Người dân bỏ ruộng!

Một sào lãi… 300.000 đồng! Thái Bình là một tỉnh thuần nông ở đồng bằng Sông Hồng, cũng vốn là vùng đất lúa nổi tiếng từ thời đất nước còn chưa thống nhất. Những tưởng “bờ xôi, ruộng mật” mãi là máu thịt của nông dân nơi đây. Vậy mà nay, dẫn chúng tôi ra thăm cánh Đồng Khơi, một trong những cánh đồng vốn màu mỡ tại Thái Bình, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vĩnh Thắng, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, trầm ngâm: “Cả khu ruộng này rộng 13 ha, đã bỏ không cho cỏ mọc từ 5 năm nay rồi. Tiếc lắm...”.

LQT_1961%20copy.jpg
Ông Nguyễn Quốc Trị trước cánh Đồng Khơi

<tbody>
</tbody>
Đăm chiêu nhìn cánh đồng cỏ mọc và như bị chặt ra thành nhiều khúc vì đường giao thông và nhà tầng, ông Trị kể: “Khu đất này trước bà con thường trầm trồ là “chiêm sau chùa, mùa Đồng Khơi” vì nó màu mỡ, hiệu quả. Nhưng từ khi làm đường giao thông tránh thành phố, rồi có chủ trương nâng cấp xã Phú Xuân lên phường, nó thành bãi cỏ hoang. Hơn 100 hộ dân có ruộng bỏ hoang trong đó”. Cùng loạt bài:
Bài 1: Sự thật chuyện nông dân bỏ ruộng
Bài 2: “Ôm” ruộng, ôm buồn và ôm… nợ
Bài 3: “Cởi trói” cho nông nghiệp từ tư duy nhà quản lý
Bài 4: Cần thực chất hóa các liên kết trong nông nghiệp
Bài 5: Giải pháp nào gia tăng giá trị nông sản?

Nghe vậy, chúng tôi tìm đến nhà một số hộ nông dân có ruộng bỏ hoang. Khoảng 3h chiều, đường vào thôn Thắng Cựu, xã Phú Xuân vắng hoe. Trên ngõ xóm ngoằn nghèo, một phụ nữ tất tưởi vừa đạp chiếc xe cà tàng. Ông Trị giới thiệu, đó là chị Liễu, một trong các hộ dân có ruộng bỏ hoang tại Đồng Khơi. Vóc người nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen, nhễ nhại mồ hôi, chị Liễu bảo: “Tôi đi tìm việc làm từ sáng đến giờ chưa được. Trông vào mấy sào ruộng, chả đủ ăn...”. Nhà chị Liễu 5 nhân khẩu, được chia 6,2 sào ruộng, trong đó 2,1 sào ở Đồng Khơi đã phải bỏ trắng mấy năm nay vì không thể tưới tiêu, rồi chuột phá, sâu hại. Còn 4,1 sào đang cấy, chị Liễu nhẩm tính: Nếu được mùa thì bình quân năng suất được khoảng 3 tạ lúa/sào/năm. Tiền mua phân bón, vật tư... mỗi sào, gồm: 150.000 đồng cày bừa, 150.000 đồng phân bón, 50.000 đồng thuốc diệt ốc và diệt cỏ, thuốc sâu 60.000 đồng, tuốt lúa 50.000 đồng, thuốc đánh chuột 20.000 đồng; tiền công cấy, gặt… chưa tính. Khi thu hoạch, bán lúa nếu được giá 600.000 đồng/tạ, sẽ thu được khoảng 1 triệu đồng/sào/vụ. Trừ chi phí, lãi khoảng 500.000 đồng/sào/vụ. Đó là nhà chị Liễu tự bỏ sức ra làm, lấy công làm lãi. Nếu phải thuê cấy, thuê gặt, coi như hòa, thậm chí lỗ. “Giá như số ruộng ở Đồng Khơi không phải bỏ trắng, mỗi năm chỗ đó cũng thu thêm được 5,5 tạ, thêm vào cho đỡ công lam lũ. Đằng này…”- chị Liễu thở dài. Vì thế mà giờ đây, hằng ngày chồng chị Liễu đi làm thợ xây trong thành phố. Còn những lúc rỗi vụ, chị Liễu cũng “đi làm phụ hồ, vì nếu bám vào ruộng lấy tiền đâu nuôi con đi học”.

