Nuôi cá lóc làm cảnh?

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Ngày nay, quan niệm như thế nào là loài cá cảnh không chỉ bó hẹp ở các yếu tố màu sắc và hình dáng mà còn ở yếu tố “lạ và độc đáo”. Do vậy mà trong giới chơi cá người ta thường sưu tầm các loài cá săn mồi (predator) bởi vì “thần thái” dữ tợn của chúng; mặt khác những con cá có hình dáng lạ mắt “trông chẳng giống ai” (odd ball) cũng là đối tượng mà một số người nuôi cá sưu tầm. Chúng ta có thể liệt kê rất nhiều loài có các đặc điểm như vậy đang lưu hành trên thị trường cá cảnh bao gồm cá đuối nước ngọt, cá piranha, cá thát lát, cá khủng long, cá sấu mỏ vịt... và tất nhiên cả cá lóc nữa.
Cá lóc là một lựa chọn hoàn hảo cho những người yêu thích các loài cá săn mồi với dáng vẻ uyển chuyển, uy nghi, và đặc biệt các vây luôn trương thẳng. Đối với chúng ta, cá lóc trông quá quen thuộc nhưng mà chúng lại là đối tượng sưu tầm của một bộ phận những người chơi cá cảnh trên thế giới. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đến thú chơi còn khá mới mẻ này!

auranti7.jpg


Sơ lược về họ cá lóc (Channidae)
Cá lóc trong tiếng Anh được gọi là cá “đầu rắn” (snakehead), ám chỉ đến cái đầu thuôn và tròn trông giống như đầu rắn. Họ cá lóc Channidae bao gồm 2 chi là <i>Channa</i>, phân bố ở châu Á và chi <i>Parachanna</i>, phân bố ở châu Phi. Chi <i>Channa</i> có 26 loài còn chi <i>Parachanna</i> có 3 loài. Phía trên nắp mang của cá lóc có một cấu trúc màng gọi là mang phụ (suprabranchial organ), qua đó ô-xy từ không khí có thể thẩm thấu trực tiếp vào mạch máu; nhờ vậy mà cá lóc có thể tồn tại trong môi trường nghèo ô xy hoặc bò trên cạn, vượt qua rào cản để thâm nhập vào các vùng nước mới. Mang phụ ở chi <i>Parachanna </i>có cấu trúc đơn giản hơn ở chi <i>Channa</i>; chức năng của nó cũng tương tự như mê lộ (labyrinth) ở những loài thuộc họ Osphronemidae, chẳng hạn như cá rô đồng nhưng không phát triển bằng.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tổ tiên của cá lóc xuất hiện ở một trong hai lục địa châu Á hoặc châu Phi rồi mới thâm nhập vào lục địa kia khi chúng thông với nhau ở vào một thời điểm nào đó trong quá khứ. Cấu trúc mang đơn giản hơn ở chi <i>Parachanna</i> cho thấy loài tổ tiên của cá lóc xuất hiện trước tiên ở châu Phi trong khi số lượng loài ít ỏi ở đấy lại cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, hóa thạch cá lóc cổ xưa nhất lại được phát hiện ở... châu Âu và có niên đại vào cuối đại Oligocene và đầu đại Miocene (cách nay từ 20 đến 25 triệu năm). Như vậy, tổ tiên của chúng phải xuất hiện từ trước đó và người ta tin rằng đó là vào kỷ Jurassic! ( cách nay trên 100 triệu năm).

Cá lóc phân bố chủ yếu trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Phi và châu Á; tuy nhiên cá biệt có vài loài phân bố ở những vùng khí hậu lạnh hơn như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng Siberia. Mặc dù không phải là loài cá nước ngọt sơ khai, cá lóc lại hoàn toàn thích nghi với nước ngọt và chịu đựng độ mặn rất kém. Chúng sống chủ yếu ở sông và kênh rạch; ngoài ra chúng còn xuất hiện ở ao, hồ, ruộng lúa, hoặc đầm lầy... Chúng có thể tồn tại trong môi trường nghèo ô-xy nhờ khả năng “hít thở” trong không khí. Một số loài có khả năng chịu đựng đặc biệt; chẳng hạn loài <i>Channa banganensis </i>sống ở vùng “nước đen” có độ acid cao (3-4 độ pH); rồi các loài <i>Channa gachua</i>, <i>Channa striata </i>và <i>Channa punctata </i>có thể chịu đựng được tầm pH biến thiên rất rộng, từ 4 đến 9 độ trong vòng 72 giờ; còn loài <i>Channa argus </i>ở sông Amur, Siberia lại có thể sống sót qua mùa đông khắc nghiệt!

