Kỹ thuật nuôi cá rô phi (TILAPIA)

  • Thread starter ptthang63
  • Ngày gửi
KỸ THUẬT NUÔI CÁ RÔ PHI (TILAPIA)



I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CUẢ CÁ RÔ PHI
1. M ột số đặc điểm phân loại cá Rô phi

Về mặt phân loại cá rô phi thuộc bộ cá vược (Perciformes), họ Cichlidae. Cá rô phi đã được đổi tên gọi nhiều lần. Cho đến 1968 tất cả những loài rô phi có một chấm đen ở cuối vây lưng (chấm tilapia) đều được xếp chung vào một giống Tilapia và đến năm1973, Trewavas đề nghị tách thành hai giống mới : thứ nhất là giống Tilapia bao gồm nhóm cá rô phi ăn thực vật bậc cao, đẻ ở đáy, lược mang thưa và giống thứ hai bao gồm những loài rô phi ăn phiêu sinh thực vật, ấp trứng và con trong miệng được goị là Sarotherodon . Đại diện cho giống này là rô phi vằn và rô phi đen. Tuy nhiên dựa theo cơ sở di truyền và tập tính sinh sản thì hiện nay có 3 giống rô phi đó là giống Tilapia, giống Sarotherodon và giống Oreochromis.
Hiện nay ở nước ta đang nuôi hai loài rô phi là loài Oreochomis mossambicus (rô phi đen). Loài Oreochomis niloticus và một dạng đột biến của Oreochomis niloticus là rô phi đỏ (hoặc rô phi hồng). Có thể phân biệt chúng theo một số đặc điểm chính sau đây
• Loài O.mossambicus: Toàn thân phủ vẩy. Vẩy ở phần lưng có màu xám tro đậm hoặc xanh đen nhạt, phần bụng có màu trắng xám hoặc màu xám ngà. Trên thân có từ 6-8 vạch sắc tố màu xanh đen xen lẫn chấm sắc tố màu tím chạy từ lưng tới bụng. Những vạch sắc tố ở các vây không rõ ràng. Tuy hiên do công tác quản lý giống không tốt nên hiện nay không còn rô phi đen thuần chủng .
• Loài O.niloticus: Toàn thân phủ vẩy, vẩy ở phần lưng có màu sáng vàng nhạt hoặc xám nhạt, phần bụng có màu trắng ngà hoặc màu vàng nhạt. Trên thân có từ 6-8 vạch sắc tố chạy từ lưng tới bụng. Các vạch sắc tố ở các vây như vây đuôi, vây lưng rõ ràng.
Rô phi đỏ hay còn gọi là cá Điêu hồng là một dạng đột biến của loài O.niloticus : Vẩy trên thân có màu vàng đậm, hoặc vàng nhạt hoặc màu đỏ hồng, cũng có thể gặp những cá thể có màu vàng , màu hồng xen lẫn những đám vẩy màu đen nhạt

1. Đặc điểm dinh dưỡng
Tất cả các loài rô phi đều có tính ăn tạp, tuy nhiên thức ăn ưa thích của rô phi là những sinh vật thuỷ sinh lơ lửng trong nước. Ngoài ra rô phi còn có khả năng sữ dụng trực tiếp những loại thức ăn do con người cung cấp như cám, tấm, các loại rong bèo (bèo tấm, bèo hoa dâu). Đây là đặc điểm rất thuận lợi cho nghề nuôi cá.
2. Đặc điểm sinh sản
Sau khoảng 4-5 tháng tuổi cá rô phi vằn (O.niloticus) đã tham gia đẻ trứng còn cá rô phi đen chỉ cần khoảng 3 tháng tuổi là đã tham gia sinh sản. Những loài rô phi nuôi ở nước ta hiện nay đều có tập tính làm tổ đẻ ở đáy ao (do con đực làm tổ đẻ). Cá thường chọn những nơi có mực nước từ 0.3-0.6m, đáy ao có ít bùn để làm tổ. Đường kính tổ đẻ phụ thuộc vào kích cở cũa con đực. Sau khi tổ làm xong cá tự ghép đôi và tiến hành đẻ trứng.
Hầu hết các loài rô phi đều đẻ nhiều lần trong năm. Khoảng cách giữa hai lần đẻ trứng khoảng 20 - 30 ngày. Số trứng trong một lần đẻ phụ thuộc vào kích cỡ cá cái, cá càng lớn số trứng đẻ ra trong một lần càng nhiều và ngược lại. Trung bình một cá cái có trọng lượng 200-250 g đẻ được 1.000 – 2.000trứng.
