Thuở nhỏ còn đi học, tôi cũng đã từng nuôi gà chọi để chọi.
Sau đây là kinh nghiệm và suy nghĩ của tôi, khác với lý thuyết
kỹ thuật nuôi gà chọi trong làng nghề chọi gà, chỉ để tham
khảo, chính tôi cũng chưa làm thí nghiệm để biết đúng sai.
*
1- Phải cho ăn tươi: Ngô, Thóc, Đỗ, Rau, Sâu Bọ, Nhái,
và phần thức ăn động vật phải nhiều hơn so với gà thường.
Dân gian cho rằng cho ăn thật nhiều thức ăn động vật thì
càng tốt. Có người đầu tư nhiều vào gà đá, đã mua thịt bò
cho ăn nhiều. Khoa học ngày nay nói rằng mỗi giống có một
tỷ lệ tiêu hoá thịt khác nhau. Nếu cho ăn nhiều hơn tỷ lệ
đó, sẽ bị thừa đạm trong khớp xương, gây ra bệnh khớp xương.
Ví dụ, chó nuôi thì tỷ lệ đạm không được quá 23% trong thức
ăn khô. Thưc tế bắt cào cào, dế cho gà chọi ăn rát tốt.
*
2- Phải nhốt rộng rãi. Dân gian nhốt vào lồng rất chật, mục
đích cho gà đứng thẳng lên. Tôi cho rằng gà đứng thẳng là
bị bắt buộc, có hại với sức khoẻ. Tôi đồng ý phải nhốt, không
để nó đạp mái thì yếu đi. Nền nhốt gà phải là đất nện, không
nên làm bằng gỗ hay gạch đá, hại chân gà. Nếu có nuôi gà thả
xung quanh, thì phải có 2 lớp rào cách nhau 1 gang tay, thì
chúng mới không mổ đá nhau qua rào được.
*
3- Phải luyện gà bằng cách cho đá, mỗi tuần 1 lần. Tôi luyện
gà bằng gà Ri trong đàn gà nhà. Đương nhiên, con gà Ri thì
đạp mái, và không đưọc ăn ngon, ra đòn kém gà chọi, nhưng nó
cũng rất hăng, không bỏ chạy. Vì luyện gà, nên khi thấy con
gà Ri yếu sức, thì tôi nhôt con gà chọi lại, đuổi gà Ri đi.
Nếu để con gà Ri bị thua, lần sau nó sẽ không đấu nữa. Dân
gian thì không đồng ý với nhau về cách luyện. Có người không
luyện gà. Có người luyện bằng cách đeo bao cát vào cổ, lưng,
hay 2 đùi.
*
Kỹ thuật luyện người thi đấu thể thao để tham khảo:
1- Chia làm nhiều chu kỳ luyện tập, sao cho ngày thi đấu là
ngày cao nhất.
2- Chu kỳ là 4-5 ngày. Ngày thứ nhất tập khối lượng nhẹ.
Khối lượng tập tăng dần cho đến ngày thứ 3 hay 4 là cao nhất.
Ngày cuối kỳ là nghỉ, vì đã kiệt sức rồi.
3- Khối lượng tập chu kỳ sau phải hơn chu kỳ trước, nên ngày
thi đấu có thể đủ sức với khối lượng cao nhất của cá nhân đó.
*
Chưa ai chú trọng vào huấn luyện, cũng không ai biết lý thuyết
huấn luyện thi đấu thể thao, nên nếu áp dụng, phần thắng rất cao.
Muốn có huấn luyện tốt, nên nuôi nhiều gà trống Ri, cũng chăm sóc
như gà chọi, để thay nhau huấn luyện. Cho ăn thêm cua cá nhỏ,
cào cào, dế, nhái, thì cũng không tốn tiền lắm đâu, so với số tiền
ăn giải.
*
Những kinh nghiệm dân gian không có bằng chứng và lý luận:
1- Gà đá hay vì giống. Thật ra con gà thắng có thể ăn may thôi.
Nó đẻ ra con, chắc gì con hơn bố? Bằng chứng những tường võ và
võ sỹ nổi tiếng có con hơn bố đâu? Con Quan Vân Trường, và con
Triệu Vân có là tường võ nổi tiếng đâu? Ngoài ra, trong thực tế
miền Bắc Việt Nam, lúc thì con Bắc Ninh thắng, lúc thì con Hà
Đông ăn giải, có con nào nổi tiếng luôn bảo đảm ăn giải đâu?
2- Gà đá hay vì vảy chân: ba xạo để bán gà con.
3- Gà dá hay vì miếng đòn: Cái này hơi có lý. Mỗi con vốn có
lối đá khác nhau từ trong trứng, không thể huấn luyện được.
Những miếng này thường thể hiện ra vào giữa trận đấu, lúc đôi
bên đã thấm mệt, cà cổ vào nhau thở cho lại sức, chứ không đá
liên hồi nữa. Có con mổ đỉnh đầu đối thủ, và cặp cựa bổ vào đầu.
Có con cặp cựa bổ vào hầu. Có con bổ vào 2 mắt hay mang tai.
Càng yếu đi, thì cựa càng sai lạc và trễ xuống dưới. Nếu gà có
luyện có thể lực thì đá chính xác và mạnh hơn, nhất định thắng.
Tuy vậy, miếng đòn nào cũng có thể ăn giải cả. Khi qua đoạn này,
đến lúc đôi bên thật mệt rồi, thì có con chui nách, có con chui
háng con kia. Đương nhiên chui háng thì mệt hơn. Vậy ta không
nên chọn con có miếng chui háng. Cách chọn này phải trải qua
huấn luyện mới biết được.
4- Gà đá theo cân lạng, nên con nào to phải đấu với con to.
Vì vậy, gà có sức bền, đấu chậm mệt hơn con khác thì thắng.
*
Ngày xưa tôi nuôi gà Chọi chỉ để chọi trong đàn gà nhà coi cho
vui thôi, chứ không được bén mảng đến các bậc Cha Chú trong
làng chọi. Tôi cũng nghe ít nhiều các kinh nghiệm dân gian,
nhưng lớn lên đi làm mệt quá không thể theo đuổi nuôi gà chọi
được. Dù sao tôi vẫn để bụng chuyện này, khi nào già sẽ thí
nghiệm nuôi gà chọi đá ăn giải xem sao.
*