Kỹ Thuật Nuôi Gà địa Phương đạt Tiêu Chuẩn Thịt Trứng An Toàn

  • Thread starter gigo202
  • Ngày gửi
KỸ THUẬT NUÔI GÀ ĐỊA PHƯƠNG ĐẠT TIÊU CHUẨN THỊT
TRỨNG AN TOÀN


1. CHUỒNG TRẠI:
1.1. Vị trí xây dựng:
Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở địa phương; đảm bảo đủ nguồn nước sạch cho chăn nuôi và chuồng trại phải được xây dựng nơi đủ ánh sáng, thoáng, cao ráo và dễ thoát nước.
Địa điểm bố trí trong xây dựng chuồng trại: phải đảm bảo khoảng cách từ chuồng, trại nuôi gà đến khu dân cư, trường học và nhà máy tối thiểu là 200 m đối với quy mô từ 1.000 đến 2.000 con; trên 500 m đối với quy mô trên 2.000 con; đồng thời khoảng cách từ chuồng, trại nuôi gia súc, gia cầm đến chợ tối thiểu là 500 m đối với quy mô từ 1.000 đến dưới 2.000 con; trên 1.000 m đối với quy mô trên 2.000 con. Riêng đối với những cơ sở chăn nuôi có số lượng đầu con nhỏ dưới 1.000 con thì khi xây dựng chuồng, trại vẫn phải đảm bảo cách xa nhà và đường đi chung tối thiểu là 10 mét. Đối với khu vực xử lý phân, nước thải và phải cách xa nguồn nước (giếng, suối, sông rạch…) tối thiểu 20 mét (theo Quyết định số 894/2004/QĐ-UB ngày 25 tháng 5 năm 2004 của UBND tỉnh An Giang V/v ban hành Bản quy định tạm thời về chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản).
1.2. Dụng cụ úm gà con: có thể dùng lồng hay cót ép cao 45 cm quây tròn có đường kính 2-3 m (tùy vào số lượng gà); máng ăn, máng uống có thể dùng máng tròn hay máng dài và được bố trí, đặt xen kẽ nhau trong quây úm; dụng cụ sưởi ấm có thể dùng đèn dầu (đèn bão), than củi, dây điện trở; đèn hồng ngoại hay đèn dây tóc. Thường qui mô chăn nuôi nhỏ người ta thường dùng đèn dây tóc để úm gà, loại đèn này có nhiều loại, có công suất từ 40-100 W.
Đặc điểm của nó là có ánh sáng mạnh và dễ đứt. Mỗi bóng úm được từ 30-50 con. Trong 2 tuần đầu úm gà chúng ta nên sử dụng bóng đèn có công suất cao để gà đủ ấm và những tuần sau đó sử dụng loại đèn có công suất nhỏ hơn để tiết kiệm điện và thắp sáng cho gà ăn.
1.3. Chế độ nhiệt độ, ánh sáng và ẩm độ chuồng nuôi:
a. Nhiệt độ: nhiệt độ úm gà lúc mới nở khoảng 33oC, sau mỗi tuần giảm 2 độ và sau 4 tuần đến khi xuất bán còn khoảng 21oC là thích hợp cho khả năng sinh trưởng và mọc lông. Còn ở gà nuôi để khai thác trứng sau 8 tuần tuổi nhu cầu nhiệt độ khoảng 18oC (thấp hơn gà nuôi thịt).
b. Ánh sáng: ánh sáng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lấy thức ăn, sinh trưởng và sức đẻ trứng của gà cho nên nếu khu vực nuôi có nhiều cây cối quá rậm rạp và có nhiều tán cây to um tùm thì chúng ta nên tỉa bớt những cành không cần thiết sao cho thoáng mát, gà dễ tìm sâu bọ, dế, trùn đất… để làm nguồn thức ăn bổ sung. Tổng thời gian chiếu sáng cho gà thịt từ 1 ngày đến 4 tuần khoảng 20-24 giờ và 10-18 giờ cho gà từ 5 tuần đến xuất bán; đối với gà nuôi đẻ trứng từ 9 đến 21 tuần cần khoảng 8-14 giờ và sau 21 tuần cần 12-16 giờ
c. Ẩm độ: gà con rất nhạy cảm với ẩm độ cao, cho nên chúng ta cần thông thoáng tốt. Bình thường ẩm độ trong chuồng nuôi khoảng 60-70%.
