Miền Tây xôn xao với trái bưởi “bàn tay Phật”

Agriviet.Com-buoi-ban-tay-phat-CT-68119-2_LJHQ.jpg.jpg


Độc đáo bưởi “bàn tay Phật” gây xôn xao dư luận.
Sau khi thưởng thức những trái bưởi hồ lô có chữ tài lộc hoặc hình thỏi vàng, đến trái dưa hấu vuông, dưa hoàn kim có khắc chữ tài lộc…, năm nay, thị trường trái cây đón Tết Nguyên đán sẽ có trái bưởi hình “bàn tay Phật”. Đây là sản phẩm mới, hứa hẹn được nhiều người đón nhận với ước vọng “bàn tay Phật” sẽ đem lại những điều tốt lành, may mắn, gia đạo bình an…
5 năm bán trái tâm linh
Mâm ngũ quả là hình ảnh quen thuộc trong các gia đình Việt Nam cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, đó cũng là sự tưởng nhớ, thành kính mà con cháu Việt gửi tới ông bà tổ tiên. Nó mang theo thông điệp tâm linh hoặc những thỉnh cầu của gia chủ về những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với gia đạo trong năm mới. Trong giới kinh doanh cây trái, ông Võ Trung Thành (Ba Thành) - Chủ nhiệm CLB Bưởi tạo hình ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - là người thấm nhuần ý nghĩa này hơn cả. Hơn 3 năm trời, ông suy tư bên những cây bưởi trong vườn, rồi tự mày mò, sáng tạo ra những cái khuôn ép trái bưởi ra dáng hồ lô bán vào dịp Tết. Tết năm 2009, ông đem 148 trái bưởi hồ lô đầu tiên ra chào hàng và nhận được rất nhiều lời khen ngợi lẫn trầm trồ, thán phục.

Ông tất tả tới quán cà phê chúng tôi hẹn gặp, sau một ngày làm việc tại các vườn bưởi tạo hình bên Vĩnh Long. Hớp vội một ngụm cà phê xua cơn khát, ông tươi tỉnh nói: “Vụ bưởi năm nay không đạt sản lượng như ý muốn, nhưng sản phẩm mới “ra lò” là bưởi “lễ Cát Tường” làm tui hứng khởi dữ lắm! Nó cho tui niềm tin về những sáng tạo của mình trong thời gian qua và tương lai sắp tới”.

Trong suốt 5 năm qua, kể từ khi tạo dáng thành công trái bưởi hồ lô (vào dịp tết năm 2009), ông Ba Thành bỗng “phất” lên như một thương lái cỡ bự chuyên kinh doanh trái cây tạo hình trong vùng. Trong đầu ông lúc nào cũng tồn tại câu hỏi: “Làm sao mỗi năm có một loại trái cây tâm linh mới để bán?”. Bà con ở xứ vườn Phú Hữu luôn thấy ông bận rộn. Khi thì đi Cần Thơ, khi qua Vĩnh Long, lúc lên Sài Gòn mấy hôm... để tìm đối tác, tìm nơi làm khuôn mẫu mới. Có khuôn rồi, ông lui tới các nhà vườn tìm nông dân hợp ý để rủ họ cùng tạo hình trái cây. Sau đó, ông liên tục tạo ra những khuôn mới cho trái bưởi hồ lô tài lộc (có khắc chữ tài lộc), bưởi tài lộc có khắc hình thỏi vàng… Và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tới đây, ông sẽ cho ra thị trường trái bưởi có hình bàn tay - tên thương phẩm là bưởi “lễ Cát Tường” - mà dân vườn gọi nôm na là bưởi “bàn tay Phật”.

Bán tinh thần, không bán tâm linh

Trong câu chuyện dài về cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của mình, ông Ba Thành luôn giữ khư khư trong lòng những điều mơ mơ hồ hồ về thế giới “những người đã khuất”. Ông nói: “Tôi không phủ nhận, nhưng mà cũng không dám tin chắc về những việc mà người ta gọi là mê tín, dị đoan. Nhưng đến khi tôi khấm khá lên nhờ tạo và bán những trái cây có hình dáng tâm linh mà dân gian tín ngưỡng thì tôi mới tự nhủ rằng, có lẽ ông bà tổ tiên đã hiển linh phù hộ cho gia đình bởi tôi tạo ra được lễ vật để người đời dâng cúng, phụng thờ người đã khuất. Tới bây giờ, có lẽ cũng một phần nhờ trời phật, ông bà thấy mình làm việc đúng nên mới cho mình có với người ta, cho tôi có được nhà cửa, cơ ngơi đàng hoàng”.

Vốn là dân nòi làm vườn ở xã Phú Hữu, khi còn trai trẻ, ông Ba Thành rời quê lên Cần Thơ tìm cơ hội lập nghiệp. Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, Ba Thành làm công nhân trong Nhà máy điện Trà Nóc, sau đó chuyển qua làm cho một xí nghiệp đông lạnh ở Trà Nóc. Đời sống chẳng mấy khấm khá nên ông lại về quê vui thú điền viên. Nghề làm vườn vất vả thiếu thốn trăm bề, nhưng ông ráng chịu, sống đắp đổi qua ngày, chờ thời cơ. Với tinh thần phấn đấu, đầy sức sáng tạo, cuối cùng, ông Ba Thành đã thành công nhờ làm được trái bưởi hình hồ lô bán ra thị trường, với mức lợi gấp hàng chục lần trái bưởi ăn cùng một loại giống.