LQT_1976%20copy.jpg
Chị Liễu: Vừa xong vụ, cả nhà chỉ có bằng này thóc!

<tbody>
</tbody>
Làm thuê thêm ngoài ruộng đồng như thế, mỗi tháng vợ chồng chị Liễu cũng kiếm thêm được khoảng 4,5 triệu đồng. Chị Liễu bảo: “Tôi đã 46 tuổi rồi, không đi làm công nhân được nên phải cố, chứ tội gì mà làm ruộng, bỏ quách cho xong… Ngay 4 sào nhà tôi đang cấy thì 1,3 sào thường xuyên bị ngập úng, lắm vụ cấy mà không được thu…”. Là một lão nông làm ruộng “gia truyền”, ông Trị đồng tình với chị Liễu: “Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng. Biết làm không có lãi, nhưng vẫn phải làm, vì tôi không làm thì ai làm? Là cán bộ, tôi phải làm gương thôi…!”. Ông Trị còn bảo, ở xã này, cánh trẻ khỏe họ đi làm công nhân trong khu công nghiệp hoặc lên các thành phố làm thuê cả rồi. Làng giờ vắng lắm. Mà phải thôi, nếu làm công nhân, ít nhất cũng được 2,5-2,8 triệu đồng/tháng/người. Chứ làm ruộng, quần quật mấy tháng, lãi chỉ vài trăm nghìn/sào. Theo ông Trị, từ khi có chủ trương xã Phú Xuân sẽ trở thành phường, không có đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp ở đây nữa, mặc dù đồng đất vẫn nông nghiệp. Trước khi làm đường tránh quốc lộ 10, cấp trên bảo sẽ làm đường gom để nhân dân đi làm đồng, nhưng đến nay vẫn không có. Thủy lợi cũng không có, nên dân bỏ ruộng. “Thấy đất bỏ hoang thì tiếc lắm chứ. Chúng tôi cũng đã kêu lên trên, kêu cả lên đại biểu Quốc hội rồi. Nhưng tiếp xúc cử tri xong, không thấy ai phản hồi gì cả!”. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho rằng: “Chuyện đó không đáng lo. Cả xã có 21,7 ha bỏ hoang như Đồng Khơi. Nhưng vẫn còn gần 200 ha cấy trồng được (trước là 450 ha đất lúa, nay đã bị thu hồi hơn 200 ha). Mà diện tích còn lại cũng đã quy hoạch làm công nghiệp, dịch vụ thương mại… Dự án có cả rồi, chỉ chờ nhà đầu tư. Nếu từ nay đến năm 2020 các nhà đầu tư tích cực vào thì đất nông nghiệp ở đây sẽ hầu như không còn.” Hơn nữa, cùng theo ông Lâm: “Thành phố đang rất tích cực để tháng 6/2014 lên đô thị loại 2. Đương nhiên, trong đó xã Phú Xuân sẽ thành phường. Hiện tại, Phú Xuân thuận lợi là có mấy khu công nghiệp quanh đây, bà con mở nhà trọ, nấu cơm bán cho công nhân, hoặc đi làm công nhân. Đơn cử, bán nồi canh mỗi ngày lãi 40.000 đồng cũng đủ ăn. Còn làm công nhân ít nhất cũng được 2 triệu đồng/tháng/người, quy ra 4 tạ thóc. Như thế thì ai làm ruộng nữa”. Không biết khi nào xã mới “lên đời” được như ông Lâm đang kỳ vọng. Trước mắt, nhiều bà con ở thôn Thắng Cựu rất sợ xã sẽ lên phường. Như chị Bùi Thị Hà, một nông dân năm nay 40 tuổi, ở xóm 2, than thở: “Từ ngày dập rìu lên phố, thấy đã khổ hơn. Chúng tôi không thích lên phố đâu. Lên thì con cái đi học tốn kém hơn, ưu tiên ít đi. Rồi thì chịu nước thải, ô nhiễm…”. Ai mua ruộng, được giá sẽ bán ngay Đất nông nghiệp bỏ hoang hiện chiếm khoảng 10% diện tích đất lúa tại HTX Vĩnh Thắng, chủ yếu do đô thị hóa. Ông Trị bảo, bà con mong được đầu tư xây kênh mương hoặc trạm bơm để tưới tiêu, sẽ không bỏ hoang ruộng nữa. Nhưng vì chờ mãi không thấy đầu tư gì, thành thử “khu này, nếu ai trả tiền mua lại ruộng, dân bán luôn”. Những tưởng chuyện ở xã Phú Xuân là hiếm, nhưng khi đến tỉnh Hải Dương (cũng là một vựa lúa), chúng tôi vẫn gặp lại cảnh nhiều nông bỏ ruộng và sẵn sàng bán ruộng nếu được giá. Tại thôn Mạc Động (xã Tân Dân, thị xã Chí Linh), ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Trường cho biết: “Thôn có gần 50 hộ bỏ ruộng trắng gần 3 ha từ 2 năm nay. Do giá cả vật tư, dịch vụ đầu vào cao, giá lúa thì thấp, dân không có lãi. Rồi cả chuột, sâu bệnh phá hoại quá…”. Ông Nguyễn Tiến Thắng, một lão nông ở thôn Mạc Động kể rất hào hứng: “Nhà tôi có 8 sào ruộng, nhưng hiện tại chỉ cấy 3 sào, 5 sào cho người khác nhưng họ cũng bỏ trắng vì làm thì lỗ...”. Nhà ông Thắng giờ làm dịch vụ buôn bán nhỏ (tạp hóa), “lãi cũng đủ sống, nhưng là đủ tồn tại, chứ không phát triển được. Bỏ ruộng hoang như thế thì tiếc, nhưng tôi làm dịch vụ, mỗi buổi sáng dù kiếm được 5.000 đồng vẫn còn thấy đáng hơn làm lúa”- ông Thắng đứng trước cửa hàng tạp hóa của mình ở ngã ba đầu làng mà kể. Đó là nhà ông Thắng còn có tí điều kiện mà buôn bán như thế, chứ dân làng Mạc Động bỏ ruộng là đi làm thuê đủ nghề từ gánh gạch, làm thợ xây, thợ hồ hoặc lên thành phố làm thuê, cửu vạn… Cách tính toán, ứng xử với ruộng đồng như ông Thắng cũng là dễ hiểu. Nhưng ông Thắng khiến chúng tôi giật mình với giãi bày tâm nguyện rằng: “Nguyện vọng của chúng tôi là bán ruộng, chỉ cần để ít thôi. Tới 70% dân làng muốn bỏ ruộng rồi, nếu có công ty đến mua 60-70 triệu đồng/sào, tôi bán ruộng ngay. Bán ruộng, có tiền tôi sẽ đầu tư cho con cái học hành, chăn nuôi, làm dịch vụ. Hoặc thà rằng bán ruộng lấy tiền gửi ngân hàng lấy lãi còn hơn. Nếu bảo cho ruộng, sẽ không ai cho, cứ giữ đó chờ có dự án sẽ được đền bù”. Còn tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tố, cho biết: “Nông dân ở đây làm lúa hiện rất khó khăn. Nếu thuận mùa, công bà con chỉ được 15.000-20.000 đồng/người/ngày. Vì thế mà hơn 100 hộ dân đã bỏ hoang 6,8 ha ruộng”. Là một trong số cả trăm hộ dân có ruộng bỏ hoang tại xã Văn Tố, anh Nguyễn Đức Đưởng, ở thôn La Giang, kể: “Nhà có 8 sào, nay bỏ hoang 4 sào, dù tất cả đều là đất tốt. Tôi giờ đi làm thợ xây, còn vợ đi làm công nhân. Giờ có ai mua ruộng là tôi bán luôn, lấy tiền tính cách làm việc khác”. Bỏ ruộng, rời quê Thấy nhiều nông dân muốn bán ruộng, chúng tôi hỏi: Nhà nông mà bán ruộng, rồi tính sao? Con cái sau này nữa? Lập tức anh Đưởng đáp: “Đến đời con thì tính sau. Bán ruộng tìm việc khác, ăn đong. Giờ đi xây cũng hơn cấy ruộng rồi”.

