01/04/2013 | 19:47
Thuốc trị bệnh từ cây cỏ xung quanh ta
Dân Việt - Trị bệnh phải dùng thuốc bác sỹ. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng xung quanh ta có nhiều cây thuốc có giá trị chữa bệnh như thuốc của bác sỹ vậy.
Nếu ngứa, tìm sài đất
Sài đất là giống cây mọc bò sát đất. Thân cây thì màu xanh, có lông cứng nhỏ phủ xung quanh. Lá hình bầu dục thon dài có 1-3 răng cưa ở viền lá. Sài đất có hoa màu vàng tươi rất dễ nhận ra. Cây ưa nơi ẩm ướt, mát và râm nên chúng ta có thể dễ dàng tìm được sài đất trong vườn, bờ dậu bờ rào, dưới tán cây cao. Đất càng ẩm thì sài đất càng dễ mọc.
Cây sài đất. Ảnh minh họa
Sài đất là cây có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm tương đối tốt. Người ta đã ứng dụng dùng thử với lá sài đất giã nát và đắp lên vùng phần mềm bị viêm tấy. Thấy sau một vài ngày, hiện tượng viêm sưng nóng đỏ đều giảm. Dần biến mất. Nhưng với những ổ viêm đã chớm hình thành mủ thì ít có tác dụng. Công dụng của thứ cây này có lẽ đến từ các hoạt chất chống viêm trong lá cây cỏ mọc lan này.
Về công dụng, sài đất có tác dụng trị ngứa tương đối tốt. Nó hữu hiệu với những trường hợp viêm ngứa ngoài da, rôm sảy nhiều hoặc thường xuyên bị mẩn ngứa. Nhất là những người hay bị viêm lỗ chân lông. Chúng ta có thể có hai cách dùng sau: với những mụn nhọt nổi rõ trên da với hiện tượng viêm nóng đỏ, chỉ cần lấy lá sài đất, giã nát, đắp lên vết da bị viêm. Lưu ý là không nên đắp lá vào các vết thương có chảy máu. Với các mụn nhỏ, nổi mẩn khắp người, nên lấy lá sài đất tươi hoặc khô, đun lấy nước tắm, bã thì chà vào vùng ngứa. Chừng vài lần là hiện tượng ngứa giảm.
Chú ý là sài đất chỉ có tác dụng với hiện tượng ngứa ngoài da do viêm. Nếu cơ thể nóng ngứa ngáy, chúng ta cũng có thể dùng 100g lá cây tươi giã nát, thêm 100ml nước, thêm chút muối đun lên và lấy nước uống chia làm 2-3 lần trong ngày.
Nếu sỏi thận, uống râu ngô
Người già, người cao tuổi có thể bị mắc chứng bệnh sỏi thận. Nếu không điều trị, sỏi thận có thể gây ra một cơn đau quặn thận rất là đau. Nhưng nếu chúng ta điều trị hết sỏi, không những hết đau mà còn có tác dụng phòng ngừa giãn thận và suy thận.
Râu ngô. Ảnh minh họa.
Do đó, trong các trường hợp bị sỏi thận, chúng ta có thể kiếm râu ngô như một vị thuốc hữu hiệu điều trị căn bệnh này. Vị thuốc này đã được chứng minh tác dụng khá tốt.
Râu ngô là phần tua của bắp ngô thò ra ngoài. Râu ngô có nhiều màu khác nhau. Phần ngoài có màu nâu, tím. Phần trong bắp có màu trắng non. Cũng có khi có màu vàng hoe.
Trong râu ngô có các chất Sitosterol, stigmasterol, một ít saponin và glycosid thực vật. Nhưng điều quan trọng là râu ngô có chứa chất làm lợi tiểu, thông tiện, chống phù thũng, tăng tiết mật. Do vậy, râu ngô cực kỳ hữu hiệu trong điều trị sỏi thận.
Ngoài ra râu ngô còn có tác dụng điều trị các bệnh như viêm khớp, đái dầm, gút, tăng huyết áp, viêm gan do tắc mật, viêm đường tiết niệu
Cách dùng như sau: cân 10g râu ngô, cắt nhỏ. Lấy thêm 200ml nước sôi đung lên. Sau đó để nguội, đỏ ra bình uống trong ngày. Cứ 1h lại uống 1 lần. ngày uống chừng 2-3 lần sắc như vậy là có thể trị được sỏi thận.
