Cần sự tư vấn để bắt đầu nghề nông, xin chân thành cám ơn các anh chị cô chú...

  • Thread starter Quoc Hieu
  • Ngày gửi
Xin kính chào các anh chị cô chú bác trong diễn đàn.

Em tên Hiếu, 1977, đã lập gia đình & chưa có con. Gia đình em ở Q12, TpHCM. Từ trước khi cưới vợ tới giờ đã hơn 5 năm, em loay hoay mãi với các nghề thiết kế nội thất, 3D, thậm chí cả cày game online nước ngoài kiếm tiền, cái gì ra tiền khá hơn đi làm công là em làm, em thích tự chủ công việc & thu nhập. Nhưng do vợ em mất sức lao động, cô ấy là người khuyết tật, em thấy nếu cứ tiếp tục làm "thợ hồ" tháng kiếm chục triệu không cách nào vươn lên được, cuộc sống càng không ổn thì em càng chưa muốn có con mà tuổi vợ em ngày càng lớn, đủ thứ lo lắng.

Em được gia đình cho khoảng 800tr từ khi lập gia đình, nhưng đã từ lâu không dám động tới, chỉ gửi ngân hàng xem như đó là thu nhập ổn định cho vợ mình an tâm. Nhiều lần em tính liều mở quán này nọ (như quán cơm, bida, quán nhậu..v...v...) nhưng cuối cùng ngưng lại, vì biết vợ ko thể giúp mình, lại thấy nguy thất bại trong thành phố quá lớn, do em ko có khả năng điều khiển người khác như nhân viên, ko thích luồn cúi các chú bác ở cơ quan nhà nước, lại ko thích chỗ đông người. Gần đây em nhận ra có một môi trường hợp với tính cách của mình, đó là làm nông. Tình cờ vào được agriviet em như lạc vào thế giới mà mình lãng quên vậy, đọc mãi đọc mãi mà không biết chán, như tìm thấy con đường đi của mình vậy.

Nay em đã bàn với vợ quyết định sẽ dùng tiền mua đất lập trang trại, chăn nuôi. Điều em thấy vui nhất đó là em có thể làm việc, còn vợ chỉ lo việc nhà, không kéo vợ vào công việc như các ngành buôn bán khác. Trong đầu em đang nghĩ tới mua đất thật rẻ ở các vùng xa xôi hẻo lánh, càng rẻ càng tốt để lấy vốn còn lại nuôi bò sữa, tranh thủ nuôi thêm các gia súc, gia cầm khác, áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ từ các kinh nghiệm trên agriviet & internet để cải tạo đất, chất lượng sản phẩm & thậm chí nghiên cứu sản xuất sản phẩm tại chỗ. Nếu cần thiết thì học lái xe & mang sản phẩm đi bán tận các công ty thu mua.

Em mong được các anh chị, cô chú bác trên diễn đàn, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, cho em vài lời khuyên để chỉnh sửa lại kế hoạch mà em sẽ trình bày ở dưới đây:
1/ Đọc được thông tin các anh chị đang bán đất nông nghiệp ở Củ Chi, Cẩm Mỹ Đồng Nai, Long Thành, Bảo Lộc, Đức Trọng... em nhận ra mình có thể mua được ~1-2ha trong tầm 250tr, em không ngại xa, vùng cao nguyên lạnh lẽo hay gần Bà Rịa nắng gió cũng ko ngại. Vậy câu hỏi thứ nhất, thật ra em nên chọn vùng đất nào để lập trang trại nuôi bò tốt nhất, liệu có nên thuê đất, hay mua đất trồng rừng giá siêu rẻ về lập trang trại, thấy họ rao hợp đồng còn vài chục năm, nếu làm ăn phát đạt thì em dành dụm mua đất sau cũng được, liệu có thể mua lại của nhà nước?.

2/ Em đã đọc rất nhiều bài viết về các thiết bị công cụ, lương thực, thuốc & các giống cỏ, giống bò... Thấy rằng nếu tiết kiệm được tiền, không tiêu sai, thì chắc chắn hiệu quả làm nông tăng lên rất nhiều. Nhưng nên bắt đầu mua cái gì trước mới khó, vì ko thể mua tất cả, gặp sự tư vấn ở đâu, liệu họ có sẵn lòng truyền nghề, có nên thuê kỹ sư lập kế hoạch, hay nhận hợp tác với công ty (như Vinamilk) hay gặp trực tiếp địa phương nơi mình mua đất (như Sở khuyến nông) để nhận sự đỡ đầu hướng dẫn, dĩ nhiên em sẽ dành chi phí riêng cho những người hướng dẫn. Và liệu có nên mua máy cày, máy chế biến thức ăn cho gia súc, có nên mua nhiều tủ lạnh để trữ sữa, xây nhà kho lớn để chứa thức ăn làm sẵn cho gia súc, có nên mua xe tải để sẵn trong nhà?..v..v...

3/ Liệu một mình em có thể quản lý một trang trại với khoảng 20 con bò sữa, 10 bò con, một ha trồng cỏ cho bò, và vài chuồng gia cầm khác (như gà, vịt, ngỗng..v...v..) mà không phải thuê người? Em không ngại khó, có người làm được thì em sẽ làm được, một ngày làm việc 12 tiếng với em ko thành vấn đề. Và dù có làm được một mình, thì liệu có nên thuê thêm nhân công để tăng năng suất? Em thấy khả năng tìm tài liệu hướng dẫn, sách vở & video của mình cũng khá tốt, nên em có thể chuẩn bị kiến thức, nhưng có nên "đi học" trước khi làm thật?

4/ Trước khi mua đất, liệu có nên vác ba lô lên cùng vợ làm một chuyến thực tế từ Củ Chi, tới Đồng Nai, sang Long Thành, ra Bà Rịa rồi lên Bảo Lộc, Đắc knông..v..v.. để tham khảo kinh nghiệm, họ có tiếp người lạ cũng đang muốn làm chung nghề hay không? Hay là bắt tay vào làm ngay, dựa vào những kinh nghiệm trên internet mà thực hiện, đỡ tốn tiền & thời gian đi khắp nơi. Liệu em mua đất rẻ ở vùng hẻo lánh, chuyên tâm tìm hiểu & thu hoạch, dùng xe tải chạy xa một chút để giao hàng hóa, hay nên bỏ thêm tiền, mua đất ít hơn, mắc hơn, nhưng gần với những "hàng xóm" cùng nuôi bò sữa vốn đã có tiếng tăm trong vùng để bán sản phẩm cho họ hoặc mua lại thức ăn gia súc từ họ, hoặc ít nhất để an ninh hơn vùng ở xa dễ bị trộm cướp cũng như nếu ở gần thì bác sĩ thú y có thể lên trang trại ngay...

5/ Với 800tr, em dự trù 250-300tr mua đất nông nghiệp, 200tr để xây nhà cấp 4 + chuẩn bị cơ sở hạ tầng như xây chuồng trại, hệ thống tưới cỏ, máy nông nghiệp, 200tr để chuẩn bị bò giống + các thứ lương thực thuốc men & công cụ lẻ tẻ liên quan, 100tr để phòng thân bệnh tật, chi phí điện nước + lo ăn uống trong nửa năm đầu không có thu nhập. Như vậy có liều quá & đã hợp lý hay không, em chưa biết nên mua các loại máy nông nghiệp (máy cày, máy làm đất, máy phát điện hay máy làm thức ăn...) gì, giá bao nhiêu, nên nhắm 200tr thấy có vẻ thiếu?

6/ Liệu có sinh bệnh truyền nhiễm từ gia súc & gia cầm sang người? Có nên mua những bộ đồ bảo hộ lao động để phòng thân hay cứ xà lỏn áo thun mà làm, chi phí thuốc thang ngừa & chữa bệnh cho gia súc/gia cầm có cao không, sợ rằng 100tr còn lại bay cái vèo thì chắc em sụp hầm... Trong trang trại nuôi bò có nên dùng nền sinh học tự hủy phân & nước tiểu như các bài viết về chăn nuôi heo mà em đã đọc, hay giữ lại phân & nước tiểu bò để làm hầm biogaz, dùng làm phân nuôi cỏ, hay để bán..v..v.. Em có vốn kiến thức về lập trình cũng tương đối, liệu trong thời gian này, khi còn đang lên kế hoạch, có nên hợp tác cùng các anh chị cô chú bác ở agriviet để viết một phần mềm quản lý gia súc để cho mình và mọi người cùng dùng, hay là chăn nuôi chỉ cần cuốn sổ ghi chép là được.

