Nuôi cua đinh

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Cua đinh là động vật thuộc lớp bò sát, bộ rùa, họ ba ba Tryonychidae. Trong họ ba ba có nhiều loài. Các loài thường gặp trên thị trường ba ba ở nước ta có ba ba hoa, ba ba gai, lẹp suối và cua đinh. Ba ba hoa còn gọi là ba ba trơn, phân bố tự nhiên chủ yếu ở các vùng nước ngọt thuộc đồng bằng sông Hồng.


Ba ba gai phân bố tự nhiên chủ yếu ở sông, suối, đầm hồ, miền núi phía Bắc. Lẹp suối, còn gọi là ba ba suối, thấy ở các suối nhỏ miền núi phía Bắc, số lượng ít hơn ba ba gai, cỡ nhỏ hơn hai loài ba ba trên. Cua đinh, phân bố tự nhiên ở vùng Tây Nguyên, Đông và Tây Nam bộ, dân các tỉnh phía Bắc gọi là ba ba Nam bộ, ba ba miền Nam để phân biệt với các loài ba ba ở phía Bắc.


Cách phân biệt các loài ba ba là dựa vào màu da bụng và hoa vân trên bụng. Da bụng ba ba hoa lúc nhỏ màu đỏ, khi lớn màu đỏ nhạt dần, khi đạt cỡ 2 kg trở lên gần như màu trắng. Trên nền da bụng điểm khoảng trên dưới 10 chấm đen to và đậm, vị trí từng chấm tương đối cố định, các chấm đen này loang to nhưng nhạt dần khi ba ba lớn dần, khi đạt cỡ trên 2 kg phải quan sát kỹ mới thấy rõ. Da bụng ba ba gai màu xám trắng, trên điểm rất nhiều chấm đen nhỏ, làm da bụng có màu xám đen lúc nhỏ và xám trắng lúc lớn. Ba ba suối da bụng màu vàng bóng, không có chấm đen. Ba ba Nam bộ (cua đinh) da bụng màu trắng, không có chấm đen.


Ngoài da bụng, có thể căn cứ vào các nốt sần trên lưng, trên diềm cổ, và trên cổ của ba ba để phân biệt chúng.


Xây dựng ao nuôi:


Môi trường nuôi có ảnh hưởng rất lớn đến việc thành bại khi nuôi cua đinh, cần phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chủ yếu sau:


- Nên xây dựng ao nuôi ở nơi có nguồn nước sạch độc lập để bảo đảm cấp nước sạch. Không gian yên tĩnh, kín đáo, quang đãng, dễ thoát nước, không bị úng ngập.


- Diện tích ao nuôi tùy điều kiện với mỗi gia đình, nhưng thích hợp nhất là khoảng 500 m2, nhiều nhất không quá 1.000 m2.


- Mức nước thích hợp cho nuôi cua đinh thịt là từ 1,5-2 m, mức nước chứa thường xuyên từ 1-1,2m. Thời gian nắng nóng và mùa rét cho nước sâu thêm 20-30cm.


- Sườn bờ cần tạo chỗ cho cua đinh nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ; có chỗ cố định cho cua đinh ăn để tiện theo dõi. Xung quanh cần có bờ cao, tốt nhất là xây bờ tường dựng đứng cao 0,5 m so với mặt đất để cua đinh không thoát ra ngoài.


- Mỗi ao có cống cấp nước và thoát nước riêng. Cống thoát nước có điều kiện nên đặt sát đáy ao để dễ tháo cạn và hút bỏ chất cặn bẩn trong ao. Cấp nước vào ao nên cho chảy ngầm, không xối mạnh trên mặt nước làm cua đinh sợ hãi không có lợi cho sinh trưởng.


- Có chỗ cố định cho cua đinh ăn để dễ theo dõi sức ăn của cua đinh và để làm vệ sinh khu vực ăn. Đơn giản nhất là cho thức ăn vào rổ, rá, nia, mẹt, khay, buộc dây treo ngập nước từ 0,3-0,6m cho cua đinh ăn, khi cần thì nhấc lên như nhấc vó. Có thể xây một bệ máng ở một góc ao, rộng 0,4-0,6m, ngập dưới nước 0,3-0,6m. Ao bể nhỏ và nông, đáy sạch có thể thả thức ăn trực tiếp xuống đáy ao cho ăn, nên chọn vị trí gần cửa cống tháo nước để dễ tháo hút chất cặn bẩn thức ăn thừa hàng ngày. Có thể luyện cho ba ba quen ăn ở ngay sát mép nước.


Thời vụ nuôi:


Ở ĐBSCL thời tiết luôn ấm áp nên có thể nuôi quanh. Trong vùng này, nhiệt độ nước các ao nuôi dao động trong phạm vi 24-32oC. Những nơi có điều kiện cấp nước tốt có thể khống chế được nhiệt độ nước trong phạm vi thích hợp nhất từ 26-30oC.


