Một ví dụ mẫu về cách thiết kế hệ thống tưới.

(Bài viết dành cho bạn nào đã biết sử dụng phần mềm chuyên dùng trong xây dựng: AutoCAD và phần mềm Excel)

Ở miền Tây Nam bộ, vùng nước ngập hoặc bán ngập; để trồng cây ăn trái, người ta thường đào mương lên liếp trồng cây. Liếp nỗi thường rộng 4-5m; mương đào rộng từ 3 đến 3,5m. Trên liếp người ta thường trồng hàng đôi các cây ăn trái trên 1 liếp để rể cây tự tìm đến nguồn nước ở mương hai bên. Trên liếp người ta tận dụng khoảng đất trống giữa 2 hàng cây trồng cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập.



Khi cây trồng chính còn nhỏ, rể cây chưa thể vươn xuống tự hút nước được; người ta dùng xuồng đặt máy nỗ di chuyển trên các mương đào bơm tưới lên các liếp trồng.



Công việc tưới như thế này quá thủ công, mất nhiều thời gian và công sức.



Mô hình trình bày dưới đây là vườn của một nông dân ở Sóc Trăng nhờ tôi thiết kế làm hệ thống tưới. Vườn trồng đu đủ, hàng đôi trên 2 bên liếp; hàng cách hàng 3,4m; cây cách cây 1,8m, làm ví dụ giúp bạn tư vấn, thiết kế mô hình tưới giá rẻ (khoảng 27 triệu/ha-tiền vật tư 21 triệu + tiền công 6 triệu) cho nông dân.

Mô tả:

- Đường ống chính 34 đi theo cạnh ngắn của khu vườn; gặp mương rộng 3,5m băng thẳng qua trên mặt mương.

- Từ ống 34 cắt T34-21, gắn van 21; tiếp đó gắn bầu 21-16, đi ống 16 về 2 phía, đến cuối liếp. Cuối ống 16 dùng nút bít 16 bịt lại.

- Trên ống 16, cứ 1,8m (giữa 4 cây đu đủ) khoan lổ 8mm, gắn cục khởi thủy vô; gắn tiếp ống nối cứng VĐT vô đưa lên cao 1,5m; gắn đa năng lớn vô để tưới.

- Chi tiết tính toán: (Mở file dự toán excel và file thiết kế AutoCAD ra, vừa đọc vừa bấm vào các ô xem công thức tính toán)

+ Tính số liếp tưới cùng lúc:

Chủ đầu tư đang dùng máy nỗ 9HP. Thông thường, người ta cho máy chạy garanty thì công suất tương đương máy bơm điện 2,5HP. Chọn thông số 25 m3/giờ để tính toán.



Với lưu lượng yêu cầu là 40 lít/béc/giờ/lần tưới; ta lấy 25.000 (lít/giờ) chia cho 40 (lít/giờ) (xem ô địa chỉ C6 trong bảng dự toán. Phép chia trả kết quả là với máy bơm như trên cho phép tưới cùng lúc 625 béc (Kết quả được trả ở C6)

*Quay lại bản vẽ AutoCAD, đếm được từ giữa về 2 phía liếp, mỗi bên có 42 béc (ghi ở ô C5). Như vậy mỗi liếp trồng có 84 béc. Tính được số liếp tưới cùng lúc là 625/84 (=C6/C5*2). Kết quả trả ở địa chỉ ô F4 là 7,44 liếp; ta chọn số liếp tưới cùng lúc là 7 liếp. Vườn có tổng số 14 liếp, mỗi lần tưới 7 liếp/giờ; tổng thời lượng tưới xong vườn là 2 giờ.



+ Tính đường kính các loại ống: Dùng phương pháp thiết diện tương đương, nghĩa là tổng thiết diện các béc hoặc tổng thiết diện đường kính ở sau phải nhỏ hơn hoặc bằng thiết diện đường kính ống trước nó.