Cá lóc với thị trường cá cảnh
Cá lóc thâm nhập thị trường cá cảnh ở châu Âu, châu Mỹ và một số quốc gia ở châu Á như Singapore, Đài Loan và Nhật Bản bởi vì sở thích nuôi cá dữ, cá săn mồi của những người chơi cá ở đấy. Mặc dù việc nuôi chúng khá tốn kém bởi tập quán thích ăn mồi sống và cần hồ nuôi rộng nhưng vẫn có một số người chỉ chuyên nuôi cá lóc. Trên thực tế, số lượng người nuôi và quan tâm đến cá lóc vẫn đang tăng dần; nhiều người trong số họ vốn là người nuôi cichlid và tò mò xem cá lóc có thể nuôi chung với cichlid hay không. Phong trào nuôi cá lóc làm cảnh bắt đầu phát triển từ vài chục năm trước; đến nay cá lóc chiếm một thị phần tương đối khiêm tốn trong toàn bộ thị trường cá cảnh nói chung.
striata2.jpg

Con cá lóc đen <i>Channa striata </i>với cái mồm lởm chởm răng trên đây có màu sắc hết sức bình thường nhưng lại hấp dẫn người nuôi cá ở dáng vẻ hung dữ của chúng!

Nhìn chung, các loài cá lóc kích thước nhỏ phổ biến trên thị trường cá cảnh hơn là các loài lớn. Vào thời điểm năm 1990, loài <i>Channa gachua </i>được bán ở thị trường cá cảnh Singapore với giá từ 30 đến 60 đô la một con trong khi các loài lớn hơn một chút như <i>Channa melanoptera </i>và <i>Channa pleurophthalma</i> có giá gần 100 đô la. Chúng đều là những cá thể được đánh bắt trực tiếp ngoài tự nhiên và điều này làm dấy lên những lo ngại rằng việc khai thác quá mức cộng với nạn phá rừng sẽ làm cho những loài này bị tuyệt chủng. Ở thị trường Mỹ, mỗi con ròng ròng (cá lóc non) có giá khoảng 15 đô la, một con <i>Channa bleheri </i>kích thước từ 8-15 cm có giá dao động từ 55-75 đô la, trong khi những con lớn hơn có giá khoảng 100 đô la tuỳ vào kích thước. Đặc biệt, vào năm 2005, một cặp <i>Channa barca </i>trưởng thành được nhập vào nước Anh với giá khoảng... 9.000 đô la. Giá cao như vậy là bởi vì loài này không những tuyệt đẹp mà còn cực hiếm nữa.

Điều nữa cần phải nói, đó là việc nuôi và mua bán cá lóc bị cấm ở một số bang của Mỹ; trong khi việc nuôi loài <i>Channa argus </i>ở Anh cần phải có giấy phép. Cá lóc là loài cá săn mồi dữ tợn; cho nên nếu để chúng thoát ra môi trường tự nhiên, chúng sẽ đe doạ đến sự tồn tại những loài cá bản địa khác, từ đó làm ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái của khu vực. Hầu hết các loài cá lóc đều sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới; cho nên luật cấm nuôi và buôn bán cá lóc được áp dụng ở các hầu hết các bang miền nam nước Mỹ, những nơi có khí hậu ấm áp. Đặc biệt, loài <i>Channa argus </i>có thể chịu được khí hậu lạnh, do vậy nó là loài có mức độ đe doạ cao nhất đến cân bằng sinh thái ở các quốc gia Âu, Mỹ.

Nếu chỉ xét trên khía cạnh “độc đáo” thì tất cả các loài cá lóc đều có thể nuôi làm cảnh và thực tế diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, một số loài cá lóc có màu sắc rất đẹp, có thể nói là không thua gì các loài cichlid mà ở đây chúng ta có thể liệt kê ra một vài loài tiêu biểu. Chúng đều là các loài phân bố ở lưu vực sông Brahmaputra, phía bắc vùng Assam, Ấn Độ. Đó là các loài <i>Chana barca</i>, kích thước tối đa 90 cm, loài <i>Channa aurantimaculata</i>, kích thước tối đa 40 cm, loài <i>Channa bleheri</i>, kích thước tối đa 20 cm và loài tương tự như <i>Channa bleheri </i>nhưng có vây màu xanh, được lưu hành trên thị trường cá cảnh với tên <i>Channa sp. Assam</i> hay “blue bleheri”.
barca.jpg

<b>Loài <i>Channa barca </i>cực đẹp và hiếm. Được biết, hiện chỉ có 6 cá thể của loài này trên thị trường cá cảnh thế giới mà thôi. (nguồn www.tomhalvorsen.co.uk)</b>

Channaaurantimaculata3.jpg
<b>Loài <i>Channa aurantimaculata </i>cũng tuyệt đẹp. Loài này tương đối phổ biến hơn loài <i>Channa barca</i> ở trên. (nguồn http://www.freewebs.com/yuchiachang)</b>

bleheri5.jpg
Loài <i>Channa bleheri </i>có nhiều đốm ở trên thân.

blueBleheri2.jpg

Loài <i>Channa sp. Assam</i> hay "blue bleheri" tương tự như loài bleheri nhưng có vây màu xanh.

