Lươn “đáp” phi cơ xuất ngoại

Không chỉ tìm cách bắt lươn từ ngư trường Hoàng Sa, anh Ngộ còn xuất lươn sống tới những thị trường khó tính nhất bằng đường hàng không.
Anh Thái Vinh Ngộ (35 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được ngư dân Đà Nẵng gọi là Ngộ “liều” vì đóng thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa câu lươn - nghề mà trước nay ngư dân miền Trung nào cũng lắc đầu vì sợ rủi ro. Đã vậy, anh Ngộ còn xuất lươn sống tới những thị trường khó tính nhất bằng đường hàng không.

149042332169853-093859-1.jpg


Lươn biển được nuôi sống để xuất khẩu.



Bỏ tiền tỷ đóng tàu câu lươn

Những ngày này, anh Ngộ đang tất bật hoàn thiện con tàu vỏ gỗ công suất hơn 1.000CV để chuẩn bị vươn khơi ra Hoàng Sa. Đây là con tàu câu lươn thứ hai của anh, trước đó con tàu đầu tiên được đóng vào đầu năm 2016. Anh Ngộ cho biết, đóng tàu là một quyết định khá mạo hiểm, bởi anh vốn là dân thu mua hải sản, không chuyên đánh bắt.

“Bạn hàng liên tục hỏi tôi về lươn biển, chỉ cần có lươn khỏe, đẹp thì bao nhiêu họ cũng gom. Tôi về thu mua của bà con, nhưng mỗi người đánh bắt một kiểu, rồi không biết chăm để lươn chết hết, đem bán người ta không mua. Có đầu ra cho lươn tốt như vậy mà ngư dân chịu thua thì quá phí, rứa nên tôi quyết tâm vay 8,5 tỷ đồng đóng tàu tự đi câu”, anh cho hay.

Mặc cho nhiều người tỏ ra ái ngại, anh Ngộ không hề nhụt chí. Khi con tàu còn chưa nên hình hài trên đà, anh bôn ba sang Hàn Quốc, cùng lên tàu với ngư dân bên đó lênh đênh trên biển học cách câu lươn.

Hóa ra, loài hải sản nằm sâu dưới đáy biển này cũng dễ dụ vào bẫy nếu biết sở trường của chúng. Chỉ cần cho cá nục vào thùng phi rồi thả xuống biển để khoảng 1 ngày đến 1 tuần tùy ý, lươn sẽ tự động chui vào ăn mồi. Sau đó kéo thùng lên thu lươn. Vừa được học, vừa được thực hành câu lươn trên tàu, anh còn tìm tòi tất cả kinh nghiệm câu lươn từ ngư dân miền Trung, từ sách báo, mạng internet.

Đến khi trang bị đầy đủ kinh nghiệm cho con đường đánh bắt mới lạ này thì chiếc tàu cũng vừa được đóng xong. Anh náo nức lái con tàu vỏ gỗ ra ngư trường Hoàng Sa câu lươn chuyến đầu. Theo lý giải của anh thì Hoàng Sa, Trường Sa là nơi lươn sống nhiều vì mực nước sâu và có cả bãi rạn, và lươn ở càng xa bờ thì càng khỏe mạnh.

Chuyến ấy, 13 ngư dân trên tàu háo hức bước vào lối khai thác lươn bài bản, mới lạ. Khi 1.000 chiếc thùng phi kéo lên từ đáy biển Hoàng Sa sau gần một ngày, ai cũng mừng vui, vỡ òa ra vì thùng nào thùng nấy đầy lươn to, khỏe, đều màu. Sau 5 tháng làm quen với nghiệp câu lươn, anh Ngộ cho biết, lợi nhuận không quá cao nhưng luôn đảm bảo thu nhập cho mỗi thuyền viên hơn 10 triệu đồng/chuyến.

Hơn 10 ngày nữa, con tàu câu lươn thứ hai của anh sẽ hạ thủy và tiếp tục thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa hành nghề câu lươn.

149042332139283-093859-2.jpg


Anh Thái Vinh Ngộ đang hoàn thiện phần máy bên trong con tàu khai thác lươn thứ hai.

Qua Nhật, lươn vẫn còn bơi

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, điện thoại của vợ chồng anh réo liên tục vì các đầu mối thu lươn ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản thúc hàng. Ba thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính. Họ đòi hỏi lươn khi sang tận nơi vẫn còn sống, bơi khỏe, đều màu và an toàn sau kiểm dịch, khi ấy mới trả tiền. Còn lươn chẳng may bị chết thì anh Ngộ chẳng những không có đồng nào mà còn phải đóng phí môi trường phục vụ việc tiêu hủy.

Anh ví việc duy trì mạng sống cho lươn thần tốc hệt như đội quân cấp cứu. Lươn vừa lôi lên khỏi biển phải lập tức thả vào “hồ” nuôi trên tàu rồi điều chỉnh các thông số muối, oxy, nhiệt độ phù hợp. Khi cập bờ, tại bến đã có một đội quân gần 10 người đứng chờ sẵn tức tốc thay nước, chuyển lươn về nhà cho vào hồ được trang bị các thiết bị hỗ trợ môi trường nước, nhiệt độ.

Đến lúc xuất hàng bằng máy bay qua nước khác, số lươn này phải nằm tại sân bay nơi đến 15 ngày để chờ kiểm dịch. Sau thời gian ấy các đầu mối thu gom mới tới nhận hàng. Không chỉ đòi lươn sống, người mua nước ngoài còn đòi hỏi lươn phải đều màu, trọng lượng từ 200g trở lên mới mua.

“Họ khó tính vậy nhưng họ rất quý nguồn hải sản của mình, miễn đảm bảo chất lượng thì bao nhiêu cũng mua. Mình rất tự hào vì nguồn hải sản của nước mình được ra thế giới và được coi trọng”, anh Ngộ nói.

Trong 3 thị trường nước ngoài này, Hàn Quốc thu mua tới 50% số lươn đánh bắt được, Nhật Bản 30% và Đài Loan 20%. Theo anh Ngộ, sắp tới đây, con tàu câu lươn thứ hai của anh đạp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa, chắc rằng sản lượng lươn thu về sẽ cung cấp thoải mái cho ba thị trường này. Và có thể lươn biển miền Trung sẽ đi máy bay sang thêm nhiều nước khác nữa.

Hiện tại, số ngư dân phục vụ tàu câu lươn của anh đã hơn 30 người, trong đó 26 ngư dân trên tàu và 8 người trên bờ. Cộng thêm gần 20 người dự bị. Họ đều có thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng.

Ngư dân Phạm Minh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Có công ăn việc làm cho bà con thì mừng, nhưng tôi muốn ngư dân phải thay đổi tập quán đánh bắt, không càn quét bất kể lươn lớn bé. Tôi nói với ngư dân nếu chịu cam kết không đánh bắt kiểu tận diệt thì sẽ bày cách câu và nuôi sống lươn để được xuất ra nước ngoài”.
Sẽ đóng thêm tàu thứ 3

“Hai con tàu đầu tiên này tôi đóng bằng số tiền vay ngân hàng, với mức lãi suất 9%. Nếu được hỗ trợ vay vốn, tôi sẽ đóng thêm một con tàu nữa phục vụ việc tiếp tế và vận chuyển lươn”, anh Ngộ bày tỏ mong muốn.
Theo Thanh Trần (Báo Tiền Phong)
 




Back
Top