---------------

Hiện tại em chỉ dám hỏi 6 câu hỏi trên do chỉ biết tới đó, và do thấy bài viết đã quá dài. Rất mong các anh chị cô chú bác dành thời gian giúp đỡ tư vấn, xin chân thành cảm ơn và kính chúc các anh chị cô chú bác cùng gia đình một năm mới đầy sức khỏe, hạnh phúc với công việc, luôn thành công trong những dự tính, vạn sự như ý!
 


Dạ, em sẽ ghi nhớ lời khuyên của anh mainchinh cùng các anh chị chú bác. Mà nhà em ở Q12, không biết có gần anh không để mà cafe bàn bạc về phần mềm :) Nếu qua Tết em khó mà ngồi viết phần mềm được, chứ giờ thì rảnh, nếu tập trung thì chỉ cần tuần đầu là có bản chạy thử, tuần tiếp theo để chỉnh sửa lỗi & cập nhật thêm...
 


lại thêm con tính không hợp lý rồi, bạn cần phải có cách nghĩ rất sát thực mới được.
nuôi bò thịt thì tốt, ví luôn dễ bán, nhưng trồng cỏ thì chắc vài tháng là có, không cần lâu nhưng để khởi sự nó, cần có đất trồng cỏ đã, và biết cách trồng, vì đây là cỏ voi, hay loại cỏ to cây, không phải cỏ nhỏ, phải làm đất, bỏ phân, cấp nước, và khoanh vùng để cắt luân phiên. cứ tính thử 1 sào cỏ/bò để lo đất. rồi chuẩn bị sức cắt cỏ và dọn chuồng đã
nói vậy để thấy nếu bạn chưa muốn thuê lao động mà làm 1 mình, thì cân đối coi sức bạn nuôi mấy bò, rồi quy ra đất, giống, cơ sở hạ tầng .... để huy động vốn.
và nếu khởi sự từ bò thịt, thì giống vật nuôi thêm chỉ nên ít thôi, không thể kham nhiều được.
vấn đề là chuyên môn hóa công việc thì hiệu quả mới cao, còn rải ra nhiều thứ ắt chẳng thể chuyên, lúc ấy sẽ có chuyện sơ sẩy.
cần căn cứ đất cụ thể mới tính chuyện trồng thêm, vì đất trồng cỏ thường dùng đất kém, trồng cái khác có thể chưa hợp
về bò sữa, mua giống mỗi con vài chục triệu, lo đất là 3 sào trồng cỏ/con, lại kèm theo nhiều thứ về thuốc, phương tiện chăm sóc, kinh nghiệm nuôi. còn nếu vội tính mua xe lạnh thì chưa đủ đ/kiện
vì xe lạnh chỉ là người chuyên thu gom sữa, và kèm theo nó là cả hệ thống bảo quản (téc, máy lạnh công nghiệp, thiết bị tảy rửa vô trùng ...) mà đi kèm với nó là hệ thống kỹ thuật, kinh nghiệm về xe, về máy lạnh, về công nghệ bảo quản, và về mối gom hàng, giao hàng ... đó là việc của người làm lớn và có tính chuyên nghiệp. bạn muốn làm vậy cần phải có quá trình phấn đấu, tích lũy nghề nghiệp đã. hơn nữa làm cái đó cũng cần nhà xưởng tốt, và có lao động kỹ thuật. .. nói chung nuôi bò thì dễ hơn thu gom sữa, và nếu nuôi thì không làm thu gom, còn làm thu gom thì không nên nuôi, đó là cách chuyên môn hóa việc
cách tính làm nhiều thứ 1 lúc gọi là làm quảng canh, chỉ làm được số nhỏ thôi, có tính cách hộ gia đình nhỏ lẻ. còn làm trang trại phải làm số lớn, chuyên môn hóa. có vậy mới có hiệu quả để trang trải các chi phí phát sinh. mình biết có những người làm trang trại tâm sự : làm 10 năm có khi 7 năm trục trặc, thay đổi ... vậy nên nếu bạn khởi sự, hãy nên làm tốt vài việc đã, rồi mới mở rộng, ví dụ nuôi bò, gà, trồng cỏ, trồng hoa quả, vậy thôi. làm vững tay rồi mở thêm có muộn đâu
xem bài viết, có vẻ bạn đang hướng về con bò. bò cũng nhiều cách nuôi, có thể nuôi bò đẻ, có thể nuôi bò giống thành bò thịt, cũng có thể chỉ mua bò gầy về vỗ béo rồi bán luôn ...
ý tôi là bạn cần tìm tòi kinh nghiệm để quyết 1 hướng rõ ràng trước khi làm, vì quyết định đó chính là tiền bạc, quyết sai sẽ mất tiền oan, con bò khi mua tùy mục đích khác nhau sẽ có chọn lựa khác nhau. con bò cũng như mọi loài vật, bò đẻ có con mắn đẻ, có con kém, và vô sinh. có nhiều trường hợp mua bò đẻ về không đẻ biến thành bò thịt.
vừa rồi trên mạng có kể 1 bạn chỉ nuôi trâu mà thu nhập rất khá, nội dung thế này. hà nội có nhiều diện tích bỏ hoang (vì bất động sản chết dí) ven đô, nhà bạn ấy mua trâu về, nuôi mấy chục con, tận dụng cỏ ở các khu bỏ hoang ấy. và thịt trâu thì bán chạy, không bao giờ ế, mà lại không phải đầu tư đất đai, chuồng trại, chỉ việc thả rông đi ăn, tối về che bạt ngủ. vậy là mỗi năm bạn ấy thu nhập hàng trăm triệu lãi.
đây có lẽ cũng là 1 cái để bạn tham khảo nhé, chọn đúng thời điểm có đất hoang, chỉ chuyên môn hóa 1 con vật, phương thức đầu tư rất nhỏ gọn vì chỉ mất tiền con giống thôi, tự chăn thả không cần chuồng trại. chỉ làm khâu đơn giản là nuôi vỗ trâu thịt, không cần nuôi đẻ, làm ăn có tính di động, vì đất hoang có hàng chục ha.
thêm 1 mô hình bạn tham khảo, anh bạn mình làm trại ở đạ hoai, 10 ha rừng, trong đó nửa trồng tràm, nửa trồng điều, có 1 mảnh lúa nước và 1 mảnh trồng rau, khoai, chỉ nuôi gà thả vườn mấy chục con thôi, và chừng chục con chó canh trại. điều thu hàng năm, tràm thì 5 năm chặt. lúa và rau, gà tự cung cấp ăn hàng ngày. vậy là thu nhập mỗi năm khoảng trên trăm triệu.
 
Last edited by a moderator:
Cám ơn anh tieudien rất nhiều, anh càng phân tích thì em càng thấy mình phải cẩn thận nhiều hơn.

Do em chưa mua được đất nên mọi thứ vẫn nằm trong dự tính, chứ mua được đất thì sẽ căn cứ vào diện tích 1-2-3ha để mà quyết định trồng bao nhiêu ha cỏ, theo em biết 1ha cỏ va06 nuôi được khoảng 30 con bò, như vậy với quy mô mới bắt đầu như em thì 1ha cỏ là quá đủ cho đàn bò 10 con & 1 đàn vịt, gà, ngỗng... sau này.

Nếu sử dụng hệ thống tưới nước & bón phân ban đầu như anh Chính đã hướng dẫn thì em thực chất chỉ tốn sức ban đầu khi làm luống (bằng máy làm đất đa năng ~20tr), bón phân & gieo hạt giống, khoảng nửa năm trước khi thu hoạch cỏ là em sẽ rảnh. Lúc đó không thể ngồi không nên chắc trồng thêm bắp, chuối, mì... để dành, từng bước tạo ra lượng lương thực cho gia súc tối đa để phơi khô, xay xát, pha trộn & chế biến... rồi cất kho. Trong thời gian rảnh khi chờ đợi thu hoạch cỏ, bắp, chuối, mì... em đang tính sẽ mua mới (trả góp) một chiếc xe tải ~2 tấn (em xem thấy giá ~150tr, trả góp chỉ đưa trước ~60tr, lãi suất 0.1% cũng ổn), tranh thủ chở thuê cho người trong vùng lấy tiền chi tiêu. Không có nhiều mối chở thuê tại vùng thì em sẽ tạm về thành phố chở thuê một thời gian, em có người quen cần công việc này, cứ một tuần quay lại trang trại 1 lần (chắc không tới nổi khi quay lên trang trại thì người ta cắt sạch cỏ, bắp, chuối, mì... đâu nhỉ :wacko:)

Nếu chưa có lương thực mà đã nuôi con gì đó thì em không muốn, vì tốn tiền lương thực rất nhiều trong khi mình có thể tự cung cấp sớm thôi. Em vẫn cứ đang tính, sau lần thu hoạch đầu tiên lương thực cho gia súc, đó mới chính là thời gian em bắt đầu vào chăn nuôi & học kinh nghiệm thực tế, lúc đó vấn đề lương thực không còn làm em đau đầu nữa nên chắc sẽ có thời gian để chăm sóc vật nuôi & chuồng trại tốt hơn & đủ thời gian để dàn ra cho đàn bò, đàn vịt, ngỗng. Nếu chỉ làm một mình mà vừa nuôi vừa trồng khởi công cùng lúc em biết khó mà kham nổi...
 
