Thử tìm hiểu về Bàn thờ Ông Thiên qua vài trang sách cũ - Kỳ 2
Details
Nhắc tới miền quê thuộc miền Tây Nam nước Việt, không ai là không biết tục thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” nơi trước sân ở mỗi nhà; nhưng danh từ “Bàn Thờ Ông Thiên” có từ khi nào thì khó mà xác định một cách chắc chắn.
Ngoài ra, bàn thêm về Ngọc Hoàng, tức Ông Trời, tác giả Nguyễn Văn Huyên ghi tiếp:
“Người Việt nói rằng: “Ngọc Hoàng lúc khai thiên lập địa là một con chim màu đỏ. Lúc trời đất chưa ra khỏi sự hỗn mang, và bóng tối còn bao trùm vạn vật, Ngọc Hoàng đã cai trị vật chất bất động và lộn xộn. Sau này, khi Trời được giải thoát, đứng trên cao, và Đất được giải tỏa, nằm dưới thấp, thì Ngọc Hoàng ngự trị 36 cung điện của các thần trên Trời và 72 thần của các tầng của Đất. Ông là chúa tể của Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì Sao, Gió, Mây, Sét và Mưa. Các thần và ma của núi, sông, rừng, cánh đồng, biển, cũng như các sinh vật đủ loại người, chim trên không, cá dưới biển đều trở thành thần dân của Ngọc Hoàng. Ở thời Bàn Cổ xa xưa, khi con người còn hoang dã ăn thịt sống và uống máu tươi súc vật, thì Ngọc Hoàng cử Phục Hy xuống truyền cho họ những yếu tố của văn minh, cử Thần Nông dạy họ làm ruộng, và Hiên Viên dạy họ dệt vải lanh và dệt lụa. Chính Ngọc Hoàng đã tạo nên các nền trật tự thái bình vinh quang của Nghiêu và Thuấn, và sai Vũ Vương đắp đê ngăn nước trong trận lụt tràn khắp thế gian. Ngọc Hoàng còn phái xuống trần Cao Đào để thiết lập công lý giữa mọi người, Tiết để định ra năm mối quan hệ xã hội lớn, Khổng Tử để viết Ngũ Kinh, và tất cả các bậc hiền giả đã làm rạng rỡ loài người”.(13)
Do vậy, vốn là xứ nông nghiệp, nên khi khấn vái, người ta cầu khấn Ngọc Hoàng, tức Ông Trời, cùng các vị thần linh đệ tử của Ngài trong tất cả các sự kiện liên qua tới cuộc sống như sinh đẻ, bệnh tật, dịch bệnh, hạn hán, lụt lội, mưa nắng, mùa màng v.v… như qua các thực tế trong việc van vái nơi “Bàn Thờ Ông Thiên” mỗi ngày hoặc qua văn chương truyền khẩu còn lưu lại mãi mãi:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp…”
Về hình thể “Bàn Thờ Ông Thiên”, thì ai ai có qua vùng đất Nam Việt cũng đã thấy và đã biết hình dáng loại bàn thờ này, giống như nhị vị tiền bối Nguyễn Hiến Lê và Sơn Nam lược kể. Thuở còn nghèo, mới khai hoang lập ấp, người ta chặt cây tràm, hoặc đốn gốc tre gai dài chừng từ 1 thước 60 đến hai thước làm trụ dựng bàn thờ ông Thiên. Trên đầu trụ đóng cây thành hình chữ thập nhằm mục đích giữ cho miếng ván dùng làm bệ thờ không bị lật rớt. Sau đó lựa miếng ván vuông vức khoảng chừng bốn tấc đặt lên chữ thập này. Và vậy là có bàn thờ ông Thiên với cái lon thiếc làm chỗ cắm nhang, chai nước mưa, ba cái ly nhỏ để cúng nước và một chai nhỏ dùng làm bình bông cúng Trời Phật. Bông thường thường là bông trang, bông huệ, bông điệp, bông mồng gà trồng ngay nơi bàn ông Thiên mà mỗi nhà nào cũng có trồng khi bắt đầu dựng trụ thiết lập chỗ thờ cúng này.
Dùng cây tràm, dùng gốc tre lâu ngày trụ bàn thờ ông Thiên bị mưa nắng làm mục, người ta mới nghĩ đến việc dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ vì các loại cây này khi cắm xuống đất chúng sẽ đâm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống lưu niên từ năm này qua năm khác không sợ mục; chỉ có điều lâu lâu nên để ý mé bớt các các nhánh vông, nhánh gòn cho gọn để bàn thờ được tươm tất và đẹp mắt.