LQT_2093%20copy.jpg
Anh Đưởng và anh Lộc rời bỏ ruộng đồng đi làm thợ xây

<tbody>
</tbody>
Cùng thôn với anh Đưởng, anh Nguyễn Văn Lộc còn cho biết: Vợ chồng tôi có đi làm phụ hồ cũng được 150.000 đồng/ngày, hơn làm ruộng nhiều. Biết là tấc đất tấc vàng, bỏ hoang thì tiếc, nhưng cố “đấm” thì càng chết. Bắt buộc phải bỏ ruộng đi làm thuê, may ra còn đủ ăn và đóng học cho con”. Xem ra, chuyện người nông dân bỏ ruộng có nhiều nguồn cơn, nhưng vẫn chung một mấu chốt là làm ruộng thu nhập quá thấp. Họ bỏ ruộng không phải vì chán nghề mà vì nghề không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ. Nhưng nếu không có những giải pháp kịp thời, nông dân và con cháu họ sẽ ra sao, nếu từ hôm nay họ nhẹ buông ruộng đồng mà hướng đến một tương lai như anh Lộc nhận định: “Nếu cứ đà này, người bỏ ruộng còn nhiều nữa. Vì đẻ con ra không thể bỏ hoang, phải tìm cách cho nó ăn học, phải bỏ ruộng xoay việc khác. Chúng tôi giờ “trâu già khó uốn sừng” rồi, tìm được nghề khác không dễ. Dân làng tôi đặc thuần nông, giờ phải bỏ ruộng không biết vài năm nữa sẽ thế nào. Nhưng đành, mong trời sinh voi trời sinh cỏ, nước đến đâu ta chạy đến đó, chứ biết sao?./. Đón đọc bài 2
:​
“Ôm” ruộng, ôm buồn và ôm… nợ Nhóm Phóng viên/VOV online
Nguồn từ VOV online.
 


Trước hết phải khẳng định dân chỉ gắn bó với đồng ruộng khi đồng ruộng nuôi sống được dân.
Thứ 2 phải khẳng định cấy lúa có giống mới, kĩ thuật mới, chuỗi giá trị mới, cái con khỉ gì mới nữa cũng không thể nâng giá trị lên gấp 3 được. Mà gấp 3 cũng chỉ được 1tr/sào/vụ. Miền nam không biết thế nào chứ miền bắc mỗi nhà vài sào, 4 tháng 1 nhà cũng chỉ thu được vài triệu. Tóm lại lúa, ngô, khoai, sắn có lãi gấp 3 cũng không nuôi sống được người dân.

Con đường duy nhất cho nông nghiệp là hoa và rau... những cây có giá trị cao/ đơn vị S
Con đường duy nhất của hoa và rau là chế biến và xuất khẩu.
Con đường duy nhất của chế biến, xuất khẩu là sản phẩm chất lượng cao và đồng đều.
Con đường duy nhất để Chất lượng cao và đồng đều thì phải có hợp tác xã.
...........
Tóm lại là để đảng, nhà nước, chính quyền các cấp, toàn thể nhân dân cùng giải quyết.

Thêm một ý nữa: So với nước khác cái chúng ta thiếu là diện tích đất và vốn, cái nhiều hơn là người. Nên phải chọn cây gì cần nhiều công lao động mà máy móc không làm được, thì mới cạnh tranh được
 
Đọc hết bài thấy đau thương quá huhu. Phải làm khác đi chứ, phải khác thôi, đất cứ bỏ hoang sao nổi
 
