Điềm chẳng lành từ một vùng cao (III)

  • Thread starter tu ki
  • Ngày gửi
Đi lang thang lang thang, phát hiện một bài viết cổ xưa mà tính thời sự cấp bách, lôi về Argiviet hi vọng nó sẽ làm nguồn động lực mới, thuốc lắc cho các bác đã, đang và sẽ là...bác nông dân xanh và sạch.
Nội dung bài viết khá dài, "minh oan" cho chất độc màu da cam và tố cáo.....đọc rồi sẽ biết. Mình đưa về phần 3 "hót" nhất, còn lại các bác có thể xem qua link hoặc chờ up nhé.
Điềm chẳng lành từ một vùng cao 1,2,3

Sự thành công của một luận án tiến sĩ & sự thay tên đổi họ của… hung thần

Mùa xuân Tân Tị 2001, tại Đại học Đà Lạt, nghiên cứu sinh Trần Thị Ngọc Lan chuẩn bị hoàn tất luận án thạc sĩ Thử nghiệm khả năng phát sinh sai hình nhiễm sắc thể ở tế bào lympho người xử lý in vitro. Để đảm bảo yêu cầu thực nghiệm, cần có Bai 58 nhưng Ngọc Lan không thể mua nổi một chai dù cố công lùng sục bao cửa hiệu bán thuốc trừ sâu khắp Lâm Đồng. Điện hỏi vài tỉnh thành khác thì nhận được hồi âm: “Nguồn hàng Bai 58 cạn kiệt!”.

Giai đoạn đó, Trần Quế cũng đang tìm Bai 58 nhằm thực hiện luận văn tiến sĩ Nghiên cứu hiệu ứng sai hình nhiễm sắc thể ở tế bào lympho người dưới tác động của bức xạ ion hóa và một số hóa chất sử dụng trong nông nghiệp dự kiến sẽ bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2003.

Làm sao đây? Phút ngỡ chừng thất vọng, Trần Quế tình cờ vớ được chai thuốc trừ sâu có nhãn hiệu Dimenat. Công thức hóa học của Dimenat là C15H12NO3PS2. Ấy chính là hoạt chất dimethoate. Xem thành phần pha chế, mới hay Dimenat với Bai 58 đích thị “tuy hai mà một”.
dimethoate-1.jpg


Cả Trần Quế lẫn Ngọc Lan đều mừng rỡ. Song chẳng mấy chốc, anh Quế trĩu ưu tư:

– Mừng mà… lo! Mừng vì có nguyên liệu phục vụ nghiên cứu kịp thời. Lo vì độc chất này đang được bày bán thoải mái. Ai mua cũng được. Muốn mua bao nhiêu, mua bất cứ lúc nào, nhà buôn sẵn sàng đáp ứng. Mà tại sao Bai 58 hay Bi 58, Bini 58 thoắt biến thành Dimenat? Lý do nào dẫn tới sự chuyển đổi tên thương mại bất ngờ thế? Sự việc đó liên quan gì đến mấy báo cáo khoa học mà mình cùng các đồng nghiệp vừa trình bày trong hai năm 1999 – 2000 nhỉ?