Sau khi đẻ xong cá cái ngậm trứng và cá con mới nở trong miệng (cá con được giữ trong miệng đến khi hết noãn hoàng). Trong thời gian ngậm trứng và nuôi con cá cái không bắt mồi vì vậy cá không lớn, cá chỉ bắt mồi trở lại khi đã giải phóng hết con trong miệng.
3. Đặc điểm sinh trưởng
Sau một tháng tuổi cá con có thể đạt trọng lượng 2 – 3 g/con và sau khoảng 2 tháng tuổi có thể đạt 10 -12 g/con. Cá cái sẽ lớn chậm hơn sau khi tham gia sinh sản trong khi đó cá đực vẫn lớn bình thường vì vậy trong đàn cá rô phi thì cá đực bao giờ cũng có kích thước lớn hơn cá cái. Sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi cá rô phi vằn đực có thể đạt 200 – 250 g/con và cá cái có thể đạt 150 – 200 g/con.
II. BIỆN PHÁP SẢN XUẤT GIỐNG CÁ RÔ PHI
1. Nuôi vỗ cá rô phi bố mẹ
Hiện nay ở nước ta có một số dòng cá rô phi có phẩm chất thịt khá cao và lớn nhanh như rô phi vằn dòng GIFT (Genetically Improved Farmed Tilapia), cá rô phi vằn dòng Thái và cá rô phi đỏ.
Trước khi thả cá ao cũng cần phải dọn sạch và vét hết lớp bùn ở đáy. Nếu đày ao nhiều bùn sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm tổ đẻ trứng của cá. Ao nuôi vỗ cá rô phi nên chia làm hai phần: phần dành cho cá đẻ nên đào cạn mực nước ở phần này khoảng 0.3 - 0.5m và chiếm khoảng 30 % diện tích ao. Phần dùng để nuôi cá nên đào sâu hơn (khoảng 0.6 -1.0m). nếu không có điều kiện đào ao như trên thì bờ ao phải có độ dốc thấp để cá làm tổ đẻ xung quanh bờ ao.
Tiêu chuẩn cá bố mẹ: cá đưa vào nuôi vỗ phải tương đối đều nhau, trọng lượng trung bình 150 - 200 g/con, tỷ lệ đực cái: 1/1. Mật độ thả trung bình 4 - 5 con/m2.
Thức ăn dùng để nuôi vỗ: có thể dùng nhiều loại thức ăn để nuôi vỗ cá rô phi như cám, tấm nấu trộn với bột cá theo tỷ lệ 20 % bột cá + 75 % cám + 5 % tấm nấu. Lượng thức ăn chiếm 1-2 % trọng lượng cá và ngày cho ăn 1-2 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nước ao sạch và mát mới có tác dụng tốt tới sự thành thục và đẻ trứngcủa cá.
1. Phân biệt cá rô phi đực và cái
Đến thời kỳ sinh sản cá rô phi đực thường có màu sắc sặc sỡ, các vạch ngang thân rõ ràng hơn so với cá cái đặc biệt là màu sắc ở vây lưng, vây đuôi. Ngoài ra có thể phân biệt theo hình dạng cơ thể, khi con cái mang trứng bụng cá thường tương đối thon đều trong khi đó con đực thường có bụng dưới (từ sau vây bụng đến trước vây hậu môn) thót nhỏ hơn. Cũng có thể phân biệt đực cái dựa theo đặc điểm của cơ quan sinh dục. Đối với cá cái tuyến sinh dục có 3 lỗ: phía trước là lỗ hậu môn, sau cùng là lỗ niệu và ở giữa là lỗ sinh dục, cá đực chỉ có 2 lỗ là lỗ hậu môn ở phía trước sau đó là lỗ niệu sinh dục
3. Một số phương pháp cho cá rô phi sinh sản
Muốn cá rô phi đẻ nhiều và đẻ đều thì cần có ao nuôi vỗ cá bố mẹ và cung cấp cho cá đầy đủ thức ăn. Ngoài ra ao nuôi cần có nơi cho cà làm tổ đẻ. Nước trong sạch và mát là một trong những yếu tố cần thiết có tác dụng kích thích sự thành thục và sinh sản của cá rô phi.
Nhìn chung có một số cách cho cá rô phi sinh sản như sau
(i). Dùng ao đã dọn sạch để thả cá và nuôi vỗ, tuỳ theo mức độ thành thục của cá mà cá sẽ đẻ sau đó khoảng 20 - 30, chờ cho đến khi cá đẻ xong và thấy có cá con trong ao thì kéo chuyển cá bố mẹ sang nuôi ao khác, số cá con còn lại trong ao được ương nuôi cho đến khi bán. Cách làm này cho kích cỡ cá tương đối đồng đều và tỷ lệ hao hụt thấp.