Chọn giống:


Cần chọn con giống đồng cỡ, kích cỡ giống là 150-200 g/con. Ngoại hình bóng, không bị xây xát, dị hình, không bị tật. Con giống khỏe mạnh, đồng đều, hoạt động nhanh nhẹn, không nhiễm bệnh. Con giống khỏe thể hiện bằng cách cho lật ngửa chúng sẽ tự lật lại bình thường. Con giống yếu thể hiện ở triệu chứng là cổ rụt không hết, bò chậm, mắt có tinh thể màu đục. Khi mua giống bà con nên mua ở những cơ sở có uy tín. Mật độ thả là 0,5-1,0 con/m2. Trong điều kiện nuôi thâm canh có thể thả tới 2 con/m2.


Cho ăn:


Thức ăn là động vật còn tươi sống như: Tôm, cá tạp, moi, dắt, giun, ếch nhái, các loại phụ phế phẩm của lò mổ, thịt động vật kém phẩm chất, giun đất, cá tép khô… và bột ngũ cốc, tất cả xay nhỏ với tỷ lệ động vật/thực vật là 3/1. Lượng thức ăn cho ăn mỗi ngày trung bình bằng 10% trọng lượng. Cho ăn ngày 2 lần ở những vị trí cố định. Cho ăn vào sàng (mẹt, nia...) ngập trong nước 20-30cm. Sau mỗi lần cho ăn nên kéo lên kiểm tra xem lượng thức ăn có hết không để điều chỉnh cho phù hợp và vệ sinh.


Quản lý trông coi:


Cần kiểm tra bờ ao, rào chắn thường xuyên đặc biệt vào những ngày mới thả giống, trời mưa to. Chú ý tới nguồn nước đưa vào ao, bể nuôi luôn đầy đủ và sạch. Hàng ngày theo dõi sức ăn của cua đinh để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để xử lý. Nếu không có điều kiện thay nước thường xuyên và triệt để cho ao, bể thì cứ 15 -30 ngày lại phải khử trùng cho ao, bể một lần bằng vôi bột với lượng 1,5-2kg/100m3 nước.


*Những điều cần lưu ý:


- Thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ (phù hợp kích cỡ miệng), nếu ươn hôi phải được nấu chín, không cho ăn thức ăn mặn và bị ẩm mốc.


- Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài.


- Sau khi thay nước xong cua đinh có thể bỏ ăn 2 -3 ngày.


- Tránh gây tiếng động mạnh khi cho ăn, khi thay nước.


Phòng bệnh:


Phòng bệnh rất quan trọng khi nuôi cua đinh. Để giảm bệnh cho cua đinh cần chú ý các biện pháp như: Chọn cua đinh giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi thả giống phải tắm bằng dung dịch Sulfat đồng với liều lượng 8g/m3 trong thời gian 20-30 phút để phòng bệnh nấm và ký sinh đơn bào. Cuối vụ khử trùng ao, bể nuôi bằng cách bón 10-15kg vôi/100m2. Không nên để thức ăn dư thừa. Định kỳ 15 - 20 ngày/lần hoà nước vôi với lượng1,5-2kg/100m3 té cho ao, bể nuôi. Những ngày nhiệt độ nước 18-25oC, dùng dung dịch Sulfat đồng (CuSO4) với nồng độ 8g/m3 hoặc thuốc tím nồng độ 20g/m3. Mỗi ngày tắm1 lần/30 phút để phòng bệnh nấm thuỷ mi. Khi bị bệnh phải nhốt riêng để điều trị đồng thời nhanh chóng vệ sinh môi trường ao nuôi. Không nuôi ở mật độ quá dày.


Thu hoạch:


Sau 9-10 tháng nuôi cua đinh đã đạt cỡ khoảng 0,9-1,0 kg/con. Theo kinh nghiệm của những người vuôi cua đinh thì năm đầu chúng tăng trưởng chậm, nhưng đến năm thức 2 thì tăng trưởng rất nhanh, có thể tăng 2-3 kg/con, thậm chí 4-5 kg/con. Vì thế hầu hết người nuôi đều kéo dài đến năm thức 2 mới thu hoạch. Có thể thu tỉa bằng cách tháo bớt nước trong ao, để mò bắt từng con. Nếu thu toàn bộ, phải tháo cạn nước và bắt từng con. Khi bắt cần phải nhẹ nhàng không làm xây xát da, không dẫm lên lưng cua đinh, không nhốt cua đinh quá dày, tránh chúng cào vào lưng cắn nhau gây tổn thương. Giữ những con nhỏ để nuôi tiếp hoặc chọn những con lớn để nuôi vỗ cho đẻ lấy giống năm sau. Trước khi vận chuyển không để cua đinh ở trong nước mà để ở nơi ẩm. Dụng cụ chứa cua đinh có thể là bị cói, giỏ cói, sọt hay thùng gỗ thoáng, có lót bèo để giữ ẩm.


Xếp một lớp bèo, một lớp cua đinh, tốt nhất là ngăn cho mỗi con ở một ô. Nếu vận chuyển vào trưa nóng thì dùng đá bọc vải để lên trên cho nước mát chảy xuống. Nếu vận chuyển qua đêm thì khi nghỉ đêm phải tháo ra, sáng hôm sau đóng lại. Chú ý mọi thao tác đều phải nhẹ nhàng. 











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top