Diễn đàn vẫn có những trang cuối cùng không mở được,
nên tôi chưa thấy có ai nêu được ý kiến gì giúp bạn.
Tôi không phải có nghề cơ khí, nhưng từ trẻ cũng đã
tò mò coi máy cấy Việt Nam bà con nông dân tự sáng kiến
làm bằng gỗ và tre, nên cố gắng kể lại, may ra có thể
giúp bạn phần nào. Đó là máy những năm 1959 hay 1963
gi đó. Tôi đã tự tay thử máy cấy, và ngạc nhiên thấy
các ngón tay của máy nhón mạ và cấy được. Hoàn toàn
không hề có nước ngoài nào có thể làm nổi lúc bấy giờ.
*
Máy cấy rất nhẹ, vì bằng gỗ, có 2 bánh như bánh xe đạp.
Chiều ngang dài chừng sải tay. Chiều cao đến khuỷu tay.
Chiều dọc trước sau chừng 1 mét. Mạ sắp trên khay cao
hơn mặt bùn cao trên ruộng chừng 1 gang, từng hàng theo
chiều dọc trước sau, cách nhau bằng khoảng cách cấy lúa.
Điều đó xảy ra vì máy có kẽ cho ngón tay máy thọc vào
nhón mạ. Ngón tay lấy mạ đến đâu, thì mạ chạy theo khe
mà sắp hàng chạy hơi giốc xuống, rồi đứng lại vì vướng
thanh ngang chắn lại. Thanh ngang này chỉ chặn mạ ở phía
trên thôi. Từ gốc mạ (đáy khay mạ) lên chừng 5 centimet
thì hở, để ngón tay máy thọc vào lấy mạ. Phần trên của
máy đơn giản chỉ là giàn khung máy. Khung máy để lắp 2
bánh xe, khay mạ, tay cầm ngang để đẩy máy đi, chứ không
hề có động cơ, và giàn ngón tay máy nhón mạ giúi xuống
bùn cấy mạ. Hay nhất và lý thú nhất là giàn ngón tay này.
*
Giàn ngón tay chạy giàn hàng ngang suốt chiều ngang của
máy, chừng 1 sải tay (khoảng mét rưỡi). Chia chiều dài
này ra cho khoảng cách hàng con, thì ra số cặp ngón tay,
chừng chục cặp gì đó. Mỗi cặp ngón tay chỉ có 2 ngón thôi.
Ngón tay nhìn ngang thì có hình như cặp ngà voi, có chiều
dài chừng 2 gang tay (30-40 centimet), chiều dày chừng
ngón tay (1 centimet), rộng bản 2 ngón tay (2-3 centimet).
Nơi ngón tay bắt vào khung giàn, thì cũng như ngà voi cắm
vào hàm con voi, nhưng không cắm, mà là khoan lỗ rất lỏng
lẻo. Người cấy tay cầm giàn khung đặt trên giá trên máy
hơi nhấc lên khỏi kệ, thì có thể hạ thấp nó xuống thêm
chừng 1 gang tay, các ngón tay sẽ chạm đáy khay mạ. Khi
chạm đáy khay mạ, 2 ngón tay mở ra, cách nhau chừng 1 cen
timet. Người chạy máy cấy đẩy giàn ngón tay về phía trước,
tức la thọc các ngón tay vào khay mạ, thì giữa 2 ngón tay
sẽ có vài cây mạ từ từng khe của khay. Người chạy máy cấy
nhấc giàn ngón tay lên vài centimet, thì 2 ngón tay kẹp lại
giữ mấy cây mạ đó trong chục cặp ngón tay này. Người chạy
máy tiếp tục kéo giàn ngón tay về phía mình, thì các cặp
ngón tay rút mạ ra khỏi khay mạ. Người chạy máy cấy hạ thấp
giàn ngón tay xuống mặt bùn trên ruộng, rồi giúi thêm bằng
độ cao mình giúi mạ xuống ruộng khi cấy lúa. Giúi có nghĩa
là hạ thấp rồi hơi ke'o thêm về phía sau. Lúc đó các ngón tay
máy buông thả mạ. Người chạy máy cấy nhấc giàn ngón tay theo
chiều thẳng đứng, thì các cặp ngón tay buông thả mạ ra, để
lại trên ruộng. Người chạy máy cấy tiếp tục nhấc giàn ngón
tay lên để thọc vào khay lấy mạ cấy tiếp hàng sau, trong lúc
chân bước lùi, kéo máy cấy theo.
*
Bí quyết làm cặp ngón tay mở ra, kẹp mạ, rồi buông thả mạ ra
là ở chỗ gần gốc ngón tay, có một cái khung hình thang, chiều
nhỏ ở dưới, đáy lớn ở trên. Cặp ngón tay có hình dáng cặp ngà
voi, và cũng có độ giốc như ngà voi. Gốc ngón tay có khoan lỗ
to hơn đinh giữ ngón tay, nên ngón tay lủng lẳng treo trên đinh
chứ không khít chặt. Cặp ngón tay bị giữ lại trong cái khung
hình thang ngược đó. Khi cặp ngón tay bị kéo lên, thì chúng xệ
xuống theo sức nặng của chúng, và trượt trong khung hình thang,
khiến 2 ngón tay cặp chặt vào nhau. Ngón tay làm bẳng tre, nên
trọng lượng không nặng lắm, chỉ kẹp nhẹ vào mạ thôi. Người chạy
máy cấy chỉ rút ra, chứ không nâng lên, nên các ngón tay vẫn kẹp
mạ. Người chạy máy cấy đẩy giàn ngón tay vào khay mạ, thả lỏng
tay cho các ngón tay trượt trên khay, thì các ngón tay bị nâng
lên so với giàn ngón tay, theo khung hình thang đáy trên rộng hơn,
nên 2 ngón tay mở ra. Khi giúi mạ xuống bùn, thì cũng vậy, nên
cặp ngón tay mở ra, và giàn ngón tay nhấc lên, để mạ lại trên bùn.
*
Lúc đó tôi là trẻ con, nên thích thú lắm, lội xuống ruộng cấy liền
vài hàng. Người lớn xúm lại coi, cũng rất thích, nhưng không muốn
lội xuống bùn, nên họ xúi tôi cấy cho họ coi. Người trông coi hội
triển lãm thấy có đứa trẻ làm giúp không công cho họ, nên cũng không
quát mắng đuổi trẻ con đi.
*
Điều quan trọng là: bùn phải thật nhuyễn như cháo mới cấy được.
Không thể có nhiều cục đất lổn nhổn. Lúa cấy xuống lỏng lẻo hơn cấy
tay, nên cây lúa hơi ngả nghiêng sau khi cấy xong. Hàng sông và hàng
con thì rất tốt, thẳng hàng hơn cấy tay nhiều. Năng suất cũng hơn, và
người cấy thì đứng thẳng lưng, không bị đau lưng như cấy tay, cũng
không mỏi chân như cấy tay. Theo người thuyết minh giới thiệu, thì
lúa cấy máy cũng hồi phục nhanh như cấy tay.
*
Đã 50 năm trôi qua, tôi chỉ nhớ láng máng được đến thế thôi, bởi vì
lúc đó trí óc tôi quá non nớt, không thể nhìn rõ và suy nghĩ kỹ đủ
để biết nhiều hơn, kỹ hơn. Mong rằng đó chỉ là gợi ý cho kỹ sư cơ khí
suy nghĩ mà thấy được nguyên lý hoạt động của cặp ngón tay máy.
*