Bao trái - biện pháp hiệu quả để phòng sâu đục trái bưởi

Hiện nay, sâu đục trái bưởi là loại sâu hại mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng đã phổ biến trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng trên các vườn bưởi, làm trái rụng hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Cục Bảo vệ thực vật đã có quy trình tạm thời để phòng trừ sâu đục trái bưởi bằng nhiều biện pháp tổng hợp như biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp cơ học và biện pháp hóa học, trong đó biện pháp bao trái là biện pháp dễ làm, hiệu quả để phòng sâu đục trái bưởi.



A3-BaoTraiBuoi.jpg


Sâu đục trái có tên khoa học là Citripestis sagittiferella, họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Bướm có màu từ nâu đậm đến xám nâu, trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh. Bướm nhỏ, có dạng hẹp và dài do cánh xếp dọc thân mình, dài khoảng 10-12mm, khi đậu đầu hơi nhô cao và có 2 râu hơi cong từ trước đầu kéo dài hơn nửa thân mình. Bướm bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hóa 2 ngày, đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Thời gian ủ trứng khoảng 5-7 ngày, giai đoạn sâu non từ 9-12 ngày, nhộng 8-11 ngày, trưởng thành 2-4 ngày. Bướm đẻ trứng rời rạc từng trứng hoặc từng ổ (4-8 trứng) trên vỏ trái, trứng mới đẻ có màu trắng đục, lúc sắp nở có màu cam đỏ. Trứng có hình như vảy cá nhưng hơi phồng lên như bánh tiêu. Trứng thường được đẻ trên trái non, nhưng cũng đẻ trên trái già khi mật số bướm cao.


Sâu mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn, sâu đẫy sức dài khoảng 19-22 mm, có màu đỏ nâu và chuyển sang màu nâu xanh trước khi hóa nhộng. Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái (ở bên trong vỏ trái, sâu khoảng 3-5 mm), ăn vỏ trái sau đó sâu lớn dần, đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái. Đường đục của sâu vừa mở đường cho nấm bệnh vừa hấp dẫn ruồi đục trái đến gây hại khiến trái bị thối và rụng sớm. Sâu đẫy sức chui ra khỏi trái và rơi xuống đất để làm nhộng, chúng nhả tơ kết dính các hạt đất tơi mịn và các mảnh vụn hữu cơ lại thành kén để bảo vệ chúng.


Triệu chứng đầu tiên để sớm phát hiện sâu đục trái là những giọt nhựa màu vàng chảy ra trên bề mặt trái do sâu non mới đục vào trái. Trong lúc đục lổ, chúng tuôn ra ngoài các chất cạp từ vỏ trái chung cả với phân của chúng. Các chất thải ra, dẽo, hơi nhão dính trên miệng lổ đục. Sâu non gây hại trên trái bưởi khi bưởi đạt kích thước bằng trái cam cho đến trái sắp thu hoạch. Khi trái bị tấn công thì sau một thời gian bị rụng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng rất lớn.


Để hạn chế tác hại của sâu đục trái Citripestis sagittiferella trên cây có múi, ngoài các biện pháp như nuôi kiến vàng và tạo điều kiện cho kiến phát triển trong vườn; thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, tiêu hủy bằng cách đào hố chôn hoặc cho vào bao nylon cột kín lại để diệt sâu còn ở bên trong trái; cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng; kết hợp với việc bón phân bồi sình để diệt nhộng thì việc bao traí rất có hiệu quả. Bao trái nên tiến hành khoảng 1 tháng sau khi đậu trái (trái bưởi khoảng bằng nắm tay). Chọn những loại bao chuyên dùng cho bao trái (được bán ở các đại lý nông dược). Có nhiều kích cỡ bao lớn, nhỏ nhưng nên sử dụng bao kích thước khoảng 30-40cm là vừa. Nên phun thuốc bảo vệ thực vật để “vệ sinh” trái trước khi bao.


Bao trái là biện pháp hiệu quả, dễ làm, ít tốn kém, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.


Theo Nguyễn Thị Nguyệt
Chi cục Bảo vệ Thực vật Bến Tre
 


Bao trái như vậy có tốn kém hơn khi mình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ko các bác?
 
Trái mít mình có bao đc ko bác, nhà e có vài chục cây mít thái mà trái toàn bị sâu thôiithôi
 
Em cũng không biết có loại bao cho mít không nữa, anh ra ngoài bảo vệ thực vật hỏi xem sao, (vì loại bao trái bưởi tất nhiên không thể bao được trái kít vì trái mít to quá); ngày xưa trồng mít hay bưởi, dừa, mận,.. nào có xâu gì đâu, bây giờ không biết gì sao quá trời sâu, cây gì cũng có sâu, càng phun thuốc thì càng có sâu, khổ nghê!
 


Back
Top