Một số giải pháp về mùa vụ

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Thời vụ lúa ĐX nên lùi thời điểm gieo sạ bắt đầu sang tháng 12 để có điều kiện thuận lợi bơm thoát nước trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặt khác, việc lùi lại này giúp lúa TĐ chín trong tháng 11, nhiệt độ lạnh, ít mưa, chất lượng hạt sẽ tốt góp phần cung cấp hạt giống lúa chất lượng cao cho vụ ĐX. Nhưng không thể lùi thời gian hơn nữa vì nếu để quá muộn, thu hoạch lúa ĐX sẽ gặp mưa đầu mùa.


ĐBSCL là một vùng nông nghiệp tương đối đồng nhất với cây lúa là chủ lực. Các tỉnh trong vùng nên có một tổ công tác chung làm đầu mối để cùng với ngành nông nghiệp trung ương và địa phương phối hợp đề ra các chương trình hành động và các biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể chung trong từng thời điểm đối với nông nghiệp trong vùng, trong đó có vấn đề thời vụ. Nên chăng tổ công tác này cần được thành lập và nằm trong Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.


Chỉ đạo thời vụ lúa trong vùng không thể áp dụng luật pháp và biện pháp hành chính được. Hai cách duy nhất để thay đổi những tồn tại hiện thời là thuyết phục và đòn bẩy kinh tế. Chính quyền từng địa phương cùng với các đoàn thể quần chúng bàn bạc dân chủ từng năm và xây dựng lịch thời vụ cho khoa học và thuyết phục nông dân tuân thủ và áp dụng. Giải pháp thứ hai là từng địa phương cần nỗ lực chuẩn bị nguồn kinh phí cho chính mình để dùng làm đòn bẩy kinh tế khích lệ nông dân tham gia. Những vấn đề chung cho toàn vùng thì 13 tỉnh trong vùng thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Với những công việc tầm trung bình trở xuống thì từng tỉnh tự thu xếp.


Các đòn bẩy kinh tế thí dụ như là: Ở vùng đất trồng 3 vụ lúa trong năm thì khích lệ người dân cày ải phơi đất được khoảng vài ba tuần. Nếu ruộng ai có cày ải thì được thưởng đủ lượng Trichoderma để phun đều lên mặt ruộng giúp làm mau mục gốc rạ cộng thêm chi phí cho một lượt cày ải. Vụ TĐ thu hoạch gọn trong cuối tháng 11 thì được thưởng 40% chi phí lúa giống cấp xác nhận trồng trong vụ ĐX kế tiếp. Nơi nào có nguồn nước ngọt dồi dào có thể trồng được 3 vụ lúa trong năm, nhưng người dân quyết định không trồng lúa XH mà chỉ trồng hai vụ lúa (ĐX và HT muộn hoặc TĐ), dành thời vụ XH kéo đến cuối mùa hè để trồng cây trồng cạn (bắp, rau, đậu...) thì được thưởng 100% tiền hạt giống rau màu, 100 kg NPK (20-20-15)/ha,100 kg urea/ha. Việc điều chỉnh vật tư cho phù hợp từng loại cây màu do nông dân tự quyết định.


Vụ lúa mùa địa phương vùng ven biển có giá trị kinh tế và văn hóa cao nên được duy trì. Các chính sách khích lệ có thể như cho nông dân lưới cước để bảo vệ mạ không nhiễm bệnh VL-LXL (có thể sử dụng để phơi lúa sau đó), tặng miễn phí toàn bộ chế phẩm sinh học (nấm trắng, nấm xanh…) để tăng cường thiên địch trong ruộng lúa, không để cho RN tích tụ mật số gây cháy rầy và truyền bệnh cho vụ lúa ĐX. 


Vụ lúa xuân XH gây ra những hậu quả xấu như sau: Làm cầu nối cho rầy nâu (RN) và các loại sâu bệnh khác lan truyền từ vụ lúa ĐX sang vụ lúa HT và các vụ lúa khác trong mùa mưa; Đánh mất cơ hội cày ải phơi đất, giúp mùn hoá, khoáng hoá và giải độc cho đất; Đánh mất cơ hội của vụ gieo trồng duy nhất trong năm có thể trồng được cây trồng cạn (như: bắp lai, đậu nành, các loại rau đậu và cây trồng ngắn ngày khác...). Mặt khác, hiện nay đốt rơm là một việc làm đang bị lên án bởi cộng đồng quốc tế vì lãng phí nguồn chất hữu cơ và đặc biệt là đã góp phần làm tăng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đất nóng lên. Hơn nữa, từ sau năm 1975 đến nay chưa bao giờ chính quyền có chủ trương khuyến khích trồng vụ lúa này. Vào thập niên 80, vụ này còn được gọi là vụ lúa sạ chai (không làm đất, đất chai cứng) hoặc là vụ lúa sạ chui (chui lủi, lén lút). Một số địa phương hiện nay do không dẹp được vụ lúa XH nên gọi né tránh là vụ lúa HT sớm. Thật ra gọi như vậy là sai vì mùa hè chỉ bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 đến 30 tháng 6 hàng năm, trong khi vụ lúa này đã gieo sạ trong tháng 2-3, tức là trong mùa xuân. Bỏ vụ XH không có nghĩa là không còn tồn tại hệ thống ba vụ lúa trong vùng.







Chỉ nơi nào có đủ điều kiện chống lũ tốt mới làm lúa 3 vụ trong năm. Các vụ lúa trong mùa mưa khuyến cáo gieo sạ đồng loạt từng cánh đồng, mỗi nửa tháng một đợt vào những con nước kém là mùng 10 và 25 âm lịch. Như vậy trong mùa mưa sẽ có nhiều đợt thu hoạch lúa hơn, mỗi đợt có diện ích nhỏ hơn và lượng RN bay lên không trung cũng ít hơn trong từng đợt.






Trong những năm gần đây, tác động của nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu toàn cầu đã có dấu hiệu cảnh báo trong vùng ĐBSCL. Vào cuối mùa mưa, nước sông Cửu Long từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về trong khi mực nước biển ở các cửa sông Tiền, sông Hậu dâng cao nhất nên thường gây những đợt triều cường, nông dân không thể bơm thoát nước lũ trên đồng để gieo sạ sớm vụ ĐX trong tháng 11. Trong 3 năm qua, với chủ trương gieo sạ đồng loạt né rầy để hạn chế tác hại của dịch hại RN, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL, LXL) là đúng đắn. Tuy vậy, với cao trình đất đai, nguồn nước, thực trạng hạn, mặn, phèn... rất khác nhau giữa các tiểu vùng ở ĐBSCL; đồng thời mỗi tháng đều có hai con nước rong và hai con nước kiệt biến động theo âm lịch, do đó việc khuyến cáo lịch gieo sạ lúa cao sản trong mùa mưa cách nhau một tháng là không hợp lý.


Đối với vụ lúa TĐ muộn và vụ lúa mùa. Nếu thu hoạch lúa TĐ sang tháng 12, đặc biệt là vụ lúa mùa cao sản ở các tỉnh Đông Nam bộ (Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…) khi gió mùa đông bắc đã bắt đầu thì sẽ là cầu nối dịch bệnh cho vụ lúa ĐX. Lúa mùa địa phương thu hoạch trong tháng 1-2, cũng là cầu nối sâu bệnh lây lan sang lúa ĐX ở ĐBSCL.











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top