*Ống cấp là ống cứng VĐT (thẳng đứng, gắn béc đa năng lớn), có đường kính trong 9mm, cung cấp nước cho 1 béc đa năng lớn có đường kính lổ phun là 2mm. D ống cấp > D lổ phun của béc -> khỏi tính toán.

*Tính đường kính ống thứ cấp:

Béc tưới đa năng có đường kính lổ phun là 2mm; tức bán kính =1mm; thiết diện của lổ phun được tính bằng công thức tính thiết diện (diện tích) hình tròn= bình phương bán kính nhân pi=1*1*3,1416, cũng bằng 3,1416 (mm2).

Mỗi 1 đầu van (tức nữa liếp, tính từ ống chính đi về cuối) có 42 béc tưới, cả liếp có 42*2 (=C5*2) nhân pi=3,1416. Trả kết quả ở ô C7 là 263,89 mm2.

Đường kính ống thứ cấp: Rút căn (dùng hàm SQRT() của Excel chia (tồng thiết diện các béc tưới chia (/) pi). Trả kết quả ở ô C8=9,1652 mm. Trên thị trường không có ống 9mm, ta chọn ống nhỏ nhất lền kề là ống 16mm.



Thấy chưa? Nếu không biết tính toán, áng đại ống 21 hoặc 27mm là chủ đầu tư tốn mới tiền mua ống lớn -> vô ích.

*Tính đường kính ống chính:

Tương tự như trên, ta tính tổng thiết diện của 7 liếp tưới cùng lúc (gồm 625 béc ở C6) nhân cho thiết diện của lổ phun 1 béc tưới đa năng (là 3,1416mm2 -chú ý đây là diện tích của lổ phun 2mm chứ không phải hằng số Pi). Kết quả trả ở ô F7 là 25mm, ta chọn đường kính ống chính là 34mm. Chọn 27mm cũng được nhưng theo kinh nghiệm, đường kính ống chính nên chọn lớn hơn 1 cấp nếu giá trị tính toán gần với ống danh định (là ống 27mm)



+ Tính chiều dài các loại ống: Dùng phần mềm Tg (Autolisp) chép vào thư mục chứa các files thiết kế. Dùng lệnh chọn nhanh (Tool -> Qick select -> polyline -Layer - Chọn layer đã định cho các loại ống như D34; D16 vv

Copy vào bộ nhớ tạm rồi past các đối tượng (Objet) vào một bản vẽ mới; nạp Autolip TG:Tools ->autoLISP ->bấm chọn TG -> Load ->close.



Tại dòng lệnh: gõ tg. Chọn toàn bộ các đối tượng - > kích chuột phải..



Hàng ngàn mét ống sẽ được hiển thị dưới màn hình AutoCAD. Ta gõ giá trị đó vào Excel, chia 4 là ra số lượng ống cần mua (làm tròn số)



Phân mềm TG tính tổng chiều dài line hoặc polyline các bạn có thể search trên mạng tải về.



Tóm lại: Làm hệ thống tưới nhất thiết phải biết thiết kế, tính toán trên cơ sở khoa học; nếu làm bằng cách ước lượng thì không trúng đâu vào đâu, với tâm lý sợ nước không tải đủ mà chọn đường kính ống lớn, tốn tiền vô ích.



Nông dân ta còn nghèo lại phải bị lãng phí!



Bài viết này mong được các bạn chuyên thi công hệ thống tưới chú ý để giúp nông dân có hệ thống tưới rẻ tiền theo đúng giá, mà không phải rẻ là của thối!



Dưới đây là các file bản vẽ và dự toán; các bạn bấm vô link tải về tham khảo./.



File bản vẽ dạng PDF:



thiet ke-Model.pdf



File bản vẽ AutoCad :

thiet ke.dwg

File dự toán (Excel)

DỰ TOÁN.xls
 


Thiết kế hệ thống tưới có phần mềm IrriPro rất hay, tính toán được mọi thứ liên quan, đặc biệt là các farm lớn, địa hình không đồng nhất. Mỗi tội giá chát quá.
 


Back
Top