày tuổi trở đi), cho nên năng suất bị ảnh hưởng.

* Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là:

- Trong việc cải tạo vuông nuôi tôm quản canh cải tiến, bà con thường hạ thấp mặt đất ruộng trong vuông (lấy đi tầng canh tác) khoảng 20cm, nhằm tăng diện tích mặt nước ao nuôi, để con tôm có điều kiện lớn nhanh. Việc làm này đã tạo điều kiện cho tầng sinh phèn phát triển mạnh, đến khi gieo cấy sẽ làm cho cây lúa do ngộ độc phèn, ảnh hưởng về năng suất.

- Song song đó, việc cung cấp thức ăn cho tôm trong quá trình nuôi trên vuông quản canh hay quản canh cải tiến, xác vỏ tôm và phân tôm thải ra trong điều kiện môi trường yếm khí, sẽ sinh ra axit độc cho bộ rễ cây lúa sau này, bà con quan sát thấy cây lúa phát triển chậm, rễ lúa bị đen và có mùi thối, nếu bị nặng cây lúa sẽ chết dần, đó là hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm cùng bà con trồng lúa cao sản trong vuông nuôi tôm như sau:

- Sau khi thu hoạch vụ nuôi tôm, bà con nên cho nước ra vào thường xuyên để rửa phèn, mặn và san bằng mặt ruộng, vệ sinh cỏ dại xung quanh bờ vuông.

- Những ruộng vuông lầy thục, nên tháo khô mặt ruộng khoảng 10-15 ngày để tạo điều kiện đất trao đổi không khí và mặt đất được thông thoáng hơn. Cần bón thêm phân vôi (CaCO3) với liều lượng 30 – 50 kg/1.000m2.

- Trước khi cấy sạ bà con nên phân rò (lô) rộng 4-5m, đánh mương phèn khoảng một lưỡi cuốc theo chiều dài của đất. Tạo sự thoát phèn dễ và nhanh hơn khi gặp những điều kiện bất lợi (nắng hạn kéo dài).

- Chọn một số giống cao sản (cao sản trung vụ, cao sản ngắng ngày) có đặc tính thích nghi vùng đất nhiễm phèn và mặn. Qua theo dõi thấy một số giống lúa cao sản phù hợp với điều kiện tại địa phương như: OM 4900, OM 6162, OM 1348, OM 1350, OM 1352, OM 2496.

- Mật độ gieo sạ: gieo sạ với mật độ vừa phải (giống lúa CS ngắn ngày mật độ sạ từ 10-12 kg giống/1.000m2, giống lúa trung vụ mật độ sạ từ 7-8 kg giống/1.000m2). Nếu canh tác giống lúa trung vụ bằng cách gieo mạ cấy thì tuổi mạ tốt nhất là 25-28 ngày tuổi.

- Phân bón: do canh tác trên vuông nuôi tôm 1 vụ/năm, độ màu mỡ trong đất rất tốt nên việc bón phân cho lúa rất thấp so với vùng 2 vụ/năm, bón phân phải cân đối (N-P-K) và hợp lý (số lần bón) và nên dựa vào nguyên tắc 3 nhìn (nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây) để bón.

Qua theo dõi sự sinh trưởng, phát triển và khảo sát lượng phân bón hàng năm tại địa phương, cây lúa cho năng suất từ 4,5 – 5,5 tấn/ha, nhận thấy lượng phân bón tương đối hợp lý cho 1.000m2 như sau: 8-15kg Ure + 30-50kg Super Lân + 40-60kg Kali (chú ý những ruộng nhiễm phèn nặng nên bón thêm vôi như nói ở trên).

- Quản lý sinh vật gây hại: Trồng lúa cao sản trên đất vuông nuôi tôm, người nông dân cần chú trọng bờ bao xung quanh ruộng để chủ động nước theo từng giai đoạn cây lúa.

+ Việc quản lý các đối tượng sâu hại như bọ trĩ, sâu phao, rầy nâu, sâu cuốn lá, gây hại lúa ở giai đoạn đầu cây lúa (từ sạ đến 40 ngày tuổi). Biện pháp cho hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất là bằng cách cho nước vào ngập đọt lúa sẽ khống chế sự gây hại của chúng.
+ Bên cạnh việc trồng lúa, nông dân còn kết hợp nuôi xen tôm càng xanh nước ngọt hay thả cá hoặc khai thác tôm cá từ thiên nhiên nên việc quản lý sâu bệnh hại bằng thuốc hóa học hầu như ít, hoặc không sử dụng.
+ Để quản lý chặt chẽ các đối tượng bệnh hại như bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh khô vằn…, nên thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời, quản lý bệnh ngay từ đầu (như sạ cấy vừa phải, bón phân cân đối và hợp lý, tránh bón thừa đạm) và dùng mọi biện pháp phòng trị để đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ được năng suất.

Nhìn chung trồng lúa cao sản trong vuông nuôi tôm quản canh hay quản canh cải tiến, nhằm đạt được năng suất cao, cần phải thực hiện theo qui trình canh tác lúa, áp dụng theo chương trình 3 giảm 3 tăng, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hay canh tác lúa theo hướng sinh học mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhằm đem lại lợi ích: Làm cân bằng hệ sinh thái bền vững, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Đặc biệt là cải thiện môi trường sinh thái trong vuông nuôi thật lý tưởng sau một vụ trồng lúa sẽ đạt kết quả cao cho vụ nuôi tôm kế tiếp.
 




Back
Top