(ii). Dùng vợt vớt cá con dọc theo bờ ao vào buổi sáng hoặc chiều mát để chuyển sang một ao khác ương nuôi. Việc vớt cá bột khá dễ dàng vì cá con thường bơi xung quanh bờ ao, cách làm này thường được áp dụng đối với những ao lớn, có nhiều cá bố mẹ. Tuy nhiên phương pháp này không thể thu hết cá con do vậy mật độ trong ao nuôi cá bố mẹ ngày càng cao và kích cở cá con trong ao ương không đều do cá con không được đẻ trong cùng thời gian.
(iii). Định kỳ kiểm tra thu trứng từ miệng cá cái, hoặc cá bột để ương ấp riêng. Đây là phương pháp khá tiên tiến vì có thể chủ động được nguồn giống và tăng khả năng sinh sản của cá bố mẹ. Phương pháp này được tiến hành như sau:
Chọn những cá có trọng lượng tương đối đồng đều (150 – 300 g/con) thả vào ao nuôi vỗ đã được dọn kỷ, cũng có thể nuôi cá bố mẹ trong ao, hồ ximent, hoặc trong giai chứa. Mật độ thả 4 – 5 con/m2. Tỷ lệ đực cái 1/1. Thức ăn dùng để nuôi vỗ bao gồm cám 75 – 80 %, bột cá 20 – 25 %. Lượng thức ăn khoảng 1- 2 % trọng lượng thân.
Sau khi thả cứ 5 - 7 ngày tiến hành kiểm tra cá để thu trứng từ miệng cá cái một lần. Chu kỳ giữa hai lần thu trứng phụ thuộc vaò nhiệt độ, nếu nhiệt độ nước trên 30OC thì khoảng 5 ngày thu một lần. Trứng hoặc cá con thu được đem ương ấp riêng trong các dụng cụ thông thường như khay men, khay mủ, bình thủy tinh ... Phương pháp này cho kích cỡ cá con đều nhau và tăng khả năng sinh sản của cái do cá cái không có thời gian ấp trứng và cá con trong miệng đồng thời chúng còn được cung cấp thức ăn đầy đủ.
4. Ương cá rô phi giống
Ao ương cá rô phi cũng phải dọn sạch sẽ như ao ương các loài cá khác. Dùng vôi để cải tạo pH và sát trùng ao (trung bình bón 10-15 kgvôi/100m2). Trước khi thả cá 2-3 ngày có thể dùng phân heo, phân gà bón lót để tạo thức ăn tự nhiên cho cá con. Mực nước trong ao trung bình 0.8-1.0m. Oxygen hoà tan 3-5mg/l, pH từ 6.5-7.5. Độ trong khoảng 20-25cm. Màu nước ao ương tốt nhất là màu xanh đọt chuối hoặc màu nâu vàng.
Mật độ thả: trung bình 200 – 250 con/m2. Nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Quá trình chăm sóc: khoảng 10 ngày đầu cho cá ăn thêm thức ăn tinh như bột đậu nành, bột cá mịn với liều lượng 200 - 300/100m2. Sau thời gian này đó có thể dùng cám mịn (70 %) và bột cá (30 %) trộn đều rải cho cá ăn. Mỗi lần cho ăn khoảng 300 – 400 g/100m2.
IV. BIỆN PHÁP NUÔI CÁ RÔ PHI THƯƠNG PHẨM-XUẤT KHẨU
Hiện nay phong trào nuôi cá rô phi phát triển rất mạnh ở những nơi có điều kiện, đặc biệt là nuôi cá rô phi theo hướng xuất khẩu nguyên con. Nguời ta thường chọn cá rô phi đơn tính để nuôi vì cá lớn nhanh. Kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm tương đối đơn giản, tuỳ theo điều kiện thực tế mà có thể áp dụng một số phưng pháp nuôi như sau.
1. Nuôi cá rô phi thâm canh trong ao, ruộng
a. Chuẩn bị ao ruộng nuôiRuộng dùng để nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh phải có mương bao để thả cá. Diện tích mương chiếm khoảng 30 – 40 % diện tích ruộng. Mương sâu koảng 0.8 - 1.2 m. trước khi thả cá mương cũng phải dọn sạch sẽ, bón vôi để cải tạo pH của mương. Cần tính toán giữa thời điểm thả cá với thời điểm cấy luá cho phù hợp để mọi hoạt động canh tác lúa ảnh hưởng ít nhất tới cá thả nuôi trong ruộng lúa.