Ắt phải chua thêm rằng năm 1999, không những được giới thiệu tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc tổ chức ở thủ đô Hà Nội, công trình khoa học Phát hiện khả năng gây biến loạn nhiễm sắc thể của thuốc trừ sâu Bai 58 trên tế bào lympho người nuôi cấy in vitro của tập thể tác giả Trần Quế, Hoàng Hưng Tiến, Lê Xuân Thám, Trịnh Đình Đạt, Phạm Văn Lập, Phạm Bá Phong còn được in trên tạp chí Thông tin khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng số 3, rồi được tung lên mạng Internet (trang web http://www.lamdong.gov.vn). Cuối năm 1999, tờ Di truyền học và ứng dụng – tạp chí của Hội Di truyền học Việt Nam – số 4 lại đăng bài Nghiên cứu dịch tễ học sai hình nhiễm sắc thể tế bào lympho máu ngoại vi người như một chỉ thị cảnh báo an toàn phóng xạ, độc chất môi trường của Trần Quế và Hoàng Hưng Tiến, Trịnh Đình Đạt, Phạm Văn Lập, Phạm Bá Phong. Bài viết nhấn mạnh: “Tần số sai hình nhiễm sắc thể cao ở nhóm cư dân nông nghiệp chỉ tiếp xúc với hóa nông dược là bằng chứng khẳng định tính chất độc hại nghiêm trọng của loại thuốc trừ sâu này (Bai 58) và khẳng định tần số sai hình nhiễm sắc thể trong các tế bào bạch cầu lympho như là một chỉ thị sinh học rất có hiệu quả trong các nghiên cứu về an toàn độc chất môi trường”. Năm 2000, Hội nghị quốc tế về hiệu ứng sức khỏe liều thấp và liều rất thấp diễn ra tại Versailles (Pháp), nhóm các nhà nghiên cứu nước ta gồm Trần Quế, Hoàng Hưng Tiến, Phạm Bá Phong và Hoàng Văn Nguyên gửi bản báo cáo Studies on epidemiology of chromosome aberations induced in human lymphocytes for indicating contamination of radiation and radiomimetic chemical agents (Nghiên cứu dịch tễ sai hình nhiễm sắc thể ở tế bào lympho người dùng làm chỉ thị cảnh báo ảnh hưởng phóng xạ và nhiễm độc các tác nhân hóa học có cơ chế tác động kiểu phóng xạ). Được trích đăng ngay sau đấy trên cuốn Elservier ấn hành tại Amsterdam (Hà Lan), bản báo cáo bằng tiếng Anh ấy cũng lên tiếng cảnh báo về độc tính của thuốc trừ sâu chứa hoạt chất dimethoate với thương phẩm quen thuộc là Bai 58. Như vậy, sang đầu năm 2001, Bai 58 vụt thay tên đổi họ là điều dễ hiểu.

Tích lũy bao thành quả nghiên cứu đã đạt được, Trần Quế tiếp tục phát triển đề tài từng bước một cách đầy tự tin. Anh bộc bạch:

– Mình biết đề tài luận án mà mình đeo đuổi chạm vào… “nách nhạy cảm” của xã hội. Nhưng với nhà khoa học, sự thật khách quan là điều cốt tử. Hơn nữa, mình tin đã định hướng nghiên cứu đúng đắn. Từ tháng 11-1998, tại Hà Nội, Hội nghị khoa học toàn quốc về độc tố môi trường từng công khai thừa nhận hai nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường nước ta. Đó là chất độc chiến tranh và độc hóa nông nghiệp. Trong thời đại ngày nay, cả bức xạ ion hóa cũng được khuyến cáo xem xét. Dư lượng các yếu tố độc và hiệu ứng sinh học tạo nên bởi hóa nông dược cùng phóng xạ là hai tham số được sử dụng để đánh giá mức độ nhiễm độc môi trường. Bằng các phương pháp vật lý và hóa học, khoa học hiện đại đủ khả năng xác định các dư lượng đó trong môi trường cũng như trong cơ thể sinh vật với độ chính xác cao.

So sánh nhiễm sắc thể của 158 người khỏe mạnh đại diện quần thể bình thường, với 217 người có nghi vấn – gồm 133 mẫu thu từ cán bộ công nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và 81 mẫu thu từ cư dân huyện Lâm Hà – đã cho phép Trần Quế nhận định: “Tần số các kiểu sai hình nhiễm sắc thể cao hơn bình thường từ 2 đến 5 lần đã được phát hiện ở năm vùng cư dân nông nghiệp (tức 4 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Lâm Hà) liên quan đến việc sử dụng các hóa chất trừ sâu nhóm lân hữu cơ”. Từ các kết quả thực nghiệm, Trần Quế nhận thấy không chỉ dimethoate mà cả methidathion (C6H11N2O4PS3 – công thức gần giống dimethoate) đều gây ra hiệu ứng sinh học vừa giống lại vừa khác các tác nhân phóng xạ: “Dimethoate và methidathion có trong các loại hóa chất trừ sâu gây sai hình nhiễm sắc thể theo kiểu của bức xạ ion hóa, tuy nhiên chúng có tạo nên kiểu sai hình nhiễm sắc tử khác với bức xạ ion hóa”. Đó là hai trong những kết luận quan trọng của luận án tiến sĩ do Trần Quế thực hiện.

Giáp Tết dương lịch, ngày thứ tư 31-12-2003, luận án Nghiên cứu hiệu ứng sai hình nhiễm sắc thể ở tế bào lympho người dưới tác động của bức xạ ion hóa và một số hóa chất sử dụng trong nông nghiệp đã được Trần Quế bảo vệ chính thức tại trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước – do PGS.TS. di truyền học Lê Duy Thành làm chủ tịch – bỏ phiếu xếp hạng: xuất sắc.