Những loài cá lóc ở Việt Nam
Có bao nhiêu loài cá lóc ở Việt Nam và tên địa phương của chúng gọi là gì? Đây là một chủ đề khá thú vị mà chúng tôi mong muốn được làm sáng tỏ dưới đây:

Theo sách Định loại cá nước ngọt các tỉnh phía bắc (1978) của giáo sư Mai Đình Yên:
- Cá xộp (<i>Channa striata</i>) phân bố rộng trong cá thuỷ vực miền núi, đồng bằng và nước lợ có nồng độ muối thấp. Kích thước tối đa 90 cm.
- Cá chuối suối (<i>Channa gachua</i>) sống ở miền núi các tỉnh phái Bắc Việt Nam. Loài này có vây bụng nhỏ. Kích thước tối đa 20 cm.
- Cá chuối (<i>Channa maculata</i>) phân bố tương tự cá xộp. Kích thước tối đa 20 cm.
- Cá chèo đồi (<i>Channa asiatica</i>) phân bố ở các tỉnh phía Bắc. Loài này không có vây bụng. Kích thước tối đa 20 cm.
Ngoài ra, có tài liệu trên mạng mô tả loài cá lóc Trung Quốc <i>Channa argus</i> là loài cá lóc... phổ biến ở nước ta. Đây không phải là loài cá bản địa và nếu có thì chúng chỉ hiện diện ở miền Bắc vì chúng thích nghi với những vùng khí hậu lạnh.

Theo sách Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long (1993) của các tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương:
- Cá lóc đen (<i>Channa striata</i>)
- Cá chành dục (<i>Channa gachua</i>)
- Cá lóc bông (<i>Channa micropeltes</i>). Kích thước tối đa 150 cm.
- Cá dầy (<i>Channa lucius</i>). Kích thước tối đa 40 cm.
Tài liệu giảng dạy của khoa thuỷ sản trường Đại học Cần Thơ còn ghi nhận thêm loài cá lóc môi trề (<i>Channa sp</i>.) rất phổ biến ở các vùng lũ như An Giang và Đồng Tháp. Ở miền Nam, cá lóc đen, cá lóc môi trề và cá lóc bông được nuôi lấy thịt cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; phương thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao hay trong các lồng, bè thả trên sông. Gần đây, nhiều trang báo điện tử đưa tin nông dân ở miền Trung và miền Bắc bắt đầu nuôi cá lóc bông và cá lóc môi trề; không rõ những loài này có thích hợp với địa bàn mới hay không nhưng đây cũng là tin rất đáng mừng vì những loài cá rất dễ nuôi và chóng lớn này có thể giúp nông dân cải thiện kinh tế gia đình.
DongThap05.jpg

Cá lóc môi trề (<i>Channa sp</i>.) chụp ở Đồng Tháp tháng 11/2006.

Theo www.fishbase.org, ngoài các loài kể trên (không kể loài cá lóc môi trề), ở Việt Nam còn có các loài <i>Channa orientalis</i>, <i>Channa marulius</i> và <i>Channa melasoma</i>. Nguồn tài liệu tham khảo về sự có mặt của các loài này là từ tác giả Kottelat trong các tài liệu Cá nước ngọt Campuchia (Freshwater fishes of Campuchea, 1985) và Cá nước ngọt ở miền Tây Indonesia và Sulawesi (Freshwater fishes of Western Indonesia and Sulawesi, 1993). Trong khi mô tả các loài cá lóc ở những vùng trên, Kottelat đã liệt kê Việt Nam như là vùng phân bố của chúng dựa vào nguồn tài liệu tham khảo rất cũ (Smith, 1945), sau đó www.fishbase.org lại dựa vào đấy để đưa chúng vào danh sách cá lóc ở Việt Nam. Kottelat còn là tác giả của tài liệu Cá nước ngọt miền Bắc Việt Nam (Freshwater fishes of Northern Vietnam, 2001) mà nội dung chủ yếu là bản dịch tiếng Anh sách của giáo sư Mai Đình Yên và các tác giả Việt Nam khác cho nên các loài cá lóc trong đó cũng không khác những loài mà chúng ta đã biết ở trên. Ông cũng không đề cập gì đến các loài mà ông đã “thêm vào” trong các tài liệu trước đó của mình. Mặc dù các loài <i>Channa orientalis</i>, <i>Channa marulius </i>và <i>Channa melasoma</i> xuất hiện ở lưu vực sông Mekong chảy qua các nước Lào, Thái Lan và Campuchia nhưng theo chúng tôi thì sự có mặt của chúng ở Việt Nam là điều cần phải xem xét lại.