Đối với ao nuôi, trước khi thả cá, ao nuôi cũng phải được cải tạo, tảy dọn như các ao nuôi cá chuyên canh khác. Diện tích ao nuôi thâm canh tương đối lớn mới có hiệu quả (trung bình 0.2 - 1.0 ha/ao). Ao phải có cống cấp và thóat nước chủ động. Mực nước trong ao dao động từ 1.2 - 1.5 m, trong quá trình nuôi, có thể dùng phân hữu cơ (phân heo, gà) đã ủ mục bón lót để tạo nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá giống, tất nhiên sau đó không cần bón bổ sung, cá tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn cung cấp từ bên ngòai.
b. Thả giống
Phải chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều về kích thước. Cơ thể cân đối. Không bị xây sát hoặc bị bệnh. Nếu thả cá trong ao để nuôi thâm canh thì chiều dài trung bình 3 – 5 cm/con, mật độ thả 10 - 30 con/m2. Thời vụ thả giống tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể nhưng tốt nhất nên thả cá đầu vụ (khoảng tháng 3 đến tháng 4 hằng năm). Trường hợp thả cá trong ruộng cấy luá nên thả mật độ trung bình 1 - 2 con/m2, cở giống thả ruộng phải lớn hơn cỡ cá thả ao (chiều dài cá trung bình 5 - 7cm) để giảm bớt sự hao hụt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu thả nuôi trong ruộng luá với mật độ 1 con /2-3m2 thì không cần cho ăn vì lượng thức ăn tự nhiên trong ruộng cũng đã đủ cho cá bắt mồi, tuy nhiên nuôi theo hình thức này thì năng suất thu hoạch không cao.
c. Chăm sóc và cách cho ăn
Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn để nuôi cá rô phi, nên sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ, rẻ tiền để nuôi cá. Tuy nhiên muốn cá mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi thì hàm lượng protein trong công thức thức ăn phải chiếm 18 – 28 % cho cá rô phi. Tuỳ theo cách nuôi mà có phương pháp cho ăn khác nhau
Cách cho cá ăn trong ao nuôi thâm canh
Cho ăn 2 lần /ngày vào sáng sớm và chiều mát. Lượng thức ăn tuỳ theo mức độ sử dụng thức ăn của cá, trung bình khoảng 5 - 7 % trọng lượng cá thả trong ao. Để giảm thất thoát thức ăn và cũng để kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày thì nên có sàng đựng thức ăn đặt trong ao. Nên đặt nhiều sàng cho ăn trong ao để tạo điều kiện mỗi cá thể trong ao đều được ăn. Khoảng cách giữa các sàng cho ăn khoảng 4 - 6m.
Đối với ao nuôi thâm canh thì vấn đề quản lý môi trường nước phải đặt lên hàng đầu. Thường xuyên thay nước mới cho cá và cần phải bố trí quạt nước để quạt nước trong ao vào thời điểm oxygen trong ao bị thiếu (thường vào khoảng 1 - 5 giờ sáng hôm sau)
Cách cho cá ăn nuôi trong ruộng lúa
Do mật độ thả trong ruộng thưa, nên vấn đề cho cá cung cấp cho cá thức ăn nhân tạo chỉ mang tính chất bổ sung và cũng cần có những nơi cho cá ăn cố định dọc theo mương hoặc ruộng. Phải thường xuyên quan sát bờ ao đặc biệt ở cửa cống cấp thoát nước, xử lý kịp thời những lỗ mọi, rò rỉ. Đồng thời cũng phải quan sát kỹ mọi hoạt động của cá trong ao để có biện pháp sử lý kịp thời. Không nên trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn của cá đặc biệt những thuốc đã nằm trong danh mục cấm sử dụng mà Bộ Thuỷ sản đã ban hành
d. Thu hoạch
Cá rô phi thuộc loại ăn nhiều, nhưng để cá mau lớn thì phhải cho cá ăn đều và ăn đủ. Đối với cá rô phi đơn tính sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi đã có htể đạt 0.4 - 0.5 kg/con. Nếu thấy cá lớn đều thì có thể thu hoạch một lần. Trong trường hợp cá lớn không đều thì có thể đánh bắt những cá lớn trước, những cá nhỏ để lại và nuôi thêm khoảng 25 - 30 ngày nữa là cá sẽ đạt kích cỡ của cá trong lần thu hoạch trước.
2. Vấn đề nuôi cá rô phi ghép với các loài cá khác.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong nghề nuôi cá người ta thường thả ghép nhiều loài cá trong ao, tuy nhiên muốn nuôi ghép cần phải tuân thủ theo nguyên tắc là không được nuôi chung những loài có cùng một loại thức ăn đặc biệt là những loài ăn sinh vật phù du trong nước. Đối với những loài ăn tạp hoặc có khả năng sử dụng nhiều loại thức ăn như rô phi thì có thể thả ghép với một số loài, nhưng cũng phải tuỳ theo hình thức nuôi, diện tích mặt nước, khả năng cung cấp thức ăn mà định ra tỷ lệ nuôi ghép cho phù hợp.