Sự thành công của luận án liệu đủ sức “xóa sổ” Bai 58 lẫn Dimenat cùng các thuốc trừ sâu độc hại tương tự chưa?

Cần chú ý rằng hoạt chất dimethoate xuất hiện dưới rất nhiều tên thương mại. Không chỉ Bai 58, Bi 58, Bini 58 hoặc Dimenat, nó còn được khoác hàng loạt tên khác nữa như BiAn, Bitox, Canthoate, Dibathoate, Dimecide, Dithoate, Fezmet, Forgon, Nugor, Perfekthion, Pyxoate, Tafgor, Tigithion, Vidithoate.

bian.jpg

Cho tới nay, tất cả tên biệt dược thuộc nhóm lân hữu cơ vừa kể vẫn được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta xếp vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam (ban hành kèm theo quyết định số 52/2003/QĐ-BNN do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng ký ngày 2-4-2003). Éo le thay
vidithoate.jpg


Ghé thăm Lâm Hà

Tháng 5-2004.

Rời thành phố Đà Lạt, đổ đèo Prenn rồi ngoặt sang quốc lộ 27, tôi đặt chân lên địa bàn Lâm Hà. Tại huyện lỵ Đinh Văn, anh Giản Tư Bố – trưởng phòng Giáo dục huyện – nhanh chóng cung cấp cho tôi những thông tin hữu ích về địa phương. Mấy ngày đêm liền, anh nhiệt tình đưa chúng tôi đến những địa điểm cần thiết để tìm hiểu thêm bao chuyện.

Toàn huyện hiện có diện tích tự nhiên 1.587,62 km² (rộng tương đương một vài tỉnh ở miền Bắc nước ta!) với số dân 148.730 người. Huyện gồm hai thị trấn – Đinh Văn và Nam Bang – cùng 18 xã. Xét theo thời gian định cư thì cộng đồng dân chúng nơi đây có thể phân thành hai khối. Khối cư dân bản địa là bà con dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Môn-Khmer mà chủ yếu là người K’ho bao gồm các nhóm Srê, Chil, Lạch, Nốp, Kzòn, T’ring. Khối dân nhập cư là đồng bào người Kinh cùng số ít người Mường, Hoa, H’mông, Tày, Nùng, Thổ, Thái, v.v., từ nhiều tỉnh thành đến đây vào hai thời kỳ chính cách xa nhau: trước năm 1945 và sau năm 1975. Dân nhập cư sau năm 1975 – đa số chủ yếu là người nội ngoại thành Hà Nội (hồi ấy tính luôn một số huyện thuộc tỉnh Hà Tây như Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ) hưởng ứng phong trào xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1976 trở về sau – thực sự là bộ phận quan trọng cấu thành cộng đồng dân cư Lâm Hà hiện tại. Ngay tên huyện cũng thể hiện điều ấy: Lâm Hà chính là từ ghép bởi hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội.

Trước năm 1989, nền sản xuất của Lâm Hà thiên về chuyên canh cây lương thực: lúa nước, lúa cạn, bắp ngô cùng các loại đỗ / đậu. Nhiều thời kỳ, trong thành phần nông sản nơi này còn thêm sắn, khoai, mía và các loại cây ăn quả. Theo lời kể của nhà giáo Nguyễn Thanh Xuyên – hậu duệ một gia đình gốc Bắc di cư tới đất này trước năm 1945 – thì mãi đến thập niên 1980, hóa nông dược được sử dụng ở Lâm Hà không nhiều và không đa dạng như bây giờ. Thuở nọ, thuốc trừ côn trùng – đồng thời khử luôn ký sinh trùng – được dùng chủ yếu tại đây là DDT (dichloro – diphenyl – trichloroethane; thế giới đã cấm bào chế và sử dụng từ năm 1974).

Ngày 24-10-1987, huyện Lâm Hà chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập nông trường Nam Bang cùng 5 xã của huyện Đức Trọng và 3 xã của huyện Lạc Dương cũ. Từ năm 1989, bước vào thời kinh tế thị trường, huyện này bắt đầu chuyển mình khi được xác định thế mạnh: vùng trồng cây công nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu mới về cây trồng phát triển theo hướng đan xen giữa cây lương thực với cà phê, dâu tằm và chè / trà – trong đó ba loại cây sau giữ vai trò chủ lực. Sách Địa chí Lâm Đồng của nhiều soạn giả (NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2001) viết về huyện Lâm Hà: ”Diện tích cây công nghiệp năm 1987 mới có 2.240 ha, đến năm 1999 đã lên 24.778 ha, chủ yếu là cà phê, dâu tằm và chè”.

