Chia sẻ kỹ thuật chăm sóc và hái chè vụ Xuân

  • Thread starter ngongviet
  • Ngày gửi
Để có nương chè đạt năng suất cao, bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Làm cỏ:

- Vụ xuân thời tiết ấm dần làm cỏ non mọc nhanh và nhiều, vì vậy cần phải diệt trừ cỏ dại ngay từ đầu bằng cách xới cỏ giữa 2 hàng chè đồng thời dùng tay nhổ cỏ quanh gốc chè.

- Nếu có điều kiện thì cày hoặc cuốc sâu từ 10 - 15cm giữa 2 hàng chè làm cho đất tơi xốp, giữ ẩm cho chè.

- Phát quang bụi rậm ở đường lô, ven đồi chè nhằm hạn chế sự trú ngụ và phát sinh, phát triển của sâu bệnh.

2. Bón phân:

- Tuỳ theo điều kiện đất đai, bà con quyết định lượng phân và tỷ lệ các loại phân bón theo tuổi và năng suất chè.

- Những diện tích chè đến thời kỳ bón phân hữu cơ và lân mà cuối năm chưa bón được thì cần bón bổ sung đầu năm với lượng như sau: 01ha bón khoảng 20 tấn phân hữu cơ + 500kg supe lân trộn đều, rạch sâu 20 - 30cm theo rìa mép tán, rải phân và lấp kín đất.

* Lượng phân bón thúc trong năm được tính theo năng suất chè búp tươi:

- Đối với những nương chè cho năng suất < 6 tấn/ha:

Bón phân theo tỷ lệ:

+ Đạm urê: 260kg/ha, tương đương 10kg/sào.

+ Supe lân: 375kg/ha, tương đương 14kg/sào.

+ Kali Clorua: 135kg/ha, tương đương 05kg/sào.

- Đối với những nương chè cho năng suất > 6 tấn/ha:

Bón phân theo tỷ lệ:

+ Đạm urê: 390kg/ha, tương đương 14kg/sào.

+ Supe lân: 625kg/ha, tương đương 23kg/sào.

+ Kali Clorua: 200kg/ha, tương đương 7,5kg/sào.

* Cách bón như sau: Tiến hành rạch hàng hoặc bón từng hốc theo rìa mép tán phía trên, rạch sâu 6 - 8cm, rải đều phân và lấp kín đất.
+ Phân lân bón 1 lần vào đầu năm (tháng 2 - 3).

+ Phân đạm bón 4 lần vào các tháng: Tháng 2 bón 40% tổng lượng đạm trong năm, tháng 4 bón 20%, tháng 6 bón 30%, tháng 8 bón 10%.

+ Phân kali chia làm 2 lần bón: Tháng 2 bón 60% tổng lượng Kali trong năm; tháng 4 bón nốt số phân còn lại.

3. Thu hái chè:

Hái chè là thao tác rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng chè. Vì vậy chỉ hái những búp đủ tiêu chuẩn (búp đủ tiêu chuẩn là búp có từ 4 - 5 lá thật). Khi trên mặt tán chè có trên 30% số búp đủ tiêu chuẩn tiến hành hái san trật. Hái 1 tôm + 2 đến 3 lá non để chừa 2 lá thật, không hái non quá hoặc già quá. Hái chè vụ xuân vào tháng 3 - 4 và hái 1 tôm + 2 đến 3 lá thật, chừa 2 lá thật, 1 lá cá.

Lưu ý:
- Tuyệt đối bà con không được dùng dao, liềm, kéo cắt chè. Vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đồng thời ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của các lứa chè sau, dẫn đến sản lượng búp chè giảm, nương chè nhanh già cỗi. Sau khi hái chè về cần trải mỏng búp chè từ 3 - 5cm ở nền nhà sạch khoảng 30 phút để búp chè thoáng và bay hết hơi nước. Sau đó vận chuyển đến cơ sở chế biến.

- Để tạo tán chè thích hợp cho sử dụng hái chè bằng máy trong vụ hè và vụ thu, vụ xuân bà con nên hái bằng tay (vị trí hái: cách vết đốn từ 12 - 15cm); sửa tán phẳng bằng máy để chè sinh trưởng đồng đều.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại:

Nương chè thường mắc một số sâu bệnh hại như: bệnh phồng lá chè gây hại từ tháng 3 - 4, rầy xanh gây hại vào tháng 5 - 6, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi gây hại vào tháng 6 - 9… Thường xuyên thăm và kiểm tra, phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lưu ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng khi thực sự cần thiết. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè đồng thời gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường.
 




Back
Top