Lông gà/vịt chiếm từ 8 - 10% trọng lượng của gà lông (gà chưa giết thịt). Hiện nay mỗi năm các công ty chế biến gia cầm của Úc thải ra khoảng 86.000 đến 111.000 tấn lông gà vịt. Phần lớn trong số này được bán lại cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với giá chưa tới 1 đô-la/kg.
Lông gà vịt có chứa đến 90% thành phần là protein. Như vậy, đây có thể là một nguồn dinh dưỡng giàu đạm có thể tái sử dụng được.
Tuy nhiên, protein trong lông gà ở dạng sừng (keratin), có kết cấu phức tạp và rất khó chiết xuất ra.
Keratin thuỷ phân có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như chế biến thức ăn gia súc, sản xuất phân bón, mỹ phẩm - điều trị các triệu chứng về da và tóc, thuộc da, sản xuất màng polyme sinh học tự huỷ (biodegradable film), và là chất mang thuốc bảo vệ thực vật cũng như các tác nhân hoạt tính.
Giá của keratin thuỷ phân dùng trong ngành mỹ phẩm hiện nay dao động từ 50 - 130 đô-la Úc/kg.
Do đó, việc chuyển hoá lông gia cầm sang dạng keratin thuỷ phân là một giải pháp tiềm năng mang lại giá trị thặng dư cho lông gia cầm phế thải, đồng thời giảm được các tác động của nguồn phế thải này lên môi trường.
Tiến sĩ Netsanet Shiferaw Terefe và nhóm của cô thuộc trung tâm CSIRO đang khảo sát khả năng có thể tái chế keratin thuỷ phân chất lượng cao từ lông gia cầm trong dự án do CRC tài trợ (Hợp phần 2.2.6 - Giá trị gia tăng từ chế biến lông gia cầm phế thải).
Tiến sĩ Netsanet đã kết hợp cả phương pháp sinh học và sóng siêu âm để tạo ra quy trình chế biến và tách enzyme bằng sóng siêu âm để tăng thêm giá trị cho phế phẩm lông gà giúp giảm chi phí mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Keratin-hydrolysates
Tiến sĩ Netsanet giải thích: "Về mặt lý thuyết, có nhiều cách chuyển hoá các vật liệu dạng sừng thành các loại keratin thuỷ phân có thể thu đạm.
Các phương pháp được sử dụng nhiều nhất là thuỷ nhiệt, nhiệt hoá học và tách sinh học.
Phần lớn các quy trình thuỷ phân keratin đã được đăng ký bản quyền đều sử dụng phương pháp thuỷ nhiệt. Quá trình tách sinh học là quá trình sử dụng các vi sinh vật tiêu sừng (keratolytic microorganism), hoặc sử dụng các enzyme được sản sinh ra từ các sinh vật đó.
Vi khuẩn sinh enzyme Keratinases thuộc chủng Bacillus sp., và đặc biệt là chủng Bacillus licheniformis đều đã được thí nghiệm và cho kết quả tốt".
Tiến sĩ cho biết thêm: "Các quá trình sử dụng vi khuẩn và enzyme làm việc có ưu điểm là thân thiện với môi trường, sản phẩm thu được là các keratin thuỷ phân cũng có chất lượng cao, dễ tiêu hoá hơn và có tính sinh khả dụng (bioavailability) cao, giữ lại được tối đa các amino acid quan trọng.
Chỉ có duy nhất một trở ngại của việc sử dụng quá trình sinh học là chi phí quá cao (thời gian hoạt động của vi khuẩn dài) và giá của enzyme cũng rất đắt.
Có một khả năng thay thế quá trình sinh học để cải thiện tính hiệu quả của thuỷ phân keratin là sử dụng sóng siêu âm.
Việc sử dụng sóng siêu âm đúng điều kiện sẽ tăng động lực phản ứng xúc tác của enzyme, từ đó có khả năng giảm lượng enzyme cần sử dụng và giảm thời gian phản ứng."
Cho đến nay, tiến sĩ Netsanet đã tạo thành công quá trình thuỷ phân lông gia cầm quy mô phòng thí nghiệm, và đã đi xa hơn một bước trong việc làm sạch sản phẩm thuỷ phân.
"Chúng ta sẽ có được một sản phẩm được làm sạch đến 80% qua màng lọc nano và các bước làm khô lạnh (freeze drying)."
Keratin thuỷ phân có khả năng hoà tan và hàm lượng amino acid cao, khả năng chuyển thành thể sữa và tạo bọt tốt so với các thành phần khác như đạm sữa phân lập (whey protein), và khả năng chống oxi hoá rất cao so với quả dâu.
"Quá trình tách có thể đạt hiệu quả cao hơn nhờ các chức năng và hàm lượng peptide phù hợp cho ứng dụng thuỷ phân."
Các kết quả thu được từ dự án này sẽ là tiền để để giúp cho ngành công nghiệp chế biến gia cầm tạo thêm nguồn thu đáng kể từ phế phẩm lông, từ đó cải thiện hiệu quả kinh tế cũng như tính bền vững với môi trường của ngành."
Dịch bởi: Hà Thu
Phiên dịch viên (Hội thảo; Hội nghị; Xúc Tiến Thương Mại)
Chuyên ngành Nông nghiệp; Biến Đổi Khí Hậu; Thương Mại Quốc Tế
Emai: corazondehathu@gmail.com
Mobile: +84.988.692.338
[Nguồn: http://www.thepoultrysite.com]