d. Thông thoáng: thông thoáng tốt nó giúp cung cấp đầy đủ lượng oxy cho gà, thải khí độc (NH3, H2S,…) ra khỏi chuồng nuôi, kiểm soát được ẩm độ và nhiệt độ trong chuồng nuôi, đồng thời còn giúp kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên ở gà con trong một tuần đầu nó rất cần được giữ ấm cho nên cần che chắn chuồng nuôi để khỏi mất nhiệt khu vực úm. Trong trường hợp điện bị cắt (cúp điện) nên mở rèm che chuồng nuôi ra ngay để gà khỏi bị ngộp và giẫm đạp lẫn nhau, rồi tiếp theo chúng ta mới tìm cách xử lý mất điện. Sau khi úm được 1 tuần có thể chúng ta tháo rèm che để chuồng nuôi được thông gió với tốc độ khoảng 0,2 m/giây là được, để chuồng nuôi không bị ẩm thấp làm cho gà chậm lớn và dễ bị bệnh.
e. Mật độ: mật độ nuôi có ảnh hưởng rất lớn đến sức sản xuất của gà. Khi mật độ nuôi thích hợp gà tăng trưởng tốt và ít nhiễm bệnh. Mật độ gà nuôi (lồng, sàn) từ 1 ngày đến 2 tuần tuổi từ 40-50 gà/m2 và từ 3-4 tuần khoảng 20-25 gà/m2. Sau 4 tuần có thể thả gà ra vườn với mật độ 2-3 m2/gà (tuyệt đối không thả rong gà). Tuy nhiên, trong một đợt nuôi để dễ quản lý được đàn gà chúng ta nên chia diện tích chuồng thả ra thành từng khu (quây lưới nylon) và cứ nuôi luân chuyển nhau để khai thác và tận dụng tốt nguồn thức ăn tự nhiên.
2. VỆ SINH AN TOÀN SINH HỌC KHU CHĂN NUÔI:
2.1. Vệ sinh bên ngoài khu vực nuôi:
Bên ngoài chuồng trại cần có tường rào bao quanh, vành đai này không được đổ phân, chất độn chuồng và các chất thải khác.
Đảm bảo nước không bị đọng và hệ thống thoát nước của khu này không được nhập chung với hệ thống thoát chất thải của khu chăn nuôi.
Trước cổng trại cần phải có hố sát trùng và thường xuyên thay hoá chất sát trùng 1-2 ngày/lần, sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng sau: chlorhexidin 1%, biodine 0,5%, cresol 2%... nhằm ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ bên ngoài vào trại.
Phương tiện vận chuyển khi đi ra vào trại phải được phun xịt bằng hoá chất sát trùng như biodine 0,5%, biocide 1%...
2.2. Vệ sinh chuồng trại bên trong:
Sát trùng chuồng trại trước khi nuôi 7 ngày, sau mỗi đợt nuôi và khi chuyển đàn… bằng biodine 0,5%, biocide 1%... và máng ăn, máng uống, phải được cọ rửa hàng ngày.
Các lối đi và khu vực xung quanh chuồng hàng tuần cần phun thuốc sát trùng và 2-3 lần/tuần (nếu có dịch bệnh).
Mỗi dãy chuồng trại nuôi cần có hố sát trùng như vôi bột hay dung dịch cresol 2%...
Hạn chế khách tham quan vào trại và công nhân qua lại giữa các khu chăn nuôi.
Định kỳ hàng tháng vệ sinh hệ thống cống rãnh và phương tiện vận chuyển chất thải phải kín và không rơi vãi ra ngoài.
Khu cách ly: bố trí thấp hơn và cuối hướng gió chính so với khu chăn nuôi gà khoẻ mạnh, có lối đi riêng và đây là nơi mổ khám và tiêu hủy xác chết.
Khu xử lý chất thải: bố trí thấp hơn khu cách ly và cuối khu cách ly và có hố xử lý phân. Nước thải đầu ra của cơ sở chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn.
3. CHỌN GIỐNG:
Nên chọn mua con giống ở những cơ sở an toàn, có nguồn gốc từ vùng không có dịch; đã đăng ký sản xuất giống và đã công bố chất lượng con giống.