Dần dần về sau vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 miệt chợ Thủ thuộc Chợ Mới (An Giang) và nhiều nơi khác thuộc Long Xuyên như Cần Sây, Rạch Gòi Lớn, hoặc các vùng thuộc Châu Đốc, Cần Thơ, Sa Đéc, nói chung các vùng thuộc Tiền Giang và Hậu Giang, người ta nghĩ ra cách đúc Bàn Thờ Ông Thiên bằng xi măng cốt sắt và để bán tại chỗ hoặc có ghe chở bán khắp các làng quê trong vùng. Do vậy sau này, ít thấy bàn thờ ông Thiên làm bằng cây vông, cây gòn, gốc tre hay các loại cây gỗ khác và chỉ còn vài nhà vì quá nghèo không mua nổi bàn ông Thiên đúc xi măng thì mới còn dùng các loại cây cối có sẵn trong vườn làm trụ bàn ông Thiên.
Về tên gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, qua sách vở như vừa ghi bên trên, thoạt kỳ thủy ai ai cũng gọi “Bàn Thờ Ông Thiên” nhưng rồi dần dần vì tính giản dị của cư dân nơi vùng sông nước Cửu Long này nên nguyên chữ “Bàn Thờ Ông Thiên” được lược ngắn bớt chữ “thờ” thành ra “Bàn Ông Thiên. Chẳng hạn vùng An Phú, nhà văn Khiêm Cung Dương Văn Chung cho biết dân nơi ấy gọi “Bàn Ông Thiên”. Ở vùng Châu Phong, theo chị Lộc Tưởng, người chủ trương trang nhà Thất Sơn Châu Đốc cũng cho biết ở đây người ta cũng gọi “Bàn Ông Thiên”.
Nhắc đến vùng Châu Phong của chị Lộc Tưởng, chúng tôi nhớ lại trong sách “Bangsa Champa, Tìm Về Một Cội nguồn Cách Xa”, của tác giả Đỗ Hải Minh, biên khảo về đời sống đồng bào Chăm vùng cù lao Châu Phong có nhận xét về sự khác biệt giữa nhà cửa cư dân Việt và cư dân Chăm trong vùng, với tục thờ cúng “Bàn Ông Thiên” như sau:
“Từ bên này bờ sông nhìn sang bên kia, không xa lắm, chỉ vào khoảng 50 thước là cùng, tiếng trẻ em vui đùa vẫn vọng mồn một sang bên này bờ, nhưng thực tế là hai thế giới khác biệt. Thật vậy, nhà cửa bên kia sông, thường đắp nền cao rồi dựng cột và vách lên, bên trong nhà có bàn thờ tổ tiên, bày biện bàn ghế, giường ngủ có chân cao. Hầu như trước nhà nào cũng có một bàn thờ nhỏ gọn gọi là “Bàn ông Thiên” buổi chiều khói hương nghi ngút. Bên này sông, trái lại, nhà nhà đều có sàn; cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa phần lớn sát vào nhau, cả làng hầu như không có nhà nào trồng rau quả, vườn tược, nhứt là vườn trầu xanh tươi như bên kia bờ.”(14)
Qua nhận xét vừa trích về “Bàn Ông Thiên”, cho thấy học giả Đỗ Hải Minh dù là người Chăm nhưng ông rất am tường việc tín ngưỡng của cư dân Việt quanh vùng Châu Phong.
Từ “Bàn Thờ Ông Thiên”, rút gọn còn “Bàn Ông Thiên”, nhưng danh từ này còn lược gọn thêm một lần nữa khi nhiều vùng bỏ bớt chữ “Ông” và thành “Bàn Thiên” và vẫn ngầm hiểu danh từ này dùng để gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, hoặc “Bàn Ông Thiên”.
Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ giải nghĩa:
“Bàn Thiên (danh từ): Còn gọi là Bàn Trời, tấm ván vuông có chân cao lối 1 m 60 trồng trước sân ngay cửa để thờ Trời hoặc kiến trúc giống cái nhà nhỏ vuông-vức lối 50cm mỗi cạnh”.(15)
Ngoài ra, theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, cắt nghĩa
“Bàn Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên”: Bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn.” Trong phần cắt nghĩa hai danh từ “Bàn Ông Thiên” và “Bàn Thiên”, tác giả có ghi thêm hai thí dụ dẫn chứng:
“Tôi thấy ông chủ nhà vào trong thắp một nắm nhang, cháy đỏ, đem ra trước sân thắp lên Bàn Ông Thiên rồi quỳ xuống khấn vái, khá to tiếng.”(Sơn Nam) và “Ông Hương Ba đứng trước Bàn Thiên vái ba vái, rồi lẩm bẩm điều gì tôi cũng không nghe rõ.” (Phi Vân).(16)
Điều đáng lưu ý là hai bộ từ điển vừa kể của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ cũng như của Huỳnh Công Tín đều không có chữ “Bàn Thông Thiên” như nhiều người nói dân quê miền Tây còn gọi danh từ này để chỉ “Bàn Thờ Ông Thiên”. Và đây cũng là một điều làm tôi cố ý tìm tòi xem xưa nay có ai gọi “Bàn Thờ Ông Thiên” là “Bàn Thông Thiên” không?