Cho tới tháng 10 âm lịch năm nay, sau khi hoàn tất việc áp khuôn 4.000 trái bưởi “lễ Cát Tường” cho vụ trái cây Tết, ông Ba Thành bộc bạch: “Tôi cho rằng mình đang làm những điều lễ nghĩa đúng. Khi thị trường có nhu cầu mà mình đáp ứng được nhu cầu đó có nghĩa là mình thành công. Tui cũng là người tâm linh, giữ đạo thờ cúng ông bà tổ tiên chớ có khác chi ai. Nhưng hổng ít người nói tui lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh. Anh có thấy tui làm trật gì hông? Tui chỉ tạo ra và bán những sản phẩm theo tinh thần tâm linh tồn tại trong đời sống hiện đại, cũng giống như bao nhiêu ngành nghề khác thôi!”.



buoi-ban-tay-phat-CT-68119-1_GLWG.jpg

Ông Thành - người sáng tạo trái cây tâm linh (bên trái).
Tránh điều kiêng kị

Bưởi “lễ Cát Tường” là trái cây mà ông Thành dự định tung ra vào dịp Tết Ất Mùi 2015. Ông Thành đã hợp tác với Công ty Nguyễn Gia (Hà Nội), sản xuất tạo hình, thử nghiệm qua ba mùa. Có khoảng 50 nhà vườn tham gia tạo hình bưởi bày tết năm nay, với diện tích 160 ha ở các địa phương thuộc Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Hậu Giang. Công ty Nguyễn Gia đầu tư 100% vốn cho mỗi hộ trồng tạo hình 50 trái. Mặc dù chưa công bố giá mua, nhưng ông Thành - người chịu trách nhiệm kỹ thuật sản xuất khu vực Miền Tây - khẳng định rằng, nông dân tham gia làm sản phẩm mới năm nay sẽ có thu nhập gấp 5 lần giá bưởi bình quân trên thị trường.

Ông Thành tâm sự: “Thật ra, ý tưởng ban đầu cũng bắt nguồn từ bàn tay Phật tổ. Mấy năm trước ở ngoài miền Bắc có nhiều nhà vườn trồng trái “phật thủ” bán ra hốt bạc tỉ, nên tui mới định hình ý tưởng làm ra loại trái này với tên bưởi “bàn tay Phật”. Nhưng nghĩ lại, hồi đó tới giờ có ai biết bàn tay Phật ra sao đâu, chỉ thấy trong phim, kinh, sách tôn giáo thôi. Vì vậy, tui với Công ty Nguyễn Gia bàn nhau nên tránh những điều kiêng kị, mới đặt tên là bưởi “lễ Cát Tường”. Ông Thành còn cho biết: Khi bắt tay vào vụ sản xuất, tạo hình bưởi “lễ Cát Tường” đúng lúc thời tiết bất lợi, nên các vườn trồng bưởi có hơn 80% bị rụng trái non. Vì vậy, tỉ lệ trái được chọn tạo hình rất thấp. Ông Bảy Cả - nhà vườn ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - cho hay, trong 450 gốc bưởi của mình, ông chỉ chọn tạo hình được 31 trái. “Tiếc hùi hụi, nhưng đành chịu, trời cho bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu!”, ông Bảy tỏ vẻ tiếc nuối.

Chính vì điều kiện bất lợi như vậy, đa phần các nhà vườn trồng bưởi ở Hậu Giang không có nhiều nguồn trái non để tạo hình bưởi trưng bày dồi dào như các năm trước, kể cả bưởi hồ lô cũng thất thu trầm trọng. Ông Thành nói : “Theo đơn đặt hàng hiện có, nhu cầu bưởi tạo hình gia tăng hơn 20% so với năm trước, nhưng giá cả rất khó đoán trong tình thế sức tiêu dùng chung vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, riêng sản phẩm mới là bưởi “lễ Cát Tường” hứa hẹn sẽ hút hàng bởi số lượng ít và người dân kỳ vọng mang nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong dịp năm mới”.

Ông Thành còn tiết lộ rất nhiều dự tính cho những năm tới như tìm cách tạo hình trái bưởi có hình Phật Quan âm, hình chúa Giêsu... Nếu thành công thì sẽ mở rộng thị trường từ nội địa ra xuất khẩu nước ngoài. Mục tiêu trước mắt sau vụ bưởi tết năm nay là mở rộng quy mô sản xuất bưởi “lễ Cát Tường” để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á - nơi có đông người theo đạo Phật.
ĐẶNG NGỌC DÂN
Nguồn: laodong.com.vn
 
Bưởi làm tượng Phật Di Lặc thì được, nhưng tượng
Phật Tổ hay Chúa Giê Su thì khó, vì hai người này
không mập như Phật Di Lặc.
 
Trò này học của người nước ngoài .
Người nước ngoài đã xem kỹ thuật này là trò trẻ con , còn người việt mình thì lạc hậu xem nó là sáng kiến mang tầm thế giới nhưng thực chất nó chỉ thuộc tầm cở trái bưởi - không thể xuất khẩu .
Gía bưởi gấp 5 lần vào dịp tết ?
 
đừng có buôn thần bán thánh nữa, đó là niềm tin, chứ không phải hàng hóa mà trao đổi.
 
Đối với tôi đó là một sáng kiến, nên động viên, khuyến khích người ta...có rất nhiều người biết nhưng mấy người áp dụng và thành công, mọi nỗ lực dù nhỏ nhất cũng cần được khích lệ.
 
Sáng kiến hay tối kiến, tùy theo kết quả.
Nếu làm giàu, thì là sáng kiến.
Nhiều việc làm không mới, chẳng ai khen,
nhưng bất ngờ trúng mánh, cũng là sáng kiến.
Chúng ta hãy chờ coi chuyến này có làm ăn
được không hãy phán. Tôi thì không tham gia
đua đòi, làm sụt giá của người ta, cùng chết
chung.
 
Back
Top