Cũng từ đấy, tình hình sử dụng hóa nông dược bắt đầu thay đổi cho phù hợp với thực tiễn canh tác. Khắp huyện, loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất, được người dân ưa chuộng nhất chính là Bai 58, Bi 58, BiAn 58, Bini 58, Dimenat. Như đã nói, tất cả đều là sự “biến hóa” của dimethoate. Loạt thuốc trừ sâu khác như Basudin, Nitox, Suprathion, Supracide, Vibasu, BB – Tigi, BM – Tigi cũng là chế phẩm từ dimethoate hay methidathion. Hiếm ai ngờ những biệt dược lân hữu cơ đang được phép lưu hành kia lại là… hung thần tiềm ẩn!


2583480543_0b161284a1_o.jpg



Tại Lâm Hà, tôi có dịp tiếp xúc vài “dị nhân”. Chẳng hạn Nguyễn Thị Th. Tr., nhà ở xã Phú Sơn và học tại thị trấn Đinh Văn. Năm nay, Tr. 18 tuổi. Nhưng thoạt nhìn vóc dáng lẫn dung nhan, cứ ngỡ Tr. là em bé mới nhập môn bậc trung học cơ sở. Vừa loay hoay lau cặp kính cận dày cộp, Tr. vừa tự giới thiệu với cái giọng rất tếu:

– Không. Cháu đã lên trung học phổ thông, đang học lớp… 10. Cháu cao gần 1,4m, cân cả giày cả vớ vẫn chưa đủ 30kg. Hai mắt cháu cận thị nặng: 10 đi-ốp. Bác sĩ khám, bảo cháu mắc nhiều bệnh… khó nói lắm! Khổ nhất là bệnh… chóng quên. Bài vở buổi tối cháu “tụng” thuộc làu làu như cháo, sáng mai tới lớp thì ôi thôi, chả còn nhớ gì ráo trọi!

Lời kể đó được cha ruột của Tr. xác nhận là đúng.

Xem các thống kê y tế cộng đồng, tôi thấy cho tới nay trên địa bàn huyện đã ghi nhận các trường hợp bất thường – như sinh non, sẩy thai, quái thai, bướu cổ, ung thư, tăng sinh bạch cầu, thiểu năng tâm thần – chiếm tỉ lệ thấp. Nghĩa là nói chung, trước mắt mọi sự vẫn an lành. Tuy nhiên, tần số và phổ sai hình nhiễm sắc thể nghiêm trọng của cư dân Lâm Hà đã được khoa học khám phá và khảo sát lại là một thực tế chứng tỏ tác nhân đột biến đang hiện hữu tại huyện này suốt thời gian qua, có nguy cơ đe dọa các thế hệ mai sau. Tác nhân đã được xác định: hóa nông dược lân hữu cơ. Còn mối di họa lâu dài sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Trần Quế giải thích:

– Ngoại trừ trường hợp sai hình nhiễm sắc thể ở tế bào sinh dục dẫn đến sai hình ở hợp tử thì hậu quả di truyền xấu sẽ biểu hiện ngay; còn hầu hết các trường hợp khác mắc sai hình nhiễm sắc thể chưa bộc lộ ra ngoài tức thời nhưng lại là chỉ thị trước, cảnh báo sớm về tương lai không mấy sáng sủa. Những kết quả mà mình cùng các đồng nghiệp đạt được mới chỉ là bước đầu. Đối diện vấn đề phức tạp này, một hướng nghiên cứu mới đang hé mở: hướng nghiên cứu sinh học môi trường, mà mục tiêu cuối cùng là tìm ra và áp dụng những biện pháp khả thi hầu ngăn chặn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất những hậu họa đáng tiếc. Trên phạm vi tỉnh Lâm Đồng, những việc nên tiến hành khẩn trương là đầu tư khảo sát sâu rộng hơn hiện trạng sai hình nhiễm sắc thể ở huyện Lâm Hà, song song với kiểm nghiệm các kết quả bằng những nghiên cứu đối chứng tại Di Linh lẫn Bảo Lộc là hai huyện có cơ cấu nông nghiệp tương đối giống Lâm Hà.