Lưu ý là sỏi thận chỉ có tác dụng với râu ngô khi kích thước sỏi nhỏ. Kích thước sỏi chừng 0,5cm thì chỉ cần uống râu ngô đều đặn chừng 7-10 ngày là có thể tan sỏi và tống sỏi ra ngoài.
Còn tăng huyết áp, dùng hoa hòe
Tăng huyết áp là chứng bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Một trong các nguyên nhân đó là do thành mạch bị xơ cứng và kém mềm mại so với lúc trẻ tuổi. Ngoài việ uống theo đơn bác sỹ, bạn có thể dùng hoa hòe thay thế. Chính xác đó là nụ hoa hòe được dùng làm thuốc.
Cây hoa hòe là một cây to, cao chừng 5-6m. Cây có lá mọc theo cành, lá kép long chim, mọc hai bên cân xứng cuống lá. Hoa mọc thành bông, màu vàng trắng. Mùa hoa là mùa tháng 7, 8, 9. Đây cũng là mùa thu hái. Chú ý là thu hái lúc hoa ra nụ thì tốt hơn là hoa nở xòe.
Sở dĩ hòe hoa tốt là vì trong đó có chứa rutin, một hoạt chất điều áp và hạ áp giống như thuốc vậy. Người ta đã thử nghiệm thấy rutin làm tăng sức bền mao mạch, chống biến chứng đột qụy do tăng huyết áp. Rutin có tác dụng hạ huyết áp của người bệnh bị tăng huyết áp. Ngoài ra nụ hoa hòe còn chứa bertulin, sophoradiol, sophorin A, sophorin B và sophorin C.
Để chống tăng huyết áp, chúng ta có thể dùng như sau: nấu nụ hòe hoa với liều lượng 5-10g cộng thêm 200ml nước. Sắc còn 100ml nước, để ấm uống. Uống như vậy 3 lần trong ngày.
Hoặc chúng ta có thể chế ra thành chè uống hàng ngày như sau: lấy 3g nụ hòe và 3g cúc hoa. Chế nước sôi 1000C hãm trong 5 phút. Uống hàng ngày sẽ hạ được huyết áp. Lưu ý không dùng chất này cho những người bị tăng huyết áp ác tính hoặc kịch phát. Vì có thể không kiểm soát được huyết áp giai đoạn ngay sau uống.
Xương khớp đau, đừng quên lá lốt
Chắc hẳn một trong các thế hệ tuổi vàng không còn xa lạ gì với chứng đau xương khớp. Chứng bệnh này có rất nhiều nguyên nhân gây nên. Một trong các nguyên nhân đó là thoái hóa, viêm khớp dạng thấp. Khi đó, chúng ta đừng quên lá lốt.
Lá lốt. Ảnh minh họa
Lá lốt là một loại cây thân mềm, chỉ cao chừng 50cm. Thân khúc khủy và có nhiều mấu mắt. Mỗi mấu mắt ra một lá. Lá hình trứng, rộng, phía gốc dính với thân hình tim còn phía đầu lá nhọn. Lá non có màu xanh tơ nhưng lá già có màu xanh đậm. Lá lốt rất sẵn, ưa bóng mát, nơi ẩm và thường mọc thành đám. Chúng ta vẫn thường lấy thứ lá này để chế biến món ăn vì mùi rất thơm
Nhưng nay, ngoài chế biến món ăn, lá lốt còn có tác dụng làm thuốc trị đau xương rất công hiệu. Chỉ cần dùng ngay 5-10g lá phơi khô hay 15-30g lá tươi. Sắc lên với 200ml nước còn lại chừng 100ml nước thì để uống chia làm 2 lần trong ngày. Một ngày uống chừng 3-4 lần như vậy. Nếu chúng ta bị đau khớp cổ chân, bàn chân, chúng ta có thể lấy lượng lá lốt như trên, nấu lên với một lượng nước vừa đủ để ngập mắt cá chân. Đun sôi lá lốt và nước chừng 2-3 phút thì đổ ra chậu sứ. Để thoát bớt nhiệt còn chừng 40-450C thì ngâm chân. Ngâm đến khi nguội thì thôi. Ngày ngâm 2 lần, trưa và tối. Rất tốt cho bệnh đau xương khớp.
Chú ý là lá lốt chỉ tốt với người bị đau xương khớp theo kiểu thoái hóa, mạch co lại hoặc cứng đau khớp do trời lạnh. Thứ thuốc này ít có tác dụng với bệnh viêm đa khớp dạng thấp hay viêm cột sống dính khớp.