Có lẽ vậy!
Ngaytrovellcd có thể gọi là may mắn khi được đi vài nơi trên đất nước mình và nhiều nơi trên quê hương mình nên vấn đề có thể dễ nhận thấy đó là "nồi cơm" của người nông dân Việt Nam. Cuộc sống nông thôn vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn khi nông sản làm ra năng suất chưa được bao nhiêu trong khi đó giá cả vật tư ngày một tăng cao.
Chúng ta vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng hiện tại nông dân trồng lúa thì cuộc sống rất vất vả. Nguồn nông sản nói chung và ngũ cốc nói riêng chúng ta có thể thừa nhưng vẫn phải nhập khẩu. Gạo cũng gạo Thái Lan, Đài Loan,... còn các loại như ngô, đậu tương,... để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì gần như nhập khẩu toàn bộ.
Một báo cáo từ tổng cục thống kê rằng năm 2013 nước ta xuất khẩu được 5triệu USD tiền gạo trong khi đó "chỉ" nhập có hơn 4 tỷ USD tiền nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vậy thì các bạn thấy nền nông nghiệp nước ta phát triển tới đâu rồi đó???
Ra chợ ngaytrovellcd nhìn thấy hàng nhậu khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan,... khắp các siêu thị, chợ huyện ở Việt Nam nhưng lượng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu???
Chúng ta học địa lý nói rằng 2/3 diện tích lãnh thổ là đồi núi nhưng nền nông nghiệp thì có thể nói là nhập khẩu từ A đến Z nào là gà thải loại của Hàn Quốc, Trung Quốc, bò thịt, heo thịt của Úc, Nga, ... nguyên liệu thì nhập liên tục.
Nhìn lại tình hình trong nước thì thấy đúng như bạn kvandiep trình bày. Đất đai manh múng, nông dân sản xuất lạc hậu, giống kém năng suất, chính sách chưa hợp lý,... và .... nói không hết được luôn.
Cuối cùng mong rằng chúng ta, những người nông dân tri thức hãy cố gắng làm sao để cuộc sống của chúng ta nói riêng, của nông dân Việt Nam nói chung ngày càng tốt đẹp hơn.
 

Thành sự tại Thiên.
Một vài mạng nghèo, làm sao đổi được mệnh trời?
Kẻ thuận thì sống, kẻ nghịch thì phải xuống.
 
Có lẽ đây là những dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi sang một mô hình mới. Mô hình sản xuất tập trung với quy mô công nghiệp. Người nông dân từ xưa tới nay chủ yếu làm nông với kinh nghiệm truyền thống, lại nhỏ lẻ nên không hiệu quả là đúng rồi.
 
Có lẽ vậy!
Ngaytrovellcd có thể gọi là may mắn khi được đi vài nơi trên đất nước mình và nhiều nơi trên quê hương mình nên vấn đề có thể dễ nhận thấy đó là "nồi cơm" của người nông dân Việt Nam. Cuộc sống nông thôn vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn khi nông sản làm ra năng suất chưa được bao nhiêu trong khi đó giá cả vật tư ngày một tăng cao.
Chúng ta vẫn tự hào là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng hiện tại nông dân trồng lúa thì cuộc sống rất vất vả. Nguồn nông sản nói chung và ngũ cốc nói riêng chúng ta có thể thừa nhưng vẫn phải nhập khẩu. Gạo cũng gạo Thái Lan, Đài Loan,... còn các loại như ngô, đậu tương,... để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì gần như nhập khẩu toàn bộ.
Một báo cáo từ tổng cục thống kê rằng năm 2013 nước ta xuất khẩu được 5triệu USD tiền gạo trong khi đó "chỉ" nhập có hơn 4 tỷ USD tiền nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vậy thì các bạn thấy nền nông nghiệp nước ta phát triển tới đâu rồi đó???
Ra chợ ngaytrovellcd nhìn thấy hàng nhậu khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan,... khắp các siêu thị, chợ huyện ở Việt Nam nhưng lượng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu???
Chúng ta học địa lý nói rằng 2/3 diện tích lãnh thổ là đồi núi nhưng nền nông nghiệp thì có thể nói là nhập khẩu từ A đến Z nào là gà thải loại của Hàn Quốc, Trung Quốc, bò thịt, heo thịt của Úc, Nga, ... nguyên liệu thì nhập liên tục.
Nhìn lại tình hình trong nước thì thấy đúng như bạn kvandiep trình bày. Đất đai manh múng, nông dân sản xuất lạc hậu, giống kém năng suất, chính sách chưa hợp lý,... và .... nói không hết được luôn.
Cuối cùng mong rằng chúng ta, những người nông dân tri thức hãy cố gắng làm sao để cuộc sống của chúng ta nói riêng, của nông dân Việt Nam nói chung ngày càng tốt đẹp hơn.

