Lợi ích kép trong chế biến rơm, rạ thành thức ăn chăn nuôi

Cây lương thực chủ yếu trồng ở nước ta là cây lúa. Hàng năm nước ta có khoảng 25 triệu tấn rơm (0,8 rơm/ 01 lúa). Rơm có hàm lượng xơ cao (32 – 35% vật chất khô), nghèo protein (3 – 5%). Chất xơ của rơm khó tiêu hóa vì bị lignin hóa. Tuy giá trị dinh dưỡng của rơm thấp nhưng lại là nguồn thức ăn rẻ tiền và nông dân có tập quán sử dụng lâu đời cho trâu bò. Trong thực tế, người chăn nuôi bảo quản rơm làm thức ăn cho trâu bò bằng cách phơi khô rồi chất thành đống. Qúa trình phơi khô đó làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Một yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của rơm đó là thời tiết và thời vụ sau thu hoạch, thời tiết không thuận lợi rơm tươi không được phơi ngay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng thậm chí rơm có thể thối, hỏng nếu như để kéo dài thời gian.

Trên cơ sở những nhận thức đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng của trâu, bò với nguồn thức ăn, tôi xin trình bày “ kỹ thuật ủ rơm với urea”.

1. Nguyên tắc chung: Rơm được nén chặt vào trong các túi nilon lớn hoặc các hố ủ, có tưới dung dịch ure, sau đó cột túi hoặc đậy kín hố ủ. Phụ phẩm có thể được dự trữ trong thời gian dài.

2. Kỹ thuật ủ rơm tươi với urea:

Rơm tươi chưa được phơi hoặc chưa khô (do mưa)

a. Dụng cụ chứa rơm ủ:

* Nếu sử dụng túi ni lon:

- Khổ 1,2 m, mỗi túi dài 3m.

- Khổ 1,4 m, mỗi túi dài 2,5m.

Cả hai túi trên sau khi buột hai đầu đều có sức chứa 1m3 rơm. Nếu rơm ráo nước được nén kỹ 1m2, nặng xấp xỉ khoảng 200kg. Túi bảo quản tốt có thể sử dụng lại lần sau.

* Nếu dùng hố xây bằng gạch: có thể xây nổi trên bề mặt đất hoặc chìm dưới lòng đất. Hố chìm trong lòng đất nơi cao ráo và đất cứng, có thể không xây gạch, chỉ cần lót nilon xung quanh.

b. Chuẩn bị nguyên vật liệu:

Rơm không bám bùn đất, cứ 1m3 rơm ủ nén kỹ bằng 3kg ure. Lượng nước được pha tùy vào rơm:

- Rơm tươi xanh vừa mới gặt xong hoặc vừa bị mưa, dung dịch pha gồm 3 kg ure + 10 lít nước cho vào một túi ủ (1m3) hay 1m3 hố ủ.

- Rơm tươi, đã qua 01 ngày không mưa, dung dịch pha gồm 3 kg ure + 20 – 30 lít nước cho vào một túi ủ (1m3) hay 1m3 hố ủ.

c. Nạp nguyên liệu vào hố, túi ủ.

Rơm được xếp và nén từng lớp 2 – 3 tấc à Rưới một lược 1/6 – 1/7 lượng dung dịch ure đã pha. Sau khi rơm đã được xếp đầy túi (hoặc hố), nén thêm đẩy bớt không khí ra ngoài rồi buột chặt miệng túi bằng dây cao su. Đối với hố ủ, ta cần đậy thật kín hơi. Cần chú ý trường hợp dùng túi nilon một đầu buột trước, đầu kia cuộn tròn miệng bao lại để dễ nạp rơm vào. Túi để gần 1 trụ cao để người đứng bên trong nén rơm có thể vịn.

d. Thời gian ủ, chất lượng rơm và cách cho ăn:

- Phụ phẩm có thể dự trữ trong 3 tháng, nếu bảo quản tốt có thể để lâu hơn. Sớm nhất nên sau 1 đến 2 tuần có thể cho bò ăn. Sau khi đã mở túi lấy rơm cho bò ăn nên cột kín miệng bao lại, tránh rơm bị mất hơi ure và bị mốc.

- Rơm ủ ure có màu vàng tươi đến vàng sậm, mềm so với rơm thường, rơm có mùi khai nồng nặc thì chất lượng rơm tốt. Nếu rơm có mốc trắng, mùi kém hăng do túi bị thủng, đậy không kỹ. Không nên cho bò ăn rơm bị mốc, hư.

- Cần tập cho bò ăn, nếu bò chưa quen nên trộn rơm ủ với rơm thường, hay với cỏ, mật đường, bột mì, lúc đầu trộn với một ít rơm ủ sau tăng dần. Cho bò ăn vào sáng sớm, bò thường đói dễ tập ăn hơn. Đối với bò đã quen ăn rơm ủ, sau một thời gian không có rơm ủ, khi cho bò ăn trở lại, cũng phải cho ăn từ từ cho dạ cỏ quen dần. Sau đó, đối với bò trên 01 năm tuổi có thể cho ăn tự do. Đối với bê dưới 6 tháng tuổi không nên cho ăn. Bê từ 6 tháng đến 1 năm tuổi nên cho ăn ít (1kg rơm/con/ngày). Bổ sung vào khẩu phần có rơm ủ thêm mật mía hoặc bột mì, cỏ xanh sẽ tốt cho bò.

3. Kỹ thuật ủ rơm khô với dung dịch ure:

- Kỹ thuật ủ như rơm tươi, chỉ khác ở lượng nước pha ure tăng lên, cứ 3kg ure pha 100 lít nước.

- Thời gian ủ, chất lượng rơm và cách cho ăn như rơm tươi ủ ure.

Trên đây là cách chế biến rơm đơn giản, dễ làm, ít tốn kém mà trâu bò lại thích ăn, đem lại hiệu quả thiết thực.
 




Back
Top