Người An Giang ùn ùn bán cây thốt nốt

Tỉnh An Giang bày tỏ quan ngại khi loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi đang bị bứng gốc bán cho thương lái chở về Bắc làm cảnh hoặc bán qua Trung Quốc.
Đường tỉnh 948, đoạn qua xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) mấy ngày nay xuất hiện nhóm người cùng những chiếc xe đầu kéo mang biển số Quảng Ninh đến thu mua, tập kết nhiều cây thốt nốt lớn. Nhóm người này cho biết chở ra Hà Nội trồng cảnh hoặc đưa về Quảng Ninh để bán qua Trung Quốc.

"Chục ngày nay chúng tôi mua được 16 cây, giá khoảng 2 triệu đồng một cây. Thực ra nếu vào tận phun sóc của người dân mua giá chỉ 500 nghìn nhưng tiền thuê phương tiện nhổ gốc, kéo ra đường tính vào còn đắt hơn", người đàn ông tên Minh nói.

u6Cu2D.jpg
Việc mua bán cây thốt nốt đang diễn ra rầm rộ tại vùng Bảy Núi, An Giang. Ảnh: Cửu Long

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên Lê Văn Hạnh, thốt nốt trồng khoảng 20 năm mới cho trái, rất có giá trị kinh tế vì có thể lấy nước nấu đường, ăn trái tươi và khai thác thân cây già làm đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất… Thực tế, thương lái chỉ mua cây non khoảng 7-15 năm tuổi. Vì nếu mua cây già sẽ rất khó bứng gốc và khi trồng lại sẽ không sống.

"Xác định đây là cây xóa nghèo nên địa phương vận động, khuyến cáo người dân không nên bán. Nhưng thực tế vẫn diễn ra tình trạng bà con lén bán cây non, giá chỉ 300.000-400.000 đồng một cây", ông Hạnh cho hay.

Trước tình trạng người dân vùng Bảy Núi ùn ùn bán cây thốt nốt, gần tháng trước ngành chức năng huyện Tịnh Biên và Tri Tôn đã có văn bản kiến nghị Kiểm lâm và Nông nghiệp tỉnh An Giang đưa loại cây này vào danh mục cấm mua bán.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí khẳng định phải bảo tồn loại cây đặc sản đã làm nên thương hiệu của vùng Bảy Núi, đặc biệt là gắn bó mật thiết với đời sống, văn hóa của cư dân địa phương, nhất là đồng bào Khmer. "Vì thế chúng tôi tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn về lợi ích của việc bảo vệ cây này, không nên bán theo lợi ích trước mắt", ông Trí nói.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, cây thốt nốt tập trung nhiều ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, chủ yếu do đồng bào Khmer trồng. Hiện, có hơn 60.000 cây cho thu hoạch trái và nước để làm đường với sản lượng 5.500-6.000 tấn mỗi năm, tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân.

zNyJOg.jpg

Thương lái thu mua cây thốt nốt ở vùng Bảy Núi. Ảnh: Cửu Long

Hai năm trước từng xuất hiện tình trạng nhiều người từ TP HCM và miền ngoài đến An Giang mua cây thốt nốt về trồng tại khu biệt thự, du lịch, nghỉ dưỡng nhưng do tỷ lệ sống rất ít nên họ không mua nữa… Khoảng 4 tháng nay tình trạng này lặp lại ở mức độ rầm rộ hơn vì họ thay đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cho tỷ lệ sống cao.

Cây thốt nốt không nằm trong danh mục cấm buôn bán nhưng lại là cây đặc trưng, chủ lực của ngành tiểu thủ công nghiệp (sản xuất đường, bánh kẹo) tại địa phương, cần có biện pháp bảo vệ.

"Nếu để tình trạng diễn ra đại trà thế này thì nguy cơ không còn thốt nốt trong vùng Bảy Núi là có thật. Chúng tôi thống nhất với huyện Tịnh Biên và Tri Tôn nghiêm cấm việc bán cây đang trồng trong dân và mọc tự nhiên trong rừng. Nếu có đơn vị nào đứng ra lập vườn ươm để kinh doanh cây con thì được", ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang - nói.

Cửu Long
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-an-giang-un-un-ban-cay-thot-not-3284313.html
 


thương lái chỉ mua cây non khoảng 7-15 năm tuổi.... thực tế vẫn diễn ra tình trạng bà con lén bán cây non, giá chỉ 300.000-400.000 đồng một cây"
khi nào mới được 1 cây!
 
Trồng cây thốt để được thu quả và đường , là cả một thời gian dài .
 
Last edited by a moderator:
Hy vọng là người dân An Giang suy nghĩ thật kĩ trước khi bán. Vì bán đi rồi sẽ ko có thu nhập về lâu dài.
 
Cũng biết là không nên bán nhưng chính quyền lấy quyền gì để cấm người ta? Thế là vi phạm pháp luật.
 

Thật ra đa phần là mọc hoang, người dân nghèo thấy chưa cho trái hay nước thì đem bán. Trong tịnh biên,tri tôn toàn người khơ-me, họ nghèo khổ, ít học nên dễ bị dụ, Em hay mua thốt not ăn 1kg 40 ngàn mà nhìn người dân chặt bao nhiêu trái, toát cả mồ hôi, lấy 40 ngàn.
 


Back
Top