Nông dân Bến Tre thoát nghèo nhờ nuôi bò (Bo ba tri)

  • Thread starter linh0419
  • Ngày gửi
Chỉ với diện tích đất bình quân đầu người khoảng 1 công (1.000 m2) nhưng hàng nghìn hộ gia đình tại huyện Ba Tri, Bến Tre đang có thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá nhờ phát triển nghề nuôi bò. Bên cạnh tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân là sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò và một số chương trình hỗ trợ người dân vốn vay, cho “mượn” bò để khởi nghiệp.
“Con bò là đầu cơ nghiệp”
Sáu năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị The, ngụ ấp Tân Thanh 3, xã Tân Xuân mua một cặp bò cái về nuôi vì tiếc rơm rạ bỏ không ngoài đồng và muốn có thêm việc làm những lúc nhàn rỗi. Một cặp bò lúc đó gần 7 triệu đồng. Hai năm sau, giá cặp bò đã lên gấp đôi, còn bây giờ giá mỗi cặp bò khoảng 40 triệu đồng.
“Trang trại” của gia đình bà The đặt ngay sau nhà với ba chuồng bò, tổng cộng hơn 30 con. Bà kể, mỗi năm bán bò nghé cũng được khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn được chừng 120 – 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, bà The cho biết, bà chỉ cho bò ăn cỏ, rơm rạ và cám gạo. Để nuôi hơn 30 con bò, bà trồng cỏ trên diện tích gần 3 công đất (3.000 m2) sau nhà; cộng với mảnh ruộng gần 5 công được tận thu rơm rạ. Ngoài ra, bà còn mua rơm của một số hộ dân ở cạnh để tích trữ cho bò ăn dần. Bà kể rơm phải ủ 3 – 4 tháng cho hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới bắt đầu cho bò ăn. Công việc chăm sóc bò cũng nhẹ nhàng, chỉ có bà và đứa con dâu đảm trách, thỉnh thoảng, cậu con trai đang học lớp 12 phụ thêm việc cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại.
Cạnh gia đình bà The là hộ bà Nguyễn Thị Hạnh. Bà Hạnh mua một cặp bò cái từ năm 2008 từ vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo. Hiện đàn bò của gia đình bà Hạnh đã nhân giống lên được gần chục con. Bà Hạnh vui vẻ khoe gia đình bà vừa bán bò để làm lại ngôi nhà kiên cố gần 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Xuân cho biết, nuôi bò là nghề có truyền thống lâu đời tại địa phương. Đối với người dân Tân Xuân, con bò thật sự là đầu cơ nghiệp. Tân Xuân cũng là một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh Bến Tre, đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của cả tỉnh. Người dân nơi đây có truyền thống chịu thương chịu khó nên đã tận dụng rất tốt các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nghề nuôi bò. Ông Năm cho biết giá bò thịt, bò giống đều ổn định và có xu hướng tăng liên tục trong các năm qua. Đàn bò của Tân Xuân nói riêng và Ba Tri nói chung được đánh giá cao về chất lượng thịt nhờ người dân chỉ sử dụng cỏ, rơm rạ, cám gạo, ngô để nuôi chứ không sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi để thúc tăng trọng.
Nhiều chương trình hỗ trợ người dân
Ông Năm cho biết giá mỗi con bò hiện nay cao gấp gần 10 lần so với các năm 2006 – 2007. Chất lượng đàn bò được cải tạo, giống bò vàng địa phương với thể trạng nhỏ, tỉ lệ thịt thấp gần như đã được thay thế hoàn toàn bằng các giống bò lai thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo. Các giống bò lai phổ biến bao gồm Brahman, Droughmaster… Đây đều là những giống bò có khả năng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, ít bệnh tật và sinh sản dễ dàng.
Ông Năm kể cũng vào năm 2008, Ủy ban nhân dân xã Tân Xuân tổ chức chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng cách sử dụng Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho các hộ nghèo. Theo đó, Quỹ này cho vay mỗi hộ 10 triệu đồng với điều kiện các hộ dân này phải mua một cặp bò về nuôi. Kết quả có 169 hộ được cho vay và đến nay tất cả đã thoát nghèo. Tổng đàn bò của 169 hộ này hiện nay là 816 con. Ngoài ra, một số chương trình cho hộ nghèo mượn bò trong thời gian ba năm, cho vay vốn để đầu tư nuôi bò, mô hình 5+1 của các cựu chiến binh trong xã (5 hộ khá giúp 1 hộ nghèo)… cũng đều hướng vào phát triển nghề nuôi bò.
Ông Nguyễn Văn Nở, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết, toàn xã có hơn 3.200 hộ dân và có đến gần 8.000 con bò. Trong đó, hơn 90% là bò lai siêu thịt với trọng lượng bò trưởng thành bình quân khoảng 450kg/con. Phương hướng tới đây của xã là tiếp tục tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, chủ yếu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ông Nở cho biết, hầu hết các hộ dân trong xã thoát nghèo đều nhờ nuôi bò. Ông nhẩm tính, một hộ dân nếu mua được một cặp bò cái (trị giá khoảng 50 triệu đồng) thì chỉ 3 năm sau là chắc chắn thoát nghèo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, tổng đàn bò của tỉnh hiện hơn 170.000 con, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú. Bến Tre cũng là địa phương có tổng đàn bò lớn nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mấy năm gần đây, một số chương trình lai tạo giống bò được triển khai rộng rãi tại các địa phương đã giúp cải thiện rõ rệt chất lượng đàn bò. Nhiều chương trình tín dụng, hỗ trợ người nghèo phát triển nghề nuôi bò cũng được triển khai đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo. Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phương hướng của tỉnh là tiếp tục nâng cao tổng đàn lên khoảng 200.000 con vào năm 2015 và 250.000 con vào năm 2020. Để thực hiện việc này, Bến Tre sẽ tập trung phát triển các mô hình nuôi bò sinh sản và bò thịt, khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi bò theo hướng trang trại. Tỉnh cũng mạnh dạn chuyển đổi hàng nghìn héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả sản trồng cỏ để nuôi bò./.
Hưng Thịnh
Mọi chi tiết vui lòng gọi 01234068249 hay www.bobatri.com Thân
 




Back
Top