Giúp tôi : Cách trị bệnh cho ong mật

  • Thread starter Ngoclamkh@gmail.com
  • Ngày gửi
Tôi rất thích nuôi ong mật nhưng thiếu kinh nghiệm , năm nay mua được 5 đàn về vụ hoa nhãn thu được 30 lit mật nhưng hết vụ hoa nhãn thì ong bị bệnh thối ấu trùng , đã điều trị nhiều loại thuốc mà không khỏi nay ong đã bỏ đi và chết gần hết bác nào có kinh nghiệm chỉ giúp với ! Tôi xin cảm ơn nhiều
 


Như trình bày thì ong của anh đang bị thối ấu trùng tuổi lớn. Một đàn ong mạnh và đủ thức ăn thì ít khi nào bị bệnh thối ấu trùng. Do đó, chúng ta phải đảm bảo số quân ong trong cầu luôn đông (loại bỏ các cầu già khi ong bị thưa quân) và cho ong ăn bổ sung khi nguồn mật bên ngoài khan hiếm. Ong cũng dễ nhiễm bệnh khi nhiệt độ cao nhất lên trên 35 độ C và khi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 20 độ C. Do đó, đối với việc nuôi ong ở Lào Cai, thì việc chống nóng và chống rét là rất quan trọng (ở miền Tây Nam Bộ quê tôi nhiệt độ ổn định nên ít khi phải chống nóng và chống rét). Để trị bệnh thối ấu trùng tuổi lớn có nhiều cách, nhưng cách hiệu quả nhất và triệt để nhất là thay chúa (giết chúa cũ và thay bằng chúa mới - thời gian cách ly khoảng trên 8 ngày không đẻ trứng, mầm bệnh không còn môi trường để sống). Còn kỹ thuật nuoi ong nội địa hay ong ý được trình bày khá đầy đủ trên trang của diễn đàn đại học nông nghiệp Hà Nội hoặc web của công ty cổ phần ong mật Đaklak, ..., anh có thể tải xuống và nghiên cứu. Chúc anh thành công!
 
Cám ơn bạn về lời bàn sâu sát vấn đề.
*
Chuyện bệnh ong, mấy chục năm trước, mặc dù có nhiều sách
vở, và tài liệu thì khá đầy đủ và rõ ràng, nhưng chỉ một
số người nuôi ong mới thành công giữ gìn được đàn ong khoẻ
và mạnh, kết quả là lợi ích kinh tế giồi giào. Hầu hết bà
con bị bệnh ong là phá sản. Những người thích nuôi ong thấy
thế cũng chùn bước, nhường đất cho các chuyên gia múa võ.
Lúc ấy tôi cũng muốn nuôi ong, nhưng nhát gan chuyện ong
chết, nên không dám nuôi ổ nào.
*
 
Bệnh thối ấu trùng tuổi lớn ở đàn ong nội, đã gây thiệt hại lớn và vẫn còn tiếp tục, nhất là khi số lượng đàn ong trong một vùng tăng cao, do bệnh dễ lây lan. Bệnh này được xác định là bệnh thối ấu trùng dạng túi hay nhộng bọc do một loại virut gây ra, không điều trị được bằng kháng sinh. Năm 1983, trại ong khoảng 100 đàn của tôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn, sau hơn một năm tìm nhiều phương pháp điều trị, tây lẫn đông dược. Tôi đã không bỏ cuộc và sau nhiều năm nghiên cứu nuôi ong lại, tôi thấy chỉ có thể dùng biện pháp sinh học và đã thành công. Tuy nhiên để giữ vững và phát triển được trại ong trong tình trạng bệnh luôn xâm nhập thì đòi hỏi có nhiều kỷ thuật chuyên môn. Xin giới thiệu kỷ thuật như sau:

1- Nhốt ong tướng. Dùng một rọ tướng đủ rộng, 1,2 x 4 x 5 cm, bằng tăm tre, có khe hở sao cho ong thợ có thể ra vô dễ dàng để chăm sóc ong tướng. Rọ tướng được áp vào mặt tầng ong. Phải giữ được tướng khỏe để khi thả ra thì có thể đẻ ngay thật nhiều trứng. Nên cắt bớt một nữa một cánh ong tướng trước khi nhốt.

2- Loại trừ tất cả những ấu trùng. Chỉ giữ lại trong tổ ong những tầng chứa mật phấn và những tầng đã cắt bỏ phần ấu trùng ong. Không được tiếc rẻ những ấu trùng ong cho dù chỉ có một số ít ấu trùng bị bệnh. Nếu bạn cố giữ nó lại nó sẽ trở thành nguồn gây bệnh cho những đàn ong khác.