bạn đã hiểu dần ra đầu mối công việc đấy, và xác định hướng khá tốt đấy. nhưng vẫn còn 1 điểm là không được về cơ bản : đó là ôm đồm nhiều việc. nếu bạn có vài lao động thì thế là được, nhưng nếu làm 1 mình thì không thể.
1 ha nuôi được 30 bò là đúng, nhưng kèm theo là mấy lao động để chăn thả, cắt cỏ, dọn chuồng.gà nuôi cạn, nhưng vịt phải nuôi ao, 2 giống này khác môi trường,
về chăn nuôi, bạn phải nắm được kỹ thuật nuôi thì mới nói chuyện nuôi đàn, còn không thì chỉ nuôi lẻ được thôi. mà nuôi bò, gà, vịt là 3 giống khác hẳn nhau, nắm vững kỹ thuật 1 giống cũng mất vài vụ.
nói đơn cử 1 giống, phải biết cách nuôi khi còn nhỏ, giai đoạn nhỡ, giai đoạn trưởng thành và sinh sản, 3 giai đoạn ấy dinh dưỡng và thuốc bệnh khác nhau. rồi kỹ thuật vỗ béo khác, kỹ thuật sinh sản, đỡ đẻ, ấp nở khác nhau, người làm chủ không thể không nắm chắc và vận dụng tốt.
còn việc tích trữ thức ăn là tốt, nhưng phải đầu tư kho bảo quản và kỹ thuật bảo quản đã. như kinh nghiệm các trại nuôi gà và trồng cây ăn quả thì rất nhiều chuột, chưa kể các loại địch hại. ngoài ra, chế biến thức ăn cần nghiên cứu sâu để có công thức tốt, nếu không thì nuôi sẽ không hiệu quả. cũng như người, con vật ăn cần đủ các thành phần dinh dưỡng, khoáng chất, và thậm chí thuốc phòng bệnh. ví dụ con gà cần đủ đạm, tinh bột, dầu mỡ, vitamin, gà đẻ thì tăng cường cả canxi, nguồn ấy thường lấy từ ngô, lúa, khô dầu, đậu tương, rau và cả bột đá, nhưng tỉ lệ pha khác nhau theo từng giai đoạn. và có nhiều cách để phối trộn.
còn ô tô, mua là tốt, nhưng đã mua phải nuôi nó, nghĩa là có nguồn hàng, rồi chăm sóc dầu mỡ, hỏng hóc lặt vặt, rồi đủ thứ chi phí để nó hoạt động, như bằng, lệ phí các loại, kiểm định, rồi phụ tùng thường xuyên (săm, lốp ...). nói vậy để thấy làm chủ 1 cái xe 2 tấn khá bận rộn. khi bạn đã nuôi bò, còn đâu sức nuôi xe.
vậy nên, cách tính như vậy phải dựa trên cơ sở có vài lao động trong tay, chứ 1 mình thì không thể làm gì. nhưng có vài lao động thì phải luôn lo lương thưởng, quản lý, điều hành, đòi hỏi giỏi về công tác nhân sự và thống kê kế toán. chưa kể còn phải hiểu rõ về các vấn đề pháp luật liên quan, như luật lao động, luật giao thông, luật thuế ...
tóm lại là bạn đang chưa xác định rõ việc cần làm, xuất phát từ chỗ chưa xác định rõ khả năng và hạn chế của chính mình.
như hướng của bạn nghĩ, mình gợi ý thế này.
tìm vùng đất nuôi bò thịt, không nên quá xa nhà cũ hiện nay, quy mô chừng 1 ha. tiến hành trồng cỏ ngay, sau đó quy hoạch khu chuồng bò mức 30 con, làm nhà ở, làm nguồn cấp nước sạch và thoát nước thải ngay. lo khâu năng lượng như điện sinh hoạt, chất đốt ... chuẩn bị chỗ tập trung phân bò và công nghệ chế biến phân (khử mùi, ủ ...). xong giai đoạn này mất tới 1 tháng là nhanh. sau đó nhập ngay khoảng chục con bê và nuôi luôn. sau 2 tháng, cỏ đã khá, có thể lấy thêm bê vào nuôi khoảng 5 con nữa. tiến hành chuẩn bị khâu chế biến thức ăn, tức là phương tiện thu hái cỏ, vận chuyển cỏ, băm chặt cỏ, vì có thể còn phải thêm nguồn thức ăn khác như cây ngô, cây chuối ... tiến hành theo dõi kỹ lưỡng, phân loại bò khỏe, bệnh để có cách chăm sóc riêng. từ tháng thứ tư có nhiều cỏ sẽ nhập thêm bò cũng được. không thì ổn định số ban đầu 15 con đã. có thể chuẩn bị mua thức ăn và nuôi thêm gà thả vườn và chó canh trại, làm 1 khoảnh đất trồng rau để nhà ăn luôn. vậy là cơ bản có thể trụ đượđến khi bán đợt bò đầu tiên. sau đó cỏ đủ nuôi, và kinh nghiệm nuôi bò đã tốt, có thể tăng lêm 30 con mà nuôi. sau khi thu hoạch lứa bò sau, nếu kết quả tốt thì bạn có thể mở thêm cái gì cũng không lo. còn xe vận chuyển, có thể đầu tư loại xe 3 bánh, rẻ mà khỏi lo bằng, tha hồ vận chuyển.
 
Last edited by a moderator:
Thật tuyệt khi mỗi ngày nhận được những lời khuyên rõ ràng hơn của anh tieudien về công việc mà em đang tính làm, giúp em sửa lại những dự tính sai & chưa hợp. Em sẽ tiến hành từng bước như lời khuyên của anh. Sẽ bắt đầu hướng tới tập trung duy nhất là bê chứ không ôm đồm nữa. Em sẽ dựa theo kinh nghiệm của anh để thực hiện kế hoạch 10 bước như sau:

1/ Mua đất & làm giấy tờ.

2/ Kéo điện, mua xe lôi 3 bánh, bắt đầu xây (hoặc sửa) nhà, xây kho chứa lương thực, xây chuồng chuẩn bị cho 20-30 con bò, xây khu vực nhỏ dành cho bò bệnh cách đó cỡ chục mét, chuẩn bị nguồn nước như đào giếng, đào đường thoát nước thải.

3/ Mua máy xử lý đất đa năng (có khả năng xới đất, vun liếp, đào mương của ông Nguyễn Văn Xự, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), mua máy phát điện phòng hờ cúp điện, máy bơm gia dụng & máy bơm cho tưới nước, máy cưa cầm tay nếu trên đất có nhiều cây cối cần phải đốn bỏ.

4/ Dọn dẹp cây trồng có sẵn, cày bừa & xử lý đất, quy hoạch khu vực:
a) Nơi cất nhà ở, kho chứa lương thực gia súc, kho chứa thiết bị nông nghiệp (máy móc, phân bón, thuốc...), xây chuồng bò theo mục tiêu chống gió & đủ nắng.
b) Nơi trồng cỏ, bắp, chuối, mì.
c) Nơi trồng rau, củ, quả ngắn ngày để tự cung cấp lương thực.
d) Nơi chứa phân để ủ, nước thải để tưới.
e) Nơi để phơi & chế biến lương thực cho gia súc trước khi bỏ vào kho.
f) Rào một khoảnh để nuôi gà lấy trứng & thịt cho gia đình.
g) Chừa một ít đất để dành phòng hờ cho trường hợp chưa tính tới.

4/ xây dựng hệ thống tưới nước tự động theo khu vực, gieo giống cỏ/bắp/mì/cây lương thực ngắn ngày. Nuôi 4 con chó để canh nhà, bắt chuột, rắn..v..v.. Trồng tre bao viền đất thay cho kéo lưới b40 kết hợp chống gió trong tương lai.

5/ Sau 2-3 tháng, hoàn tất hết các công đoạn trên thì mua máy cắt cỏ, máy xay & trộn thức ăn chuẩn bị cho lứa đầu, mua 10 con bê cái giống về nuôi.

6/ Thu hoạch vừa đủ hoặc kết hợp mua một ít thức ăn trong vùng, xử lý thức ăn theo công thức riêng cho gia súc. Theo dõi phân loại bò khỏe, bệnh tách riêng để kịp thời chăm sóc & chữa bệnh.

