Thoát nghèo từ "Rác", tại sao không?

Như chúng ta đã biết, việc ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Trong rác thải sinh hoạt có rác hữu cơ và rác vô cơ. Ở đây mình muốn nói đến rác hữu cơ. Bên cạnh đó, nước rửa chén hàng ngày mà chúng ta sử dụng, được làm ra từ hóa chất công nghiệp, mà hóa chất công nghiệp từ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chúng ta. Thế thì tại sao chúng ta không sản xuất nước rửa chén từ rác hữu cơ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe ?
ngheod_emcd_ygrf.jpg

Việc tự làm nước rửa chén từ rác hữu cơ thì đã có rất nhiều trên mạng, nếu tra google thì có rất nhiều phương pháp làm, tuy nhiên theo mình thấy để làm với số lượng ít thì tạm được nhưng nếu làm với số lượng lớn thì hơi khó khăn. Và nếu làm nhiều, số lượng lớn thì phải làm sao? Đây chính là sự chia sẽ của mình đến anh em, làm thế nào để thoát "nghèo" từ rác ?

Mình cũng xin anh em khi đọc bài này đừng "ném đá" mình. Bởi vì việc mình chia sẽ xuất phát từ lòng biết ơn người lập ra diễn đàn và những kiến thức, kinh nghiệm của những người tham gia diễn đàn này mà mình đã được học hỏi. Mình cũng rất trân trọng những góp ý của anh em để mình có thể học hỏi thêm nữa. Trong quá trình làm, mình cũng học hỏi rất nhiều trên Internet, sau đó mình nghiên cứu thêm và trải qua quá trình thực nghiệm khoảng 9 tháng thì mới được như hôm nay.

Mình sẽ chia sẽ theo từng phần như : Quy trình, Hiệu quả kinh tế, Xử lý khó khăn. Riêng phần xử lý khó khăn thì phần đầu mình sẽ nói sơ lược, khi anh em làm thực tế bị vướng mắc chổ nào thì mình sẽ chia sẽ chổ đó.

Phần 1 : QUY TRÌNH
A/- NGUYÊN LIỆU :

1/- Phế phẩm thực vật
- Rác hữu cơ bao gồm :
+ Gốc rau các loại. Ví dụ: Gốc rau muống, gốc cải, ...
+ Các loại rau ăn lá: Ví dụ : Cải xanh, cải ngọt, hành, diếp cá,.....
+ Củ, quả các loại. Ví dụ: Bầu, bí, cà, đậu, su, khoai,.......
+ Hoa các loại: Hồng, Cúc, Huệ,........
+ Vỏ Trái cây các loại: Vỏ Bưởi. Vỏ Chôm chôm, nhãn, măng cụt, .....
* Chú ý : Không được dùng các phế phẩm có nguồn gốc từ động vật như Thịt, Cá các loại. Các chất nhựa , thủy tinh như chai mũ, túi nylon, chai thủy tinh,.....

2/- Đường mật:
- Đường mật là chất lỏng cô đặc sau khi được rút đường bằng phương pháp cô và kết tinh.
- Nếu không có đường rỉ có thể thay thế bằng đường vàng, mật mía.
* Chú ý : Không dùng đường đã tinh luyện ( đường cát trắng )

3/- Nước sạch
- Có thể dùng nước máy ( nước phông-tên), nước sinh hoạt,nước giếng khoan,..... Không dùng nước ao hồ tù đọng.

B/- THỰC HIỆN :

1/- Dụng cụ :
- Sử dụng các thùng chứa bằng nhựa có nắp đậy kín.
- Kích thước của thùng nhựa phụ thuộc vào khối lượng rác hữu cơ mà ta có.
Ví dụ : Có thể dùng chai nhựa, thùng nhựa kín có thể tích từ 05 lít trở lên. Thùng càng lớn thì ta càng chứa được nhiều dung dịch.