3.1. Gà con: chọn những gà có trọng lượng lớn, bụng thon nhẹ, rốn kín, mắt to sáng nhanh nhẹn, chân bóng cứng cáp, không dị tật ở mỏ, chân và gà đi lại bình thường.
3.2. Gà giò: mắt to sáng, nhanh nhẹn, mỏ không dị tật, mào tích đỏ tươi, lông bóng mượt, lỗ huyệt không dính phân.
3.3. Gà hậu bị nuôi đẻ: cần chọn những con có bộ lông óng mượt, phần bụng hông phát triển và mào tích đỏ tươi.
3.4. Gà trống: cần chọn những con to, khoẻ, chân vững chãi và mào tích đỏ tươi.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không chú ý điều kiện sống của chúng thì dễ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó trong chăn nuôi gà chúng ta cần lưu ý một số điểm cần thiết sau đây:
4. KỸ THUẬT NUÔI GÀ THỊT:
4.1. Mục tiêu: sản phẩm hàng hoá tốt cung cấp thịt cho người tiêu dùng.
4.2. Yêu cầu:
- Gà tăng trọng nhanh để nuôi trong thời gian ngắn có thể xuất thịt và quay vòng vốn mau góp phần làm giảm chi phí trong chăn nuôi.
- Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng thấp và tỷ lệ nuôi sống cao nhằm hạ giá thành sản phẩm.
- Phẩm chất quầy thịt đậm đà, thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.
4.3. Chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý:
a. Giai đoạn từ 1 ngày đến 4 tuần tuổi:
Úm gà con: đây là một trong những giai đoạn cực kỳ quan trọng. Do khả năng điều tiết nhiệt của cơ thể gà còn hạn chế và sức đề kháng chưa cao. Vì vậy chúng ta cần chú ý nhiệt độ chuồng úm bằng cách quan sát mức độ phân tán của đàn gà quanh chụp úm hay đèn úm.
Nếu nhiệt độ úm thích hợp (nhiệt độ úm tối ưu): thì gà con sởn sơ, thoải mái và lúc nào cũng thấy gà đi ăn và uống nước, phản ứng linh hoạt với tiếng ồn. Và đàn gà phân tán đều quanh chuồng nuôi. Khi nhiệt độ tối ưu thì gà ăn nhiều nhất, gà có bộ lông bóng và sạch sẽ.
Nếu nhiệt độ úm nóng quá gà con nằm xa nguồn nhiệt. Gà ăn ít, uống nhiều nước, gà há mỏ thở nhiều, gà yếu ớt và chậm lớn. Nếu nóng quá gà sẽ chết hàng loạt.
Nếu nhiệt độ úm không đủ gà con túm tụm lại dưới đèn úm hoặc chụp úm hay nằm chồng chất lên nhau để lấy nhiệt lẫn nhau. Nếu tình trạng này kéo dài gà đi phân lỏng, chân lạnh và gà kêu liên hồi không dứt trong khi thức ăn vẫn đầy máng.
Gà con mới nở chúng ta nên cho chúng uống nước có pha 10 gam glucose và 2 gam vitamin C vào 1 lít nước (cho gà uống trong 1-2 ngày đầu), sau khi gà uống nước được 1-2 giờ chúng ta mới cho gà tập ăn thức ăn như tấm, bắp… Lưu ý cho gà ăn thật ít và ăn nhiều lần trong ngày (trên 5 lần). Người chăn nuôi có thể gõ nhẹ tay vào khay tập ăn để gọi gà vào ăn và sang ngày thứ 2 chúng ta cho gà ăn thức ăn hỗn hợp với ME khoảng 2950-3000 Kcal/kg thức ăn và mức protein khoảng 21-22 %. Đến ngày thứ 3 chuyển khay tập ăn sang máng tròn hay máng dài và máng ăn máng uống phải bố trí thuận tiện cho gà lấy thức ăn nước uống. Và vào ngày này nên cho gà uống một trong các loại kháng sinh sau và cho uống liên tục trong 3-4 ngày như Spiramycin (Suanovil), Tylosin, Colistin… để gà tăng thêm sức đề kháng với bệnh tật và nâng cao tỷ lệ nuôi sống. Đến tuần thứ 2 chúng ta bắt đầu cho gà uống thuốc phòng bệnh cầu trùng (Eimeria) như Esb3, Anticox, Baycox, Rigercoccin… liệu trình sử dụng cần tuân thủ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Lưu ý: vì bệnh cầu trùng gà rất dễ kháng thuốc cho nên sau mỗi đợt nuôi cần phải thay đổi thuốc.
