Thiết bị thăm dò, diệt sâu bọ có cánh

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Các nhà khoa học thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị thăm dò, diệt sâu bọ có cánh gây hại cho cây trồng. Đây là thiết bị tương đối gọn nhẹ, có tính lưu động cao, diệt sâu bọ hiệu quả và ít tiêu tốn năng lượng. Ngoài ra, thiết bị này còn có khả năng dự báo các đợt dịch bệnh để phun thuốc phòng trừ kịp thời.
"Bẫy ánh sáng"...

Theo thống kê của tổ chức FAO, hằng năm, sâu bệnh gây thiệt hại tới 13,8% tổng sản lượng cây lương thực trên toàn thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh sinh sôi, phát triển. Theo ước tính, hằng năm thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở Việt Nam chiếm tới 15-20% tổng sản lượng lương thực. Vì vậy, công tác nghiên cứu, tìm kiếm các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả là đòi hỏi hết sức cấp bách.
>
Hiện nay, Việt Nam sử dụng rất nhiều biện pháp phòng, trừ sâu bệnh có tính tổng hợp như: trồng các giống cây có khả năng chống chịu sâu bệnh; phát triển thiên địch của sâu bọ; biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM)... Tuy nhiên, biện pháp sử dụng thuốc hóa học độc hại để "tận diệt" sâu bệnh xem ra vẫn được ứng dụng nhiều nhất. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, khả năng tồn dư chất độc trong nông sản cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gia súc. Nhiều nơi, bà con đã nhận thức được điều đó và áp dụng giải pháp "nông nghiệp sạch", tức là dùng các loại bẫy đèn đơn giản (đèn dầu, đèn măng-xông, đèn điện) để diệt sâu bọ có cánh. Ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, hiện đang sử dụng nhiều hình thức "bẫy ánh sáng kết hợp với lưới điện cao áp hoặc nhiệt" để dụ, bắt và diệt sâu bọ.

Xuất phát từ ý tưởng này, qua điều tra, phân tích vòng đời của nhiều loài sâu bọ, kế thừa một số mẫu thiết bị đã có, các nhà khoa học của Viện Cơ điện Nông nghiệp đã nghiên cứu, cải tiến và cho ra đời một thiết bị thăm dò, diệt sâu bọ có cánh mới. Kỹ sư Trần Xuân Hưng (phòng Điện - Tự động hóa) - chủ trì đề tài này cho biết: "Đây là thiết bị có kích thước nhỏ, gọn nhẹ, bao gồm ba bộ phận chính: nguồn điện sử dụng ắc-quy 15V/50Ah; bộ phận phát sáng, diệt sâu bằng cao áp và bộ phận thu gom sâu. Chúng tôi đã thử nghiệm thiết bị này trên cả ba vùng đất: trồng lúa, trồng màu, trồng cây ăn quả tại Duy Tiên (Hà Nam); Thường Tín, Sơn Tây (Hà Tây) và cho kết quả diệt trừ sâu bọ rất tốt, bà con nông dân cũng rất ưa thích sản phẩm này".

Tiêu diệt 85% sâu bọ


Kết quả thu được tại các địa điểm thử nghiệm thiết bị mới này so với đối chứng sử dụng bằng đèn bão và chậu đựng nước váng dầu để hứng sâu bọ của nông dân thường dùng là rất khả quan. Tại địa điểm đặt thiết bị mới này tiêu diệt sâu bọ với số lượng gấp 2-3 lần so với đối chứng, 85% sâu bọ bị tiêu diệt, số còn lại thì mất hẳn khả năng bay. Đồng thời, với ánh sáng đèn mạnh và ổn định hơn nên thiết bị này có thể thu hút, tiêu diệt được hầu hết các loại sâu bọ có cánh hoạt động vào ban đêm, tiêu diệt cả các loại sâu bọ lớn như: châu chấu, bướm, ruồi trâu, bọ xít... mà đèn bão ít có khả năng làm được.

Theo kỹ sư Trần Xuân Hưng, do sử dụng vi mạch điện tử nên thiết bị này rất gọn nhẹ, bền và có độ ổn định cao (khoảng 8 năm). Thiết bị sử dụng đèn compact, điện cao áp để diệt sâu bọ, làm việc theo chu kỳ nên không những diệt nhanh mà còn tiết kiệm điện ở bình ắc-quy, sau hai đêm mới phải sạc (sử dụng 9 tiếng/đêm). Mặt khác, chi phí điện năng rất thấp, chỉ xấp xỉ 0,2kWh/đêm (250 đồng) so với dùng đèn bão hết 0,4 lít dầu/đêm (1.600 đồng). Tuy nhiên, chi phí ban đầu (khoảng 3 triệu đồng/máy) vẫn còn khá cao so với thu nhập của nông dân.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Anh Dũng - Trưởng phòng Điện - Tự động hóa (Viện Cơ điện Nông nghiệp) cho biết: "Do không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất độc hại nào nên thiết bị góp phần bảo vệ môi trường và cả sức khỏe của con người. Ngoài chức năng diệt trừ sâu bọ, thiết bị này còn có thể giúp cho ngành bảo vệ thực vật trong việc thăm dò và cảnh báo để phát hiện loại sâu, mật độ sâu đang phát sinh, từ đó đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời, hữu hiệu. Đặc biệt, rất thuận tiện cho các vùng trồng rau an toàn. Chúng tôi biết giá thành của thiết bị vẫn khá cao nhưng nếu được sản xuất đồng loạt thì giá sẽ giảm, còn khoảng 60% so với giá trong giai đoạn nghiên cứu".

LÊ ĐÌNH ĐỨC
(Báo Nông thôn ngày nay)
 


Last edited:


Back
Top