Tận diệt cá đồng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Mỗi người trong số họ có thể mang về nhà 5-10 ki lô gam cá một buổi, nhưng đổi lại là hàng tấn cá mà đời con, đời cháu họ sẽ không còn được hưởng. Họ là dân “xuyệt” điện, ngày đêm mải miết trên những cánh đồng, dùng xung điện để bắt cá.
 Gần năm ki lô gam cá rô, sặt... quẫy tuyệt vọng trong cái xô lớn mà anh Nguyễn Văn Cường mang về đặt trước cửa nhà sau hơn bốn giờ đồng hồ băng đồng, “xuyệt” điện. Gần 12 giờ đêm, nhưng vẻ mặt anh vẫn còn tươi rói. “Thức đêm quen rồi. Có bữa đi tới 2 giờ sáng nữa”, anh cười.
Ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, mỗi ngày đêm có hàng chục người cùng ra đồng “xuyệt” điện như anh Cường. Những cánh đồng vừa gặt trơ gốc rạ, xâm xấp nước sau những cơn mưa là “bãi đáp” lý tưởng cho dân “xuyệt” điện. Hồi chiều, trời mưa lấp xấp. “Đêm nay chắc chắn có cá nhiều”, anh Cường chuẩn bị “đồ nghề” rồi rủ tôi tháp tùng, với điều kiện... không được chụp ảnh. Chỉ là hai cây vợt điện - sào tre nhỏ, mỗi đầu gắn một miếng vỉ sắt nhỏ có dây điện nối với một cái bình ắc quy loại 12 vôn, kèm theo là một cái biến thế nhỏ, một cái xô đựng cá... Trông không khác một nông dân ra đồng phun thuốc cho lúa. Nhưng thay vì bình thuốc trừ sâu sau lưng, anh đeo cái bình ắc quy, còn tay không cầm vòi phun thuốc mà cầm thứ vũ khí hủy diệt cá - vợt điện.
Cái biến thế nhỏ, có giá chỉ hơn một trăm ngàn đồng, nhưng tác dụng kinh khủng! Nó sẽ biến dòng điện từ bình ắc quy lên thành 220 vôn, đủ sức khiến những chú cá lóc trên ba ki lô gam cũng phải xuôi xị. Và hai cây vợt, một dẫn dây nóng, một truyền dây nguội hợp lại tạo thành dòng điện tàn sát cá.
Anh Cường cho biết, nếu ngâm vợt trong nước nhưng đứng cách khoảng nửa mét thì người cầm vợt chỉ cảm thấy tê tê chân, không hề hấn gì. Trên vợt, cũng đã gắn sẵn công tắc nhỏ, khi nào nhấn vào dòng điện mới phát ra, để người điều khiển chủ động. Nghe thì vậy, nhưng vẫn cảm thấy rờn rợn cả người. Thỉnh thoảng, lại nghe tin dân “xuyệt” ở Phụng Hiệp, Châu Thành A (Hậu Giang)... mất mạng vì chính cái vợt điện của mình. Nào là do dây bị sờn tróc, vô ý sờ vào, rồi do mê tìm chích theo đường cá chạy, vô tình tự chích mình...
Đêm xuống, cả cánh đồng đen xịt. Mưa vẫn rả rích. Mấy bờ vườn đã trở thành những khối đen âm u, nghiêng ngả trong gió, trông rợn tóc gáy. Anh Cường vẫn bước thoăn thoắt trên bờ ruộng, rồi lội ra giữa đồng. Cái đèn soi gắn trên trán cứ chiếu ngang, chiếu dọc. Hai cái vợt vừa “hợp lực” đặt xuống cạnh mấy gốc rạ xâm xấp nước, đã thấy mấy chú tép nhỏ nhảy nhổm lên mặt nước. “A! Cá rô”, anh Cường hân hoan sau khi nghe tiếng quẫy mạnh. Rồi chú cá rô lớn gần bằng nửa bàn tay đã được anh Cường nhanh nhảu dùng vợt hớt lên, đổ vào xô.