 Có thể sử dụng công thức nuôi: Rô phi 45 % + mè vinh 20 % + mè trắng 10 % + cá mùi 15 % + cá chép 5 % + sặc rằn 5 % .
Một điều cần lưu ý là khi nuôi cá rô phi trong ruộng hoặc ao ít thay nuớc, thịt cá thường hôi muì cỏ hoặc hôi mùi sình và cá không có giá trị xuất khẩu hoặc phải bán với giá thấp qua trung gian. Muốn cá xuất bán với giá cao hơn thì trước khi xuất cá cần phải nuôi cá trong môi trường nước chảy liên tục (tốt nhất nuôi cá trong lồng hoặc bè) và cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Thời gian nuôi khoảng 45 - 60 ngày thì mùi cỏ hoặc mùi sinh sẽ hết, lúc này giá trị xuất khẩu của cá sẽ tăng lên.
2. Nuôi cá rô phi trong lồng bè
Nuôi cá trong lồng, bè là hình thức tiên tiến. Mật độ cá nuôi trong lồng bè rất cao và sự sinh trưởng của cá hoàn toàn phụ thuộc vào lượng thức ăn do con người cung cấp. Để nuôi cá rô phi trong lồng bè đạt kết quả tốt cần lưu ý một số vấn đề sau
Vị trí đặt lồng, bè
Lồng hoặc bè phải đặt ở nơi có nguồn nước tốt (có thể đặt ở các dòng sông có dòng nước chảy nhẹ hoặc đặt ở các hồ chứa nước) không nên đặt lồng bè gần nguồn nước thải công nghiệp, nước thải dân dụng và đặc biệt tránh xa nguồn nước thải cuả nhà máy hoá chất, thuốc trừ sâu. Đáy của lồng bè nên đặt cách đáy của sông hồ khoảng 0.5m
Vật liệu làm lồng, bè
Tuỳ theo điều kiện cụ thể mà có thể chọn nguyên vật liệu làm lồng bè và kích thước lồng khác nhau. Tuy nhiên không nên đóng lồng bè quả nhỏ sẽ không có hiệu quả kinh tế. Có thể đóng bè bằng tre, hoặc dùng lưới mắt nhỏ (1cm x 1cm) bao quanh một khung bằng gỗ.v.v..Mực nước tối thiểu trong lồng từ 1.0 - 1.2m. Trước đây một số ngư dân ở Châu Đốc đã nuôi cá rô phi trong bè cho kết quả khá tốt.

Chăm sóc và bảo quản bè
 Cá rô phi thả vào lồng, bè nuôi có kích cỡ đồng đều, không bị xây sát, bệnh tật. Mật độ thả tuỳ theo điều kiện cụ thể ở nơi đặt lồng, bè.
 Nếu đặt ở nơi sông lớn, nguồn nước tốt, đủ dưỡng khí có thể thả 150 - 400 con/m3.
 Nếu lồng đặt trong các hồ chứa lớn, nước sạch và sâu có thể thả 100 -120 con/m3.
 Lồng đặt sông hồ nhỏ, mực nước nông có thể thả mật độ 80 - 100 con/m3
 Lồng đặt ở nhưng ao lớn, mực nước thấp, nước có thể trao đổi được với hệ thống kênh rạch xung quanh thì thả 60 - 90 con/m3.
Có thể cho cá ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng do thả nuôi trong bè, lồng nên phải cung cấp cho cá đầy đủ thức ăn và hàm lượng protein trong thức ăn dao động khoảng 18 – 28 %. Thực tế cho thấy, với phương thức nuôi thâm canh (400 con/m3) trong lồng nhỏ (1 m3/lồng), người nuôi có thể sử dụng thức ăn có hàm lượng protein dao động từ 32 – 36 %. Lượng thức ăn thay đổi theo cỡ cá tăng trọng. Khi còn nhỏ lượng thức ăn chiếm 5 - 7%/trọng lượng cá/ngày, khi cá lớn cho ăn khoảng 2 – 3 %. Nên sử dụng thức ăn viên hoặc thức ăn tự chế dạng viên để giảm bớt hao hụt do thức ăn tan trong nước mỗi khi cho cá ăn. Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để điểu chỉnh kịp thời thức ăn cung cấp cho cá nuôi.
Những khi nước đứng hoặc nhiệt độ tầng mặt quá cao phải tiến hành sục khí hoặc quạt nước để tạo sự lưu thông dòng nước và cung cấp thêm dưỡng khí cũng như thải bớt khí độc trong lồng bè nuôi.
