Gần tháng nay bận nhiều chuyện quá, không có thời gian viết bài tham gia diễn đàn. Chủ đề này tôi đã đọc qua, thoạt đầu nghĩ chủ đề này khác chi là nêu những mô hình sản xuất nông nghiệp đã thành công trên thực tế, chúng ta nêu lên để mọi người tham khảo học tập. Tuy nhiên suy nghĩ sâu thêm nữa cũng thấy hay hay, chủ đề tạo ra nhằm quy tụ những suy nghĩ táo bạo mang tính đột phá, có khi là ảo tưởng cũng có khi là một cuộc cách mạng trong suy nghĩ?
Nghĩ vậy, tôi xin đưa ra môt hướng đi như là một phương cách để giải thế cờ này, còn thế giải hay hoặc dỡ tùy mọi người nhận xét, không mơ mộng giật giải thưởng gì đó?
Tôi đánh giá những ưu khuyết điểm của trường hợp của anh botienthi:
1. Ưu điểm: Anh có những ưu điển rất lớn mà chưa chắc người khác có được.
- Nhân công: là chính anh với một sức khỏe tốt, trong nhiều trường hợp người sản xuất nông nghiệp có phương án rất tốt nhưng cuối cùng k thực hiện được hoặc thất bại chỉ vì khâu nhân công. Nhân công làm thuê thì không bao giờ bằng chính mình được.
- Có tư duy, có khả năng tìm hiểu và học hỏi: điều này cũng vô cùng quan trọng, có thể dẫn đến thành công một cách nhanh chóng.
- Nguồn nước tốt: rất quan trọng trong tất cả lĩnh vực chăn nuôi hay trồng trọt.
- Vị trí không quá gần hay quá xa khu dân cư, điều này đặc biệt phù hợp với lĩnh vực chăn nuôi.
- Có điện, đường đi là những điều kiện giúp sản xuất nông nghiệp dễ thành công, và tiết kiệm chi phí sản xuất.
2. Khuyết điểm:
- Đất tương đối xấu, sẽ tốn chi phí cải tạo đất khi thực hiện trồng trọt, năng suất có thể không cao.
- Bản thân chưa định vị được một hướng đi nào chắn chắn nên dễ xu hướng, làm theo và đương nhiên dễ thất bại, và những thất bại này rất dễ dẫn tới sự nản chí, bỏ cuộc giữa chừng.
- Diện tích 1500m2 mà thu nhập chỉ có 6.000.000đồng /năm là kém.
- Vốn đầu tư 30 triệu là hơi thấp.
Từ phân tích những ưu khuyết điểm trên tôi xin đề nghị với anh một hướng đi mới cho mảnh vườn 1.500 m2 này.
Tôi xin kết hợp ý tưởng của cô bé thảo nguyên với MrHailua và của tôi nữa.
Thực hiện chương trình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Một dây chuyền công việc liên hoàn nhằm tạo ra sản phẩm mang lại giá trị cao mà chi phí thì thấp nhất.
1. Chăn nuôi: nuôi thỏ và nuôi gà ác.
- Về nuôi thỏ tôi cơ bản đồng ý với bài viết của cô bé trên thảo nguyên, tuy nhiên trong cách tính toán hiệu quả nên chú ý thêm tỷ lệ sống của thỏ và năng suất sinh sản. Và tổng đàn nên nâng lên nhiều hơn, ít nhất là 100 thỏ sinh sản bằng phương pháp nhân đàn. Nuôi ít sẽ lãng phí công chăm sóc, khó tạo thị trường, đó cũng là một cách tính chi phí.
Phân thỏ dùng nuôi trùn quế: tôi đã nuôi rồi, rất tốt. Lấy trùn quế nuôi gà ác.
Phân thỏ được thu mỗi ngày, từ hố thu phân. Thiết kế hố thu phân thỏ ở cuối dãy trại thỏ, sau mỗi lần xịt nước rửa nền trại thỏ, phân thỏ sẽ chảy về hố thu phân có đặt thiết bị thu phân bằng rỗ hay lưới có mắt nhỏ ( nước thoát, phân ở lại). Cũng là để rửa bớt nồng độ amoniac trong phân.
Trên mảnh vườn ta thiết kế từng ô nuôi trùn, cứ mỗi ngày tạo một ô ( mùa nắng thì đào hố nuôi luôn dưới đất) mùa mưa thì nuôi trong thùng ( vì đất của anh bị ứ nước vào mùa mưa) việc làm này sẽ có tác dụng cải tạo đất nhằm phục vụ cho công trình trồng trọt sau này. Việc tạo ô nuôi trùn dưới đất cũng phải tính toán cư ly khoảng cách hợp lý để sau này dùng hố đó trồng mít.