Cố lên anh, cố lên cả nhà. Chúng ta cần hợp lực để làm khác đi, ít nhất là từ chính chúng ta đã, rồi những điều tích cực sẽ được lây lan, rồi những cái ko tốt sẽ tự bị bài trừ dần thôi, rồi sản phẩm Trung Quốc sẽ bị tẩy chay, hãy có niềm tin tích cực vào cuộc sống, em chắc chắn sẽ làm nông trong tương lai, mong rằng góp 1 phần nhỏ trước
 
Ai biết làm ruộng giao luôn 5ha ruộng, đầu tư luôn máy móc để giảm công sức lao động rồi bao tiêu luôn hạt lúa cho nông dân để có thể thu hồi lại được khoản đầu tư máy móc. Chỉ có như vậy thì may ra vực dậy được chứ không khéo vài năm nữa lại "sốt gạo" thì khổ túi tiền của em nữa, hic
 
Đọc hết bài thấy đau thương quá huhu. Phải làm khác đi chứ, phải khác thôi, đất cứ bỏ hoang sao nổi

Bỏ hoang trong khi những người muốn sử dụng đất đó với mục đích khác (Như chăn nuôi) cũng là Nông nghiệp thì lại không được phép !
Thật là ngán cái đất nước này quá !
 
Để giải quyết vấn đề này ngaytrovellcd nghĩ rằng chúng ta cần nhiều lắm "những bàn tay" của nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và cả nhà nông nữa. Tuy nhiên nếu chỉ trong đợi sự bắt tay của 4 nhà này thì nông dân ta có lẽ đã bỏ ruộng thành đất hoang cả rồi.
Dân Việt Nam nói chung và nông dân nói riêng hay có tính "bắt chướt" . Cụ thể những năm 1945 nước ta thiếu ăn, cái chết vì đói diễn ra hàng ngày và ngay trước mắt; những năm 1976 chúng ta cũng thiếu ăn, cơm phải độn cả khoai mì, vỏ bí, .... nhưng đến những năm 2005 thì Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới (thứ 3) từ đó chúng ta có thể "tự hào" rằng dân Việt Nam rất chịu khó và nghị lực phi thường. Vậy tại sao ngày nay nông dân ta ôm ruộng là ôm nợ; làm lúa chỉ có con đường lỗ????. Vấn đề nằm ở đâu?????
Câu hỏi đó Ngaytrove xin được mời tất cả các anh chị em quan tâm cùng suy nghĩ và dành những câu trả lời hợp lý nhất. Riêng về cuộc sống hiện tại của người nông dân Việt Nam, Ngaytrovellcd xin được đưa ra những giải pháp mang tính chủ quan như sau:
1 là chủ động dồn điền đổi thửa từ những người cùng canh tác trên những thửa ruộng gần nhau để có thể tạo dựng một đơn vị diện tích lớn. Khi đó chúng ta chủ động nguồn nước, con giống và đối tượng sản xuất để hình thành vùng chuyên canh riêng nhằm đạt đến hiệu quả kinh thế cao trên một đơn vị sản xuất. Ví dụ dồn thành 1ha để trồng hoa màu; nuôi trồng thuỷ hải sản,...
2 là chủ động tìm kiếm các đối tượng sản xuất mới phù hợp với nhu cầu thị trường địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới hiệu quả kinh tế hơn; làm cho cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc hơn.
3 hợp tác tìm nguồn đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất liên kết để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cung như nguyên liệu xuất khẩu cho các ngành nghề.
Vài ý tưởng như vậy, hy vọng học hỏi được nhiều hơn.
 