Thường xuyên kiểm tra lồng bè để phát hiện và sử lý kịp thời những sự cố.
III. VẤN ĐỀ BỆNH CỦA CÁ RÔ PHI.
Cá rô phi là một trong những loài cá có khả năng chịu đượng cao đối với một số yếu tố môi trường nhất là khi nuôi cá ở mật độ thưa thì hầu như cá không bị bệnh. Tuy nhiên khả năng thìch ứng của cá cũng có giới hạn, khi nuôi với mật độ cao thì cá rô phi bắt đầu xuất hiện một số bệnh mà trưóc đó không gặp. Có thể gặp một số bệnh ở cá rô phi khi nuôi thâm canh như sau:
1. Bệnh do virus và vi khuẩn gây ra như: Flexibacterioz; Pseudomonas; Edwardlsielloz, Areomonas, Stretococcus, Microbacterioz.
Cá bị bệnh virus và vi khuẩn gây ra thường có một số triệu trứng bên ngoài
Bơi phân tán ở mặt nước hoặc bơi không định hướng, khi chết thường chìm dưới đáy. Các dấu hiệu đáng tin cậy như mang, xung quanh mắt và da xuất huyết. Toàn thân có màu tối (xám đen). Những chỗ viêm có nhiều chất nhầy, mắt lồi, mang nhợt nhạt và các tơ mang kết lại với nhau. thể nặng sẽ thấy máu chảy ra ở vùng hậu môn. Các dấu hiệu bên trong như: trong xoang bụng xuất huyết và chứa nhiều dịch nhờn, có dấu hiệu tích nước, bóng hơi xuất huyết và teo dần một ngăn, ngoài ra tim, gan thận đều có hiện tượng xuất huyết.
Ngày nay chúng ta vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị hữu hiệu đối với những bệnh do virus và vi khuẩn gây ra. Do đó phương pháp phòng và trị bệnh đóng vai trò quyết định đến kết quả nuôi. Những biện pháp quan trọng là tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật, cho cá ăn đủ chất dinh dưỡng và nước ao trong sạch, đầy đủ dưỡng khí.
2. Bệnh ký sinh do trùng bánh xe (Trichodina); trùng quả dưa (Ichthyophthirius) gây ra
Khi cá bị bệnh trùng bánh xe trên thân tiết nhiều nhớt màu hơi trắng đục, da cá có màu xám. thường bơi nổi thành đàn trên mặt nước hoặc bơi ven bờ, vừa bơi vừa cọ thân vào cây cỏ hoặc bờ ao. Khi cá bị bệnh nặng mang thường lở loét, tiết đầy dịch màu trắng khiến cá không thở được, bơi không định hướng cuối cùng cá lật bụng vài vòng và chìm xuống đáy ao rồi chết. Bệnh này thường phát triển nhanh vào những dịp trời âm u, không nắng hoặc mưa kéo dài, nhiệt độ tương đối thấp.
Đối với cá bị bệnh trùng quả dưa thường thấy trên thân cá có những đốm màu trắng đục, da tiết nhiều nhớt, màu sắc cá nhợt nhạt, cá bơi nổi thành tưng đàn lờ đờ trên mặt nước. lúc đầu cá bơi co cụm ven bờ nơi có cỏ rác. Khi bị nặng mang bị huỷ hoại không hô hấp được, đuôi bất động sau cùng cá cắm đấu xuống đáy và chết.
Phương pháp phòng trị hai loại bệnh này
Dọn ao thật kỹ, giữ môi trường nước trong sạch cho cá ăn đầy đủ.
Khi cá bị bệnh có thể dùng một số hoá chất và thuốc chữa trị như sau:
Đối với bệnh trùng quả dưa
* Dùng nước vôi phun xuống ao cho đến khi pH cuả ao đạt tới trị số 7.5 - 8.5 cũng có tác dụng diệt trùng rất tốt. Thời gian chữa trị cho cá có thể kéo dài 3 - 5 ngày cá mới hết bệnh.
