Cây trạch tả

  • Thread starter bstudo
  • Ngày gửi
Những năm trước đây bà con nông dân tỉnh Hà Tây cũ, Hưng yên trồng nhiều trạch tả. Xong gần đây cây trạch tả bị lãng quên và ngay cả các nơi có truyền thống trồng cây này cũng bỏ. Cây rất dễ trồng và có thể tận dụng đất vào vụ đông ở chân ruộng trũng không trồng các cây rau màu khác được. Thu hoạch xong ta tiếp tục cấy lúa chiêm.
Trạch tả được kê đơn trong nhiều bài thuốc và bài thuốc lục vị, bát vị không thể thiếu nó. Các nghiên cứu mới cho thấy trạch tả còn có tác dụng quý trong điều trị :
+ Thuốc có tác dụng lợi tiểu và làm cho Natri, Kali, Chlor và Urê thải ra nhiều hơn (Chinese Herbal Medicine)
+ Phấn Trạch tả hòa tan trong mỡ. Trạch tả cồn chiết xuất và cồn Trạch tả đều có tác dụng hạ Lipid trong máu rõ. Trạch tả còn có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hóa lipid của gan và chống gan mỡ (Chinese Herbal Medicine).
+ Cao cồn chiết xuất Trạch tả có tác dụng hạ áp nhẹ: cồn chiết xuất Trạch tả hòa tan vào nước có tác dụng gĩan mạch vành. Thuốc còn có tác dụng chống đông máu (Chinese Herbal Medicine).
+ Nước sắc Trạch tả có tác dụng hạ đường huyết (Chinese Herbal Medicine).


