VQG Cúc Phương: Hiệu quả từ chiến dịch “kiểm lâm ngủ rừng”

  • Thread starter starfoods
  • Ngày gửi
1718.jpg

Để đẩy lùi tình trạng săn bắn động vật hoang dã, “xẻ thịt” rừng trái phép, Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương đã thành lập các tổ công tác thay phiên nhau tuần tra 24/24 giờ. Chiến dịch “kiểm lâm ngủ rừng” đã mang lại kết quả khả quan, hiện tượng săn bắn, khai thác gỗ trái phép không còn xảy ra.

Xây dựng lực lượng hùng hậu

Ông Tạ Đức Biên, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương, tâm sự: “Những năm trước, tình trạng khai thác gỗ ở VQG có xảy ra nhưng chỉ là vụ nhỏ lẻ, phần lớn cây bị đốn hạ là gỗ tạp. Trước tình trạng đó, năm 2013, Ban lãnh đạo vườn, đặc biệt là Giám đốc Trương Quang Bích, đã tổ chức họp và quyết liệt chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm củng cố lực lượng, tích cực động viên kiểm lâm viên tăng cường công tác kiểm tra 24/24 giờ, triển khai chiến dịch “kiểm lâm ngủ rừng” để bảo vệ rừng một cách tốt nhất”.

VQG Cúc Phương có diện tích 22.200ha, trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Để bảo vệ diện tích rừng rộng lớn này, VQG đã thành lập một lực lượng hùng hậu gồm: 13 trạm kiểm lâm, 2 đội cơ động tuần tra xuyên rừng. Đặc biệt, khu vực tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh được xem là điểm nóng nên lực lượng kiểm lâm túc trực 24/24 giờ, không cho các đối tượng xấu có cơ hội vào rừng chặt phá, săn bắn.

Cụ thể, ở thôn Biện, xã Thạch Lâm (Thạch Thành – Thanh Hóa) được bố trí một trạm kiểm lâm (số 10) và một đội cơ động với tổng quân số 14 người. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo VQG Cúc Phương còn phối hợp, động viên UBND xã Thạch Lâm thành lập ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gồm 22 thành viên, do ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND xã, làm trưởng ban.

Ban chỉ đạo đã thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, nhờ các già làng, trưởng thôn, công an viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thôn bản, giúp bà con hiểu rõ và yêu rừng hơn.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ

Để đảm bảo cho anh em thực hiện tốt công tác tuần tra, ban lãnh đạo VQG đã trang bị những vật dụng cần thiết cho việc đi rừng và ngủ lại qua đêm như: dép rọ, thuốc trị muỗi, vắt, lồng ngủ tránh muỗi, vắt, thú dữ, thức ăn, nước uống và các vận dụng sơ cứu cần thiết.

Ngoài công tác tuần tra, VQG Cúc Phương cũng phối hợp với chính quyền các địa phương xung quanh rừng thống kê số lượng cưa xăng của bà con, thành lập các hòm sắt để khóa cưa xăng được đặt tại nhà trưởng thôn. Nếu gia đình nào muốn sử dụng cưa xăng thì phải báo cáo với trưởng thôn và nói rõ dùng cưa xăng vào mục đích gì. Khi trưởng thôn đồng ý mới bàn giao cưa xăng, xong việc người sử dụng bàn giao lại trưởng thôn.

Việc kết hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp VQG Cúc Phương thực hiện công tác bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Ông Biên cho biết: “Từ đầu năm tới nay, vườn không xảy ra vụ chặt phá, săn bắn động vật hoang dã nào. Do các tổ công tác nằm ở những vị trí trước đây là điểm nóng của lâm tặc, ở cửa rừng nên đã ngăn chặn được nhiều đối tượng có ý định vào phá rừng. Tuy nhiên, hiện nay vườn đang gặp một số khó khăn trong công tác bảo vệ rừng như: đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn; một số xóm, thôn nằm trong ranh giới của vườn nên tình trạng người dân tác động vào rừng là khó tránh khỏi…”.

VQG Cúc Phương có 19 quần xã thực vật, 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu được phân bố trong 231 họ, 917 chi. Đã phát hiện được 118 loài quý hiếm, 11 loài đặc hữu, 433 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài có thể dùng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin…Hệ động vật ở đây cũng vô cùng phong phú và đa dạng, chỉ tính riêng các loài động vật có xương sống đã lên tới 659 loài bao, gồm: 66 loài cá, 76 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim và 135 loài thú.

Về động vật không xương sống đã ghi nhận được 1.899 loài và dạng loài, thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong số đó có 81 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.

Nguồn: Kinh tế Nông thôn
 




Back
Top