Người chế bê tông siêu nhẹ

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Mặc dù chỉ học hết phổ thông nhưng anh đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu để chế các loại phế phẩm cây nông nghiệp thành bê tông siêu nhẹ. Đó là anh là Trần Văn Lượng (0985.994.151) sống ở xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.


Sinh năm 1968, trong một gia đình thuần nông của tỉnh Hà Nam. Do điều kiện gia đình không cho phép nên anh đành gác lại ước mơ học đại học. Từ một cậu học trò anh quyết định làm “tài xế” công nông trong làng. Ngày đó công nông là phương tiện vận tải chủ yếu ở nông thôn, nhưng do chiếc trục của xe thường bị gãy trong quá trình lưu thông nên anh quyết tâm cải tiến bằng được để tránh những tai nạn đáng tiếc. Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào “tút” chiếc công nông, anh kể: “Tôi lần mò lên xưởng cơ khí ở Hà Đông, nơi sản xuất xe công nông để xin bản thiết kế xe về nghiên cứu. Ròng rã suốt mấy tháng mất ăn, mất ngủ, cuối cùng chiếc trục xe công nông cũng đã được cải tiến”. 






betong.jpg




Anh Lượng (áo phông xanh) đang trao đổi với khách hàng về sản phẩm









Năm 2001, anh nghỉ chạy công nông, khăn gói theo bạn bè vào miền Nam lập nghiệp. Sẵn có chút vốn trong tay cộng thêm sự giúp đỡ của vài người bạn, anh mở cửa hàng nhỏ kinh doanh vật liệu xây dựng (sản xuất bột bả ma-tít). Đầu năm 2002, trong một lần sang chơi nhà hàng xóm, anh thấy chủ nhà hì hục nhào trộn xi măng trắng với một hỗn hợp gì đó có chứa cả xốp. Anh thấy khá thú vị nên tìm hiểu. Người hàng xóm chia sẻ là ông đang nghiên cứu chế tạo bê tông xốp, nhưng sau nhiều lần thí nghiệm vẫn chưa thành công. Với bản tính ham học hỏi và sáng tạo, anh nghĩ tại sao mình không thử nghiên cứu? Nhiều đêm anh trằn trọc nghĩ phải tìm cách chế tạo một loại vật liệu xây dựng vừa nhẹ vừa thân thiện với môi trường. Suy nghĩ ấy luôn hối thúc anh bắt tay vào việc.


Hơn 1 năm, anh bỏ công sức và tiền của ra đầu tư để tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm với hàng trăm bao xi măng trắng, hàng trăm lít hỗn hợp hóa chất tự nấu, nhưng sản phẩm làm ra có độ liên kết của hợp chất, giữ ẩm của xốp rất kém, cho xuống nước, búng nhẹ, cả tảng bê tông nở ra như bánh khảo. Sau nhiều lần thử nghiệm không thành công, bạn bè khuyên anh dừng lại. Tuy nhiên, anh tin vào những gì mình đang triển khai nên vẫn tiếp tục đi tìm lời giải. Nghĩ lại những ngày ấy anh Lượng cười xoà: “Hồi ấy công nhận mình liều thật. Chưa có một chữ bẻ đôi về sản phẩm mà đã dám nghiên cứu, chế tạo”.


Đến năm 2005, dù công việc làm ăn rất thuận lợi, nhưng anh quyết định về quê lập nghiệp. Tháng 3/2006, anh Lượng thành lập công ty TNHH Hồng Giang chuyên về vật liệu xây dựng và tiếp tục nghiên cứu công trình của mình. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh nghĩ phải thay đổi lại quy trình sản xuất thì mới có kết quả. Nghĩ là làm, anh tìm đến vài người bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng để tham khảo ý kiến. Sau đó anh nhận được lời khuyên là nên thay xi măng trắng bằng xi măng đen, mác PC40, và thêm keo da động vật (được nấu, cô đặc từ da động vật) vào hỗn hợp hóa chất tự chế. Nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa hoàn thiện, độ giữ ẩm của sản phẩm vẫn kém. Rồi tình cờ nghe thấy trên tivi nói đến công dụng giữ ẩm của các loại phế phẩm các cây nông nghiệp trong việc giữ ẩm cho đất. Thế là anh nảy sinh ý tưởng về sản phẩm độc đáo của mình.


Anh nhanh chóng bắt tay vào việc hoàn chỉnh sản phẩm. Anh dùng các loại vật liệu từ phế phẩm như: lõi ngô, thân cây ngô, rơm, bã mía, xơ dừa, trấu, các loại mùn cưa, gỗ vụn, xi măng, kết hợp với chất tạo bọt được làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác do anh dày công nghiên cứu. Tháng 3/2008, sản phẩm đầu tiên có thành phần từ phế phẩm nông nghiệp đã ra lò.


“Tôi mừng đến rơi nước mắt khi nhìn thấy sản phẩm đầu tiên. Thế là việc tôi bán hai xe tải, một lô đất để đầu tư nghiên cứu đã không uổng phí”. Anh Lượng nói trong niềm hạnh phúc. Bốn tháng sau, trong bản kiểm định chất lượng của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã khẳng định đây là sản phẩm bê tông nhẹ, có tác dụng chống thấm, cách nhiệt, cách âm phù hợp tiêu chuẩn. Không chỉ như vậy, 1 năm sau hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất bê tông siêu nhẹ do anh tự làm, tự thiết kế cũng được lắp đặt hoàn chỉnh với máy tạo bọt, máy trộn bê tông, khuôn. Theo ước tính, năng suất của máy đạt trên 50m3/ngày, tương đương với 5 người làm/ngày, bằng 1/5 so với hệ thống máy móc cùng loại nhập khẩu của nước ngoài.







Từ những phế phẩm của cây nông nghiệp như: lõi ngô, thân cây ngô, rơm, bã mía, xơ dừa, trấu, các loại mùn cưa, gỗ vụn, xi măng đã được anh “hô biến” thành sản phẩm bê tông siêu nhẹ rất thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, sản phẩm đã góp phần vào việc làm giảm chi phí trong xây dựng.









Anh Lượng cho biết: “Vì nguyên liệu là các loại phế phẩm có sẵn, nên giá thành chỉ ở mức 900.000-950.000 đồng/m3. Trong khi đó, sản phẩm cùng chất lượng nhập ngoại lên tới 1.300.000-1.800.000 đồng/m3". Anh Lượng cũng cho biết thêm, với công nghệ này, bê tông không cần phải sấy, hấp mà để nở tự nhiên, tạo liên kết liền. Điều thú vị hơn nữa là việc sử dụng loại bê tông này cũng chỉ dùng các loại vữa xây thông thường. Hỏi về dự định, anh nói: “Có một số đơn vị tìm đến đặt hàng, nhưng do năng lực sản xuất hạn chế, nên chưa thể đáp ứng ngay được. Bây giờ, tôi cũng đang tiếp tục tiến hành đăng ký bảo hộ cho sản phẩm. Còn công nghệ, tôi sẵn sàng tiến hành chuyển giao cho các cá nhân và đơn vị có đủ năng lực để sản xuất, phát triển sản phẩm loại gạch siêu nhẹ này".


Trước khi chia tay, anh Lượng còn bật mí thêm rằng: “Hiện anh đang nghiên cứu để sử dụng nước lợ vào chế tạo vật liệu siêu nhẹ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây nhiều vùng nước lợ, nguyên liệu để sản xuất rất sẵn”.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top