2/- Công thức :

01 Phần đường + 03 Phần phế phẩm + 10 Phần nước

+ Ví dụ : 01 kg đường mật + 03 kg rác hữu cơ + 10 lít nước

3/- Cách làm :
- Đầu tiên quan trọng là ta phải phân loại rác hữu cơ theo từng loại như đã ghi ở phần 1A.
+ Loại nào theo loại đó. Ví dụ Rau ăn lá chứa riêng 1 thùng, Hoa chứa riêng 1 thùng,, Củ quả chứa riêng 01 thùng.
- Sau đó ta rửa sơ hoặc ngâm phần rác này trong nước khoảng 10 phút để trôi đi các chất như bùn, đất, cát.
- Tiếp theo ta băm, chặt, cắt nhỏ các loại rác hữu cơ từ 2cm-3cm. Sau đó bỏ rác hữu cơ ( sau khi đã phân loại và băm nhỏ ) vào thùng nhựa kín.
- Sau 2 ngày, pha đường với nước theo tỷ lệ công thức trên, sau đó đổ vào thùng đã có rác hữu cơ và đậy kín nắp lại.
* Chú ý :
+ Không được nhồi nhét phần rác hữu cơ đầy,tràn thùng. Đổ vào theo tỷ lệ 3 phần không khí và 7 phần nguyên liệu.
+ Đặt thùng chứa nơi thoáng mát.
+ Dán nhãn, ghi ngày bắt đầu ủ lên thùng chứa để dễ dàng kiểm tra và theo dõi.


3/- Kiểm tra :
- Đến ngày thứ 3 sau ủ , ta mở nắp thùng để không khí thoát ra. Sau đó đậy kín nắp thùng lại.
+ Lưu ý : Khi mở nắp thùng, ta phải mở từ từ, tránh mở nhanh, đột ngột sẽ gây ra hiện tượng trào bọt hoặc bay nắp thùng.

- Sau đó, cứ cách ngày ta mở nắp thùng 1 lần.
- Đến ngày thứ 14, cứ cách 3 ngày ta mở nắp thùng 1 lần, sau đó đậy kín tiếp.
+ Lưu ý : Khi mở nắp thùng ta thấy có phần bả màu trắng đục nổi lên trên mặt thì ta dùng cây gổ hoặc cây bằng nhựa đẩy phần bả màu trắng chìm xuống dưới cho thấm nước.

- Đến hết 30 ngày, khi mở nắp thùng ta sẽ ngửi thấy mùi cồn. Đến ngày thứ 60, khi mở nắp ta sẽ ngửi được mùi chua nhẹ. Tất cả các mùi trên đều là hiện tượng bình thường.
- Thời gian hoàn thành việc ủ rác hữu cơ :
+ Đối với Bông, Hoa : Khoảng 30 ngày
+ Đối với Rau ăn lá : Từ 40 đến 60 ngày
+ Đối với Củ, quả : Từ 60 đến 90 ngày

Khi kiểm tra dung dịch ngửi thấy mùi thơm, hơi chua, màu hơi nâu, nguyên liệu đã bị phân hủy, chứng tỏ quá trình ủ rác hữu cơ đã hoàn chỉnh.

5/- Kết quả:
Sau khi hoàn thành việc ủ rác, chúng ta sẽ thực hiện bước cuối cùng là :
+ Dùng vải mỏng, vải mùng để lọc cặn dung dịch.
+ Sau khi lọc ta sẽ có 02 phần: Phần nước và phần bã, mỗi phần ta đựng riêng lẻ trong thùng nhựa khác nhau.
+ Phần bã ta sẽ dùng bón cho cây trồng. Phần này mình sẽ chia sẽ ở một bài viết khác .
+ Phần dung dịch chính là nước rửa chén hữu cơ.
Nước rửa chén này có màu vàng đục, có mùi chua nhẹ. Khi rửa chén đũa thì phải nói là sạch các chất dầu mỡ như các loại nước rửa chén thông thường nhưng đều quan trọng là nó được làm từ rác hữu cơ. Chúng ta sử dụng nước rửa chén hữu cơ này thì chúng ta vừa tận dụng được nguồn phế phẩm từ rác sinh hoạt hàng ngày, vừa trực tiếp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đồng thời đảm bảo được sức khỏe của chúng ta.