7/ Ghi chép cụ thể cho từng con bò, nếu thấy đủ vốn & kinh nghiệm cũng như quỹ thời gian đủ thì mua thêm bê cái về bổ sung. Theo dõi phòng các bệnh thường gặp ở bò.

8/ Dàn thời gian ra cho việc chăm sóc bò, các loại cây, cỏ, thu hoạch & gieo mới, xem xét lại quỹ thời gian để giảm bớt hoặc bổ sung khối lượng công việc sao cho sít sao không thừa không thiếu để quản lý trang trại tốt nhất mà không bị stress & mệt mỏi, bệnh tật. Nếu có thời gian thì nuôi thêm gà, ngỗng... lấy ngắn nuôi dài trước khi có thu nhập từ sữa bò.

9/ Sau 17-18 tháng, tiến tới chuẩn bị phối giống cho bò cái động dục & theo dõi chăm sóc, phân loại bò vô sinh hoặc thiếu dinh dưỡng từ việc động dục chậm. Kết hợp nguồn thu từ sữa để mua thêm máy móc nông cụ & bò giống nâng quy mô trang trại lên từ từ. Nếu lương thực vẫn dư theo bội số thì bán bớt tăng thêm thu nhập.

10/ Tiếp tục, tiếp tục và tiếp tục quản lý & nâng cao trang trại tùy theo thu nhập & kinh nghiệm, đầu tư bò giống tốt & đắt hơn nếu có đủ nội lực. Thuê nhân công địa phương để giảm bớt gánh nặng cho bản thân & gia đình.

---------------------------

Em mong anh tieudien cùng các anh chị chú bác hãy góp ý cho em thêm, phát hiện sai sót trong kế hoạch trên giảm bớt những sai lầm trước khi tiến hành. Em xin chân thành cảm ơn.
 
Em thì chẳng có gì để góp ý cả, chỉ mong anh kiên nhẫn, làm đến đâu mà chắc đến đó, không "dục tốc mà bất đạt" giống như em dẫn đến thất bại.

Cám ơn bạn đã động viên, nhất quyết là sẽ từ từ. Mình luôn nhủ, không được ngồi mơ màng về viễn cảnh thành ông chủ trang trại, thu nhập khủng, sẽ đánh đâu thắng đó...v...v... mà phải từng buớc đi theo kế hoạch, chưa xong bước này thì không thể nhảy tới bước kia. Trước khi có đất thì kế hoạch nhẹ nhàng ai cũng làm được là như trên, sau khi có đất nhiều lúc phải thay đổi toàn bộ dự tính dựa theo diện tích đất & thổ nhưỡng, chắc chắn là gai góc còn nhiều vô kể, không được phép sống trong mơ.

Lần tỉnh ra đầu tiên có lẽ sẽ là lần đi coi đất sau Tết với những mớ đất đầy đá sỏi, trồng chằn chịt cây cối không dùng, hay đất bao gồm cả mấy ngọn đồi trọc, ao hồ xen kẻ từa lưa, đường xe tải vào không được, nước thiếu, an ninh kém ...v..v... :). Chưa chi, khi mà mình nhờ các người quen ở những vùng cao nguyên hỏi thăm đã nghe trả lời: dễ gì mua được, dân người ta trồng trọt hết rồi dễ đâu còn trống mà trồng cỏ với nuôi bò, mà nếu ai vừa có ý muốn bán đất là có đại gia tới mua ngay hà... Nghe rớt mồ hôi hột... :)
 

Chào bạn! Mình đã giành thời gian đọc từ đầu đến cuối topic này.
hiI.. sau đây là điều mình muốn nói
.Đầu tiên là bạn có lòng nhiệt huyết và đam mê, một đức tính tốt cho cho công việc bạn sắp làm!
.Hai là sự đồng cảm và yêu thương vợ, bạn đã tính trước, sau đểlàm sao vợ không phải khổ.
.Từ môt người làm công ăn lương (như bạn nó)i qua học hỏi và tìm tòi và đặc biệt qua văn phong cư xử học hỏi của bạn tôi rất khâm phục. Từ chưa biết gì trở thành người có những hoạch tính rõ ràng cận thận như vậy. Điều này thật đáng mừng cho bạn.
. Ban đầu khi mới đọc tôi cũng có những suy nghĩ mong lung và rất lo cho bạn. Vì cầm 800tr trong tay mà bạn định đầu tư vào một cái mà mình chưa biết gì thì theo tôi nghĩ bạn thất bại là chắc, Nhưng khi thất bại rồi thì bạn sẽ còn gì? lúc đó bạn có giúp đỡ cho vợ được không? hay là mọi chuyện rối ren lại sinh thêm chuyện.
. Qua lợi kể của bạn: Như người chị kiếm được 30tr tháng từ nuôi bò, Người ông kiếm được mấy trăm triệu tháng từ trồng mít, và thêm người ông nữa kiếm được mấy trăm triệu từ nuôi cua và tôm. :unsure: Vậy bạn đa từng gặp những người khác cũng làm giống những người trên nhưng họ không mây mắn như vậy chưa?
. Ở tôi gần đây phong trào nuôi bò vổ béo rất nhiều, nhiều người làm giàu từ nghề này. Rồi thằng bạn tôi thấy ham quá mà 2 vợ chồng lại làm công ăn lương. Nhưng vay tiền về mua 2 con bò 20tr về nuôi, cũng xây chuồng, cũng thức ăn như người ta nhưng bò chẳng lớn, mà còn gầy hơn nữa, cuối cùng phải bán lại cho người khác 18tr/2con. Đây cũng là một bài học mà người khác làm được chưa chắc ta làm được.
.Quay lại vấn đề của bạn. Tôi thấy các anh em trên đã góp ý rất nhiệt tình và có tính nhân văn cao. Bạn nên suy nghĩ kỷ trước khi bắt tay vào làm, bạn không được nóng vội, vì nếu như vậy bạn sẽ mất tất cả và kể cả gia đình bạn.
.Ở trên có một ý kiến mà theo tôi bạn nên tham khảo là: bạn nên đi làm công cho một trang trại nuôi con gì mà bạn dự định nuôi để học hỏi kinh nghiệm và đặc biệt là bạn sẽ nắm rõ các quy trình.
Chúc bạn thành công. và xin nhắc lại! BẠN KHÔNG ĐƯỢC NÓNG VỘI!
 
Cám ơn anh vanthanh_dl, em đang thấy không nên nóng vội, vì em biết không ít chú bác mãi tới 5x-6x mới bắt đầu thành công trong nghề nông & có của ăn của để, 3x như em còn ít nhất mười năm nữa để học & làm, chưa từng thấy ai 3x bỏ phố lên rừng thành công ngay, nếu ko thì chắc nhà nhà bỏ phố lên rừng hết... :)

Em vừa liên hệ các công ty bò sữa tại TpHCM, xin được đăng ký đi tập huấn có đóng phí các đợt sắp tới nếu họ tổ chức, chắc phải đi vài đợt :) Nếu chưa thấu thì em sẽ đi làm công, ko thì cố gắng thu âm, thu hình bằng điện thoại, lưu lại làm bản mẫu để dựa theo mà làm. Tiếp thu kinh nghiệm được giảng giải & giới thiệu trong các đợt tập huấn đó chắc cũng có được chút ít kiến thức cơ bản...
 
Có một hướng này bạn thử tham khảo:
Thay vì mua đất trắng để trồng cỏ nuôi bò, sao bạn Quoc Hieu không mua đất có sẵn nguồn thu.
Với khoảng 600tr, bạn có thể mua được chừng 1 ha cao su cạo (thu nhập khoảng 5tr - 7tr/tháng trừ chi phí), 1 - 2 ha cà phê kinh doanh (thu nhập khoảng 60tr - 150tr/năm), ...
Có nguồn thu ổn định rồi thì cũng dễ thở, có tiền rồi thì đầu tư vào lĩnh vực khác.
Có người nói với mình thế này: Đa số đất trống là đất xấu, hoặc khó làm thì người ta mới bỏ trống (trừ đất trồng hoa màu, cây ngắn ngày), còn đất tốt thì người ta đã trồng cà phê, tiêu hết rồi.
Bạn tham khảo nhé, chúc bạn may mắn.