Đối với bệnh trùng bánh xe
Có nhiều loại hóa chất có thể dùng để chữa trị bệnh này, ở đây xin giới thiệu hai phương pháp chữa trị an toàn mà hiệu quả lại khá tốt, đó là:
* Dùng: muối ăn (NaCl) với nồng độ 2 – 3 % tắm cho cá 5 - 10 phút,
* CU(SO4)2 (phèn xanh) với nồng độ 3 - 5 ppm (3 – 5 g/m3 nước) tắm cho cá 5 -10 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nờng độ 1.5 - 0.7ppm (5 - 7g/m3 nước). Trị như vậy sau khoảng 2 - 3 ngày cá sẽ hết bệnh
Ngoài ra còn có thể gặp ở rô phi một số bệnh không lây lan hoặc mức độ lây lan chậm như bệnh viêm bóng hơi. Hiện tượng cá chết hàng loạt do nước ao quá “béo” , tảo phù du phát triển mạnh nhất là tảo tanh cá (Anabaena sp) làm cho nước ao có màu xanh sẫm. Các bệnh do thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân đối làm cho cá sinh trưởng chậm, thiều kẽm (Zn) sẽ gây bệnh đục nhân mắt, thiếu calci làm bộ xương yếu và có thể gây tê liệt. Do vậy cần phải cho cá ăn đấy đủ các thành phần dinh dưỡng và khoáng vi lượng để tăng cường sức khoẻ của cá trong ao. Khi cá rô phi bị xây sát, bị thương và nhiệt độ môi trường thấp kéo dài thì cá rô phi có thể bị nấm Thủy mi tấn công. Nhưng trường hợp này ít gặp ở ĐBSCL. Nhìn chung những loại bệnh này phát sinh khi môi trường nuôi bị nhiễm bẩn do thức ăn dư thừa quá nhiều, nước không được thay đổi thường xuyên.
Khi nuôi cá rô phi trong nước lợ cũng cần đề phòng trường hợp độ mặn của nước cao trên 25 0/00 kéo dài và nhiệt độ nước thấp hơn 23 - 24 OC thì cá rô phi có thể bị bệnh lở loét và có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. Chữa trị bệnh này khá đơn giản, chỉ cần giảm độ mặn xuống còn 8-100/00 trong klhoảng 10 ngày là bệnh sẽ giảm dần và khỏi mà không cần tới bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào.
Công tác phònh bệnh cho cá luôn phải được chú ý đúng mức. Ao nuôi phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt mầm bệnh và các sinh vật gây bệnh cho cá trong ao bằng cách bón vôi trước khi thả cá. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi các yếu tố môi trường thông qua sự theo dõi hoạt động của cá như mức dộ ăn mồi, hoạt động bơi lội vào sáng sớm để có biện pháp sử lý kịp thời. Khi phát hiện bệnh cá nên tuân theo sự hướng dẫn chữa trị của cán bộ chuyên môn, không nên tự chữa trị, không nên dùng thuốc kháng sinh một cách bừa bãi.
3. Bệnh do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus), sán lá 18 móc (Gyrodactylogyrus)
Sán lá đơn chủ thường ký sinh ở mang, da, hốc mắthút máu. Mỗi ngày một con có thể hút 0.5ml máu cá, do bị mất máu nên cá gầy yếu, bị mù mắt. Khi bị nặng cá tiết nhiều dịch nhờn có màu trắng xám, hô hấp khó khăn. Cá ít hoạt động và thường nằm dưới đáy, thỉnh thoảng nổi lên mặt nước và bơi ngửa bụng. Khi cá bị bệnh sán lá đơn chủ ký sinh thường ít gây ra hiện tượng chết hàng loạt, nhưng lại chết rải rác. Các vết thương do sán lá đơn chủ gây ra sẽ là điều kiện tốt cho một số vi khuẩn, virus tấn công và tạo thành bệnh rất khó chữa trị,
 Phương pháp phòng trị bệnh
 Ao phải tẩy dọn và sát trùng thật kỹ, bón vôi đúng liều lượng (7-10kg/100m2)
 Thả cá đúng mật độ, không nên thả cá quá dày. Thường xuyên theo dõi mức độ ăn mồi của cá và quản lý tốt môi trường nước.
 Trước khi thả cá xuống ao nên tắm cá 10-15 phút trong nước có pha thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 20 ppm (20g/m3 nước). hoặc tắm trong dung dịch nức muối 2-3 % trong 5 phút.

Nguồn: www.nongnghiepvn.forumup.vn
 


dễ nuôi nhất , sanh sản nhiều nhất.. ăn ngon nhất là con cá rô phi đen...3 tháng là nó đẻ rồi...và đẻ rất nhiều..nước càng nóng ( tháng nắng nước cạn) nó đẻ càng nhiều..do đó nuôi loại này..ao hồ không nên sâu hoặc phải có 1 chỗ nào đó nước cạn ánh nắng sẽ làm chỗ đó nóng cá sẽ lại đó đẻ
nó nuôi con rất giỏi nhưng bỏ con cũng rất sớm do đó các con cá lớn khác sẽ ăn hết cá con vì thế nên vớt cá con sang hồ khác nuôi.. hoặc khi thấy cá con nổi đầu nhiều( có khi chúng nó nổi đầu ngẹt hồ luôn) thì dùng lưới bắt hết cá lớn bán..