Một nguồn tra cứu khác là sách Động vật có xương sống (2003) của giáo sư Trần Kiên có liệt kê các loài cá lóc sống ở các con suối miền núi là cá lóc suối (<i>Channa marulius</i>) và cá tràu suối (<i>Channa marseliodes</i>). Khi tra cứu trên www.fishbase.org chúng tôi không thấy loài <i>Channa marseliodes</i> chỉ thấy có loài <i>Channa marulioides</i> phân bố ở Indonesia và Malaysia. Mặt khác, loài <i>Channa marulius</i> được mô tả là loài cá lóc khổng lồ (đạt đến 1m2, cá biệt có trường hợp lên đến 1m8) sống trong các đầm lầy, kênh và hồ ở lưu vực các con sông chứ không phải là loài sống ở các dòng suối miền núi. Cả hai loài này đều có một chấm tròn đặc trưng ở mép trên vây đuôi. Nếu các bạn phát hiện ra chúng thì hãy gửi thông tin cho chúng tôi để bổ sung chúng vào danh sách các loài cá lóc ở Việt Nam.
Snakehead_1251_67.jpg

Loài <i>Channa marulioides</i> (nguồn http://fisc.er.usgs.gov)

Chúng tôi không tìm thấy tài liệu nói về các loài cá lóc ở khu vực miền Trung. Chỉ biết vùng này thường gọi con cá lóc là cá tràu. Nghe nói có hai loại cá tràu là cá tràu chó (tràu cẩng) nhỏ con như cán rựa và cá tràu chuối lớn cả ký; không rõ tên khoa học của chúng là gì. Điều cho phép suy đoán rằng số lượng các loài cá lóc ở khu vực này tối thiểu là hai loài. Ngoài ra, chúng tôi còn có ảnh các loài <i>Channa gachua</i> và <i>Channa striata</i> do nhà sinh học Bùi Hữu Mạnh chụp ở vùng rừng Thừa Thiên-Huế vài năm trước đây.
gachuaTTH1.jpg

Loài <i>Channa gachua</i> (ảnh do Bùi Hữu Mạnh chụp ở Thừa Thiên-Huế)

striataTTH2.jpg

Loài <i>Channa striata</i> (ảnh do Bùi Hữu Mạnh chụp ở Thừa Thiên-Huế)

Tóm lại, danh sách các loài cá lóc ở Việt Nam bao gồm:
- Cá lóc đen hay còn gọi là cá xộp (<i>Channa striata</i>) và cá chành dục hay còn gọi là cá chuối suối (<i>Channa gachua</i>) có phân bố rộng, trong khắp các vực nước ở mọi miền.
- Cá chuối hay cá quả (<i>Channa maculata</i>) và cá chèo đồi (<i>Channa asiatica</i>) phân bố ở miền Bắc.
- Cá lóc bông (<i>Channa micropeltes</i>), cá dầy (<i>Channa lucius</i>) và cá lóc môi trề (<i>Channa sp</i>.) phân bố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Số lượng các loài trong danh sách này có thể sẽ gia tăng một khi những nghiên cứu và thống kê mới của các nhà khoa học được tiến hành trong tương lai.

Trở lại vấn đề nuôi cá lóc làm cảnh, cá lóc bông là một trong bảy loài cá lóc được ưa chuộng trên thị trường cá cảnh Mỹ theo một khảo sát của các nhà khoa học vào năm 2002. Một trong những lý do mà cá lóc bông được ưa chuộng là vì cá lóc bông non tức cá ròng ròng có màu đỏ rất đẹp (tuy nhiên, nhiều người ngỡ ngàng khi chúng càng lớn thì màu đỏ càng mất dần; cuối cùng một con quái vật vằn vện dài cả mét xuất hiện và xơi tất cả các con cá khác trong hồ!). Hiện tại, ngoài cá lóc bông (<i>Channa micropeltes</i>), các loài cá lóc đen (<i>Channa striata</i>), cá chành dục (<i>Channa gachua</i>) và cá chuối (<i>Channa maculata</i>) đều xuất hiện trên thị trường cá cảnh thế giới. Chúng được nhập từ nhiều quốc gia trong vùng (trong đó có thể có cả Việt Nam) bởi vì chúng là những loài phân bố rộng. Hy vọng là các nhà xuất khẩu cá cảnh nội địa sẽ để mắt đến thị trường còn khá mới mẻ này.vnreddevil - diendancacanh
 


Last edited:


Back
Top