Ở vùng này đồng trống, chứ ở miệt xa như xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), mương ruộng chất đầy chà tre... dân “xuyệt” điện sẽ cải tiến để thích nghi với chuyện diệt cá hơn. Không phải mỗi người hai vợt mà chỉ một vợt, một chĩa. Gọi là chĩa, nhưng đầu thanh sắt không nhọn mà chỉ cần dài. Nó rất thích hợp để “xỉa” vào các đống chà, bụi rậm mà chiếc vợt gắn vỉ sắt không thể xen vào vì vướng víu. Những chú cá, tôm ẩn mình trong ấy, sâu cách mấy cũng phải ngoi lên.
Những mảnh mây đen ngòm tan dần, vài ánh sao đã le lói. “Cũng khá rồi”, anh Cường lầm thầm khi soi đèn vào cái xô xem thử. Nhìn những chú cá lóc, sặt, rô... đầy trứng trong xô của anh Cường mà xót. Cứ để vài tháng nữa, sẽ có hàng triệu, hàng chục triệu cá con ra đời, bơi lội đầy đồng. Rồi chúng lớn lên dần theo dòng nước đầy phù sa, tha hồ mà bắt. Thế mà... “Tới kỳ sinh sản, một con cá rô đồng có thể sinh ra 300.000 con, cá mè vinh: 60.000 trứng; tôm càng xanh: khoảng 300.000 ấu trùng...”- ông Lê Văn Tính, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, cho biết.
“Cá không có trứng thì làm sao lên đồng mà bắt”, anh Cường trả lời thắc mắc của tôi. Số là, khi trời mưa, mặt ruộng đầy nước thì đêm đêm những chú cá này sẽ lóc lên ruộng tìm nơi đẻ. Vậy là làm mồi cho dân xuyệt điện.
Còn những chú cá, tép nhỏ cứ nhảy lao xao rồi bất động mỗi khi rà vợt xuống nước? “Không bao lâu sau là nó tỉnh rụi hà”, anh Cường nói rồi chỉ vào những chú cá đang quẫy đuôi... trong xô. Đó cũng là lời giải thích của nhiều dân “xuyệt” điện, để không thừa nhận rằng mình là kẻ vừa bắt vừa diệt! Theo ông Trần Chấn Bắc thuộc bộ môn Môi trường và Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cá đã bị ảnh hưởng bởi dòng điện như vậy, có sống được cũng giảm khả năng sinh sản hoặc tăng trọng rất chậm.
Thời xưa, dân đi soi bắt cá ban đêm chỉ hay dùng dao bén, chĩa hoặc nơm để bắt cá. Đèn soi thấy cá, cứ chặt, đâm mạnh hoặc chụp nơm rồi mò bắt. Bắt con nào “ăn” con đó, chẳng ảnh hưởng đến cả đàn như dân “xuyệt” điện bây giờ. Cá bây giờ đã khan hiếm dần, chẳng lớn kịp vì con người tàn sát, nay có xách nơm đi cả đêm cũng chẳng bắt được cá.
Anh Nguyễn Văn Hai, ở xã Trường Thành, nói bây giờ thấy dân “xuyệt” điện đi đầy đồng, bất kể đêm ngày. Ở huyện An Phú (An Giang), chúng tôi cũng đã bắt gặp hàng chục người vác cào lùng sục trên đồng vào mùa nước nổi. Thường vào mùa nước rút, những chú cá con sẽ từ đồng ruộng theo mương rạch thoát ra sông. Nay người ta bắt diệt từ nguồn, từ cá bố mẹ, liệu sông còn bao nhiêu cá?
Ông Nguyễn Văn Sáu, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng (Cần Thơ), trước đây cũng là dân đi ghe cào điện trên sông, thừa nhận: “Khoảng năm năm trở về trước, mỗi đêm kiếm hàng trăm ki lô gam cá, tôm là chuyện thường. Còn bây giờ, sông rạch đầy rẫy ghe cào điện, cá cũng ít đi dần”.
Hồ Hùng
 
Last edited:
Back
Top