Dùng phân bón để diệt cỏ - tốt cho cây, thân thiện với môi trường
Cần biết - Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng đến cây trồng và ô nhiễm môi trường, một nhà vườn ở Hậu Giang đã nghĩ đến việc dùng phân bón để diệt cỏ trong vườn cây và đã mang lại hiệu quả tích cực đối với cây trồng.
Do có kinh nghiệm nhiều năm trong việc làm vườn, anh Sang, một nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã nghĩ đến việc sử dụng phân bón để diệt cỏ thay vì dùng thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng đến cây trồng. Sau những lần bón phân cho vườn mai của mình, thấy cỏ ở xung quanh gốc mai thường bị khô héo và chết dần, anh nhận thấy cỏ bón nhiều phân sẽ bị “ngộ độc” hữu cơ, không quang hợp được và khô héo dần rồi chết nên nghĩ đến việc dùng phân bón để diệt cỏ. Anh thấy trong các loại phân hóa học thường bón cho cây thì có ure và kali phát huy được hiệu quả trong việc diệt cỏ và và làm tốt cây trồng nên đã pha trộn 2 loại phân này với các tỷ lệ khác nhau rồi hòa tan trong nước để phun lên cỏ. Sau nhiều lần pha trộn và thử nghiệm trong vườn, anh nhận thấy rằng pha trộn và hòa tan ure, kali, nước theo tỷ lệ 1:1:10 sẽ mang lại hiệu quả cao nhất trong việc diệt cỏ. Ngoài việc sử dụng phân bón theo tỷ lệ này để diệt cỏ trong vườn mai, anh cũng đã dùng thử trong vườn cam, đu đủ và các loại rau màu khác và đều cho tác dụng tích cực.
Nếu thường xuyên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, năng suất, cây lại dễ bị lão hóa, thuốc trừ cỏ cũng gây độc cho người và đất, gây ô nhiễm môi trường. Nếu dùng phân hóa học để diệt cỏ thì ngược lại, phân kali, ure thấm vào đất, vào cây giúp cây tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu được hạn, ngập và trở nên cứng cáp, ít bị đổ ngã. Thuốc diệt cỏ thường chỉ diệt được một vài loại cỏ nhất định, không thể sử dụng thuốc diệt cỏ đối với vườn cây đủ đủ và rau màu vì các loại cây này cũng bị chết theo cỏ, trong khi đó, dùng phân hóa học diệt được nhiều loại cỏ khác nhau và không ảnh hưởng đến rau màu hoặc vườn cây đu đủ. Theo anh, cỏ chết vì bị “ngộ độc” hữu cơ, vì vậy cần trộn và hòa tan đậm đặc theo tỷ lệ 8 kg ure, 8 kg kali và 80 lít nước để dùng cho cả vườn cây. Dùng bình xịt hoặc máy phun thuốc để phun phân hóa học hòa tan lên cỏ, không ảnh hưởng gì khi phun vào thân cây, có thể dùng vòi nhựa để dễ dàng phun vào cỏ ở các hàng, luống cây xanh, rau màu. Sử dụng phân hóa học diệt cỏ cũng giúp nhà vườn tiết kiệm được chi phí trừ cỏ vì giá phân thấp hơn so với giá thuốc diệt cỏ, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và chất lượng đất trồng.
Mong muốn giải pháp của mình được thẩm định bởi các chuyên gia và được nhiều người áp dụng, anh Sang đã trình bày giải pháp diệt cỏ bằng phân hóa học thành đề tài tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2013. Giải pháp này được nhiều giám khảo đánh giá cao, có thể ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp để giảm chi phí, bảo vệ môi trường và anh đã được trao giải khuyến khích cho sự tìm tòi, sáng tạo này.
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
CÁCH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CỎ ĐẬU PHỘNG
Cỏ đậu phộng hay còn gọi là lạc dại, cỏ đậu, lạc tiên, cỏ đậu phọng, đậu phộng kiểng với tên khoa học là Arachis pintoi thuộc cây họ Đậu Fabaceae, cỏ đậu phộng có xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam qua một số dự án hệ thống canh tác. Lạc dại tồn tại ngoài thiên nhiên như hàng trăm loài cỏ dại khác.
Cỏ đậu phộng có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ ni tơ có trong không khí, chúng phát triển sinh khối (thân, lá) nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất.Việc dùng cỏ trong vườn để che phủ mặt đất là một giải pháp quan trọng trong canh tác cây ăn trái bền vững, vừa chống xói mòn do tưới nước vừa cải tạo các thành phần dinh dưỡng trong đất tự nhiên. Cayxanhhoalac sẽ giới thiệu một chút thông tin về loài cỏ mỏng manh nhưng sức sống mãnh liệt này.