Mỗi ngày với đàn thỏ trên 100 thỏ sinh sản và mấy trăm thỏ thịt sẽ đủ phân cho khoảng 1 ô ( 1 x 1 x 0.4). Đầy ô nào ta tiến hành bỏ trùn giống vào nuôi ô đó, xung quanh ô nuôi trùn ta lấy lưới rào lại, đồng thời che nắng mưa cho hố nuôi trùn. Như vậy sau 1 tháng ta có 30 ô trùn quế, và ô đầu tiên đã bắt đầu có thể thu hoạch. Lúc này ta thả khoảng 1000 con gà ác thà rong ngoài vườn. mỗi ngày ta cho nó ăn một ô bằng cách tháo lưới rào, xúc toàn bộ trùn bỏ ra một tấm đệm cho gà tự bưi kiếm trùn để ăn, sinh khối còn lại đem ương nuôi hố trùn khác. Sau 30 ngày sẽ hết số ô trùn trong một đợt và quay lại ô đầu tiên của đợt thứ hai. Lúc này cũng là lúc xuất bán toàn bộ đàn gà ác khi trọng lượng đạt 200g/con và bắt đầu nuôi đợt gà tiếp theo. Phân trùn ta bỏ trở lại hố để chuẩn bị trồng mít. Nuôi như vầy chắc chỉ tốn tiền mua gà giống thôi khoảng 5.000đ/con, còn giá bán gà 200g khoảng 12.000 - 15.000đ/con.
2.Trồng mít:
Theo các hố nuôi trùn, qua đợt thu trùn cho gà ác ăn, ta cho phân trùn trở lại hố, thêm đất và tiến hành trồng mít trên những hố này.
Nói về trồng mít, thì hiện có nhiều giống, mà giống nào cũng hấp dẫn về mặt giá cả. Có điều mọi người khi trồng hay băn khoăn là liệu nên trồng loại mít nào? Câu hỏi lớn được đặt ra là chọn giống nào để khi thu hoạch sẽ có giá bán cao nhất? câu trả lời không hề đơn giản. Còn tôi thì không tìm câu trả lời quá khó đó, tôi trồng một lúc mỗi hố 2,3 loại mít, chấp nhận tốn tiền mua giống còn hơn phải tốn thời gian trồng lại sau mấy năm đằng đẳng chờ có trái. Đến thời kỳ thu hoạch, giống mít nào hiệu quả nhất thì chừa lại còn không thì loại bỏ. Cách làm này của tôi có thể có người cho là kỳ cục, nhưng cứ thử đi sẽ cảm thấy yên tâm hơn trồng một loại.
3. Trồng hoa màu:
Sau thời gian đào hố nuôi trùn, ta sẽ có một lượng lớn phân trùn thu được, có thể sử dụng để trồng rau màu hoặc bán.
Cái quan trọng nhất trong mô hình là mảnh vườn của anh sẽ ngày càng màu mỡ do những hố nuôi trùn cho gà ác ăn. Lúc đó muốn trồng cây gì cũng tốt.
4. Nuôi kỳ đà:
Bên cạnh trại thỏ, anh làm thêm một chuồng nuôi kỳ đà. Hằng ngày sẽ có thỏ con bị chết, gà ác chết anh dùng đó để nuôi kỳ đà rất mau lớn, mà bán lại có giá cao hơn nữa.
5. Thiết kế hệ thống dẫn nước tưới cho mít:
Tôi gọi là hệ thống dẫn nước tưới chứ không dám gọi là tưới nhỏ giọt vì cách của tôi làm cũng không giống ai, quan trọng là có nước tưới đến từng gốc khỏi mất công mua máy bơm đi tưới mỗi ngày vừa cực công vừa tốn tiền.
Tôi dùng ống trúc, mỗi đoạn ống trúc dài khoảng 0,6m, cứ 3 đoạn có 2 mắt ở giữa, lấy đoạn sắt đập dẹp một đầu dài 1m (dài hơn đoạn trúc giữa 2 mắt) đục bỏ 2 mắt ở trong ruột ống trúc mà không cần phải cắt rời nhiều đoạn, như vậy tôi có một ống trúc dài khoảng 1,8m. những đoạn trúc dài 1,8m được nối với nhau bằng ống nhựa mềm dài khoảng 0,1m có cùng đường kính.
Tôi nối đi đến từng gốc mít, tại đó sẽ khoan một lỗ nhỏ cho nước chảy rỉ rả vào gốc mít, Chổ nào cần ngã ba thì dùng nhựa Bình Minh và cũng nối với ống trúc bằng ống nhựa mềm, nối lên bồn cũng vậy. Quan trọng nhất là chi phí cực kỳ thấp, không đóng rong, không mục, không bị chuột bọ cắn phá, lâu lâu đoạn nào hư, nứt thì lấy đoạn khác thay vào, mục đích cuối cùng là tưới nhỏ giọt cho cây mít vẫn đảm bảo.
Tới đây thì ván cờ của tôi trên mảnh đất của anh botienthi tạm thời kết thúc, anh xem nếu thích làm thì cứ làm, thu nhập không nhỏ đâu.
Kết luận:
- Tăng thu nhập lên rất nhiều lần so với hiện nay ( 6.000.000đ/năm) nhờ thu nhiều sản phẩm: thỏ, gà, kỳ đà, mít, hoa màu…
- Lấy ngắn nuôi dài, mô hình này hỗ trợ mô hình kia do đó giá thành sản xuất sẽ rất thấp, lợi nhuận rất cao.
- Sau vài năm sẽ có một vườn mít hoàn chỉnh.
- Khi mô hình đã khép kín quỹ đất, nhân rộng ra nơi khác. Sẽ làm tăng quỹ đất, sau này đất có giá sẽ là một khối tài sản không nhỏ.
Một ý tưởng mơ hồ xin góp cùng các bạn.