Lần mò tìm đọc lại các sách mà tôi hiện có, may sao chỉ có tác giả Nguyễn Văn Kiềm & Huỳnh Minh trong quyển “Tân Châu Xưa” khi lược kể về cách thờ phượng của ông đạo Tưởng ở Tân Châu, các tác giả viết:
“Vào lối năm 1928, một cái am tạm làm bằng tre lá được dựng lên tại phần đất ông Nguyễn Chánh Sắt, tọa lạc giữa Long Đức Tự và ấp chiến lược Long An “A” hiện giờ, mà tục thường gọi con đường này là “Đường Chùa”, thuộc xã Long Phú, cách quận lỵ Tân Châu độ một cây số ngàn. Ấy là cái am của Ba Quốc cất để tu tâm dưỡng tánh (…)
Khách tò mò đến am nhận thấy chốn tôn nghiêm của ông sắp đặt thật có ngăn nắp: từ cột cái trở vô, ông lên cái gác thờ “Quan Đế Thánh Quân” tức “Quan Vân Trường” hiển thánh đời Tam Quốc, “Thục, Ngô, Ngụy” bên Tàu, gọi “Bàn Tổ” hay “Bàn Thầy”. Bên tả thờ Thần, bên hữu thờ Thánh. Đối diện bàn thờ Quan Công là cái khánh thờ “Chư Vị Năm Ông”.
Trên gác có xây cái liêu kín để ông tịnh và có đưa ra cái thiên thai để tiếp nhận những người đạo hạnh tập tuyệt thực. Phía trong có dành căn phòng thờ “Sơn thần” để chữa bịnh. Tại giữa sân lại dựng lên “Bàn Thông Thiên” theo cổ tục nước ta. Chung quanh chỗ thờ Trời có trồng bông mồng gà và bông vạn thọ, nên lộ lên một phong cảnh thật trang nghiêm.” (17)
Về cách cúng lạy “Bàn Thông Thiên” của ông Đạo Tưởng, tác giả ghi tiếp:
“Mỗi ngày hành lễ ba thời: khuya, ngọ, chiều. Mỗi khi hành lễ cũng có chuông mõ như các nhà chùa. Đây là cách ông lạy: trước hết ông lễ bàn Thầy, bàn Thánh, bàn Thần, bàn Chư Vị Năm Ông, mỗi bàn 12 lạy gồm 48 lạy. Khi xong, ông ra lễ bàn Thông Thiên bằng lối lạy đủ bốn hướng: “Đông, Tây, Nam, Bắc” cũng 48 lạy phân ra mỗi hướng 12 lạy y như Bàn Thầy.” (18)
Qua ghi nhận này, chúng tôi thấy việc cúng lạy nơi Bàn Thờ Ông Thiên tùy mỗi nơi, mỗi nhà, mỗi người, lấy cái tâm thành kính tưởng Trời Phật làm trọng, không nhất thiết ai ai cũng theo cách lạy 48 lạy như ông Đạo Tưởng. Cúng lạy mỗi ngày ba thời, mỗi thời lạy 48 lạy mà rồi qua sách Tân Châu Xưa với “Pha bạo loạn tế cờ” nghe qua mà ớn thần hồn.
Tóm lại, qua vài trang sách cũ nhìn lại việc gọi tên một cổ tục trong việc thờ Trời Phật nơi “Bàn Thờ Ông Thiên” của cư dân vùng châu thổ Cửu Long cho thấy dân cư các vùng sông nước Nam Việt này rất tin TRỜI PHẬT và không ai bảo ai nhưng mỗi nhà, mỗi người đều thành tâm thờ kính và cầu khấn TRỜI PHẬT tạo thành một nét tín ngưỡng rất đơn giản mà thiêng liêng, rất gần gũi mà cao siêu vòi vọi. Dù với bất cứ danh gọi nào, dù “Bàn Thờ Ông Thiên”, “Bàn Ông Thiên”, “Bàn Thiên” hay “Bàn Thông Thiên” thì mục đích và ý tưởng của cư dân vùng đất Nam Việt này đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất phong phú, thanh cao, an lạc vậy!
Hai Trầu
Kinh xáng Bốn Tổng ngày 16-03- 2012
cái e nói là cái bàn thờ này có giống cái bàn thờ anh chụp hay không? có hình ảnh gì không anh? chỉ duy nhất 1 cái lư hương nhá a.