1. Nguồn gốc
Cây Cỏ đậu phọng (Arachis pintoi) là cây họ Đậu nhập nội, hiện đang được trồng tại vườn lưu giữ tập đoàn cây che phủ đất và cây phân xanh của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa xã Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội và trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc (Phú Thọ, Mộc Châu- Sơn La..)
2. Đặc điểm sinh học
Thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Thân lá cây cỏ đậu phộng mọc bò có thể dài tới 2 m, xanh tốt quanh năm, nhất là khi được cắt định kỳ. Củ lạc dại nhỏ, chui sâu vào đất, ít khi được thu hoạch.
Cỏ đậu phọng dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, sinh khối lớn, dạng hình bò, có khả năng nhân giống vô tính. Khi trồng xen
Cỏ đậu phộng dưới tán cây ăn quả có khả năng sinh trưởng tốt, không cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính, cây sinh trưởng quanh năm nên duy trì độ che phủ tốt, chống xói mòn vào mùa mưa, duy trì độ ẩm đồng ruộng vào mùa khô. Cỏ đậu phọng có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Cỏ đậu phọng có khả năng chịu hạn tốt, chịu úng cao, có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa xuân và mùa thu với các tỉnh miền Bắc, mùa mưa với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.

Cỏ Lá Lạc, Cỏ Đậu phộng, Arachis pintoi, Hoàng lạc thảo, Đậu phộng kiểng
Cỏ đậu phọng là cây đa tác dụng: vừa giúp cải tạo đất, vừa làm phân xanh và thức ăn cho gia súc. Cỏ đậu phọng có thể trồng thuần dạng đồng cỏ hoặc xen với các loại cỏ khác để vừa nhằm bảo vệ, cải tạo đất trống đồi núi trọc rất tốt (có khả năng cố định đạm từ 200-300kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh có thể cung cấp cho đất mỗi năm 595kg N/ha, 140kg P2O5/ha và 200kg K2O/ha), vừa cắt chất xanh làm phân xanh hay làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, cá… với khối lượng bình quân 150 tấn chất xanh/ha/năm (vì trong thân, lá có hàm lượng đạm rất cao, từ 2,5-3%N) hoặc trồng xen che phủ ở các vườn cây ăn quả, trồng che phủ thành các băng chống xói mòn trên vùng đất dốc cho các loại cây ngắn ngày (ngô, đậu).
Cỏ đậu phọng luôn luôn xanh tốt, ra hoa màu vàng quanh năm nên có thể trồng làm thảm trang trí ở các công viên, đường phố, công sở… vừa có tác dụng tạo cảnh quan đẹp, vừa để bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt.
3. Kỹ thuật trồng
- Trồng tháng 2 (đầu xuân):
+ Chuẩn bị hom giống: Cắt sát gốc khi cây đang ở giai đoạn bánh tẻ, lá bắt đầu chuyển sang màu hơi vàng, cao 30-40cm.
+ Chuẩn bị đất trồng: Làm sạch cỏ dại đem tủ vào gốc cây ăn quả, dùng cuốc xẻ rãnh sâu 20-25cm, hàng cách hàng 25-30cm. Với những nơi đất dốc nên trồng theo đường đồng mức hoặc theo từng băng rộng, hẹp tùy địa hình để có tác dụng chống xói mòn cho đất.Trồng cách gốc cây ăn quả khoảng 50-100cm.
Trồng theo lối áp tường, mỗi cụm gồm 2-3 hom cành cách nhau 10-15cm. Lấp đất kỹ, dện chặt cho nhanh bén rễ. Nếu có điều kiện thì tưới nhẹ vừa đủ ẩm.
- Chăm sóc: Sau trồng 25-30 ngày cây lạc bắt đầu bén rễ, nẩy chồi, lúc này nên nhổ cỏ cho Cỏ đậu phọng bằng tay để tránh bật gốc, chết cây. Với những nơi trồng thuần thành đồng cỏ thì sau khoảng 3-4 tháng có thể cắt cây để làm giống nhân rộng ra hoặc làm phân xanh, làm thức ăn cho gia súc. Cắt xong, làm cỏ, xới đất cho tơi xốp và tưới đủ ẩm cho cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển cho các lứa cắt tiếp theo.