Xin cám ơn Admin đã tạo một sân chơi cho anh em được học hỏi, giao lưu chia sẽ kinh nghiệm trong nông nghiệp và trong cuộc sống.
Khi tình cờ đọc được diễn đàn này, mình thấy rất bổ ích, rất hay khi mà có rất nhiều anh em đã chia sẽ những kinh nghiệm của họ để cho mọi người ( trong đó có mình ) học hỏi những kinh nghiệm quý báu và thực tiển đó. Chính vì vậy, hôm nay, mình xin chia sẽ lại một công việc mà chính bản thân mình đã được học hỏi từ Agriviet, từ những người anh em không quen biết đã giúp đỡ những kiến thức, kinh nghiệm để mình thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống.


( còn tiếp phần 2 : Bài toán kinh tế )
 


B
Xin chào cả nhà !

Mới đây đã 4 tháng trôi qua, nhanh thật..... Đầu tiên cho mình gởi lời xin lỗi đến các bạn đã yêu cầu gởi sản phẩm để trải nghiệm mà mình chưa thể gởi được.
Trong 4 tháng qua, được sự tư vấn, hổ trợ của cộng đồng Agriviet cũng như sự giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã Vĩnh Long.... mình đã mở rộng sản xuất ( thành lập HTX Sinh học - Môi trường ) cũng như đã nhận được đơn đặt hàng của một vài đơn vị lớn với số lượng 1000 lít/ngày và hiện nay đã có thêm một số Cty yêu cầu cung cấp sản phẩm nhưng mình chưa thể đáp ứng được.
Đồng thời có rất nhiều bạn muốn mình trực tiếp hướng dẫn cách làm nước rửa chén sinh học hoàn chỉnh, chính vì vậy, mình có ý tưởng muốn chia sẽ với tất cả các bạn có ý muốn "thoát nghèo" giống mình với nội dung như sau:

" HƯỚNG DẪN, CHIA SẼ MIỄN PHÍ CÁCH LÀM NƯỚC RỬA CHÉN, NƯỚC LAU NHÀ, NƯỚC RỬA TAY, NƯỚC GIẶT.... TỪ RAU, CỦ, QUẢ "

1/- Yêu cầu :
- Muốn góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác hữu cơ
- Yêu thích, muốn sản xuất các sản phẩm từ thiên nhiên.
- Mong muốn được thoát nghèo.
- Sẳn lòng chia sẽ lại cho các bạn khác có cùng hoàn cảnh và ý chí
- Có diện tích tối thiểu 20m2
- Có sẳn các thùng chứa tối thiểu từ 20 lít trở lên
- Có sẳn lượng phế phẩm thực vật như Rau, củ, quả,........ tối thiểu 10kg
- Cung cấp thông tin chi tiết thật: Tên, địa chỉ, số điện thoại để tiện việc di chuyển

2/- Nội dung
- Hướng dẫn, chia sẽ miễn phí cách làm nước rửa chén, nước lau nhà, nước rửa tay, nước giặt từ Rau, Củ, Quả...... nói chung là phế phẩm thực vật.
- Nội dung chia sẽ gồm 2 phần:
a/- Hướng dẫn làm sản phẩm thô
b/- Hướng dẫn làm sản phẩm hoàn chỉnh.

3/- Thời gian - Địa điểm :
- Thời gian: 1-2 ngày. Dự kiến bắt đầu từ 01/09/18. Các bạn nên đăng ký sớm để mình sắp lịch đi cho thuận tiện.
- Địa điểm: Tại nhà các bạn. Trước mắt mình sẽ đi các tỉnh miền Tây trước, sau đó đến miền Đông rồi tính tiếp. Các bạn có thể liên hệ với mình để sắp xếp cụ thể hơn

4/- Chi phí :
- Miễn phí 100% hướng dẫn cách làm
- " Cho xin 2 bữa cơm đạm bạc + 01 lít xăng nhé ". Bởi vì đói bụng thì không thể chỉ được và không thể đổ nước vào xe chạy được. Hehehe....Nói đùa cho vui thôi nhé.

5/- Bao tiêu :
- Sau khi hướng dẫn làm và các bạn có được sản phẩm, mình sẽ bao tiêu ( mua lại ) sản phẩm của các bạn.

Hy vọng sẽ cùng các bạn vươn lên trong cuộc sống.