--------

Mình chỉ mới tiếp xúc với lĩnh vực cao su (nhà có vườn cao su khoảng 4 ha ở Dầu Tiếng, Bình Dương) và cà phê nên mình mạo muội phân tích rõ hơn:

- Cao su, nếu mua được ở vùng an ninh, không bị mất trộm thì rất nhàn
+ Một ngày thu hoạch được trung bình 70 kg mủ, giá khoảng 11.000 - 12.000/kg, 3 ngày cạo 1 lần (dao), 1 tháng 10 dao = 7.000.000 - 8.500.000/tháng, có tiền tươi hàng ngày
+ Nếu thuê từ A - Z: cạo + trút mủ, bạn chỉ việc chở đi bán thì khoảng 2.000.000/ha/tháng (khoảng 600 cây)
+ 1 năm cạo 9 tháng, 3 tháng nghỉ (lúc cao su thay lá)
+ Chăm sóc cao su kinh doanh rất nhàn, 1 năm bón phân 2 lần, hằng ngày đi kiểm tra xem có nấm hồng hay không, coi như là đi dạo, rèn luyện sức khỏe
+ Tuy nhiên giá đất hơi cao vì đa số thuộc vùng Đông Nam Bộ, thời gian kiến thiết lâu (7 - 10 năm)
- Cà phê, chỉ mới biết sơ sơ và đang tìm hiểu thêm ^_^
+ 1 năm thu hoạch 1 lần, 1 ha thu được khoảng 2 - 4 tấn nhân, giá hiện giờ khoảng 35.000đ/kg (chưa trừ chi phí)
+ Cao điểm mùa khô, 3 ngày tưới 1 lần, đòi hỏi chăm sóc nhiều hơn cao su: cào bồn, ép xanh, tỉa cành, làm cỏ, ...
+ ...
 
Last edited by a moderator:
tại sao phải là con bò sữa? tại sao phải chăn nuôi? làm nông có nhiều cách mà. bác đang bị cuốn hút theo dòng suy nghĩ của bác. ngoài mặc bác nói ko nóng vội chứ trong lòng đang rất rạo rực muốn bắt tay vào làm ngay.
với nhà nông chăn nuôi chính hiệu còn coi bò sữa là " thứ khó chịu ".
bác là dân tp chưa biết gì về nông nghiệp bác sẽ ko lường trước đc rủi ro và khó khăn trong nghề đâu. vài ví dụ nhé: bác có chịu đc mùi phân bò ko? ko phải là 1 ngày, 1 tháng, 1năm mà là suốt đời đấy, dù mạnh khoẻ hay bệnh tật bác vẫn phải chịu? ngày nào bác cũng phải lo cho nông trại hoạt động ổn định trơn tru. bác bệnh hoặc công viêc gì đó thì ai làm? vợ bác thì ko thể rồi, bác nghĩ ai sẽ thay bác? và còn vô vàng rủi ro và khó khăn, bác suy nghĩ kỹ lại trước khi quá muộn.
 
Bác gadacuasat nói rất hay. Làm nông đâu nhất thiết phải là chăn nuôi. Số vốn của bác dư sức mua khoảng 1 mẫu cây ăn trái hoặc cây công nghiệp. Có thu ngay không phải lo về chuyện cơm áo gạo tiền. Trong vườn có sẵn bác có thể trồng thêm cỏ để nuôi bò. Thả gà trong vườn đã có cây lại quá tốt. Bác nên cân nhắc lại.
 
tốt lắm, bạn đã hiểu cơ bản công việc và lập trình khá hợp lý, bây giờ thành công hay không do khâu thực hiện đấy.
trước hết nói vài điểm cần tính thêm. làm hàng rào tre có thể mất nhiều thời gian và tốn đất, vì rễ tre ăn rộng, làm hỏng đất trồng cây, và từ khi trồng tới khi làm thành rào mất nhiều thời gian, nên có khi được rào thì đã mất hết đồ. tiếp theo là hệ thống tưới tự động chỉ dùng cho nông sản có giá trị, còn cho cỏ thì phí, và đầu tư tốn kém. tiếp theo là máy cắt cỏ nếu lắp lưỡi cưa có thể dùng cưa cây được, không cần mua máy cưa. thứ năm là máy phay đất có loại có kèm theo đầu bơm nước, dùng bơm luôn tưới cây, không cần mua bơm riêng. máy cắt cỏ có loại đầu bơm áp cao, dùng để phun các loại chất được, nên không cần mua máy phun riêng. máy phát điện cũng cần thiết, nhưng phải xem nhu cầu sử dụng đã, nếu dùng nhiều máy công cụ mới cần máy phát điện. còn nếu nuôi bò thịt thì trước mắt dùng phương tiện băm cỏ được, chưa cần máy. mình thấy nhiều nhà nuôi bò sữa với vài con thì chưa cần máy băm, chỉ dùng tay cũng xong. máy nghiền trộng thức ăn chỉ dùng chủ yếu cho gà, vịt với số lớn hoặc dùng làm gia công cho nhiều nhà, chứ dùng 1 nhà thì lãng phí công suất.
còn 1 điểm cơ bản bạn phải nhớ, đó là vấn đề dự phòng. thức ăn phải có dự phòng cho chăn nuôi, người cũng phải có dự phòng các loại tiền, gạo. máy cũng dự phòng công suất kẻo nó hỏng bất tử.chuồng trại dự phòng kẻo tăng bất thường hay phân nhóm phòng bệnh. và nhất là người phải dự phòng sức lực, thời gian, để đối phó cái đột xuất. có nghĩa là khi tính toán sắp xếp thì cái gì cũng cần có khoảng dôi dư chút, chứ đừng có khít khịt, mà đổ bể không kịp đỡ 1 khâu nào đó là gay. ví dụ chuồng nuôi 20 con, bão đổ một chút là thiếu, nên nuôi 20 thì phải làm chuồng 25, vì bò lạ đàn có thể đánh nhau nên phải tách nhóm, hay bệnh, đẻ, ... cũng phải tách nhóm. ngay chó cần nuôi 4 thì phải gây 5, đề phòng bệnh chết, hay mất trộm
ngay như định nuôi 20 bò, thì phải mua 22, về còn chọn lọc, thải loại.
còn việc thực hiện, cần theo dõi sát sao, quan sát tinh tường mọi biểu hiện, và nắm vững quy luật sinh sống của từng loài mình nuôi, để đánh giá biến động tốt hay xấu, phát hiện bệnh kịp thời. ngay như chó cảnh bọn mình nuôi còn phải theo dõi cả cân nặng, để đánh giá tốc độ trưởng thành là tốt hay xấu. ví dụ vừa phải theo chuẩn thì được, chậm quá cũng dở, mà nhanh quá cũng cảnh giác. ngoài ra, một kinh nghiệm nuôi chó cảnh cao cấp là còn thường xuyên theo dõi phân để điều chỉnh thức ăn. nói thế để bạn hiểu công việc chăn nuôi cần thận trọng thế nào.
thêm 1 điểm nữa, là cách tính cỏ nuôi bò, bạn tính 1 ha nuôi 30 bò là bò thịt, còn bò sữa thì chỉ được 10 bò thôi.
về việc mua đất, đúng là chỗ khó làm họ mới bán. nhưng theo mình, khó chỉ là tương đối thôi, còn tài cải tạo của người mua nữa. bạn có thể mở lại đường, san lấp lại mặt bằng, khoan giếng cấp nước, dùng phân bón cải tạo đất .... như vậy mới có kết quả tốt, chứ mua chỗ màu mỡ dễ ăn ngay, thì giá cao chót vót, làm khó chứ chẳng dễ. hơn nữa cần suy nghĩ cơ cấu sản xuất, cân nhắc cái có tiền hàng ngày thì tiền nhỏ, cái lâu ra tiền thì tiền to, vậy làm mấy phần cái này, mấy phần cái kia cho hợp cảnh hơn.
thêm chút để bạn nghĩ. ở vùng lạng sơn người ta trồng cả na dai trên núi đá, và mắc dây cáp để chuyển đồ lên, xuống. vậy thì đồi không có v/đ gì. mình đi chơi ở hòa bình, thấy trâu nó lên tận đỉnh đồi cao ăn cỏ cơ. vậy nên đất cao nguyên bạn coi thì nuôi trâu bò quá tốt, miễn bạn dám cải tạo đất bằng phân bón hợp lý. còn chăn nuôi hiện nay không sợ mùi, vì có nhiều cách khử mùi và vệ sinh môi trường.
riêng về phân cải tạo đất và khử mùi sinh học, có thể hỗ trợ bạn ngay được. mình đã chứng kiến 1 trại gà mà dãy chuồng nuôi 1 vạn con không có mùi phân lắm, chỉ hơi hơi thôi, mà phân để hàng tháng mới dọn 1 lần, chứ không cần dọn hàng ngày. đó là do sức mạnh của công nghệ khử mùi đấy
riêng bò sữa, vẫn nhắc bạn chưa nuôi vội, vì công nghệ ấy khá khó. bạn nên biết sữa vắt ra phải bảo quản lạnh và vô trùng ngay, để chậm nó hỏng và biến thành sữa chua là bỏ. vậy nên các nhà vắt sữa xong phải giao ngay cho đại lý, để họ vô trùng và cho vào kho lạnh ngay trong ngày. tuyển chọn bò sữa cũng tốn vốn và nhiều thời gian chọn lọc, nuôi dưỡng. cung cấp thức ăn cũng chi li và cầu kỳ, không hề đơn giản. vậy nên bắt đầu bằng bò thịt cao sản, và khởi sự bằng 1-2 bò sữa thôi, sau đó tăng dần lên chưa muộn
nói thêm chút về chăn nuôi. hiên nay nông nghiệp đang có tình trạng ô nhiễm nặng về thuốc bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, và các chất kháng sinh, kích thích ... vậy nên, con vật nuôi bị nhiễm sẽ không phát triển, mà có thể suy hao, tật bệnh. đấy là gốc của vấn đề. vậy nên, người nuôi cần hiểu nguyên nhân này, và theo dõi biến chuyển của con vật để khắc phục. bọn mình nuôi những con chó cao cấp, luôn chú ý các biện pháp phòng độc và thải độc. các biểu hiện dễ thấy, nhưng nhiều người thường xác định sai nguyên nhân, thí dụ ỉa chảy, nước giải không tốt, ăn kém, lâu tiêu, ngủ kém, gày, còi, biếng hoạt động .... và còn nhiều dấu hiệu khác nữa. vậy nên nói là cần phải có kinh nghiệm nhận biết, rồi mới kinh nghiệm chạy chữa. bạn có nuôi bò, nên đi theo hướng cỏ sạch, nghĩa là vùng đất không ô nhiễm, trồng cỏ không dùng phân hóa học mà chỉ dùng phân sinh học, nhất là nguồn nước uống cần lọc khử độc (ví dụ lọc khử ô xít sắt, amôn, thạch tín ...), và chú ý các vấn đề thải độc cho vật nuôi, ví dụ dùng vitamin C, và còn một số cách khác. cái này nếu thích thì có thể là nhiều trang giấy, nhưng những kiến thức này hiện nay không có sách viết chính thức, mà tản mạn trong nhiều tài liệu. tuy thế, áp dụng sẽ thấy hiệu quả rõ ràng. cần nhất là hiểu rõ v/đ này và có biện pháp thích hợp để thực hiện. ví dụ những con chó cao cấp khi bé đã phải tiêm phòng tới 7 bệnh, và tẩy giun sán, ngoài ra còn tắm sát trùng chống ve rận, khử mùi chống ô nhiễm và bệnh ngoài da, phơi nắng chống còi xương và sạch lông, thức ăn thường xuyên bổ sung vi ta min và khoáng vi lượng để đủ dinh dưỡng ... đó là ví dụ để bạn thấy về các quy trình chăn nuôi hiện đại cần thiết.
 