Tại sao lỗ. Tại vì giá thành sản xuất cao nếu so với các nước sản xuất quy mô công nghiệp. lúa thì bên tây không trồng vì họ ăn lúa còn ít hơn ta ăn bột mì. ví dụ như ngô chẳng hạn chi phí bên họ chỉ bằng khoảng một nửa bên ta

Thứ nhất: Dồn điền đổi thửa?. Một làng hàng trăm hộ cũng chỉ có mấy chục ha, gộp tât cả thành một mảnh thì quay lại thời bao cấp, gộp mỗi nhà còn 1 mảnh thì cũng chỉ vài ba sào. Nhìn cái máy cấy quay đi quay lại trên mảnh ruộng 3 sào ở nơi mới dồn mà nản. Bây giờ nhiều nơi gộp mỗi nhà một mảnh rồi, nhiều cái lợi nhưng mới giải quyết được một phần vấn đề, chưa cạnh tranh nổi với bên ngoài.

Thứ 2: Tìm cây mới đó là tất yếu, nhưng trước mắt thì khó lắm. để chuyển được thì phải xây dựng được hệ thống bảo quản, chế biến, tiêu thụ, mà quy mô hệ thống này phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chứ như bây giờ chuyển cái là cung vượt cầu, chuyển đi chuyển lại vẫn là cấy lúa cho chắc.

Thứ 3, hợp tác thì không vấn đề gì, chỉ cần đừng như nhà máy đường và vùng nguyên liệu, cả 2 rủ nhau chết chung.
 
Last edited by a moderator:
Ai biết làm ruộng giao luôn 5ha ruộng, đầu tư luôn máy móc để giảm công sức lao động rồi bao tiêu luôn hạt lúa cho nông dân để có thể thu hồi lại được khoản đầu tư máy móc. Chỉ có như vậy thì may ra vực dậy được chứ không khéo vài năm nữa lại "sốt gạo" thì khổ túi tiền của em nữa, hic

Còn những người không biết làm cho chết đói hết.~_^
Nếu làm được thế thì không cần phải đau đầu
 
Làm ăn chả được đồng nào, mất công mất tiền chi phí không bỏ mới lạ

Thực trạng ngành nông nghiệp nước ta không phát triển được do chính sách không quan tâm đến ngành nông nghiệp, hỗ trợ cho bà con nông dân. Mà ngành này luôn chịu ảnh hưởng tự nhiên, Điển hình năm nay, tết là thời điểm họ bán hoa màu được giá nhưng giá quá bèo, họ chả muốn đi thu lượm để luôn ở vườn
 
Ở quê em ruộng vẫn làm theo hợp tác xã, nhưng chỉ chung những cái cần chung, còn lại ai có ruộng người đó tự lo.
Ví dụ chung thủy lợi, chung cày bừa, chung đợt làm, chung kỹ thuật.
Còn lại cách làm của mỗi nhà và nhà ai có nhà đó quản lý.
Em thấy nhiều nơi làm nông nghiệp nhỏ lẻ từng người làm một, tự túc từ A-Z thì khó tồn tại nổi.
Ngày mùa ở quê em chỉ có vài ngày là hết. Nhân công vẫn thừa chưa biết làm gì nên cũng vẫn bỏ làng đi nhiều.
Vấn đề bây giờ em nghĩ nhiều nhất là đầu ra xuất khẩu đc cái gì mà nước khác không cạnh tranh được. Dùng nhiều nhân công, nhưng cần sự tỉ mỉ, ít cần công nghệ cao. EM ko biết cây gì thì phù hợp.
Em mới đọc thấy có cái vụ xuất khẩu hoa quả sấy sạch. Hoa quả trồng theo phương pháp hữu cơ, sấy khô và xuất khẩu. Yêu cầu là cần hoàn toàn hữu cơ, cần công chăm sóc và không sử dụng hóa chất. Không biết có ai có kinh nghiệm cái này chỉ em với ạ?
 
Last edited by a moderator:
Thực trạng ngành nông nghiệp nước ta không phát triển được do chính sách không quan tâm đến ngành nông nghiệp, hỗ trợ cho bà con nông dân. Mà ngành này luôn chịu ảnh hưởng tự nhiên, Điển hình năm nay, tết là thời điểm họ bán hoa màu được giá nhưng giá quá bèo, họ chả muốn đi thu lượm để luôn ở vườn

Ví dụ như giá rau màu tết năm nay rẻ, bạn muốn nhà nước quan tâm, hỗ trợ như thế nào ?
 


Back
Top