Người miền Bắc gọi tất cả các loại Xoan thường là Xoan,
mặc kệ màu gỗ có đỏ hơn hay nhạt hơn nhau.
*
Người miền Bắc gọi tên Xoan Đào là một cây gỗ rừng, xưa
chưa có ai trồng, nhà nước cũng không trồng, vì còn nhiều
cây đáng trồng hơn. Cây này tôi không biết cành, lá, hoa,
trái, hạt như thế nào, nhưng tôi rất rành về gỗ của nó,
vì tôi đã làm thợ xẻ gỗ bằng tay (như lâm tặc) và thợ mộc
mấy năm. Gỗ của nó hoàn toàn khác hẳn với gỗ Xoan thường
đến nỗi đàn bà trẻ con thoáng nhìn mẫu gỗ cũng biết là
không phải cùng giống.
*
Trong nghề gỗ, kể từ cán bộ Lâm nghiệp trực tiếp bán gỗ
cây, gỗ xẻ, cho đến thợ xẻ, thợ mộc và người dân mua gỗ về,
Xoan thường chia làm 2 loại, gọi chung là Xoan Nhà, và
Xoan Rừng. Gọi chung thì không hoàn toàn đúng, vì một số
Xoan Rừng mọc ở bìa rứng, có nhiều nắng, thì gỗ cũng chắc,
mịn và đẹp như Xoan Nhà. Cây Xoan mọc trong rừng thường
bị cạnh tranh nắng, còn bị mọc lại từ gốc sau khi chặt
khai thác lần đầu, thì gỗ xốp chứ không mịn, giá rẻ có
thể chỉ một nửa so với giá Xoan Nhà. Xoan rừng nguyên sinh,
gỗ cũng cứng, tuy không thể so với xoan Nhà (trồng) nhưng
đường kính có thể 1 mét hay hơn. Bây giờ không thể tìm ra
những cây Xoan cổ như thế nữa.
*
Xoan Đào thì khác hẳn. Đường kính 1 mét là rất thường.
Nó cũng cao lớn, một cây cắt ra mấy khúc được, trong khi
Xoan Rừng đường kính 1 mét thì chỉ có 1 khúc gốc 2-3 mét
thôi, có khi chưa đủ 2 mét, còn phần ngọn thì nhỏ hẳn, có
nhiều mắt (cành) trong gỗ, lỗ thủng, nên không khai thác.
Đặc điểm gỗ Xoan Đào: cứng hơn Xoan Ta, thớ thô hơn, màu
đỏ tím sậm ở những đốm gỗ, còn thịt gỗ thì nhạt hơn. Xoan
Ta thì đốm gỗ rất nhỏ, coi như không có. Đốm gỗ là những
mảnh gỗ theo chiều ngang thớ, mọc theo chiều từ tâm gỗ ra
ngoài. Đốm này làm kém giá trị của gỗ khi cây còn non. Đốm
này thể hiện rất rõ ờ cây gỗ họ Dẻ. Ví dụ ở Dẻ Đỏ non dưới
10 năm, thì đốm này lớn bằng hạt đậu ván, tức là 1 centimet.
Ở gỗ Dẻ đắt tiền, đốm này có chiều 1 milimet. Cứ chẻ bất
cú một mảnh gỗ Dẻ nào, cũng thấy đốm dày đặc, cho ta học về
cấu trúc của gỗ cây trên đời. Ở Xoan Đào non, đốm này cỡ
nửa milimet. Gỗ Xoan Đào già thì đốm nhỏ hơn, rất nổi bật
màu đỏ tím sẫm trên nền thịt gỗ hồng nhạt, và ở ngoài bìa
gỗ xẻ, thì thịt gỗ trắng nõn, vẫn thấy đốm gỗ đỏ.
*
Đặc điểm quan trọng nhất của gỗ Xoan Đào làm nó bị hạ giá
là: gỗ Xoan Đào xẻ ván mỏng (1 centimet) thì bị cong vênh
rất lớn, có thể bị xé toạc ra. Cong vênh là vì thớ gỗ nó
xen kẽ những lớp không đồng nhất về chất, dẫn đến thớ gỗ
cứng khô bên cạnh thớ gỗ mềm ướt. Một tấm ván mỏng cỡ lớn,
bị cong vênh, cũng như một tấm bánh đa nướng không đều.
Để đỡ cong vênh, phải khai thác những cây trên 5 chục tuổi,
và phải xẻ ra những mảnh nhỏ không dày, ví dụ như xẻ Li Tô
(cỡ 3X3 centimet) để lợp ngói. Nếu xẻ Xà Vồ (8X6) thì rất
có thể bị xoắn vẹo đi, làm một thanh Xà Vồ dở, có thể không
làm nhà được. Xoan Đào ngày xưa thường được xẻ ván mỏng dày
1 centimet, rộng bản 1 gang tay (20cm) chuyên đóng xe Cải Tiến
là xe kéo tay ở nông thôn, đủ sức một người chở rơm rạ, hay
2 người chở đât đâ. Cũng có thể làm chuồng gà, hay bao bì.
*
Xoan Đào thường mọc hoang ở rừng mọc lại, khai thác đường kính
30-50 centimet. Nó không được dân thường và nhà nước trồng.
Nhà nước trồng những cây gỗ loại 2, còn Xoan Đào loại 6-7 tuỳ
theo đường kính lớn hay nhỏ. Xoan Ta thì loại 6, nhưng nếu
nhà trồng thì loại 5, nếu gỗ đồi mọc lại, thì đội sổ loại 6.
Nó không lọt xuỗng loại 7 vì không bị mối mọt, không cong vênh.
*