Last edited by a moderator:
Đúng như hai anh đã nói, em cũng được một bác đang trồng cà phê ở Gia Lai khuyên nên thử trồng cà phê, bác vừa thu 3ha, 12 tấn, giá 35k/kg. Bên cạnh đó có một thằng bạn em, lúc hỏi sao nó cưới vợ rồi ko về Đức Trọng quản lý trang trại mấy ha cho gia đình mà lại ở Tp đi làm công kiếm tiền lẻ, nó bảo ko thích, nhiều khi bụt nhà lại không thiêng.

Tiền 1 tỷ gửi ngân hàng mỗi tháng lãi ~8tr + em cày tại Tp mỗi tháng kiếm chừng ~8tr nữa, vậy là có 16tr, trừ đi chi phí đắt đỏ ở Tp khoảng ~12tr cho hai vợ chồng (vừa tiền thuê nhà, tiền chợ & tiền chi phí linh tinh) thì em chỉ có dư được ~4tr/tháng, đôi khi hứng lên hai vợ chồng mua vài bộ đồ, món trang sức, hoặc đi chơi... là xem như sạch sẽ tiền tiết kiệm. Em và vợ hai năm nay cứ có tiền tiết kiệm là dồn vào chữa bệnh hiếm muộn, vài chục triệu bay mất mỗi đợt điều trị mà chẳng đâu vào đâu. Cuối cùng tay trắng hoàn trắng tay, may mà kiên quyết giữ vững số tiền trong ngân hàng. Ngồi nghĩ, nếu ko vì chi tiêu ngoài mong muốn thì mỗi năm chắc để dành được khoảng 40tr, cỡ mười năm tiết kiệm mới có được 400tr, thậm chí chưa đủ mua miếng đất trống để cất nhà ở TP. Tuy đã hơn gấp trăm lần người lao động nghèo khác, nhưng mãi cũng không thể làm được gì nếu ko xuất vốn làm ăn, và kinh doanh mua bán tại Tp thì lại là thứ làm em thấy tự ti nhất về sự lanh lẹ, nhạy bén, thậm chí phải tàn nhẫn để bóc lột sức lao động của nhân viên thu lợi cho mình, thôi em xin kiếu, con đường khả thi nhất mà em vừa tìm thấy đó là làm trang trại, lấy cần cù & đam mê để tiến thân. Và em đã thử ngồi suy nghĩ lựa chọn hướng đi:

Lý do thứ nhất mà em chọn chăn nuôi bò sữa, đó là vì em có đam mê với việc này mỗi khi nghĩ tới, đam mê sẽ giúp em có thêm nhiều thứ lắm mà em không kể ra được. Em thích chăm sóc và quan sát thành quả của mình lớn lên từng ngày, khỏe mạnh hơn & ngoan ngoãn hơn. Đôi khi em nghĩ, ở vườn nhà của Nội, trước khi chặt cây vú sữa mà em yêu thích vì Nội muốn thế, em còn phải lại gần chạm tay vào cây và nói trong đầu lời xin lỗi, lúc cắt cổ con gà ở nhà người yêu để vượt qua bài test của người lớn đã làm em gần điên lên, thì việc nuôi con gì đó như dê, chó, gà vịt ngỗng, bò thịt..v...v.. để sau này để bán cho người ta cắt cổ mổ bụng cũng sẽ khiến em khó chịu. Còn trồng công nghiệp thì thiệt là buồn chán quá, thời gian rảnh rỗi lại đâm đầu vào máy tính thức cả đêm như cũ vì có muốn làm gì khác cũng không được do đất đã đầy cây, rồi cuối cùng vẫn đâu vào đấy, mệt mỏi & chán. Cuối cùng nuôi bò sữa gầy đàn & lấy sữa lại hợp với tính cách của em, vừa lao động, vừa đam mê, vừa kiếm tiền vừa thoải mái đầu óc với việc mình làm...

Lý do thứ hai mà em đã quyết định chọn chăn nuôi thay vì trồng trọt cây công nghiệp, đó là với diện tích đất nhỏ, em vẫn phát huy được hết công suất để tận dụng kiếm tiền & được làm việc liên tục không nghỉ quanh năm, em ko thể ngồi không, rất bứt rứt, em muốn sẽ chủ động được nguồn thu tăng dần theo thời gian trên chỉ 1 diện tích đất cố định vì không thể mua thêm. Nếu trồng cây công nghiệp nhàn nhã chỉ trên 1-2ha, thà em ở lại TP, thu nhập 16tr tháng mà không phải lo lắng gì, vì trồng cây công nghiệp cứ thế đều đều, muốn hơn cũng chẳng được trừ khi đủ tiền mua thêm đất, không thì nhìn qua hàng xóm thấy họ làm trên hàng chục hàng trăm ha thu lãi khủng, mình chỉ có 1-2ha mà đua theo thì vài năm là nản cái chắc, giống y chang cái cảnh cũ, bị giới hạn ở vốn chứ không phải năng lực. Chăn nuôi thì chưa chắc đã ngốn hết của em quỹ thời gian & toàn bộ đất, nên chắc chắn em sẽ có thêm vài lựa chọn nuôi trồng vài loại lương thực ngắn hạn phục vụ thị trường, lấy ngắn nuôi dài.

Lý do thứ ba khi em quyết định nuôi bò, là do giá bò con khá tốt, bò thịt cũng cao, bò sữa lại càng cao. Bò không bị dịch bệnh như các loài khác, lở mồm long móng hay các dịch bệnh thường thấy đều có cách trị & thuốc mới. Em đã từng thấy vô số chim yến, gà vịt, gia súc liên quan tới h5n1 bị thiêu hủy bất kể bệnh hay không, người dân thì không dám mua ăn, công ty thì không dám thu, khiến nông dân chết đứng. Nhưng trong lúc tìm hiểu em chưa từng thấy việc tiêu diệt hàng loạt bò trong quá khứ vì những dịch bệnh, loài này đã có tiềm năng kinh tế tốt mà lại còn an toàn, được cấp trung ương quan tâm phát triển. Thành công hay không phụ thuộc vào kỳ công chăm sóc của người nuôi chứ không phải ngồi cầu khẩn & dựa vào hên xui như các loại vật nuôi & cây ăn trái khác. Bên cạnh đó nhà nước dám đứng ra bảo kê "cứu hộ" ngay nếu đàn bò trong nước có vấn đề rắc rối. Những loại vật nuôi khác em không dám chắc, nhưng nhu cầu về giống bò con tốt ở VN giờ khá cao, sữa bò của VN chỉ cung ứng ~25% nhu cầu của các công ty, thịt bò lúc nào cũng đắt, những cái đó không phải là ảo mà dựa trên giá thật của chợ, của các nhãn sữa cho em bé, các sản phẩm về sữa trong siêu thị, của các công ty cung cấp giống & giá mua của thương lái.