3- Đối phó ong bỏ tổ. Ong sẽ bỏ tổ vì ấu trùng không còn. Bạn có thể cứ để cho nó ra đi nhưng sau đó ong sẽ quay trở về vì tướng đang còn bị nhốt. Nếu bạn có những đàn ong khác thì hãy kiếm rút ra một số cầu mật và có ô trống để bổ xung cho đàn bệnh. Đàn bệnh có đầy đủ tầng và mật sẽ ổn định và không bỏ đi. Nếu thiếu mật cần cho ong ăn thêm đường.

4- Thả tướng cho đẻ 10 ngày. Khoảng 8-12 ngày sau khi nhốt, tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, thì thả tướng ra cho đẻ, nhưng chỉ cho đẻ khoảng 10 ngày thì phải nhốt lại. Nếu không nhốt tướng lại bạn sẽ thấy bệnh sẽ tái phát. Sự gián đoạn ấu trùng một thời gian do sự nhốt tướng chính là kỹ thuật chính yếu của phương pháp sinh học này. Những vi rút còn sót lại, có khả năng làm bệnh tái phát cũng sẽ bị hủy diệt vì không có ấu trùng để chúng phát triển. Sự nhốt và thả tướng nên làm tiếp tục như dưới đây.

5- Nhốt tướng lại khoảng 8-10 ngày.

6- Thả tướng cho đẻ 15 ngày.

7- Nhốt tướng lại khoảng 8-10 ngày.

8- Thả tướng 20 ngày.

9- Nhốt tướng lại khoảng 8-10 ngày.

10- Thả tướng. Xem như lành bệnh. Nếu thấy cần thì chuyển qua giai đoạn phòng bệnh.

Phòng bệnh: Đơn giản là nhốt tướng lại 8-10 ngày để làm đàn ong không có ấu trùng, khiến virut không có môi sinh để sinh trưởng. Dĩ nhiên, sau đó, nếu thấy đàn ong có ấu trùng bệnh thì phải xử lý như quy trình trị bệnh, trước khi thả tướng cho đẻ lại.
Khi thấy nguy cơ trại ong sẽ bị bệnh lan tràn thì phải lập tức nhốt tướng hàng loạt, tất cả các đàn ong, nhất là các đàn có cùng hướng bay với đàn ong đang trị bệnh.

Nên tích cực phòng bệnh bằng cách nhốt tướng hàng loạt và loại trừ tích cực những tầng có ấu trùng bệnh trong trại ong thì bạn mới có thể giữ vững được trại ong của bạn trong khi các trại khác có thể bị tiêu dần hết, do dịch bệnh. Sẵn sàng tư vấn qua Đt 0988 214 072.
 
Bệnh thối ấu trùng tuổi lớn ở đàn ong nội, được xác định là bệnh thối ấu trùng dạng túi hay nhộng bọc do một loại virut gây ra, không điều trị được bằng kháng sinh. Năm 1983, tại Khánh Hoà, trại ong khoảng 100 đàn của tôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn, cho dù đã thử nhiều phương pháp điều trị, tây lẫn đông dược. Một số bạn đồng nghiệp cũng bị như vậy. Các tài liệu nước ngoài cho biết là chưa tìm được thuốc trị. Các đề nghị phòng chống bệnh như: thay ong chúa, chọn giống kháng bệnh, giữ đàn đông quân, vệ sinh, dùng kháng sinh đều không mang lại hiệu quả. Bệnh này đã gây thiệt hại lớn cho ngành ong nội địa. Nó bùng phát những nơi mà số lượng đàn ong tăng cao do khả năng lây lan rất mạnh của bệnh.

Sau đó tôi nuôi ong lại và thử trị bằng phương pháp sinh học. Tôi thấy có điểm đáng chú ý là sau khi trong tổ đã sạch, không còn ấu trùng mở nắp và ong tướng bắt đầu đẻ trở lại thì sẽ có được một lớp ấu trùng đầu tiên mạnh khỏe, tất nhiên trong điều kiện đàn ong mạnh, đông quân. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần hay một tháng sau đó, một số ấu trùng thối sẽ xuất hiện, báo hiệu bệnh thối ấu trùng tái phát.

Các phương pháp được đề nghị như thay ong chúa hay bắt chước tự nhiên cho ong bốc bay tạo một thời gian vắng ấu trùng, để sạch bệnh, và để tái lập lớp ấu trùng mới khỏe đều có thể thành công. Tuy nhiên bệnh sẽ tái phát sau đó, như đã nói trên.

Vậy thì, nếu như sau khi có được một lớp ấu trùng khỏe, ta nhốt ong chúa lại, không cho đẻ tiếp, thì lớp ấu trùng tiếp theo sẽ không có, virut còn sót lại không có môi sinh để phát triển gây bệnh, bệnh không tái phát được.

Dựa trên thực nghiệm, tôi đã đúc kết được một quy trình phòng trị bệnh tương đối tốt cho những nhà nuôi ong nội chuyên môn.

