Cách nhận biết giống heo rừng thuần & heo rừng lai.

  • Thread starter Bùi văn Mạnh
  • Ngày gửi
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI:

- Tên DN/Cá nhân: Bùi văn Mạnh
- Địa chỉ: Hà Nội
- Tel, Fax: 0912.031.301
- Email: bui_van_manh2000@yahoo.com
================================

Sau 2 năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân, nuôi và phát triển một số loài động vật rừng có giá trị kinh tế” được Bộ NN & PTNT giao, TS Võ Văn Sự, Trưởng Bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học – Viện Chăn nuôi cho biết hiện nay ở nước ta đang có các giống lợn rừng và lợn rừng lai như sau: Lợn rừng Thái Lan mặt dài (LRTL); lợn rừng Việt Nam (LRVN); lợn rừng lai. Riêng về lợn rừng lai cũng có vô vàn kiểu như con lai giữa LRTL / LRVN với các giống lợn đen vùng núi Việt Nam (như lợn Vân Pa, lợn sóc Tây Nguyên, lợn đen Mường Lay, lợn Mường Khương...

Loại khác: Lợn rừng lai từ Trung Quốc nhập về; con lai giữa LRTL x lợn ỉ. Do rất đa dạng như vậy nên để phân biệt lợn rừng thật và con lai, thường phải căn cứ vào 3 yếu tố sau: ngoại hình (lông, màu, vóc dáng), lỗ chân lông và quan trọng hơn là lý lịch giống.

Về ngoại hình

Lợn rừng Thái Lan:

Được nhập vào miền Nam cách đây 5-6 năm. Lúc mới đẻ, lợn con bộ lông nâu đen với 6 sọc vàng dọc thân. Các sọc này to đều, tương đối liền nét, rõ. Đó là dấu hiệu rõ nhất cho lợn rừng. Các sọc này sẽ phai dần và khoảng đến 3-4 tháng tuổi sẽ mất hẳn. Lợn hậu bị đã có vạt lông bạc trắng trên má, lông sống lưng từ cổ vai đến giữa lưng có màu đậm hơn, đoạn chân liền với móng có màu đen. Lợn rừng Thái Lan trưởng thành: ngoài các đặc điểm của lợn hậu bị, còn có các đặc điểm khá nổi bật là: thân hình mảnh mai, chân cao, lông bờm dài, màu lông vàng – xám, lưng phẳng, bụng không sệ, tai bé, thẳng, mặt dài, mõm nhọn. Lợn già còn có răng nanh to. Lợn đực giống: dương vật bé, cà không to như các giống lợn trắng công nghiệp.

Đây là giống lợn được khuyến khích nuôi, vì tương đối thuần. Tuy nhiên cũng có nhiều con hung dữ, đẻ ở bụi rậm, hoặc tự làm chuồng. TS Sự lưu ý việc nhập khẩu lợn từ Thái Lan: “Người Thái Lan đã bắt đầu nuôi lợn rừng và con lai trước đây khoảng 10-15 năm, và trên nhiều nơi, việc nhân giống cũng chưa theo quy chuẩn nào về giống. Vì thế các nhà nhập khẩu cần phải hết sức lưu ý tránh nhập con lai”. Ngoài ra ở Thái còn có nhóm được gọi là lợn rừng Thái mặt ngắn, màu đen, thân to, có bờm, trông giống như một số giống lợn to con tại vùng núi phía Bắc như lợn Mường Nhé (Điện Biên), Lợn Lũng Pù (Hà Giang), lợn Táp Ná (Cao Bằng). Theo TS Sự lợn rừng Thái mặt ngắn là con của lợn rừng Thái với các giống lợn đen vùng núi Thái Lan.

Lợn rừng Việt Nam:

Khá giống với lợn rừng Thái Lan, tuy nhiên mảnh mai và dữ tợn hơn. Con đực dễ thuần hơn con cái. Nhiều người đã tự thuần hoá, tuy nhiên chết rất nhiều. Cho đến nay khoảng 20 con đực được thuần hoá, sử dụng phối giống với các loại lợn khác. Còn lợn cái đến nay Viện Chăn nuôi mới thuần hoá và cho sinh sản một con cái duy nhất. TS Sự không khuyến khích nuôi lợn này, vì rất khó.

Lợn rừng lai:

Con lai giữa LRTL hoặc LRVN với các giống lợn đen vùng núi Việt Nam như lợn Vân Pa (Quảng Trị), lợn sóc Tây Nguyên, lợn đen vùng Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước), lợn đen Mường Lay, lợn Mường Khương. Các con lai loại này thường thấy ở các vùng núi nước ta do người dân thả rông lợn nhà vào rừng và giao phối với lợn rừng. Hiện nay nhiều người chăn nuôi cũng dùng lợn rừng thuần lai với các giống lợn miền núi đen nói trên. Đặc điểm của các loại này là, trong một ổ có con giống lợn rừng – cũng có vạch sọc dưa đen – vàng, tuy nhiên màu sắc các sọc không rõ rệt, và có con lại giống lợn nhà - đen tuyền.

Con lai giữa LRTL hoặc LRVN với giống lợn khác như Móng Cái, lợn lai Yorkshire, Duroc, Petrain... Con lai loại này thường thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Nam. Lợn cái thường là các loại lợn lang trắng đen – có “máu” lợn công nghiệp hoặc lợn Móng Cái. Đặc điểm chính của con lai này là lông khác đa dạng, không phát triển các sọc dưa mà bù lại nó có các vệt loang vàng – nâu với màu sắc không tương phản. Khi trưởng thành các con lai này cũng phân ly khá nhiều kiểu. Ngoài hai nhóm lợn rừng lai nói trên còn có lợn lai giữa lợn rừng Thái Lan với lợn ỉ (Viện Chăn Nuôi thí nghiệm). Đặc điểm là lúc đẻ ra sọc dưa lờ mờ. Lợn rừng lai từ TQ nhập về: Loại lợn này màu nâu hung, tím, đôi lúc có vết đen, cổ chân trắng.

Một “sai lầm chết người” mà nhiều chủ trang trại cũng như người tiêu dùng lầm tưởng là hễ có ba lông chụm một là chắc chắn lợn rừng. Thực tế, không những lợn rừng mà các giống lợn đen miền núi như lợn Vân Pa – Quảng Trị, lợn sóc Tây Nguyên, lợn đen vùng Bù Đăng, Bù Đốp (Bình Phước) cũng có lông như thế, thậm chí rất nhiều. Vì thế ngoài đặc điểm ngoại hình việc xăm xoi lý lịch là rất quan trọng. Cách tốt nhất là xem cả ổ đẻ ra như thế nào.
 




Back
Top