Lý do thứ tư khi quyết định nuôi bò, là em thấy mình có ưu thế hơn rất nhiều nông hộ nuôi bò sữa ở Củ Chi về những mặt như sau: có đất trồng cỏ, có vốn mua giống tốt hơn, có vùng khí hậu hướng hàn tốt cho bò sữa, có máy móc nông cụ hỗ trợ. Nếu người dân Củ Chi ko có đất trồng cỏ do đô thị hóa, họ chỉ nuôi bò giống loại thường do vốn ít, chỉ dùng lao động bằng tay và con bò của họ dễ bị stress vì nóng dẫn tới giảm sữa, dễ nhiễm các bệnh từ khí hậu nóng ẩm gây ra..v..v.. mà họ vẫn có thu nhập, thì em càng có thu nhập trong tương lai với lợi thế của mình.

Lý do thứ năm là em có một bài toán không bị âm, những gì em đã mua, nó trở thành tài sản cố định, đất chỉ có tăng, những gì gieo xuống đất ngày hôm sau đã có giá hơn ngày hôm trước, con vật mình nuôi ngày hôm sau đã nặng hơn ngày hôm trước, toàn bộ trang trại từ a-z đều có thể thanh lý để lấy lại ít nhất 80% vốn đã bỏ ra, mình chỉ mất công sức đã bỏ ra mà thôi. Sự tăng trưởng về lợi ích kinh tế này rõ ràng hơn, mạnh hơn và phát triển với tỉ số nhanh hơn cây công nghiệp. Nếu mọi việc thuận lợi, em có tới 18 tháng để học hỏi kinh nghiệm trước khi bò bắt đầu động dục & cho sữa (trong 1,5 năm em tin mình cũng như bất cứ ai đều có đủ thời gian & kinh nghiệm để chuẩn bị), lúc này, giá trị kinh tế của 1-2ha đất nuôi bò đã có thể theo kịp 4-5ha đất trồng cây cao su, nếu đi đường khác, chắc em ko có khả năng vượt qua sự chênh lệch về đất đai lớn tới như vậy.

Lý do thứ sáu là em thận trọng nhưng không cho phép mình coi thường khả năng của bản thân, nếu đã đam mê, tìm hiểu & tập huấn nắm được kỹ thuật, nhận ra là con đường tốt nhất trong hiện tại, còn sức khoẻ & nghị lực... mà còn cúi đầu trước những khó khăn mà các anh chị cô chú bác đã cảnh báo ngay từ đầu, thì mãi không làm được gì hết đừng nói tới lo cho ai. Đánh có thể thua, nhưng sẽ chấp nhận thua vì ý trời như gây bão tố hay bò vô sinh + bệnh lạ giết chết hàng loạt chẳng hạn, chứ em biết mình hễ đam mê là làm cho tới hết hơi mới thôi. Cùng lắm thì lấy lại 80% vốn đã bỏ ra về Tp mua vé số hết, chơi cú chót... (em đùa thôi chứ đánh đề vẫn lời hơn vé số :)).
 
Last edited by a moderator:
bạn nghĩ nhiều, và đang có nhiều lo ngại. đúng thôi, chuyển hướng cuộc đời là 1 quyết định khó khăn, liên quan mọi chuyện lớn của gia đình.
mình gợi ý bạn thế này nhé.
người ta chỉ sợ cái chưa biết, chứ biết rồi thì không sợ.
ví dụ sợ thất bại, vì chưa làm bao giờ. sợ nuôi bò vì chưa nuôi bao giờ. sợ bệnh tật vì chưa chữa bao giờ. vậy thì để khỏi sợ, hãy làm thử nghiệm nhỏ, có hỏng thì thiệt hại nhỏ không đáng sợ
việc chuyển hướng gia đình cũng đáng ngại lắm, vậy nên chuyển từ từ, chuyển từng phần, sẽ giảm thiểu nguy cơ, và giảm nhẹ áp lực tâm lý.
ví dụ, mua đất và cất cái nhà tạm, bạn đến đó để gây dựng, còn vợ vẫn ở chỗ cũ. thời gian sau, có cái ăn, có phương tiện sinh hoạt đủ (điện, nước, bếp, toilet ...) thì vợ đến cùng, vẫn giữ nguyên nhà cũ phòng khi thất bại có đường lui về tính kế khác. việc sản xuất, trước tiên làm những cái chắc chắn nhất không thể bại ví dụ nuôi gà vườn, trồng rau, ở quy mô tự cung tự cấp đã, nâng dần lên mức có sản phẩm bán. những cái cần làm tiếp là những quy trình có thu nhập chắc chắn và khả năng thất bại nhỏ, ví dụ nuôi bò thịt, sau đó đủ kinh nghiệm và có nguồn thu, có khách hàng, sẽ mở sang nuôi bò sữa ở quy mô thử nghiệm 1-2 con. cũng như huy động vốn, ngay lập tức chi ra 400 trđ là 1 cái đáng sợ, bạn hãy chi ra từ từ, từng khâu chắc chắn. ví dụ xây nhà và chuồng, phương án tiết kiệm thôi, vì có bỏ thì không thu hôi vốn được. nhưng mua giống, thì có khả năng thu hồi nếu chọn được giống đảm bảo và sạch bệnh. trồng trọt thì trồng cái gì dễ bán trước, như lúa ngô, rau quả, chứ cỏ thì khó bán có thể trồng sau ... tức là phương châm tiến chậm mà chắc, đầu tư cái gì phải có khả năng thu hồi vốn cái đó trong trường hợp xấu. còn khi đã đứng chắc chân, nghĩa là đủ kinh nghiệm, đủ nguồn thu tối thiểu cho gia đình, đủ quan hệ để sống trong môi trường mới, thì đầu tư tiếp cũng không đáng ngại lắm.
bạn hãy đi theo lộ trình này, nó sẽ giảm nhẹ áp lực tinh thần.
người ta chỉ làm theo lộ trình có tính gây sốc, gây đột biến, khi người ta khá dày dạn kinh nghiệm, và khá từng trải, dám trả giá và nhìn thấy lợi nhuận siêu cao. còn nói chung trong làm ăn cần tính đường tiến nhưng dự bị đường lui, nếu không muốn chết kẹt. cái đó gọi là tính toán chu đáo, chứ không phải cầm cờ trắng ra trận.
trong làm ăn, nhiều trường hợp phá sản rồi còn gây lại được, tuy không nhiều. nhưng tốt hơn là đừng để sa vào cảnh ấy.
 
Last edited by a moderator:
Dạ, em xin chân thành cảm ơn anh tieudien cùng các anh chị cô chú bác đã đồng hành cùng em từ đầu topic tới giờ. Em đã dự tính tiến hành theo các bước từ trồng cỏ tương đối thôi & hướng mạnh vào cây lương thực ngắn ngày, đàn gà + vài con bê giống tốt chịu phá mồi nhưng lớn nhanh là được (3/4 là bò thịt & 1/4 là bò sữa) đi theo lời khuyên của các anh, các chú từng bước. Con bò sữa để thu hoạch sữa & bê giống con là mục tiêu để đó mà nhắm hướng thôi, và là đối tượng đầu tư cuối cùng, do các nhà nông lâu năm như các anh chị cô chú bác mà còn nói nó khó chịu nhất chắc chắn là có lý do thực tế, không nên coi nhẹ lời khuyên của đại đa số :) Em sẽ thử nghiên cứu áp dụng những phương pháp mà các trại nuôi bò trên thế giới đã thực hiện như cho bò nghe nhạc giao hưởng để giảm stress, cho bò uống nước đã qua xử lý điện hóa & đọc thêm tài liệu về con bò Nhật vốn có giá cả 100$/kg, nghe bác vợ em bên nước ngoài nói thịt bò Nhật bỏ vào miệng như muốn tan ra cũng lạ lắm... Ngày nào em khởi sự thì sẽ theo sát khoa học để mà áp dụng thực nghiệm trước khi đầu tư tiền hàng loạt. Em sẽ thử làm bằng tay hết trước khi quyết định mua một cái máy nào đó, thấy không hiệu quả mới mua, còn hiệu quả thì còn dùng tay. Vốn mua bò trong tương lai sẽ rất khủng nên em muốn bảo toàn hết mức có thể...