b. Giai đoạn 5 - 8 tuần tuổi: gà ăn nhiều, lớn nhanh và bắt đầu hoàn thiện dần bộ lông. Đây cũng là giai đoạn thả gà ra vườn (nên thả gà lúc trời có nắng) để cho gà tự tìm thêm nguồn thức ăn trong vườn, nhằm tạo ra hương vị cho sản phẩm, đồng thời trong khẩu phần ăn chúng ta có thể giảm lượng bột cá và tăng cường thức ăn hạt. Giai đoạn này cho gà ăn (tự do) với nhu cầu dinh dưỡng ME khoảng 3000-3050 Kcal/kg thức ăn và mức protein khoảng 17-18%. Tuy nhiên vào những ngày thời tiết nóng, nhất là vào khoảng10-16 giờ nên hạn chế hay tốt nhất chúng ta không nên cho gà ăn, mà cho gà uống nước mát pha với vitamin C hay antistress, nhằm hạn chế stress nhiệt. Cuối giai đoạn này cần tiến hành xổ giun sán cho gà, có thể dùng thuốc xổ như levamisol, dovenix,… hay hạt cau xay ra rồi trộn vào trong thức ăn như trong nhân gian thường hay làm, nhằm hạn chế đàn gà ăn nhiều chậm lớn, còi cọc và tăng tỷ lệ chết.
c. Giai đoạn 9 tuần tuổi đến giết thịt: giai đoạn này chúng ta cũng cần cho gà ăn tự do với mức ME khoảng 3050-3100 Kcal/kg thức ăn và mức protein khoảng 16-17%. Trong khẩu phần chúng ta cần tăng cường bắp vàng, đậu nành và giảm lượng bột cá (dưới 3%) để chất lượng thịt được thơm ngon, không có mùi tanh của bột cá.
5. KỸ THUẬT NUÔI GÀ ĐẺ:
5.1. Nuôi gà con và gà hậu bị:
a. Mục tiêu: không phải nuôi lấy thịt mà chuẩn bị cho đàn gà đẻ tốt và có thời gian khai thác trứng kéo dài.
b. Yêu cầu:
Gà có thể trạng khoẻ mạnh, trọng lượng tương đối đồng đều và phát triển tương đối để đảm bảo cho khai thác trứng sau này.
Chế độ cho ăn hạn chế (định lượng thức ăn) làm cho gà có thời gian thành thục về tính chậm lại. Gà có thể vóc và bộ máy sinh dục phát triển hoàn chỉnh.
c. Chăm sóc và nuôi dưỡng:
Giai đoạn từ 1 ngày tuổi đến 8 tuần tuổi: giống như gà nuôi thịt.
Giai đoạn từ 9 đến 12 tuần tuổi: giai đoạn này thức ăn cần đảm bảo mức protein khoảng 15-16 % và ME khoảng 2700-2800 Kcal/kg thức ăn thấp hơn thức ăn gà nuôi thịt.
Trong thời gian này bắt đầu hạn chế thức ăn, cho ăn khoảng 55-65g/con/ngày, để gà có thể vóc vừa phải và không tích luỹ nhiều mỡ. Do cho gà ăn hạn chế nên số lượng máng ăn phải đảm bảo cho mọi gà có chỗ đứng ăn cùng một lúc, để đàn gà có trọng lượng tương đối đồng đều (nên cho gà ăn sáng sớm trước khi thả gà ra vườn và chiều mát khi gà về chuồng). Và nếu trong vườn nuôi thiếu thức ăn xanh chúng ta cần tăng cường thức ăn xanh cho gà. Lưu ý khi gà được 9 tuần tuổi cần tiến hành chủng ngừa dịch tả gà lớn (lần 3).
Giai đoạn từ 13 đến 18 tuần tuổi: cần hạn chế thức ăn cho gà, với mức ăn khoảng 65-70g/con/ngày, vì giai đoạn này gà tăng trưởng rất yếu, nên thức ăn cần đảm bảo mức protein khoảng 14,5-15 % và ME khoảng 2650-2700 Kcal/kg thức ăn. Khi gà được 16 tuần tuổi cần tiến hành chủng ngừa dịch tả gà lớn lần (lần 4).