Xin giới thiệu quy trình trị và phòng bệnh bằng những lần nhốt ong chúa xen kẻ với những lần thả có thời gian tăng dần như sau:

1- Nhốt ong chúa 5-10 ngày. Dùng một rọ đủ rộng, 1,2 x 4 x 5 cm, bằng tăm tre, có khe hở sao cho ong thợ có thể ra vô dễ dàng để chăm sóc ong chúa. Rọ tướng được áp vào mặt tầng ong. Phải giữ được tướng khỏe để khi thả ra thì có thể đẻ ngay thật nhiều trứng. Nên cắt bớt một nữa một cánh ong tướng trước khi nhốt, dự phòng khi ong bốc bay nếu thả ong chúa.

2- Loại trừ tất cả những ấu trùng mở nắp. Tốt nhất, chỉ giữ lại trong tổ ong những bánh sáp chứa mật phấn và những bánh sáp đã cắt bỏ phần ấu trùng ong. Không được tiếc rẻ những ấu trùng mở nắp cho dù chỉ có một số ít ấu trùng bị bệnh. Nếu bạn cố giữ nó lại nó sẽ trở thành nguồn gây bệnh cho những đàn ong khác.

3- Đối phó ong bỏ tổ. Ong sẽ bỏ tổ vì ấu trùng không còn. Bạn có thể cứ để cho nó ra đi nhưng sau đó ong sẽ quay trở về vì tướng đang còn bị nhốt. Nếu bạn có những đàn ong khác thì hãy kiếm rút ra một số cầu mật và có ô trống để bổ xung cho đàn bệnh. Nếu có được những cầu chỉ có nhộng vít nắp từ những đàn ong khỏe để bổ xung cho đàn bệnh thì rất tốt. Đàn bệnh khi có đầy đủ cầu nhộng và mật sẽ ổn định và không bỏ đi. Nếu thiếu mật cần cho ong ăn thêm đường.

4- Thả ong chúa cho đẻ 10 ngày và nhốt ong chúa lại khoảng 8-10 ngày. Khoảng 5-10 ngày sau, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, thả ong chúa ra cho đẻ, nhưng chỉ cho đẻ khoảng 10 ngày thì phải nhốt lại. Trong các lần nhốt này trở đi, bầy ong có ấu trùng, ổn định, có thể giới thiệu ong chúa tơ hay mũ chúa sắp nở để phối giống, nếu là mùa phối giống tốt, tướng đẻ trong vòng 12 ngày.

5- Thả ong chúa cho đẻ 15 ngày và nhốt tướng lại khoảng 8-10 ngày.

6- Thả ong chúa cho đẻ 20 ngày và nhốt tướng lại khoảng 8-10 ngày.

Đến đây đàn ong xem như đã lành bệnh. Nếu trong vùng đang có dịch bệnh thì phải chuyển qua giai đoạn phòng bệnh.

Phòng bệnh: Đơn giản là nhốt ong chúa lại 8-10 ngày để làm đàn ong không có ấu trùng, khiến virut không có môi sinh để phát triển gây bệnh. Dĩ nhiên, sau khi nhốt mà vẫn thấy đàn ong có ấu trùng bệnh thì phải xử lý như quy trình trị bệnh trước khi thả ong chúa cho đẻ lại. Khi thấy nguy cơ trại ong sẽ bị bệnh lan tràn thì phải lập tức nhốt ong chúa tất cả các đàn ong, nhất là các đàn có cùng hướng bay với đàn ong đang trị bệnh. Nếu phải phòng bệnh trong thời gian lâu dài vì dịch bệnh kéo dài thì chỉ cho các đàn ong trong trại đẻ 15-20 ngày xen kẻ với những lần nhốt ong chúa 8-10 ngày.

Loại bỏ chứ không trị bệnh những đàn ong yếu chỉ có khoảng 2 cầu ong và những đàn mà ong thợ đã đẻ trứng vô trật tự.

Phòng trị bệnh cách tích cực đòi hỏi phải loại trừ và đốt bỏ tất cả những bánh sáp có ấu trùng bệnh trong trại. Làm được như vậy, bạn mới có thể giữ vững được trại ong của bạn trong khi các trại khác có thể bị tiêu dần hết. Sẵn sàng tư vấn qua Đt 0988 214 072.
 
Trường hợp của một anh bạn nuôi khoảng 55 đàn ong nội và đang phát hiện 15 đàn bệnh thì phải xử trí làm sao?