Cây trạch tả còn có tên gọi là cây thủy trạch, thuỷ tạ…. là một cây thuốc được trồng nhiều ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây đã được di thực sang nước ta. Trạch tả rất thích hợp với các chân ruộng trũng, hẩu, nhiều mùn trong vụ đông sau khi thu hoạch lúa mùa xong.
1. Hình thái:
Trạch tả là cây thân thảo, mọc ở ruộng nước, thân cây nhẵn bóng, lá đơn, mọc chụm từ rễ. Cuống lá dài 40 cm, phiến lá tròn hoặc bầu dục tròn, màu xanh, dài 5-7 cm, rộng 3-12 cm, đầu lá hơi nhọn, sát cuống có hình quả tim hoặc tròn. Cuống hoa trạch tả mọc thẳng dài 0,7-1,0 m chia thành đốt, mỗi đốt hoa mọc nhiều chùm hoa nhỏ có cuống ngắn. lá dài chùm hoa hình bao gươm. Hoa lưỡng tính, đài hoa có 3 cánh màu xanh. Hoa cũng có 3 cánh nhưng màu vàng trắng, có 6 nhị đực, nhiều nhị cái, bầu thượng, quả khê, mọc thành chùm.
Có 2 loại: xuyên trạch tả và kiến trạch tả, trong đó kiến trạch tả có thân, lá cao, to hơn, năng suất và chất lượng cũng khá hơn.
2. Thời vụ:
Ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) trạch tả thường được gieo hạt vào tiết hạ chí (21/6, cấy cây con vào tiết lập thu (8/8) để thu hoạch vào tiết đông chí (22/12). Nhưng các tỉnh phía bắc Việt Nam nên gieo hạt vào tháng 8, cấy cây con vào đầu tháng 10 và thu hoạch vào giữa tháng 1. Không nên gieo trồng quá sớm, vừa không tận dụng được đất đai, thời tiết lại vừa quá nóng, cây phát triển không thuận lợi, nhưng cũng không nên cấy cây con muộn quá, năng suất, chất lượng sẽ thấp. Cần tận dụng những chân ruộng trũng, hẩu, thu hoạch lúa mùa xong, cấy trạch tả luôn để có hiệu quả cao.
3. Ươm cây con (làm mạ trạch tả):
- Làm đất: Làm đất kỹ như gieo mạ lúa. Luống mạ trạch tả rộng 1-1,3 m, rãnh rộng 0,3 m. Đưa đất ở rãnh vào luống tạo cho luống cao khoảng 15-20 cm, mép luống hơi cao để giữ được nước phân khi bón thúc. Bón 300 – 400 kg/sào (8-10 tấn/ha) phân chuồng khi làm đất.
- Gieo hạt: Nên chọn loại hạt giống tốt, có màu vàng kim để gieo, hạt có màu xanh là hạt non, nảy mầm kém, cho năng suất phát triển kém, hạt màu đen là hạt cũ không dùng được. Lượng hạt giống cần dùng là 300 g (0,3 kg) cho mỗi sào mạ. Ngâm hạt giống trong nước 24-48 giờ bằng cách bọc hạt trong một lớp vải trước khi ngâm. Sau đó trộn với khoảng 30 kg tro mộc rắc đều lên mặt luống. Gieo xong dùng chổi tre ép nhẹ lên mặt luống để hạt tiếp xúc với đất, tránh bị trôi.
- Chăm sóc cây con:
Cần làm giàn che hoặc cắm các cành cây hai bên mép luống để che nắng cho cây con. Giàn nên làm cao 1 m, ban ngày phủ rơm rạ, khi cây đã cao 10 cm trở lên có thể bỏ giàn che. Sau khi đã hơi se, phải tưới nước, tưới thường xuyên vào buổi chiều, tưới xong phải tiêu nước ngay nhưng đảm bảo mặt luống luôn giữ được ẩm, không bị nứt nẻ. Trong giai đoạn mới nảy mầm nếu có mưa to, có thể đưa thêm nước vào ruộng để bảo vệ cây. Khi cây cao từ 3 cm trở lên cần thường xuyên giữ mức nước trong ruộng khoảng 3 cm nhưng để ngập cây.
- Tỉa cây con, bón thúc: Khi cây cao khoảng 3 cm tiến hành tỉa thưa đảm bảo vườn ươm có khoảng cách giữa các cây là 2-3 cm. Bón thúc bằng nước phân chuồng. Khi tưới nên nhẹ tay, tránh làm đổ cây, tưới thúc cho cây con 2-3 lần trước khi đem trồng.
4. Trồng trạch tả ra ruộng:
- Làm đất: Sau khi thu lúa mùa sớm, giữ nước trong ruộng 7-10 cm cày, bừa kỹ như làm ruộng cấy lúa. Bón lót 300 – 500 kg/sào (9-15 tấn/ha) phân chuồng.
- Cấy trạch tả: Đánh cây con ở vườn ươm, bó thành bó nhỏ như bó mạ để đem đi cấy. Nên chọn những cây khỏe, tỉa bỏ bớt lá ở chân và lá vàng khi đánh cây để tạo điều kiện cho cây phát triển mạnh sau khi cấy. Cấy nông, tuy nhiên phải thẳng cây, chắc gốc. Mật độ cây trồng khoảng 12 cây/m2 (các cây cách nhau 27 cm, vuông mắt sàng) mỗi sào 4000 – 4300 cây là vừa.
5. Chăm sóc:
- Bón thúc: bón thúc cho trạch tả 4 lần, lần đầu bón sau khi cấy 15 ngày, những ngày sau bón cách nhau 15-20 ngày, kết hợp sục bùn và nhặt cỏ. Lượng phân bón thúc cần khoảng 200 kg/sào đạm sulfat và 15-20 kg/sào phân kali.
- Tưới nước: Mực nước khi cấy là 3-7 cm, sau đó cần giữ nước trong ruộng thường xuyên để làm mềm bùn. Khi sắp thu hoạch, tiêu hết nước cho ruộng khô, dễ thu hoạch.
- Tỉa hoa, đánh nhành phụ: Trong quá trình chăm sóc phải tỉa hoa và nhánh phụ, hoa phải tỉa cả cuống, nhánh phụ phải ngắt sát gốc. Nếu không tỉa hoa, đánh nhánh phụ củ trạch tả sẽ xù xì khó chế biến, chất lượng củ không cao.
6.Thu hoạch và chế biến củ:
Khi cây héo lá là có thể thu hoạch được, thu non quá hoặc già quá thì chất lượng củ sẽ không cao. Khi thu hoạch, một tay cầm dao xắn đất xung quanh củ, một tay nhổ cây, giũ đất, cắt bỏ lá. Chú ý giữ lại những nhánh non ở củ để khi sấy củ không bị chảy nhựa đen lõm đầu củ, giảm phẩm chất. Khi đào củ ta cắt sơ qua phần rễ, rửa cho sạch bùn, mang về để cho ráo nước và cho sấy diêm sinh. Xếp lò sấy ( rộng khoảng 40cm mỗi chiều, cho diêm sinh vào bát sành đốt sau khi đã tạo xong lò sấy bàng cót ép, bên trong lót nilon cho thật kín, mỗi lò sấy khoảng 5 tạ tươi, sấy 48h cho khi nào củ mõm đều là được. Ta túm các lá non ở đầu củ bó thành bó nhỏ, treo lên phơi nắng. Khi ít nắng, củ lâu khô, phải sấy. Khi sấy nên dùng lửa nhỏ (lửa to làm củ bị vàng, phẩm chất kém) chú ý phải đảo lửa thường xuyên. Sấy xong, cho củ vào thùng quay (thùng có 2 đầu nhỏ giữa phình to), quay cho củ cọ sát vào nhau, rễ con và vỏ khô tróc hết, củ trạch tả trở nên nhẵn bóng và có màu vàng trắng là được.
Năng suất trạch tả khoảng 80 kg/sào. Nếu thâm canh tốt có thể đạt đến 200 kg/sào (2,7 tấn/ha).
 




Back
Top