Nói thêm về giống lúa BC-15

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Giống lúa BC-15 sản xuất vụ thu 2009 trên địa bàn HTXNN2 Cát Hanh (Phù Cát - Bình Định) chiếm tỉ lệ hơn 90% trên diện tích 50ha chuyển đổi từ sản xuất 3vụ/năm sang sản xuất 2vụ/năm.


Và hiện nay, khi giống lúa BC-15 đang vào độ sắp thu hoạch, cùng với bà con nông dân chúng tôi hân hoan nói rằng “đã thắng lợi lớn trên diện tích sản xuất 2vụ/năm”, bởi năng suất bình quân ước đạt 66tạ/ha, cá biệt đạt 70tạ/ha. Tuy nhiên, với giống lúa BC-15 và với chính địa phương chúng tôi, con đường đi đến kết quả nói trên không hề bằng phẳng.


Còn nhớ, vụ ĐX 2007-2008, lần đầu tiên Ban chủ nhiệm HTXNN2 Cát Hanh đã cùng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình đưa vào sản xuất giống lúa BC-15 trên diện tích 68,4ha với 307 hộ gia đình tham gia, trong đó: diện tích gieo sạ giống BC-15 nguyên chủng là 45,4ha với 168 hộ tham gia và có ký kết hợp đồng sản xuất; diện tích gieo sạ giống BC-15 cấp1 là 23ha với 139 hộ gia đình tự nguyện sản xuất. Và kết quả sản xuất ở vụ này nhìn chung đã thất bại. Chính từ sự thất bại này đã gây xôn xao, thậm chí chấn động dư luận.


Về mặt pháp lý, Cty CP Giống cây trồng Thái Bình chỉ chấp nhận hỗ trợ (đúng hơn là bồi thường) 400 ngàn đồng/500m2 cho những hộ gia đình có ký kết hợp đồng sản xuất, riêng ngành chức năng địa phương thì tỏ ra lúng túng, và có lúc giống lúa này bị cấm đưa vào sản xuất. Về mặt kỹ thuật, đã tạo ra 2 luồng dư luận trái ngược nhau, luồng thứ nhất cho rằng bản thân giống lúa BC-15 đã bị nhiễm bệnh đạo ôn mức độ nặng và không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương; luồng thứ hai lại nói do không tuân thủ lịch mùa vụ, mật độ gieo sạ quá dày so với khuyến cáo (3-4kg/500m2), bón phân không cân đối và bệnh đạo ôn đã có sẵn trên cánh đồng.


Trong khi “lời giải” cho những nghi vấn trên vẫn còn đang bỏ ngỏ thì vụ thu tiếp đó, dù không được khuyến cáo nhưng vẫn có đến 50 hộ gia đình “âm thầm” gieo sạ giống lúa BC-15 trên diện tích 6ha. Riêng chúng tôi thì lặng lẽ theo dõi, quan sát suốt quá trình sinh trưởng phát triển cây lúa trên diện tích này. Nói là lặng lẽ nhưng thật ra chúng tôi có mặt gần như thường xuyên và luôn sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho bà con ở từng thời điểm nếu có “sự cố”. Và vụ thu ấy, trên diện tích ấy hầu như rất ít sâu bệnh, cá biệt chỉ có 2 thửa bị bệnh đạo ôn mức độ nhẹ, và năng suất bình quân ước đạt 62tạ/ha.


Anh Trần Văn Quế, một trong số 50 hộ “xé rào”, cho biết: “Vụ ĐX 2007-2008 là vụ đầu tiên gieo sạ giống lúa BC-15, nhưng đa số bà con vẫn theo thói quen cũ, đó là không triệt để tuân thủ lịch mùa vụ và chủ quan xem giống lúa BC-15 cũng như các giống lúa khác trong quá trình canh tác, do đó chúng tôi đã phải đón nhận hậu quả không vui. Và sở dĩ có được kết quả như trên là nhờ rút kinh nghiệm từ vụ ĐX, trong đó cơ bản nhất vẫn là tuân thủ lịch mùa vụ, mật độ gieo sạ, điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp và thường xuyên thăm đồng”.


Vụ ĐX 2008-2009 liền kề, diện tích gieo sạ giống lúa BC-15 tiếp tục tăng lên, trong đó có 1,5ha là giống nguyên chủng sản xuất theo diện “hợp đồng tự nguyện” giữa 11 hộ gia đình với Ban chủ nhiệm HTX (nguồn giống lấy từ chi nhánh Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình tại Quảng Nam). Có thể nói rằng, vụ ĐX 2008-2009 là “liều thuốc thử cuối cùng” để đánh giá và khẳng định đúng mực về giống lúa BC-15 trên địa phương này, bởi vụ ĐX có sự khác biệt so với vụ thu ở chỗ mưa nhiều, độ ẩm cao, cây lúa thường gặp lạnh ở giai đoạn sau Tết Nguyên đán nên rất dễ phát sinh bệnh đạo ôn. Do đó, ngoài việc áp dụng kinh nghiệm ở vụ thu 2008, vụ ĐX này dù muốn dù không bà con cũng đã phải phun thuốc ngừa bệnh đạo ôn (2 lần/vụ). Kết quả năng suất bình quân vụ ĐX này đạt 64tạ/ha.


Vậy nguyên nhân nào khiến bà con nông dân ở đây từ chỗ ngờ vực đến kiên trì rồi duy trì và phát triển giống lúa BC-15? Theo chúng tôi, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, hầu hết các giống lúa đang có trên địa bàn phần bị thoái hoá, phần vì năng suất cũng chỉ “thường thường bậc trung”, hoặc năng suất khá cao nhưng không được ưa chuộng trên thị trường, trong khi chưa có giống lúa mới nào khả dĩ khắc phục được các nhược điểm nói trên; thứ hai, giống lúa BC-15 xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy, bước đầu tuy bị ngờ vực nhiễm nặng bệnh đạo ôn gây mất năng suất, nhưng ấn tượng của nó là ngon cơm và được giá trên thị trường, lại có thời gian sinh trưởng phù hợp với sản xuất 2vụ/năm – đây chính là tiền đề của nguyên nhân thứ ba, đó là sự kiên trì, cần cù và từng bước rút kinh nghiệm trong quá trình canh tác của bà con nông dân.


Như vậy, qua 3 vụ liên tiếp, đặc biệt là kết quả từ “liều thuốc thử” vụ ĐX 2008-2009 đã tạo ra sự “bùng nổ” giống lúa BC-15 ở vụ thu 2008 như đã đề cập ở phần đầu. Và chúng tôi cũng hoàn toàn thống nhất ý kiến nhận xét của Th.S Trần Xuân Định về giống lúa BC-15 qua bài “Vì sao giống lúa BC-15 lại “kẻ yêu người ghét”” đăng trên Báo NNVN số 121, ngày 18/6/2009, đại ý: Giống lúa BC-15 không dễ tính, nó sẽ đạt năng suất trên 70tạ/ha với điều kiện: người sản xuất phải tuân thủ tốt qui trình, chí thú với ruộng vườn, phòng trị bệnh kịp thời, điều trị ngay khi nó vừa “hắt hơi sổ mũi”. Khuyến cáo không nên sản xuất giống lúa này trong các trường hợp: xem làm ruộng là nghề phụ, hộ gia đình neo đơn, già cả, không đủ lực đầu tư; đất lầy thụt, chua trũng, mỏng màu…











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top