P/s: À quên, sẳn đây mình nói luôn.
Chuyện hướng dẫn, chia sẽ miễn phí này có thể sẽ có một vài bạn cho rằng mình có ý đồ gì gì đó...hoặc mình bị khùng hay sao mà lại đi dạy nghề miễn phí trong khi sản phẩm này có thể rất phát triển trong tương lai, nhưng xin thưa rằng mục đích của mình làm điều này chính là :
- Thứ nhất: Muốn tri ân, cám ơn những người bạn chưa từng gặp mặt cũng như cộng đồng anh chị em trên Agriviet này đã tận tình chia sẽ, hướng dẫn những kiến thức về sinh học , về nông nghiệp để mình học hỏi có được kiến thức ngày hôm nay. Tuy chưa được gọi thành công hay giàu có nhưng có thể nói là mình đã thoát nghèo.
- Thứ 2 : Khi các bạn muốn làm một mô hình sản xuất hay nuôi trồng gì đó thì vấn đề đầu ra là việc rất quan trọng. Cho nên khi mình hướng dẫn xong, mình sẽ bao tiêu cho các bạn để các bạn mạnh dạn thực hiện.
- Thứ 3 : Hiện giờ đơn đặt hàng sản phẩm của mình rất nhiều ( hiện tại là 1000 lít/ngày, sắp tới khoảng 2000-3000 lít/ngày ) mà một mình mình thì không thể nào đáp ứng nổi. Vì vậy việc hướng dẫn miễn phí rồi bao tiêu sản phẩm của các bạn cũng chính là các bạn giúp đỡ cho mình. Tiện lợi và vui vẻ cả nhà phải không các bạn !!!
03 điều này chính là mục đích của mình khi mình nghĩ ra chương trình này. Và mình cũng xin lỗi nhà sản xuất, kinh doanh nào có cùng sản phẩm, vì điều mình làm có thể ảnh hưởng đến các bạn. Nhưng riêng mình nghĩ " Hãy cho đi - Sẽ nhận lại nhiều hơn".
Dài dòng quá, thôi có gì các bạn gọi cho mình để tìm hiểu thêm nha.
Xin cám ơn Agriviet và các bạn! Sẳn đây up vài tấm hình cho các bạn xem sản phẩm và xưởng sản xuất của mình. Đây là nguyên liệu đậu bắp già, không ăn được. Mình ngâm ủ đợt này là 10.000 lít
 


File đính kèm

  • IMG_0530.jpeg
    IMG_0530.jpeg
    293.3 KB · Lượt xem: 46
  • IMG_0525.jpeg
    IMG_0525.jpeg
    266.7 KB · Lượt xem: 44
  • IMG_0656.jpg
    IMG_0656.jpg
    370.8 KB · Lượt xem: 45
  • IMG_0659.jpg
    IMG_0659.jpg
    427.3 KB · Lượt xem: 42
  • IMG_0661.jpg
    IMG_0661.jpg
    441.4 KB · Lượt xem: 43
  • IMG_0663.jpg
    IMG_0663.jpg
    280.6 KB · Lượt xem: 45
  • IMG_0664.jpg
    IMG_0664.jpg
    294.4 KB · Lượt xem: 41
V
hay quá vậy a,a có thử so sánh cách này với hiệu quả nuôi ruồi lính đen thì ntn ạ
 
D
Dear Mr Buu,

Anh Buu chế tạo ra sản phẩm này thật là tốt.
Thứ nhất, sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường
Bên cạch đó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn là đảm bảo cho sức khỏe của bà con, vì cơ bản gần như nhà ai cũng dùng nước rửa chén. Nếu dùng nước rửa chén sản xuất bằng hóa chất, lâu ngày các tồn dư của nó trong bát đũa ăn của mọi người sẽ gây bệnh nguy hiểm cho con người.
Tiện đây anh Buu cho em hỏi là chất lượng tẩy rửa của nước rửa chén của anh so với loại chế tạo bằng chất hóa học bày bán trên thị trường thế nào ạ ?
Em cũng có làm thử một lô để nhà dùng, nhưng nhìn bề ngoài không giống được như sản phẩm của anh, chất lượng tẩy rửa cũng hạn chế.
Anh có thể chia sẻ thêm cho em biết về quy trình thực hiện làm loại nước này không a ?
Nếu được, anh gửi vào email này giúp em : daoanhdungthuynguyen@gmail.com / 0986047058
Em kính chúc anh Buu thành công và thành công hơn nữa !
Chân thành cám ơn anh ạ !
 


Back
Top