1234.jpg


– Với mọi người, theo anh, bây giờ cần phải hành động ra sao?

Nghe tôi hỏi vậy, Trần Quế đáp:

– Hành động thiết thực của mọi người là hãy làm mọi cách để nền sản xuất và tiêu thụ đảm bảo tiêu chí: sạch. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mình thiết tha kêu gọi các cơ quan thẩm quyền trong lẫn ngoài nước hãy loại bỏ ngay thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ – nhất là thuốc bào chế từ hợp chất dimethoate – ra khỏi danh mục hóa nông dược đang được phép sử dụng.

Xin trở lại với nữ sinh viên T.H. – trường hợp đầu tiên ngẫu nhiên phát hiện sai hình nhiễm sắc thể mà phóng sự này đã đề cập.

Sau khi biết bản thân mình ẩn chứa dấu hiệu chẳng lành, T.H. cố nén mọi lo buồn để dồn tâm trí hoàn tất khóa luận tốt nghiệp đại học với đề tài Khảo sát một vài đặc điểm karyotype nhóm dân cư Lâm Đồng. Khá khen bản lĩnh của T.H. vì đề tài này gắn chặt với… sai hình nhiễm sắc thể! Mở đầu khóa luận, T.H. viết: “Sự đóng góp khảo sát karyotype (kiểu nhân) tạo cơ sở khoa học cho công tác phân tích sai hình nhiễm sắc thể, chẩn đoán bệnh di truyền, là công trình nghiên cứu thiết thực có tính ứng dụng trong công tác cảnh báo và bảo vệ môi trường, trong y tế cũng như trong nhân chủng học”. Khóa luận đạt điểm ưu. Cầm tấm bằng cử nhân sinh học loại giỏi, T.H. được nhận vào làm việc trong một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng.

Nhắc tới cô học trò cũ của mình, tiến sĩ Trần Quế thường ca ngợi:

– Không chỉ bằng ý chí mà còn bằng sự hiểu biết và niềm tin khoa học, T.H. đã vượt lên tất cả. Hiện T.H. mong muốn đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình vào các công trình nghiên cứu tạo giống cây trồng có năng suất, có chất lượng và đặc biệt là tạo nên loại cây không phải dùng đến các thứ hóa nông dược độc hại như bố mẹ cùng làng xóm cô ấy đã phải dùng cho công việc sản xuất mưu sinh.

Trong chuyến công tác Lâm Hà tháng 5-2004, tôi gặp một số thân nhân của T.H. Rất mừng khi biết các anh chị của T.H. bây giờ đều gia thất duyên hài, đã ra riêng và sinh con đẻ cái vẫn bình thường. Càng mừng hơn khi biết T.H. dự định cuối năm 2004 này sẽ làm lễ thành hôn với V.H. – người yêu từ thời sinh viên và hiện đang giảng dạy công nghệ thông tin tại một trường đại học. Thú thực, mừng mà vẫn cứ ngổn ngang trăm mối bên lòng, nhất là mỗi phen tôi lần giở lại các công trình của tiến sĩ Trần Quế cùng một số nhà nghiên cứu khác về sai hình nhiễm sắc thể, trong đó có T.H.!

Ý nghĩa vấn đề thật sự chẳng khuôn hẹp trong phạm vi một huyện, một tỉnh nữa. “Vấn đề khoa học này liên quan đến sự phát triển giống nòi và sự trường tồn dân tộc vì nó liên quan đến vết tích biến loạn nghiêm trọng bộ máy thông tin di truyền tế bào: bộ nhiễm sắc thể” – các nhà khoa học ở phòng Công nghệ sinh học từng gióng hồi chuông báo động như thế. Ngẫm kỹ, lại thấy rằng trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ hiện nay, vấn đề còn gắn bó mật thiết với tương lai cả cộng đồng nhân loại.

Xác minh tường tận và rộng khắp, thẩm định kỹ càng và toàn diện, giải quyết kịp thời và triệt để mọi chuyện mà loạt phóng sự này phản ánh, chắc chắn là trách nhiệm không chỉ của riêng ai! ♥

Phanxipăng

Đã đăng Thế Giới Mới từ số 587 (31-5-2004) đến số 589 (14-6-2004)

Like this:
Số lượt thích Đang tải...
 




Back
Top