Theo kinh nghiệm, thì cứ áp áp dụng phương pháp điều trị như đã nêu trên. Tuy nhiên có một vài xử lý linh hoạt:

Khi loại bỏ phần cầu ấu trùng, đàn ong dễ bị xáo trộn và bốc bay. Do xử lý nhiều đàn cùng lúc nên các đàn ong có thể bốc bay cùng lúc, nhập vào nhau và cắn giết lẫn nhau, khi tụ trên cành cây hay xâm nhập vào trong tổ khác. Nếu bị như vậy hãy giải cứu, hiệu quả nhất, bằng cách dùng bình phun rượu nhẹ vào đám ong. Rượu bốc hơi mạnh và kích thích làm ong dễ đồng mùi vị, không còn cắn nhau nữa.

Vì trở ngại như trên, nên cố gắng làm sao cho ong khỏi bị bốc bay. Bạn có thể không loại bỏ cầu ấu trùng mở nắp hay cắt bỏ nó. Bạn vẫn có thể giữ lại các ấu trùng nhưng hủy diệt chúng bằng cách cho ong thợ ăn đường có pha trụ sinh (streptomicine) liều cao hoặc phun nước vào những ô lăng ấu trùng mở nắp.

Cho ăn đường có pha trụ sinh với liều lượng nào đó mà bạn thấy các ấu trùng non bị chết là được. Giải pháp này tiện lợi nhưng ong thợ bị sẫm màu và giảm thọ nên đàn ong dễ bị suy yếu. Dùng liều thuốc càng cao thì ấu trùng càng dễ bị chết nhưng ong thợ cũng càng dễ bị tiêu hao.

Gây chết ấu trùng non có thể bằng cách phun nước lã trược tiếp vào phần ấu trùng. Chỉ nên phun mỗi ngày một cầu, để ong được ổn định và ong thợ có khả năng dọn sạch cầu ong. Giải pháp này an toàn hơn nhưng cũng dễ bị sót lại nhiều ấu trùng bệnh.

Bạn cũng có thể có sáng kiến loại bỏ ấu trùng bằng cách khác như đưa cầu ong vào tổ kiến đen nhỏ để chúng gắp đi những trứng và ấu trùng ong non…

Trong các giải pháp loại ấu trùng này, cần phải tập trung đông quân nên loại bớt cầu có nhiều bệnh. Cũng không được để đàn ong bị thiếu mật.

Đối với các đàn nhỏ bị bệnh, nên nhập nó vào đàn bệnh bên cạnh để chửa trị. Dùng rượu phun hai đàn vài phút trước khi nhập chung các cầu ong với nhau. Đàn bị chết ong chúa đã và ong thợ đã có đẻ trứng thì đốt bỏ không chửa trị.

Đối với các đàn chưa có dấu hiệu bệnh thì cũng cắt ½ một cánh và nhốt ong chúa lại tất cả để phòng bệnh. Lưu ý là ở các đàn đông quân khi nhốt ong chúa thì rất có thể ong thợ sẽ xây mũ chúa. Nếu mũ chúa đã già, thì ngay khi thả ong chúa đàn ong sẽ chia đàn. Vì vậy trước khi thả ong chúa ra cho đẻ trở lại thì cần kiểm soát kỹ lưỡng và vặt bỏ mũ chúa. Nếu có mũ chúa đã già thì vặt bỏ mũ ong chúa, bổ xung thêm cầu trống và để qua ngày hôm sau mới thả ong chúa.
 
Last edited by a moderator:
các bác ai có tài liệu về bệnh bại liệt mãn tính k cho e với ạ
Như trình bày thì ong của anh đang bị thối ấu trùng tuổi lớn. Một đàn ong mạnh và đủ thức ăn thì ít khi nào bị bệnh thối ấu trùng. Do đó, chúng ta phải đảm bảo số quân ong trong cầu luôn đông (loại bỏ các cầu già khi ong bị thưa quân) và cho ong ăn bổ sung khi nguồn mật bên ngoài khan hiếm. Ong cũng dễ nhiễm bệnh khi nhiệt độ cao nhất lên trên 35 độ C và khi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 20 độ C. Do đó, đối với việc nuôi ong ở Lào Cai, thì việc chống nóng và chống rét là rất quan trọng (ở miền Tây Nam Bộ quê tôi nhiệt độ ổn định nên ít khi phải chống nóng và chống rét). Để trị bệnh thối ấu trùng tuổi lớn có nhiều cách, nhưng cách hiệu quả nhất và triệt để nhất là thay chúa (giết chúa cũ và thay bằng chúa mới - thời gian cách ly khoảng trên 8 ngày không đẻ trứng, mầm bệnh không còn môi trường để sống). Còn kỹ thuật nuoi ong nội địa hay ong ý được trình bày khá đầy đủ trên trang của diễn đàn đại học nông nghiệp Hà Nội hoặc web của công ty cổ phần ong mật Đaklak, ..., anh có thể tải xuống và nghiên cứu. Chúc anh thành công!
bác nào có tài liệu về phương pháp điều trị va phòng trừ bệnh bại liệt mãn tính trên ong mật cho em xin với ạ !!
 



Back
Top