Giai đoạn từ 13 đến 18 tuần tuổi (giai đoạn chuyển tiếp): giai đoạn chuyển tiếp khoảng 1-2 tuần trước khi đẻ, đây là thời gian xáo trộn sinh lý, hệ thống nội tiết, cơ quan sinh sản có sự biến đổi lớn.
Khi gà đẻ đạt 5% trên tổng đàn thì kết thúc giai đoạn hậu bị chuyển sang chế độ nuôi gà mái đẻ và lưu ý chuyển đổi thức ăn từ từ, với nhu cầu dinh dưỡng trong thức ăn gà đẻ cần đảm bảo mức protein khoảng 16-17% và ME khoảng 2750-2800 Kcal/kg.
5.2. Nuôi gà đẻ:
a. Mục tiêu và yêu cầu: sản xuất trứng thường hay trứng giống để nhân giống gà. Chế độ cho ăn hợp lý và thời gian khai thác trứng kéo dài.
b. Chăm sóc và nuôi dưỡng:
Chăm sóc gà trống: có ý nghĩa rất lớn trong công tác giống gà. Chẳng hạn nếu năng suất của đàn gà mái thế hệ 2 (đàn con gái) hơn đàn gà mái thế hệ 1 (đàn mẹ) thì đó là thành quả di truyền tốt của cha và ngược lại. Khi gà trống bắt đầu thành thục (18-20 tuần tuổi) thì chúng ta tiến hành ghép tỷ lệ trống mái (1 trống với 8-10 mái) không nên cho gà trống nhiều hơn vì chúng đá nhau, cản trở cho việc giao phối. Do đó, cần chọn những gà trống có tính hăng, mồng tích phát triển đỏ tươi, chân phải vững chắc, thích đi kèm gà mái, đêm gáy lảnh lót và triệt để loại bỏ những gà trống có mồng tích ngã hay teo và dáng đi khập khiểng hay quá nhút nhát (ngủ trên nóc chuồng, cành cây hay nằm trong ổ đẻ). Chú ý bố trí máng ăn cho gà trống cao hơn gà mái vì tiêu chuẩn ăn của gà trống đạp mái thấp hơn gà mái, và mức thức ăn hàng ngày cho gà trống khoảng 90-95 g/con.
Chăm sóc gà mái: sau khi gà mái đẻ được 1-2 tháng chúng ta tiến hành chọn gà mái đẻ tốt để lại nuôi. Gà mái đẻ tốt phải có mồng tích đỏ tươi; da chân, da mỏ nhạt màu; bộ lông xơ xác; khoảng cách giữa hai xương chậu để lọt 2-3 ngón tay; da bụng mềm; lỗ huyệt rộng, ẩm ướt và hồng nhạt. Đảm bảo đủ ổ đẻ (1ổ/5mái) và đệm lót (rơm, cỏ khô, trấu) phải giữ cho ổ luôn sạch, và nên nhặt trứng nhiều lần trong ngày, tốt nhất là nhặt ngay sau khi gà đẻ rồi cho vào kho bảo quản trứng hay nơi thoáng mát, tuyệt đối không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào trứng giống. Trong những ngày thời tiết nóng hay đàn gà trên 35 tuần tuổi nên thường xuyên pha vitamin C, polyvitamin… cho gà uống. Mức thức ăn hàng ngày cho gà mái ăn khoảng 95-100g/con, tuy nhiên cần điều chỉnh lượng thức ăn theo tỷ lệ đẻ và tuổi của gà.
c. Phòng bệnh bằng vacxin: gà nuôi đàn, nuôi thả nếu dịch bệnh xảy ra thì rất dễ lây lan và khi xảy ra bệnh thì thường rất khó trị và gây thiệt hại kinh tế lớn.
Vì vậy, ngoài nguồn thức ăn, nước uống sạch và phát hiện bệnh sớm để can thiệp kịp thời (cách ly, loại thải hay chữa bệnh), chúng ta cần phải có lịch chủng ngừa.