người ta bảo rằng nếu bạn thả xuống hồ 5 con cá phi đen...bạn sẽ có cả ăn và bán mãi mãi không hết
tôi đã từng nuôi rồi
cá rô phi sọc trắng và cá rô phi đỏ to con hơn.. nhưng đẻ rất kém và thịt không ngon bằng cá rô phi đen
 
Last edited by a moderator:
Xin hỏi cá LA HÁN có phải là đột biến của cá rô phi ra không? Hiện nay hết thời hoàng kim của cá LA HÁN , nếu ai còn nuôi với số lượng nhiều thì nên gọi là cá LA LÀNG hi hi
 
dễ nuôi nhất , sanh sản nhiều nhất.. ăn ngon nhất là con cá rô phi đen...3 tháng là nó đẻ rồi...và đẻ rất nhiều..nước càng nóng ( tháng nắng nước cạn) nó đẻ càng nhiều..do đó nuôi loại này..ao hồ không nên sâu hoặc phải có 1 chỗ nào đó nước cạn ánh nắng sẽ làm chỗ đó nóng cá sẽ lại đó đẻ
nó nuôi con rất giỏi nhưng bỏ con cũng rất sớm do đó các con cá lớn khác sẽ ăn hết cá con vì thế nên vớt cá con sang hồ khác nuôi.. hoặc khi thấy cá con nổi đầu nhiều( có khi chúng nó nổi đầu ngẹt hồ luôn) thì dùng lưới bắt hết cá lớn bán..
người ta bảo rằng nếu bạn thả xuống hồ 5 con cá phi đen...bạn sẽ có cả ăn và bán mãi mãi không hết
tôi đã từng nuôi rồi
cá rô phi sọc trắng và cá rô phi đỏ to con hơn.. nhưng đẻ rất kém và thịt không ngon bằng cá rô phi đen
Bác nhiều giỏi quá. Em đang định nuôi cá nè. Thân.
 
. Em đang định nuôi cá nè. Thân.


Tôi đã từng nuôi cá phi đen cả chục năm..sau năm 1980 theo trào lưu tôi nuôi cá phi sọc trắng...cá phi trắng to và nhiều thịt..nhưng quả thật ăn không ngon bằng cá phi đen, nhưng thị trường tiêu thụ thích cá phi trắng hơn( hồi đó gọi là cá phi Đài Loan)
khuyết điểm cuả cá phi trắng là đẻ rất ít..dù mình đã lưu tâm vớt hết cá con nuôi riêng không cho cá lớn ăn cá bé..cũng chẳng có bao nhiêu cá con, do đó sau khi lưới bắt hết cá lớn bán vẫn phải đi mua thêm cá nhỏ mới đủ công xuất của hồ ,
với cá phi đen thì không lo về con giống vì chúng đẻ nhiều lắm..
cá phi đen chiên xù ăn ngon hết biết...nhưng khó bán
nuôi cá nên nuôi kết hợp đừng nên nuôi 1 loài thí dụ :
cá phi nuôi chung với cá mè, cá chép và cá trắm cỏ..
sẽ có lợi hơn
 
Tôi đã từng nuôi cá phi đen cả chục năm..sau năm 1980 theo trào lưu tôi nuôi cá phi sọc trắng...cá phi trắng to và nhiều thịt..nhưng quả thật ăn không ngon bằng cá phi đen, nhưng thị trường tiêu thụ thích cá phi trắng hơn( hồi đó gọi là cá phi Đài Loan)
khuyết điểm cuả cá phi trắng là đẻ rất ít..dù mình đã lưu tâm vớt hết cá con nuôi riêng không cho cá lớn ăn cá bé..cũng chẳng có bao nhiêu cá con, do đó sau khi lưới bắt hết cá lớn bán vẫn phải đi mua thêm cá nhỏ mới đủ công xuất của hồ ,
với cá phi đen thì không lo về con giống vì chúng đẻ nhiều lắm..
cá phi đen chiên xù ăn ngon hết biết...nhưng khó bán
nuôi cá nên nuôi kết hợp đừng nên nuôi 1 loài thí dụ :
cá phi nuôi chung với cá mè, cá chép và cá trắm cỏ..
sẽ có lợi hơn
Bác nói đúng đó. Em đang xây dựng mô hình trang trại hỗn hợp. Em nuôi những con nào chắc ăn trước, thị trường tiêu thụ được (chấp nhận mua con giống của nơi khác luôn), sau đó nuôi và trồng những con nào lâu và những cây nào lâu. Thân.
 



Back
Top