“Ngàn lẻ một” kiểu phá rừng

“Ngàn lẻ một” kiểu phá rừng



Rừng là lá phổi xanh, rừng góp phần phòng hộ, điều tiết hạn, lụt, rừng cho gỗ, lâm sản phục vụ đời sống của vạn người...


Tác dụng của rừng, chẳng ai còn phải nghi ngờ. Bởi thế, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “trồng cây gây rừng” sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và Nhà nước đã ban hành nhiều điều luật bảo vệ, chống phá rừng. Tuy nhiên, vì vô ý thức, vì những lợi ích ích kỷ trước mắt, nhiều người vẫn cố tình vi phạm pháp luật, tàn phá rừng. Phổ biến và dai dẳng đến thành “bệnh kinh niên” là nạn khai thác, chặt phá rừng bừa bãi, khiến hàng ngàn ha rừng trở thành “đất trông, đồi trọc”. Cùng với đó là việc đốt phá rừng làm nương rẫy thường xảy ra ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Không hẳn chỉ vì kế sinh nhai, có khi, chỉ vì những mối lợi nhỏ, con người cũng vô tâm, phũ phàng phá rừng. Đã có thời, người ta đua nhau vào rừng, săn tìm những cây gỗ quý, chặt hạ nó để “sản xuất” thớt, bày bán la liệt với giá chỉ vài chục ngàn đồng/chiếc. “Tích tiểu thành đại”, lâu dần tạo nên tình trạng rừng bị “thớt hóa” đến đáng ngại.

Khai thác tài nguyên, khoáng sản tự do, bừa bãi, đã “góp phần” đáng kể vào “công cuộc” phá rừng. Đâu có khoáng sản là dân xô đến. Hàng ngàn, hàng vạn người từ khắp các ngả đổ về những vùng rừng có đồng, có vongram, có vàng, có đá quý... tạo nên những “đại công trường” ngay giữa đại ngàn. Cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang lấy mặt bằng mở hầm khai thác và dựng lán trại để ở. Rừng bị nổ mìn, bị đào khoét, bị xẻ dọc ngang và biến dạng hoàn toàn. Khai thác kiểu này quả là một công cuộc phá rừng triệt để.

Vì kế sinh nhai, vì những lợi ích kinh tế, người ta đang tâm phá rừng đã là một tội lỗi không thể tha thứ, nhưng còn có thể hiểu được, nhưng gần đây lại xuất hiện một kiểu phá rừng kỳ quặc: phá rừng khi đi chơi, đi du lịch, khi đang đi tìm, đang được tận hưởng niềm vui thú từ chính rừng mang lại. Lời kêu cứu từ Phanxipăng – đỉnh cao nhất của Đông Dương đang khiến người ta phải kinh hoàng. Từ khi mở cửa đón du khách leo Phanxipăng, “du khách” không ngại ngần phá rừng. Họ chặt cây làm lán, chặt nứa dựng lều, chặt gỗ đun nấu, đốt lửa trại... và xả rác thải vô tội vạ ra “mái nhà Đông Dương”. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì chẳng bao lâu nữa, Phanxipăng không còn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Dù bằng bất cứ cách gì, những kiểu phá rừng đều cần phải ngăn chặn kiên quyết và kịp thời để bảo vệ rừng tự nhiên, một trong những điều kiện đảm bảo môi trường sống của con người. Những người quản lý, bảo dưỡng rừng, đặc biệt mỗi người công dân cần có ý thức nghiêm túc thực hiện những điều luật bảo vệ rừng, cùng chung tay góp sức bảo dưỡng, phát triển rừng – bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
[FONT=Arial, Helvetica, sans-serif]B.Bông ( Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam )[/FONT]
 




Back
Top