Tuổi
Phòng bệnh
Cách sử dụng
Tên vacxin
1-7 ngày
Newcastle
Nhỏ mắt, mũi
Vacxin lasota
5-7 ngày
Gumboro
và đậu gà
Nhỏ mắt, mũi
và chủng màng cánh
Vacxin gum
và vacxin đậu gà
10 ngày
Cúm gà
Tiêm dưới da cổ
Vacxin cúm gà
15-20 ngày
Gumboro
Nhỏ mắt, mũi
Vacxin gum
20-25 ngày
Newcastle
Nhỏ mắt, mũi
Vacxin lasota
40 ngày
Cúm gà
Tiêm dưới da cổ
Vacxin cúm gà
45 ngày
Newcastle
Tiêm dưới da cổ
Vacxin Imopest
Chú ý: nếu nuôi gà sinh sản cứ 4 tháng tiêm nhắc lại vacxin Imopest hay vacxin dịch tả gà lớn và sau 5 tháng tiêm nhắc lại vacxin cúm gà; chỉ chủng vacxin cho đàn gà khoẻ mạnh; trước và sau khi chủng ngừa nên pha vitamin C hay B-complex cho gà uống.
d. Theo dõi sức khoẻ đàn gà: cần quan sát ngoại hình, sức ăn của gà, trứng, phân gà và tiếng kêu…:
Quan sát đặc điểm ngoại hình của gà hàng ngày: như màu lông, rụng lông, màu sắc mào tích…; gà khoẻ đi đi lại lại rất linh hoạt, chân bóng mượt và mồng tích đỏ tươi. Thường nếu ban ngày gà ngủ, ủ rủ hay gà chúm chụm lại từng nhóm và tập trung trong bóng tối… là dấu hiệu của đàn gà xấu. Quan sát biểu hiện đi lại của gà còn giúp ta biết được một số bệnh về khớp xương như bệnh thiếu khoáng, bệnh tụ huyết trùng dạng mãn tính khớp sưng to, bệnh leucosis có ống xương phồng to và xương dễ gẫy như lao gà.
Sức ăn của gà: bình thường khi gà ăn được khoảng 2/3 bầu diều thì chúng bắt đầu có sự lựa chọn thức ăn và nếu đàn gà không khoẻ hay trong thời gian nung bệnh thì chắc chắn sức ăn bị giảm lại. Trong quá trình cho gà ăn cần quan sát chúng, nếu trong đàn có con lười ăn hay bỏ ăn thì cần loại ngay hay nuôi cách ly để theo dõi tình trạng sức khoẻ của gà và đồng thời cần kiểm tra lại nguồn thức ăn.
Quan sát kích thước trứng, vỏ trứng: nếu vỏ trứng mỏng hoặc đẻ non thì phải bổ sung thêm canxi; nếu trứng nhỏ hơn bình thường thì cần tăng thêm lượng thức ăn; nếu quả trứng méo mó khác thường là có thể gà bị bệnh, cần theo dõi những gà mái đẻ trứng bất thường này để loại thải.
Phân gà: bình thường gà đi phân khô ráo và có khuôn phân do đó trong quá trình chăm sóc nếu con nào dính phân ở đít (gà trịn đít) phải loại ngay. Còn phân lỏng thì cần xem lại khẩu phần (lượng chất xơ cho gà ăn có nhiều không, nguyên liệu phối chế cho gà ăn có thay đổi đột ngột không, hay thời tiết có nóng không…). Tuy nhiên, nếu gà đi phân lỏng kéo dài hay đi phân sống có bọt thường gặp ở gà 1-6 tuần tuổi có thể gà bị hội chứng giảm hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra, cần quan sát màu sắc và mùi của phân có khác thường không như phân sáp, phân trắng như cứt cò, phân loãng nhầy, phân có mùi tanh, có lẫn máu và mật độ ruồi nhặng quá mức bình thường thì chúng ta phải nghĩ ngay đến bệnh truyền nhiễm.
Tiếng kêu của gà: bình thường gà ít kêu nhưng khi có tiếng động hay chúng đói, có chó mèo rượt đuổi; gà con úm không đủ nhiệt chúng thường phát ra tiếng kêu. Nhưng khi có tiếng kêu khác thường như khò khè, khọt khẹt, tiếng gáy không vang hay đứt quảng là dấu hiệu của gà bị bệnh đường hô hấp.
Tóm lại: theo dõi tình trạng sức khoẻ đàn gà có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phòng bệnh. Tuy nhiên, việc định bệnh dựa trên các dấu hiệu dịch tể, triệu chứng hay bệnh tích chỉ tin cậy được khi gà có dấu hiệu bệnh tích thật điển hình
 




Back
Top