Bây giờ mọi thứ đang ở phần cùng mọi người biện chứng, phản biện & bảo vệ kế hoạch để biết rõ mình sẽ làm gì trong tương lai, chứ chưa hề xắn tay áo lên nhào vô được việc gì, do kẹt cái Tết. Em vẫn biết nói & làm là hai việc khác nhau kinh lắm, nhiều khi ngược lại nữa kia, nhưng vô cùng cảm ơn cuộc sống & mọi người, vì nhờ mạnh dạn trao đổi, mà tổng hợp cả topic em thu nhập được khá nhiều ý kiến quý như vàng, rất may mắn so với những người nông dân khác không có điều kiện lên internet để học hỏi :)
 
chào bạn, trước hết pahirgwuir lời chào bạn và chúc bạn thành công với nghệ nông để có thể có cuộc sống ổn định và thành đạt
đọc topic này khá kỹ và mình có 1 số nhận xét chủ quan như sau:
1, bán có ước mơ hoài bão và muốn sống trên chính sức lao động của mình. đã có sự sáng tạo học hỏi cần thiết của 1 nông dân thời đại mới.
2. bạn ko sợ khó, sợ khổ với ngề nông và có tình yêu bao la với gia đình. nhưng chính sự siieng năng này mà bạn có cách tính hơi nam giải trong khi bản thân chưa có kinh nghiệm gì với nghề nông. bản thân mình cũng từng lá 1 người ko có liên hệ gì với nghề nông rồi trở thành 1 nông dân mình rất hiểu và nắm đc những khó khăn sẽ gặp phải
3.số ốn bạn có trong tay đag là mơ ước của rất nhiều người bước vào nghề nhưng bạn lại chon 1 nghành đòi hỏi vốn cao. hơi quá khả năng nhưng vẫn có thể.
vì vậy bạn nên có những bước chuẩn bị thật kỹ lương trước khi bước vào nghề để hệ số rủi ro là thấp nhất. là 1 người đã đang nuôi con bò tôi chỉ bạn tới 2 nơi tham quan trước là công ty bò sữa củ chi gặp anh quang và trung tâm gia súc bến cát gặp anh liễu học hỏi thêm kinh nghiệm. và trên agriviet nên xin tư vẫn của bác nguyẽn ngọc chí
nên khoeir nghiệp với cón bò thịt để có kinh nghiệm.
còn 1 số nữa sẽ chia sẻ với bạn sau để đi cv đã
chúc bạn thành công
 
Dạ, em đang đọc topic 63 trang về Thảo luận việc nuôi bò thịt đạt hiệu quả cao, ghi chép lại các thảo luận của anh tiengdan_codoi và mọi người, những kinh nghiệm thực tế vô cùng hữu ích cho những người bắt đầu khởi nghiệp như em, mỗi ngày lại nhận ra có thêm nhiều cái mới trong đầu, tuyệt quá...
 
Last edited by a moderator:
bàn thêm một chút về khó và dễ với các bạn.
trong vấn đề nông nghiệp, nói chung là sinh vật (cây và con vật) đều là 1 quá trình sinh trưởng. nông nghiệp hiện đại có hướng thúc đẩy sinh trưởng mạnh bằng nhiều cách, trong đó có những cách phi tự nhiên như dùng các thuốc kích thích để lại dư lượng độc hại. thúc đẩy sinh trưởng mạnh mới tạo ra năng suất cao, đó là gà siêu trứng, lợn siêu nạc, lúa cao sản, hoa quả trái vụ ...
vì vậy, cái phát triển tự nhiên và cái phát triển thúc ép cho kết quả khác nhau về số lượng và chất lượng. và cái phát triển thúc ép là dùng các biện pháp tác động, cho nên khó làm hơn phát triển tự nhiên.
tuy vậy, khi đã là quy trình kỹ thuật, nắm vững sẽ làm được, thì cũng không khó lắm.
về một mặt khác, cũng là 1 vấn đề, nhưng khó với người này mà dễ với người khác, nhất là nghề nông.
vì nông dân nói chung văn hóa thấp, nhận thức hẹp hòi, bảo thủ, vốn ít, nên họ rất khó tiếp cận khoa học và kỹ thuật mới, có nói họ không buồn nghe chứ đừng nói là hiểu lấy tí chút. nong dân hiện nay vẫn cổ hủ như nông dân vài chục năm trước tuy môi trường sống có khá hơn, nhưng tư duy vẫn vậy. họ chóng tiếp thu cái hư hỏng hơn cái tiến bộ, ví dụ chóng tiếp thu cờ bạc, lô đề, ăn nhậu, đĩ bợm, lừa đảo, ... chứ giống mới, dụng cụ mới, máy mới ... thì họ chậm lắm, đa nghi và lóng ngóng lắm.
vậy nên một quy trình kỹ thuật tốt, có khi thanh niên nhanh tiếp thu, vận dụng tốt, thì nông dân họ không tiếp thu nổi và họ kêu ầm lên là khó, đầy là bản chất của chuyện khó và dễ.
cái này dễ hiểu nếu bạn nói chuyện bò sữa với làng nuôi bò sữa thì họ cười, nhưng nói với làng làm lúa thì họ lắc đầu.
nhưng với những người mới khởi nghiệp như bạn, mình chỉ nói rằng : bạn phải học tập kinh nghiệm từ những người có chuyên môn và có thành công, chứ đừng nghe những người bàn dông dài vô bổ. ví dụ học bò sữa phải từ người nuôi bò sữa, chứ không học từ người trồng rau. và cái quan trọng là phải có nghị lực đối đầu với khó khăn, quan trọng hơn là phải tỉnh táo quan sát mọi mặt vấn đề, liên tưởng tốt với những kiến thức và kinh nghiệm để nhanh chóng nhận ra bản chất sự vật, thì mới đối phó được biến động trong công việc. ví dụ con bò vô sinh với con bò có khả năng sinh nhưng lỡ kỳ lấy giống, tuy cùng là không đậu thai nhưng bản chất khác nhau.
mình nói thử 1 chuyện : trước khi bọn mình gây nuôi chó cảnh cao cấp thì đã nuôi chó ta nhiều rồi, mà sang chó cao cấp vẫn phải tỉnh táo tìm tòi kinh nghiệm. nhưng nếu nắm được bản chất, thì gây nuôi cũng không khó, còn với người không hiểu bản chất vấn đề, nuôi chó ta cũng không đậu nói gì chó cao cấp. vậy nên mới nói bạn định nuôi bò sữa thì hãy khởi đầu với bò thịt đã, sinh sản được nó rồi thì chuyển sang bò sữa chưa muộn. tuy khác nhau nhiều, nhưng nhiều vấn đề giống nhau về bản chất.
các bạn còn trẻ, có thuận lợi là còn sức và thời gian để thử nghiệm và phấn đấu, nhưng có khó khăn là chưa nhiều trải nghiệm, đôi khi có cái bảo thủ kiểu thanh niên coi thường người lớn tuổi. vậy nên cần phải chịu khó trải nghiệm để có hiểu biết sâu về những điều sách không nói mà thực tế lại có, và cần tỉnh táo để nghe lời khuyên đúng, loại trừ những lời khuyên sai (vốn là do những người thiếu hiển biết và thất bại nhiều nói ra).
có 1 điều rất đúng là thế này : thế giới sinh vật này vốn là có quy luật vật chất tác động nhau, cần tỉnh táo để nhận ra các tác động đó. ví dụ con gà đẻ mà thiếu thức ăn canxi thì đẻ kém, có đủ thì đẻ khác ngay. nếu bạn còn nghi ngờ, nhốt 2 con cho thử 2 chế độ ăn sẽ thấy. nói vậy để thấy kinh nghiệm sẽ có tác dụng trong thực tế, nếu không thấy tác dụng thì kinh nghiệm ấy có thể chưa đúng, phải tìm hiểu lại.
ngoài ra nói thêm rằng 1 sinh vật cần có môi trường sống thích hợp bản chất của nó, khác đi nó sẽ phản ứng. ví dụ lúa nước phải sống ở ruộng nước. hay chó săn phải được chạy nhảy săn đuổi, nếu xích nhốt suốt ngày nó sẽ bứt rứt, và ù lỳ, sinh bệnh nọ kia. hay bò sữa vốn là bò, cần được chăn thả, dạo chơi, nhốt chật chội suốt ngày nó cũng sẽ bẳn tính, stress, ảnh hưởng tiêu hóa và tạo sữa.
vậy thì cái cần nắm bản chất vấn đề nó sẽ là như thế, phải hiểu giống loài mình nuôi trồng đã. cái đó cũng liên quan vấn đề "khó hay dễ"
 


Back
Top